‘007: No Time to Die’ và ‘Fast & Furious 9′ dời lịch chiếu
“No Time to Die”, phần phim thứ 25 về điệp viên James Bond, lùi lịch chiếu tới tháng 4/2021. Theo đó, bom tấn “Fast & Furious 9″ cũng phải thay đổi thời điểm ra mắt.
IndieWire đưa tin No Time to Die, bộ phim đánh dấu lần xuất hiện cuối cùng của nam diễn viên Daniel Craig trong vai James Bond, tiếp tục bị dời lịch chiếu. Bộ phim bom tấn hành động của sẽ ra mắt khán giả từ 2/4/2021, thay vì tháng 11 như kế hoạch gần nhất.
Theo đó, F9, phần tiếp theo của thương hiệu Fast & Furious, phải lùi lịch chiếu từ 2/4 tới 28/5/2021.
United Artists chịu trách nhiệm phát hành No Time to Die tại Bắc Mỹ. Còn Universal đảm nhận nhiệm vụ tương tự với bom tấn điệp viên tại các thị trường quốc tế. Với F9, toàn quyền phát hành thuộc về Universal.
No Time to Die sẽ ra mắt khán giả muộn hơn một năm so với kế hoạch ban đầu. Ảnh: MGM.
Thay đổi của 007 và Fast & Furious thêm một lần nữa đặt rạp chiếu phim vào tình thế “khát” phim mới. Tuy nhiên, nó cũng giúp Universal đạt được thế thượng phong khi phát hành các tựa phim đầu tiên với hệ thống rạp AMC sau thỏa thuận quan trọng đã ký kết hồi tháng 7.
IndieWire cũng xác nhận thông tin tựa phim kinh dị Freaky và phim hoạt hình The Croods: A New Age sẽ nhanh chóng được phát hành trên dịch vụ xem phim trực tuyến sau khi ra rạp vào tháng 11. Universal dự kiến đưa Freaky lên mạng sau 21 ngày kể từ thời điểm ra rạp 13/11, và The Croods: A New Age là 28 ngày sau mốc 25/11.
Giữa tình thế khó khăn trăm bề vì sụt giảm doanh thu và bị giáng cấp xếp hạng tín dụng, chuỗi cụm rạp AMC đã phải đồng ý với các yêu cầu mà Universal đưa ra: Universal được phép bán bản quyền trình chiếu các tựa phim do AMC độc quyền phát hành cho những rạp chiếu phim khác sớm nhất sau 17 ngày kể từ thời điểm phát hành tại Bắc Mỹ.
Dù 17 ngày, hay tuần thứ ba từ thời điểm công chiếu, là độ dài tối thiểu khoảng thời gian trình chiếu độc quyền theo thỏa thuận của Universal và AMC, hãng vẫn đặt ra những mốc thời gian riêng dành cho từng trường hợp cụ thể.
Fast & Furious 9 lui lịch chiếu xuống tháng 5/2021. Ảnh: Universal Pictures.
Freaky đến từ xưởng Blumhouse là phần ngoại truyện của Happy Death Day với sự góp mặt của Vince Vaughn. Dự án tiếp tục đi theo mô hình phim kinh dị – hài kinh phí thấp với số vốn đầu tư ban đầu 5 triệu USD.
The Croods: A New Age sẽ ra mắt ngay sau Soul của Pixar. Theo một nguồn tin, Universal đang khuyến khích các rạp chiếu phim giữ chiếu cả hai tác phẩm ngay cả khi chúng đã xuất hiện trên các kênh trực tuyến.
Doanh thu 1 tỷ USD - giấc mơ đã xa với Hollywood
Có 9 bộ phim thu hơn 1 tỷ USD toàn cầu trong năm 2019. Nhưng chưa biết đến bao giờ mới lại có một tác phẩm điện ảnh vượt qua cột mốc doanh thu đó.
Năm 2019, tổng doanh thu phòng vé toàn cầu là 42,5 tỷ USD. Đó là thắng lợi của mô hình chiếu rạp truyền thống giữa bối cảnh nhiều dịch vụ chiếu phim trực tuyến ra đời và thu hút một lượng lớn thuê bao.
Song, dịch Covid-19 ập đến đã đập tan tinh thần lạc quan của cả chủ rạp phim lẫn nhà phát hành. Giống như mọi ngành nghề, ngành công nghiệp điện ảnh sẽ thay đổi mãi mãi.
Ngành công nghiệp điện ảnh bị thiệt hại nặng nề
Ngày 17/3, chính phủ Mỹ ban hành lệnh giãn cách xã hội trên toàn quốc. Theo đó, hàng loạt bộ phim buộc phải dời lịch, các dự án đang được thực hiện phải tạm hoãn. Tương lai của Hollywood bỗng nhiên phủ một màu xám xịt.
