Youtube ở Việt Nam: Bao giờ nội dung mới… sạch?
Sau khi những video có tính chất giang hồ như của Khá Bảnh được gỡ xuống, khoảng 22 triệu người dùng Youtube tại Việt Nam đang tiếp tục phải chứng kiến các Youtuber sử dụng chiêu trò phản cảm khác để thu hút người xem.
Hành động đổ 200 quả trứng vào đầu mẹ mình của Tiến Lắp bị chỉ trích dữ dội
Kiếm tiền bất chấp thủ đoạn
Thử thách một ngày làm heo, vào nghĩa địa lấy đồ cúng, 24 giờ sống trong quan tài hay đổ nước mắm lên đầu mẹ… là cách những Youtuber Việt đang làm video để câu view. Đa phần, những video này đều chứa đựng nội dung phản cảm, bạo lực gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguy hiểm thay, nhiều bạn trẻ đang có tư duy làm video với nội dung điên rồ, ngay cả là hạ thấp danh dự bản thân và cả những người trong gia đình nhằm có được sự nổi tiếng. Điều đáng nói, chính những nội dung gây sợ, gây sốc như vậy lại đang thu hút lượng xem rất lớn và lọt vào tab (trang) thịnh hành. Mới đây, kênh Youtube có tên Mập Vlogs đã khiến cộng đồng mạng bức xúc bởi clip đổ nước mắm lên đầu mẹ ăn mừng 1.000 lượt đăng ký. Trong đoạn clip, người này đã sử dụng ba chai nước mắm và leo lên sân thượng để đổ vào đầu mẹ mình. Tuy đã được gỡ bỏ nhưng người này vẫn hứng cơn mưa chỉ trích từ dư luận bởi hành động lố lăng, thiếu suy nghĩ. Cá biệt có trường hợp của Tiến Lắp Vlogs, Youtuber này đã đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ mình từ ban công nhân dịp kênh nhận được 20.000 lượt đăng ký, tạo ra làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng. Dù mẹ của Youtuber cũng đã lên tiếng thanh minh cho cậu con trai của mình nhưng người này vẫn bị hành hung vì đã có hành động hỗn láo.
Trên các diễn đàn, đa phần mọi người đều tỏ ra bức xúc với hành động của các Youtuber. Khán giả Hikiri Fox chia sẻ: “Dành cả đời nuôi con để rồi thế này! Đạo đức của một bộ phận người trẻ đã suy đồi đến mức này rồi!”. Hay tài khoản Nguyễn Hà nhận định: “Đây là hậu quả của lối sống lệch lạc, ảo tưởng của một số thanh niên hiện nay”.
Hiện, chính sách chi trả của Youtube được cho chính là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Khi những video có lượt xem càng cao cũng đồng nghĩa với việc số lượt click vào quảng cáo cũng tăng theo. Những video có vài triệu lượt xem, số tiền thu về cũng không phải là nhỏ. Chính điều này đã khiến nhiều bạn trẻ làm video bất chấp những tiêu chuẩn về đạo đức, miễn sao thu hút được người xem.
Thiếu cơ chế quản lý
Thực tế cho thấy mặc dù Youtube và Google đã có những động thái mạnh tay nhằm siết chặt quản lý nội dung trên các nền tảng của mình nhưng dù vậy người dùng vẫn có những cách “lách luật” nhằm thỏa mãn sự tò mò. Chỉ cần một vài thao tác chỉnh sửa tuổi trên hồ sơ cá nhân mà không cần bất cứ giấy tờ chứng minh nào, người dùng đã có thể tiếp cận với các video không phù hợp với độ tuổi.
