Yếu tim có được ‘yêu’?
“Yêu” liên quan trực tiếp đến nhịp tim và huyết áp. Đối với những người mắc bệnh tim mạch và huyết áp, bác sĩ khuyến cáo hoạt động tình dục cần được quan tâm chú ý và có chế độ sinh hoạt khác với người bình thường.
Người bệnh tim mạch hoàn toàn có thể sinh hoạt tình dục nhưng cần có chế độ phù hợp để không gây ra những biến cố tim mạch – ẢNH: SHUTTERSTOCK
Nhiều quan niệm sai lầm
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) vừa cấp cứu trường hợp của ông N.T.H (43 tuổi, ngụ TP.HCM) lên cơn đau tim đột ngột, ngạt thở, mặt mày tím tái trong một lần quan hệ với vợ.
Bệnh nhân được người nhà gấp rút đưa vào cấp cứu và được chẩn đoán suy tim mức độ 2 do bệnh động mạch vành. Các bác sĩ đã tích cực hồi sức và cứu sống được ông H.
Ông H. cho biết, mình nghiện thuốc lá và bị mỡ trong máu đã lâu, có những triệu chứng khó thở, đau ngực khi đi bộ lên 2 tầng lầu.
Sau khi phục hồi, ông được bác sĩ giải thích rõ tình trạng bệnh tim của mình, đồng thời tư vấn về chế độ “chăn gối” phù hợp với sức khỏe.
Trong khi đó, chị T.T.V (45 tuổi, ngụ Đồng Nai) lại rơi vào hoàn cảnh ngược lại. Chị từng phải can thiệp mạch vành tại BV ĐHYD. Tuy sức khỏe đã phục hồi và giảm thiểu nguy cơ biến cố tim mạch xuống mức thấp nhưng chị V. vẫn “cấm vận” chuyện “yêu” với chồng vì sợ sẽ khiến bệnh tái phát nặng hơn. Nhiều bất hòa trong cuộc sống vợ chồng từ đó cũng nảy sinh.
Theo ghi nhận của các bác sĩ BV ĐHYD, do những quan niệm truyền thống và tâm lý e ngại của người Việt Nam mà hoạt động tình dục luôn “nhạy cảm”, không được nhìn nhận đúng đắn với kiến thức y khoa.
Bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp cấp cứu liên quan đến chuyện “phòng the”. Đa phần người bệnh tim mạch cũng rất ngại ngùng để đề cập đến vấn đề này. Vì vậy, một là tìm cách giấu giếm các vấn đề tim mạch của mình và cố gắng duy trì sinh hoạt tình dục như bình thường; hai là “kiêng cữ” quá mức. Đây là những quan niệm sai lầm.
Chớ ngại “yêu” hay “quá liều”
Video đang HOT
Theo phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc BV ĐHYD, kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD: Hoạt động tình dục đúng mức, phù hợp không những giúp duy trì chất lượng cuộc sống và tinh thần tích cực đối với người bệnh, mà còn giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình và đem lại những lợi ích khác cho sức khỏe.
Người bệnh tim mạch hoàn toàn có thể sinh hoạt tình dục, nhưng cần có chế độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân để không gây ra những biến cố tim mạch.
Người bệnh tim mạch nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những nguy cơ biến cố tim mạch có thể xảy ra – NGUYÊN MI
Dựa trên các nghiên cứu khoa học một nhóm các giáo sư, bác sĩ người Canada đã tạo ra mô hình KiTOMI, giúp các bác sĩ tim mạch đo lường, xếp loại các mức độ nguy cơ biến cố theo tình trạng sức khỏe của người bệnh. Từ đó đưa ra những tư vấn chuyên môn, cũng như chế độ “yêu” phù hợp với từng đối tượng.
Dựa trên kết quả thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ xếp loại người bệnh vào ba nhóm nguy cơ biến cố tim mạch.