Lần lượt Mulan, A Quiet Place Part II, 007: No Time to Die, Fast & Furious 9, Black Widow, Wonder Woman 1984... không thể giữ ngày khởi chiếu khi rạp chiếu phim không được phép đón khách.
007: No Time to Die là một trong những bom tấn phải dời lịch phát hành vì dịch bệnh. Ảnh: Universal.
Một số dự án vẫn cố gắng ra rạp trong thời gian qua, như Tenet hay The New Mutants, bất chấp việc mới có 70% số rạp tại Mỹ mở cửa trở lại và hai thị trường lớn là New York cùng Los Angeles vẫn "đóng băng". Nếu so sánh doanh thu phòng vé cả mùa hè, doanh thu tại Bắc Mỹ trong 2020 giảm 98% so với cùng kỳ 2019. Nói cách khác, cả mùa phim hè đã bị xóa sổ.
Trở lại năm 2019, có 9 bộ phim đạt doanh thu trên 1 tỷ USD toàn cầu, mà dẫn đầu là Avengers: Endgame với 2,79 tỷ USD - vượt kỷ lục 2,78 tỷ USD của Avatar (2009) vốn đứng vững suốt 10 năm trước đó.
8 tác phẩm còn lại bao gồm một phim Star Wars, hai phim live-action dựa trên bản hoạt hình cũ của Disney, một phim siêu anh hùng khác cũng của Marvel, và Joker - bộ phim duy nhất thuộc nhóm này không do "nhà chuột" phát hành. Nhìn chung, chuỗi tác phẩm cho thấy nhu cầu tới rạp của khán giả vẫn rất lớn.
Nhưng khi vaccine chữa trị hiệu quả nCov chưa xuất hiện, công chúng sẽ không quay lại rạp như trước. Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh tại Mỹ, ra rạp xem phim bị xếp vào nhóm "hành vi nguy cơ cao" khiến nhiễm virus.
Ngay cả khi các rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa (không bán hết số lượng ghế, khử khuẩn trước và sau mỗi suất chiếu...), người Mỹ vẫn chưa sẵn sàng ngồi trong một không gian khép kín suốt hai tiếng liền (hoặc hơn) với nhiều người xung quanh.
Doanh thu của Tenet cho thấy người Mỹ chưa sẵn sàng trở lại rạp chiếu phim. Ảnh: Warner Bros.
Minh chứng rõ nhất nằm ở Tenet. Theo The Wrap, phim hiện thu hơn 200 triệu USD toàn cầu, nhưng thị trường Bắc Mỹ chỉ đóng góp 30 triệu USD. Trong kỳ nghỉ cuối tuần thứ hai trình chiếu từ 11 tới 13/9, doanh thu bộ phim ở khu vực là 6,7 triệu USD.
Warner Bros. nhấn mạnh phát hành Tenet là cuộc chơi dài hơi và phim sẽ hưởng lợi khi không có thêm bom tấn nào phát hành từ nay cho tới đầu tháng 11. Song, những con số đó không thể khiến hãng an tâm. Cũng chính Warner Bros. là nhà phát hành mới đẩy lịch Wonder Woman 1984 từ 2/10 tới 25/12. Từ chỗ là bộ phim mang nhiệm vụ "giải cứu" phòng vé, chính Tenet hiện cần được "giải cứu" khi dự án tiêu tốn tới 200 triệu USD để sản xuất.
Năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các nhà rạp sẽ đón nhận nhiều bộ phim bị hoãn từ 2020, cũng như hàng loạt tác phẩm đặt lịch từ trước như The Batman, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings... Song, theo tạp chí Forbes, hiện không ai dám nghĩ tới con số doanh thu 1 tỷ USD - cột mốc mà 9 bộ phim năm 2019 đã đạt được.
Sự thắng thế của chiếu phim trực tuyến
Trong lúc ngành công nghiệp chiếu rạp lao đao, thì các dịch vụ chiếu phim trực tuyến lại đang vươn lên cực kỳ mạnh mẽ. Hồi tháng 7, Netflix thông báo họ đón nhận thêm 26 triệu lượt thuê bao mới trong 2020. Trước đó, hồi giữa 2019, "ông trùm" chiếu phim online tiết lộ có thêm 12 triệu lượt thuê bao trong sáu tháng đầu năm.
Tạp chí Forbes nhấn mạnh ngành công nghiệp giải trí hay điện ảnh sẽ không mai một, mà chỉ như đang thay đổi hình thức tiếp cận khán giả. Cũng trong tháng 7, Disney - dịch vụ chiếu phim của Disney - đón nhận lượt thuê bao thứ 60 triệu. Ban đầu, "nhà chuột" đặt mục tiêu đạt tới con số đó vào năm 2024. Còn HBO Max cũng chuẩn bị đạt mức 40 triệu lượt thuê bao trong năm 2020.
