YouTube, Facebook phải có bộ phận giải quyết khiếu nại tại Việt Nam
Theo dự thảo mới, YouTube, Facebook cùng các nền tảng xuyên biên giới khác đều cần có bộ phận xử lý khiếu nại tại Việt Nam, giải quyết trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) vừa trình dự thảo, lấy ý kiến để sửa đổi các nghị định về quản lý dịch vụ Internet. Trong đó, dự thảo đề xuất các mạng xã hội xuyên biên giới (như Facebook, YouTube) cần có bộ phận chuyên trách để tiếp nhận, xử lý và phản hồi yêu cầu của cơ quan chức năng, cũng như giải quyết và phản hồi khiếu nại của người dùng Việt Nam.
Phải xử lý khiếu nại trong 24 giờ
Dự thảo cũng quy định rõ việc mạng xã hội xử lý khiếu nại của người dùng Việt Nam. Cụ thể, trong 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người dùng, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới phải xử lý. Nếu khiếu nại chính đáng thì phải tạm khóa hoặc xóa các nội dung bị khiếu nại có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Dự thảo sửa đổi sẽ đưa ra căn cứ để xử lý các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, mạng xã hội xuyên biên giới chỉ được cung cấp tính năng livestream và các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức cho tài khoản, trang cộng đồng, các kênh nội dung tại Việt Nam đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Nếu nội dung phát trực tuyến có vi phạm, tổ chức hoặc cá nhân hoạt động xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất trong 3 giờ kể từ khi có yêu cầu của Bộ.
Quy định cũng nêu rõ thời gian tạm khóa từ 7-30 ngày với các tài khoản thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật. Nếu có yêu cầu từ Bộ TT&TT, doanh nghiệp viễn thông cần triển khai biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn việc truy cập nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong vòng 3 giờ.
Video đang HOT
Theo đề xuất của Bộ TT&TT, các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ. Các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 lượng người truy cập thường xuyên một tháng phải thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ và phối hợp xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.
Đối với các ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng do mình quản lý, phân phối, chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ.
Nhiều nền tảng xuyên biên giới chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật Việt Nam
Những nội dung trên được nêu trong điều 17 của dự thảo, nhằm bổ sung cho điều 22, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về cung cấp thông tin xuyên biên giới.
Theo dự thảo mới, các kho ứng dụng cần gỡ bỏ ứng dụng vi phạm pháp luật trong 24 giờ sau khi có yêu cầu từ Bộ TT&TT.
Bộ TT&TT cho biết đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép, tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%.
Số liệu của Bộ cho thấy các mạng xã hội nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn có mức ảnh hưởng và độ phổ biến lớn hơn mạng xã hội trong nước.
Tuy nhiên, các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập.
Theo Bộ TT&TT, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh.
Bộ TT&TT nhận định đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội, gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Do đó, Bộ đề xuất sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn với thực tế, khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên và bắt kịp xu thế phát triển của Internet và các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng.
Thuật toán YouTube vẫn hướng người xem vào nội dung độc hại
Hơn 71% video bị cắm cờ bởi nhóm tình nguyện viên vẫn được đề xuất bởi YouTube, theo một nghiên cứu mới đây của Mozilla (cha đẻ trình duyệt Firefox).
Tổ chức phần mềm phi lợi nhuận Mozilla Foundation mới đây đã phát hiện ra rằng thuật toán đề xuất của YouTube vẫn hướng người xem trực tiếp vào các video tin giả và nội dung gợi dục, dù rằng 71% số video đó đã bị người tham gia phản đối bằng cách cắm cờ.
Cắm cờ là một hình thức báo cáo (report) để người dùng thông báo cho YouTube biết video đó chứa nội dung vi phạm chính sách.
Nghiên cứu mới này tiếp tục giáng một đòn mạnh vào các nền tảng như YouTube, Facebook hay Twitter. Những năm gần đây, các nền tảng mạng xã hội khuyến khích người dùng chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa, nhưng đang phải đối mặt với pháp luật và áp lực dư luận khi để tin giả, nội dung độc hại tràn lan mà không có sự kiểm duyệt gắt gao.
Với YouTube, nó cho thấy nhiều lỗ hổng trong việc gợi ý người xem video có nhiều lượt xem thay vì nội dung có ý nghĩa.
Thuật toán đề xuất của YouTube góp phần lan truyền nội dung xấu độc, thuyết âm mưu.
Trong nghiên cứu của Mozilla, 37.000 tình nguyện viên đã sử dụng tiện ích mở rộng để đo đạc tần suất sử dụng YouTube trong 10 tháng liên tục kết thúc vào tháng 5/2021. Khi người tham gia cắm cờ một video, tiện ích mở rộng sẽ biết được video đó đã được đề xuất cho người xem hay người xem chủ động mở nó lên.
Các video bị cắm cờ nổi bật có phiên bản 'người lớn' của phim hoạt hình Toy Story và video giả mạo Bill Gates thuê sinh viên đếm phiếu bầu. YouTube sau đó đã gỡ bỏ 200 video mà người tham gia cắm cờ, nhưng tổng cộng vẫn có 160 triệu lượt xem trước khi bị gỡ, theo Mozilla.
Phát ngôn viên của YouTube cho biết đã giảm đề xuất của các nội dung độc hại xuống dưới 1% và nền tảng tạo ra 30 thay đổi so với năm trước để xử lý các vấn đề. Vị đại diện này cũng cho biết hệ thống AI có khả năng phát hiện 94% video vi phạm chính sách và gỡ bỏ phần lớn chúng trước khi đạt được 10 lượt xem.
Thuật toán đề xuất của YouTube giúp tạo ra hơn 2/3 trong số 1 tỷ giờ xem mỗi ngày, từ đó kiếm được doanh thu 19,7 tỷ USD trong năm ngoái. Khoảng 720.000 giờ xem được tải lên mỗi ngày là không được giám sát bởi con người như một phần để giảm tải chi phí.
Người đứng đầu nghiên cứu này bà Brandi Geurkink cho biết người tham gia hiếm khi được gợi ý video mà họ tìm kiếm, thay vào đó thuật toán đề xuất toàn những thứ họ không muốn xem.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 60% các video được đề xuất lại (sau khi đã bị cắm cờ) đều không phải ở các nước nói tiếng Anh mà chủ yếu ở Brazil, Đức và Pháp. Trong đó, hơn 20% số video bị cắm cờ được phân loại ở mục sai thông tin, 10% là ngôn ngữ thù hận và 7% là nội dung gợi dục.
Đáp lại, YouTube luôn từ chối cung cấp thông tin về thuật toán đề xuất và coi đấy là tài sản riêng của công ty.
Nóng: Ông Trump vừa nộp đơn kiện Mark Zuckerberg và loạt CEO máu mặt ở thung lũng Silicon Cuộc sống sau khi làm Tổng thống Mỹ của ông Trump dường như đang rất tù túng vì thiếu mạng xã hội và ông vừa đâm đơn kiện từ Facebook, Twitter cho tới Youtube. Tờ CNN đưa tin, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày hôm qua đã nộp đơn kiện nhắm vào Facebook và CEO Mark Zuckerberg, Twitter và CEO Jack...