Cụ thể, nhóm nguy cơ cao bao gồm những người có bệnh lý tim mạch không ổn định, người bị suy tim mức độ 3 trở lên. Người bệnh thường có những biểu hiện khó thở, đau ngực dù không gắng sức hoặc gắng sức nhẹ.
Nhóm nguy cơ trung bình là người bị bệnh tim mức độ 2, có những triệu chứng đau ngực, khó thở khi hoạt động gắng sức vừa phải như đi lên 1, 2 tầng lầu.
Nhóm nguy cơ thấp là những người bệnh bị suy tim mức độ 1. Nhóm này chỉ có những cơn đau ngực ổn định hoặc khi gắng sức nhiều, người bệnh cao huyết áp nhưng đã được kiểm soát.
Với người bệnh tim mạch được xếp vào nhóm nguy cơ thấp có thể có các hoạt động tình dục bình thường. Còn với người bệnh tim mạnh nhóm nguy cơ cao sinh hoạt tình dục chỉ nên ở mức hôn, vuốt ve.
Bác sĩ Bình khuyến cáo: “Người bệnh tim mạch nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những nguy cơ biến cố tim mạch có thể xảy ra. Bên cạnh đó, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, người bệnh không nên cảm thấy e ngại, mặc cảm hay giấu giếm tình trạng của bản thân. Đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, người bệnh tim mạch càng không nên tự ý quyết định mức độ sinh hoạt trước khi có những thăm khám và tư vấn chuyên môn của bác sĩ. Thay vào đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm và nhận được sự tư vấn đúng đắn từ các chuyên gia”.
Với những người mắc bệnh tim mạch và huyết áp, hoạt động tình dục cần được quan tâm chú ý và có chế độ sinh hoạt khác với người bình thường – không ngại “yêu” cũng chớ “quá liều” để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc.
Theo thanhnien
Chớ dại mà sơ cứu nạn nhân bỏng bằng... dội nước đá, bôi mỡ trăn...
Nhiều vụ cháy xảy ra khiến không ít nạn nhân bị bỏng nặng. Trong đó, không ít nạn nhân bỏng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng không được sơ cứu đúng cách khiến tình trạng bỏng nặng hơn, dễ biến chứng, khó điều trị, phục hồi.
Không được bôi bất cứ thứ gì hoặc dội nước đá khi sơ cứu nạn nhân bỏng - ẢNH: NGUYÊN MI
Gần đây, nhiều vụ cháy nổ lớn xảy ra khiến không ít nạn nhân bỏng nặng. Cuối năm, ghi nhận của các bệnh viện cho thấy các trường hợp nhập viện do bỏng cũng có xu hướng gia tăng so với trong năm. Do đây là thời gian thường dễ xảy ra hỏa hoạn, các tai nạn gây bỏng nhiệt hoặc hóa chất, đặc biệt với trẻ em.
Trong đó, không ít nạn nhân bỏng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng không được sơ cứu đúng cách, thậm chí sai cách còn khiến tình trạng nặng hơn, biến chứng, khó điều trị và phục hồi.
Các bác sĩ khuyến cáo cách sơ cứu bỏng đúng để giúp giảm nhẹ chấn thương cho nạn nhân, người dân cần chú ý.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Phan Thái Sơn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, có những quan điểm sai lầm trong sơ cứu nạn nhân bị bỏng. Những thói quen trong dân gian không giúp ích cấp cứu bỏng nhiệt tốt mà còn khiến tình trạng nặng hơn, là: bôi kem đánh răng, mỡ trăn hay dội nước đá lên tổn thương bỏng.
Trong nhiều trường hợp, trước nạn nhân bị bỏng, nhiều người sơ cứu bằng cách đổ nước đá vào người nạn nhân. Theo tất cả các khuyến cáo của thế giới về vấn đề sơ cứu bỏng thì việc lấy nước đá lạnh dội vào một phần cơ thể khi bị bỏng là không đúng.