Các dịch vụ chiếu phim trực tuyến phát triển mạnh mẽ trong năm nay. Ảnh: Netflix.
Bên cạnh nội dung dành riêng cho các dịch vụ trực tuyến kể trên, người dùng bắt đầu có cơ hội thưởng thức các tác phẩm lẽ ra được trình chiếu ngoài rạp nhưng hiện không thể do dịch bệnh.
Disney chủ động đưa Mulan lên Disney tại những nơi dịch vụ đã đặt chân tới, Bill & Ted Face the Music của Keanu Reeves cũng sớm được chào mời thuê online, Trolls World Tour phát hành cả trên mạng lẫn ngoài rạp cùng lúc hồi tháng 4 và gây ra cuộc tranh cãi giữa Universal với AMC...
Tháng 10 tới, thuê bao của Disney chuẩn bị được thưởng thức mùa hai của The Mandalorian. Mùa đầu tiên của series Chiến tranh giữa các vì sao vốn rất được đón nhận từ lúc dịch bệnh còn chưa xuất hiện. Giới quan sát nhận định tác phẩm sắp ra mắt sẽ còn gây tiếng vang lớn hơn nữa.
Sẽ là thiếu công bằng nếu nhận định phim trực tuyến giành chiến thắng nhờ dịch bệnh. Sự dịch chuyển tại Hollywood đã âm thầm diễn ra trong vài năm qua. Các dịch vụ trực tuyến đã sớm đánh bại truyền hình truyền thống và truyền hình cáp bằng một "menu" phim khổng lồ. Giờ khán giả không phải chờ tới giờ để thưởng thức series mình yêu mến hay đặt giờ thu lại nội dung trên sóng nữa. Tất cả đều có thể xuất hiện trong một phần mềm xem phim.
Tại Oscar 2020, các tác phẩm của Netflix nhận tới 24 đề cử Oscar - nhiều nhất trong số các hãng phim tham dự. Điều đó phần nào cho thấy các dịch vụ chiếu phim trực tuyến không chỉ chú tâm vào sản xuất "món ăn nhanh", mà còn muốn chinh phục người xem bằng những xuất phẩm thực sự chất lượng.
Bản dựng Justice League do Zack Snyder thực hiện dài bốn tiếng và dự kiến lên sóng HBO Max trong 2021. Ảnh: HBO Max.
Một trường hợp đặc biệt là Justice League. Phiên bản chiếu rạp năm 2017 của Joss Whedon vấp phải phản ứng trái chiều và trở thành "bom xịt" tại phòng vé. Tới đây, Zack Snyder dựng lại một bản phim dài bốn tiếng. Dĩ nhiên, rất khó để đưa một tác phẩm như vậy trở lại rạp và HBO Max chính là đáp án cho bài toán tiếp cận khán giả.
Hay ngay cả "ông trùm" dòng phim siêu anh hùng Marvel Studios cũng đã và đang xây dựng hàng loạt series trên Disney , như Loki, WandaVision, Falcon and the Winter Soldier... Chúng có mối quan hệ mật thiết với các bộ phim điện ảnh chiếu rạp, chứ không rời rạc như Agents of S.H.I.E.L.D. hay chuỗi tác phẩm Marvel TV thực hiện trước đây.
Hồi mùa hè, đạo diễn Christopher Nolan của Tenet đã thảo một bức tâm thư gửi đến khán giả, chia sẻ về niềm đam mê điện ảnh của bản thân, cũng như nhấn mạnh các bộ phim chỉ có thể được thưởng thức trọn vẹn ngoài rạp.
Không ai phản đối ý kiến của ông. Nhưng thực tế thì đến Martin Scorsese cũng đã làm phim cho các dịch vụ trực tuyến. Sự thắng thế của mô hình này trong 2020 là điều không ai có thể phủ nhận. Còn mô hình phát hành truyền thống sẽ tiếp tục loay hoay, cho tới chừng nào dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn nhờ vaccine.
'Fast & Furious 9' và loạt bom tấn đã tước đoạt sự hồi hộp thế nào? Thực trạng đáng buồn của điện ảnh ngày nay chính là càng ngày càng khó để trailer của một bộ phim khiến khán giả "phát cuồng", hay cho thấy tiềm năng của bộ phim ấy. Tenet của Christopher Nolan xứng đáng là bộ phim được mong đợi nhất năm dù vị đạo diễn có thể đúng, có thể sai khi cố gắng đưa...