Yêu mù quáng hay bệnh nghiện yêu ở phụ nữ (1): Người đàn bà 1 đời chồng có 2 con vẫn “dại trai” như gái mới lớn
Đây là trường hợp một phụ nữ đã qua một lần chồng, đã ly dị, đã có hai đứa con nhưng khi yêu thì cô ấy cũng hết sức ngốc nghếch và dại khờ như một cô bé mới lớn.
Chẳng cần gì, chỉ cần yêu thôi!
Tâm sự trên một diễn đàn phụ nữ, người mẹ hai con này kể rằng, cô ấy đã ly hôn được 2 năm và có hai đứa con trai. Sau ly hôn một đứa con ở cùng bố, một đứa ở với mẹ. Vì đi làm công nhân ở thành phố nên người mẹ này gửi con lại cho ông bà ngoại trông.
Trong thời gian hậu ly hôn ấy, người mẹ này quen rồi yêu một người đàn ông cũng từng ly dị, lấy vợ lần 2 và cũng đang sống ly thân. Yêu nhau được ít hôm thì họ dọn về sống chung trong phòng trọ.
Người mẹ này đi làm công nhân lương khá cao, từ 8 – 10 triệu đồng/tháng. Anh người yêu này thì không làm nghề ngỗng gì, thỉnh thoảng còn chơi lô đề. Từ khi anh người yêu dọn về sống chung, người mẹ này thỉnh thoảng phải đi cầm cố điện thoại hoặc giấy tờ xe để chi tiêu chờ đến kỳ lĩnh lương tháng sau.
Mặc dù sau khi có tình yêu mới, cuộc sống của người mẹ này trở nên khó khăn hơn nhưng dường như những điều đó chưa tác động gì đến tâm trạng hay cảm xúc của cô. Cô vẫn yêu hết lòng hết dạ và còn nói “Mọi chi tiêu sinh hoạt tiền trọ em lo và hết lòng chăm lo cho anh ấy. Vì em đã từng đổ vỡ nên em rất trân trọng tình yêu này. Em cảm thấy hạnh phúc lắm vì có người thủ thỉ quan tâm chia sẻ lúc buồn vui và những lúc em nằm viện ốm đau, anh ấy quan tâm và chăm lo ăn uống, giặt giũ cho em”.
Người đàn bà một chồng hai con yêu dại khờ như cô gái mới lớn. Ảnh minh họa
Thế nhưng hạnh phúc đó chỉ kéo dài được 8 tháng, cho đến khi người mẹ này mang thai. Hai người thống nhất phải bỏ cái thai trong bụng vì không đủ điều kiện và khả năng sinh con. Thế nhưng từ khi người mẹ này bỏ thai, anh người yêu chăm sóc cô này được khoảng 1 tuần thì trở về nhà bố mẹ đẻ và nói lời chia tay. Anh người yêu nói những lời chia tay như sau: Anh không biết có quyết định ly hôn vợ hay không, bố mẹ anh thì không bao giờ chấp nhận cho anh lấy thêm vợ nữa, mà nếu có lấy vợ nữa thì cũng phải 3 – 5 năm nữa anh mới có thể lấy được. Anh không muốn em phí thêm tuổi xuân vì anh. Em nên về nhà bố mẹ, nghe lời bố mẹ lấy một người chồng để cho mẹ yên lòng, cho em một chỗ dựa và để cho con có một người cha. Tình yêu với chúng ta giờ không còn quan trọng nữa và chỉ chiếm phần nhỏ trong cuộc sống của mỗi người. Hãy nghe lời anh. Vì anh không lo được cho em nên sẽ chỉ làm khổ em. Vợ con anh, anh cũng không lo được nên anh không có cách gì khác…”.
Sau khi nói lời chia tay, anh người yêu này lập tức quay lại với một cô người yêu cũ (không phải hai người vợ của anh ta). Chỉ sau 3 ngày chia tay, cô người yêu cũ đó đăng ảnh chung của hai người lên trang cá nhân và nhắn người mẹ này rằng hãy quên anh ấy đi.
