Yếu tố nào khiến lãi suất cho vay khó giảm?
Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giảm bởi một số yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, giảm lãi suất không hề dễ.
Theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho biết, hệ thống tài chính trong 8 tháng đầu năm nhìn chung đã đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào. Tính đến 31/7/2016, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7 triệu 489 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm, còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp xấp xỉ 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm.
Tính đến cuối tháng 8/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5% so với đầu năm 2015. Vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, nhưng tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước (9,2%) và chưa có dấu hiệu bứt phá bước trong quý III/2016; trong đó, tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.
Việc giảm lãi suất cho vay còn gặp thách thức (ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 8 tiếp tục dồi dào. Điều đó được thể hiện rõ ở việc mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 0,3-0,5 điểm % ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước và duy trì ở mức thấp, trong khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 24% so với tháng trước; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục mua USD trên thị trường và đồng thời mở rộng phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn (14 ngày). Trong tháng 8, các tổ chức tín dụng đã hấp thụ hết lượng tín phiếu kỳ ngắn hạn do NHNN phát hành với mức lãi suất rất thấp trong khoảng từ 0,7% đến 1,2%/năm, thấp hơn lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần (1,28%/năm) càng cho thấy thanh khoản ngân hàng khá dư thừa. Theo thống kê tính đến 22/8/2016, NHNN đã hút ròng hơn 128.000 tỷ đồng qua thị trường mở.
Đáng chú ý, trong tuần cuối tháng 8 đầu tháng 9, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đà giảm. Từ mốc quanh 5%/năm ở cả ba kỳ hạn hồi đầu năm 2016, đến thời điểm đầu tháng 9 mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục đi theo chiều hướng giảm về mức thấp nhất trong lịch sử (dưới 0,8% ở cả ba loại kỳ hạn).
Cụ thể, trong tuần từ 28/8 đến 2/9 lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm và một tuần giảm nhẹ 0,02-0,06% lần lượt xuống mức 0,57% và 0,61%/năm. Lãi suất kỳ hạn hai tuần giảm mạnh hơn (giảm 0,13%) về mức 0,79%/năm.
Video đang HOT
Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, diễn biến lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử trong tuần vừa qua cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng không chỉ tiếp tục được duy trì mà còn đang tăng lên.
Liên quan đến việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm, UBGSTCQG cho rằng, có một số yếu tố thuận lợi cho hạ lãi suất. Đó là: Thanh khoản liên ngân hàng dồi dào; tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định; lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc trái phiếu chính phủ đã đạt hơn 89% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên, cơ quan này nhận định, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm. Nợ xấu tính đến tháng 6/2016 toàn hệ thống là 2,78%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm 2015. Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm là 59,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31 nghìn tỷ đồng, số nợ xấu bán cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng.
Có thể nói, việc xử lý nợ xấu còn chậm bởi còn vướng mắc về cơ chế, trong đó việc thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo và mua bán nợ theo giá thị trường gặp nhiều khó khăn do tài sản đảm bảo được mua với giá này nhưng sau một thời gian sẽ có giá khác, vì vậy sớm hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nhanh nợ là cần thiết.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia tài chính-ngân hàng, nợ xấu có dấu hiệu gia tăng cũng là rào cản cho việc giảm lãi suất cho vay bởi nợ xấu gia tăng đồng nghĩa với việc ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro, theo đó, chi phí tăng lên. Trong khi đó, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đang ở mức hẹp khiến lợi nhuận ngân hàng không cao.
Hương Thủy
Theo_Hà Nội Mới
Lãi suất chuyển biến tích cực
Một số ngân hàng đã rục rịch hạ lãi suất tiền gửi, trong khi lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh. Ba yếu tố này có thể làm cho lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới
Hàng loạt ngân hàng (NH) lớn như Sacombank, Eximbank, ACB, VPBank... vừa giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Hiện mặt bằng lãi suất huy động dao động 4,5%-5,4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4%-6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm.
Vốn huy động nhiều hơn cho vay
Lãnh đạo NH Tiên Phong cho biết lãi suất vay vốn NH bạn (liên NH) xuống còn 1,2%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tuần xuống còn 1,5%/năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều NH giảm nhẹ lãi suất huy động tiền gửi.
Lãi suất đang diễn biến theo hướng có lợi cho người vay Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, theo đại diện Sacombank, NH giảm nhẹ lãi suất huy động một số kỳ hạn là để cơ cấu lại nguồn vốn nhằm hạ giá thành vốn đầu vào, làm cơ sở duy trì lãi suất thấp với các gói cho vay. Thế nhưng, lãnh đạo Eximbank nhận định nhiều tháng trước, không ít NH đưa ra lãi suất cao dẫn đến vốn huy động nhiều hơn cho vay nên phải mua trái phiếu Chính phủ. Do lãi suất trái phiếu giảm nên các NH phải giảm lỗ bằng cách giảm lãi suất huy động.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong tháng 5-2016, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm 0,25%. Còn dư nợ cho vay đến cuối tháng 4-2016 tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt gần 4%), trong khi huy động vốn đạt trên 4,5%.
Lãi suất trái phiếu có thể giảm tiếp
Thị trường ghi nhận 4 NH thương mại nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn, lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn
Do huy động nhiều hơn cho vay gần 1% nên giới phân tích cho rằng hệ thống NH đang thừa vốn, báo hiệu xu hướng giảm lãi suất, nhất là trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm.
Chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất khó giảm thêm do từ nay đến cuối năm, kinh tế tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh, đòi hỏi các NH phải duy trì hoặc tăng lãi suất đầu vào để huy động được nhiều vốn phục vụ nền kinh tế.
Mặt khác, do chênh lệch giữa lãi suất huy động với cho vay khá thấp nên lợi nhuận của các NH rất yếu. Trong khi đó, NH luôn bị ám ảnh bởi "bóng ma" nợ xấu từ nhiều năm trước và phải sử dụng lợi nhuận để xử lý. Do đó, để bảo đảm có lãi, NH khó có thể giảm lãi suất cho vay.
Báo cáo kinh tế vĩ mô của Trung tâm Nghiên cứu BIDV dự báo lãi suất trái phiếu Chính phủ trong tháng 6-2016 tiếp tục giảm bởi tín dụng chưa vào mùa vụ giải ngân mạnh, dao động quanh mức 4,5%-4,8% đối với kỳ hạn 1 năm, 4,7%-5% đối với kỳ hạn 2 năm, 5,2%-5,5% đối với kỳ hạn 3 năm và 5,9%-6,2% cho kỳ hạn 5 năm.
Tiết giảm chi phí để giảm lãi suất vay Theo Chỉ thị 04 của Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH những tháng cuối năm 2016, các NH thương mại chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt khác, Chỉ thị 04 cũng lưu ý các NH thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng nhưng bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động; kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NH Nhà nước thông báo, bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo_24h
Thanh khoản ngân hàng dồi dào, lãi suất rục rịch giảm Những dự báo về căng thẳng trong cân đối tài khoản sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ đã được điều chỉnh nhờ thanh khoản của thị trường tiền tệ được duy trì khá tốt. Thanh khoản của khu vực ngân hàng đang khá dồi dào Những dự báo về căng thẳng trong cân đối tài khoản sẽ ảnh hưởng tới chính...