Hiện Youtube đang trực tiếp quản lý hơn 130.000 kênh tiếng Việt, trong đó có 55.000 video có nội dung xấu, vi phạm pháp luật. Mặc dù đại diện Google cũng đã khẳng định đã tăng cường công tác quản lý và gỡ bỏ hàng nghìn video có nội dung không lành mạnh nhưng không thể phủ nhận rằng, những video này vẫn xuất hiện nhan nhản trên Youtube. Thậm chí, nhiều kênh mới thành lập còn cố tình tạo nội dung gây sốc để thu hút sự chú ý hoặc re-up (đăng tải lại những video gốc có nội dung xấu từ kênh hoặc video đã bị xóa). Phía những nhà quản lý cũng thừa nhận rằng không có một công cụ công nghệ nào có thể quét hết những nội dung xấu trên website của họ và cũng không thể ngồi xem thủ công từng video.
Mức xử phạt hiện nay đối với việc đăng tải các hành vi vi phạm tuần phong mỹ tục ở nước ta chỉ khoảng 20.000.000 đồng. Mức phạt này được cho là không thấm vào đâu so với nguồn lợi thu về từ những video có nội dung xấu.
Về phía người dùng, không còn cách nào khác, họ phải chủ động có biện pháp xử lý online như báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ để ngăn người thân của mình có thể xem phải những nội dung xấu. Chỉ khi những video thô tục được gỡ bỏ hoàn toàn, khi đó, Youtube mới thực sự là kênh thông tin lành mạnh cho mọi lứa tuổi.
Video đang HOT
Theo văn hóa
Một nửa số tiền quảng cáo trên YouTube rơi vào các clip nội dung xấu độc, nhảm nhí
Ước tính cứ 10 đồng quảng cáo trên YouTube ở Việt Nam thì có 5 đồng chi cho quảng cáo trên các nội dung xấu độc, nội dung nhảm nhí. Số lượng các nội dung độc hại, nội dung rác được YouTube cho kiếm tiền quảng cáo không đếm xuể.
Hiện YouTube vẫn cho bật tính năng quảng cáo trên các clip có nội dung xấu độc.
Theo bà Hà Thị Tú Phượng, CEO METUB, các nhà quảng cáo chỉ thích chạy theo view, do đó đặt nặng việc quảng cáo trên những nội dung có view cao mà không quan tâm tới chất lượng của video. Hệ quả là với một MV của Sơn Tùng chi phí sản xuất lên đến 1 triệu USD thì tiền quảng cáo thu về chỉ tương đương với video của mấy bạn ngồi nhà làm clip đơn giản cũng đạt hàng triệu view.
Trao đổi với ICTnews về việc làm thế nào để hạn chế được những nội dung có chất lượng thấp trên YouTube, bà Hà Thị Tú Phượng cho hay: "Hiện tại YouTube đã thay đổi thuật toán để giảm đề xuất hoặc tắt kiếm tiền đối với những nội dung chất lượng thấp".
Trên YouTube đang tồn tại bạt ngàn các kênh làm nội dung có chất lượng thấp, các kênh này thường sản xuất video theo cách rất đơn giản nhất, đó là: Hàng ngày lấy ảnh và thông tin từ những sự kiện nóng trên các báo, rồi làm clip chạy chữ theo kiểu text kèm ảnh, có kèm lời đọc nội dung rồi đăng lên YouTube. Với cách làm clip đơn giản như thế hầu như chủ kênh không phải đầu tư nhiều công sức, chỉ cần ngồi nhà mỗi ngày có thể sản xuất hàng chục clip. Điều đáng nói những clip sản xuất theo cách đơn giản tối đa này cũng được YouTube bật quảng cáo và tính năng kiếm tiền.
"Các kênh này có không chỉ có chất lượng nội dung hình ảnh thấp mà còn vi phạm bản quyền hình ảnh và nội dung của các báo, thế nhưng YouTube vẫn bật tính năng kiếm tiền khiến cho nhiều người đua nhau làm các dạng video này. Có lúc mở YouTube ra xem người dùng được đề xuất một loạt nội dung nhảm kiểu đó", anh Bùi Minh T, một nhà làm nội dung trên YouTube phản ánh.