"Biện pháp duy nhất được khuyến cáo để hạ nhiệt độ vùng bỏng là dội nước sạch, nhiệt độ bình thường lên vùng tổn thương bỏng trong 15 - 20 phút"
Thạc sĩ - bác sĩ Phan Thái Sơn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
"Việc sử dụng nước đá dội lên người nạn nhân bị bỏng thì sẽ có nhiều nguy cơ cho sức khỏe", bác sĩ Sơn khuyến cáo.
Bản thân nhiệt độ của nước đá thấp hơn nhiệt độ của cơ thể rất nhiều. Thậm chí nếu bỏ nhiều đá trong nước, thì nhiệt độ đó có thể xuống gần 0 độ C. Trong khi đó, tại chỗ bị bỏng nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể, có thể lên đến 45 - 50 độ C. Nếu dùng nước đá để hạ nhiệt độ nhanh tại chỗ như vậy thì nó sẽ khiến tình trạng tổn thương của bỏng nặng lên.
"Biện pháp duy nhất được khuyến cáo để hạ nhiệt độ vùng bỏng là dội nước sạch, nhiệt độ bình thường lên vùng tổn thương bỏng trong 15 - 20 phút. Sau đó băng vết thương lại và đến cơ sở y tế để đánh giá mức độ tổn thương của bỏng", bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Sơ cứu đúng cách khi bị bỏng
Đối với các loại bỏng nói chung, đầu tiên cần cách ly nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng.
Thứ hai, để hạ nhiệt độ tại chỗ nên đưa phần cơ thể bị bỏng dội dưới vòi nước sạch hoặc ngâm trong chậu nước với nhiệt độ bình thường trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.
Đối với những nạn nhân khi bị bỏng mà hóa chất văng vào, thấm trên quần áo thì cần nhanh nhất cắt bỏ quần áo trên người nạn nhân.
Bác sĩ Sơn giải thích: Khi chất lỏng bám vào cơ thể như vậy, việc dội nước mát lên thì không những không thể làm hạ nhiệt độ được liền mà nhiệt độ nóng của quần áo bị ngấm hóa chất sẽ làm tăng tổn thương và độ sâu của bỏng lên.
Người sơ cứu nên sử dụng dụng cụ để cắt bỏ quần áo, không nên trực tiếp lột bỏ quần áo của nạn nhân ra vì có thể làm bóc phần da bị bỏng.
Sau khi cắt bỏ quần áo, tiếp tục làm phần cơ thể mà quần áo che phủ với nước sạch trong thời gian 15 - 20 phút để rửa sạch các dị vật bẩn, hóa chất và hạ nhiệt độ xuống gần nhiệt độ cơ thể bình thường.
Tiếp theo, người sơ cứu sẽ dùng các băng gạc sạch phủ lên các tổn thương, tránh để các tạp bẩn tiếp tục vương vào các vết thương và vận chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để đánh giá mức độ tổn thương và cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt, đối với trường hợp bỏng bột vôi, khi sơ cứu cho nạn nhân cần chú ý, không được dội nước ngay vào phần bị bỏng mà trước tiên, cần phủi, lau sạch vôi bám trên nạn nhân.
Lưu ý khi vận chuyển nạn nhân
Việc vận chuyển nạn nhân bị bỏng nên sử dụng dịch vụ cấp cứu của các cơ sở y tế có các trang thiết bị chuyên dụng. Đối với các trường hợp bỏng nhẹ, sau sơ cứu xong thì nên hướng dẫn người bệnh đến các cơ sở y tế để đánh giá mức độ tổn thương.
Theo thanhnien
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đe dọa mọi người khi thời tiết lạnh Đối tượng mắc bệnh thường trên 40 tuổi. Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kèm thêm đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp,... việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và tỉ lệ tử vong rất cao. Người bệnh cần đến bệnh viện để khám và làm thêm các xét nghiệm về hô hấp để xác định bệnh...