Cũng theo anh T, để thực hiện được một clip chất lượng khá công phu và chi phí tốn kém có khi vài chục triệu đồng, ngoài việc phải đầu tư thời gian, chi phí đi các nơi để quay hình, làm tư liệu, những đơn vị sản xuất nội dung bài bản còn phải đầu tư hệ thống trang thiết bị ghi hình, dựng hình, phòng quay phim hiện đại lên đến tiền tỷ. Thế nhưng, khi làm ra các sản phẩm video cũng chỉ kiếm được tiền quảng cáo ngang với những người ngồi một chỗ, đọc báo rồi sản xuất ra các clip tin tức có chất lượng hình ảnh, âm thanh rất kém. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những nhà làm nội dung có chất lượng cao.
Theo một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, số lượng các nội dung độc hại, nội dung rác vẫn được YouTube cho kiếm tiền quảng cáo không đếm xuể. Ước tính cứ 10 đồng quảng cáo trên YouTube ở Việt Nam thì có 5 đồng rơi vào quảng cáo trên các nội dung xấu độc, nội dung nhảm nhí. Trong khi đó, báo cáo với Bộ TT&TT, YouTube lại đổ lỗi cho chính các nhà làm nội dung ở Việt Nam là người tạo ra nội dung rác, nội dung xấu, độc. Việt Nam trở thành một trong số những nơi phát tán nội dung xấu độc, nội dung rác cao nhất trên toàn cầu.
Bình luận về vấn đề này, bà Tú Phượng cho rằng: "Phải đặt câu hỏi vì sao số lượng nội dung rác, nội dung xấu ở Việt Nam cao hơn hẳn so với các thị trường khác của YouTube. Mình không thể liên tục chờ sai phạm rồi lại đi xử lý được. Nhà nước cần có quy định rõ ràng: nội dung như thế nào là xấu, nội dung rác, có quy định rõ ràng sẽ giúp các nhà quản lý mạng đa kênh (MCN), nhà quảng cáo hay người tạo nội dung chặn ngay từ đầu vào hay lúc tạo nội dung. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích tạo nội dung có ích, mang tính giáo dục. Ví dụ, phối hợp cùng nhà quảng cáo tạo quỹ đầu tư cho việc sản xuất nội dung, trường quay, thiết bị để các bạn có kỹ năng kiếm tiền trên YouTube có thể sản xuất nội dung sạch...
Cũng theo bà Tú Phượng, các nhà sáng tạo nội dung là vấn đề chính, do đó để giải quyết tận gốc thì phải nhắm đến đối tượng này. Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube thì nghề làm nội dung trên mạng đang trở thành một nghề rất hot. Do vậy, nhà nước cần khuyến khích làm sao để giáo dục quan tâm hơn đến nghề này. Thường những người làm nội dung spam là những người rất am hiểu về kỹ thuật, nhưng lại không có tiền để làm các nội dung tốt. Cần khuyến khích các bạn ấy tham gia vào đội ngũ làm nội dung tốt, được đầu tư ứng dụng kỹ thuật cao để tạo ra các nội dung hay, có tính giáo dục thay vì xử phạt.
Theo số liệu của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), hiện có khoảng 136.000 kênh YouTube tiếng Việt, trong đó các mạng quản lý đa kênh (MCN) là các công ty được YouTube ủy quyền quản lý các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam quản lý khoảng 6.000 kênh, còn lại YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh. Cục PTTH&TTĐT cho rằng, sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý. Ví dụ, các kênh có sai phạm đã bị xử lý như Khá Bảnh, Bà Yến Ba Vàng đều là các kênh đăng ký trực tiếp với YouTube.
Theo ITC News
Youtube bị "sờ gáy" tại Việt Nam vì quản lý lỏng lẻo để video bẩn xuất hiện dày đặc Theo Bộ TT&TT, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Tình trạng các clip xấu, độc được đăng tải trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Chiều ngày 7/6, Cục hát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã công bố một loạt các...