Video đang HOT
Người mẹ này cho biết: “Anh ấy ra đi để cho em một nỗi đau đủ để em suy sụp và chết đi sống lại. Em dường như không còn sự sống. Em đã nhịn không ăn không uống không ngủ. Em không thể giặt giũ, không thể tự chăm sóc, sức khỏe em quá yếu. Mấy ngày đầu anh còn gọi video hỏi thăm và an ủi em. Nhưng cách đây mấy ngày anh hủy kết bạn với em và chặn messenger của em nữa”.
Trên thực tế những câu chuyện phụ nữ có thể chết vì bị bỏ rơi trong tình yêu như câu chuyện trên đây là không hề hiếm. Yêu mà khi không còn được yêu nữa thì trở nên không còn sự sống, không còn thiết tha với điều gì thì đó là một dạng yêu mù quáng. Đó là cũng là dạng biểu hiện của chứng nghiện yêu. Bởi theo giới chuyên gia thì nghiện là một hình thái bị lệ thuộc vào một điều gì đó. Cụ thể trong trường hợp này là lệ thuộc vào tình yêu. Vì thế các chuyên gia cho rằng, yêu mù quáng là một căn bệnh có quá trình tiến triển hẳn hoi.
Những biểu hiện của bệnh nghiện yêu ở phụ nữ
- Nhu cầu được kiểm soát người khác cao, chọn bạn tình vô trách nhiệm để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.
- Đảm nhận trách nhiệm và quan tâm đến người khác quá mức, do họ lớn lên trong gia đình thiếu tình thương.
- Cảm thấy hấp dẫn trước những ngươi sống phụ thuộc vào họ.
- Cố gắng “yêu” chồng/ bạn tình cũng như đã từng cố “yêu” cha mẹ mình.
Yêu mù quáng là một căn bệnh có quá trình tiến triển hẳn hoi. Ảnh minh họa
- Bắt đầu chối bỏ thực tế của mối quan hệ.
- Ngày càng lệ thuộc tình cảm vào người đàn ông.
- Nhu cầu cấp thiết phải thảo luận các rắc rối với nam giới.
- Bắt đầu hoài nghi về cảm nhận bản thân.
- Ngày càng chú tâm vào hành vi của chồng/ bạn tình.
- Biện minh cho hành vi của đối phương với mọi người.
- Luôn tìm cách che đậy rắc rối.
- Cư xử hùng hổ với chồng/ bạn tình, mong muốn trả thù.
- Cảm giác thất bại.
- Luôn tìm cách kiểm soát thất bại của chồng/ bạn tình.
- Luôn ăn năn vì đã xung đột với đối phương.
- Cố né tránh chồng/ bạn tình bằng khoảng cách địa lý.
- Mất dần các thú vui khác.
- Gặp rắc rối trong công việc và tài chính, gánh lấy trách nhiệm của chồng/ bạn tình.
- Né tránh gia đình và bạn bè.
- Ăn uống vô độ hoặc thờ ơ với thức ăn.
- Oán giận vô cớ.
- Bắt đầu sử dụng các loại thuốc an thần.
- Biểu lộ chứng rối loạn thần kinh.
- Suy sụp thể chất.
- Có thể hình thành thói quen lệ thuộc vào rượu hoặc các chất kích thích khác.
- Ngoại tình, nghiện rượu, luôn nghĩ đến các thú vui bên ngoài.
- Đau khổ kéo dài.
- Oán ghét những “người bình thường”.
- Suy nghĩ lệch lạc.
- Không có khả năng tự khởi hành động.
- Sợ hãi vu vơ, hoang tưởng.
- Ngày càng bạo lực với chồng/ bạn tình, con trẻ.
- Hoàn toàn bị ám ảnh bởi chồng/ bạn tình.
- Có ý định tự tử.
- Gặp các vấn đề nghiêm trọng về tình cảm dành cho bản thân và con trẻ.
- Mọi nỗ lực kiểm soát cuộc sống đều thất bại.
Theo giadinh.net.vn
Yêu mù quáng hay bệnh nghiện yêu ở phụ nữ (2): Bất ngờ nguyên nhân từ phía gia đình
Có một bi kịch khá rõ ở một số chị em, đó là họ thường bị hấp dẫn bởi những người đàn ông luôn làm họ đau khổ.
Không ít người phải chịu bao đớn đau khổ lụy vì người đàn ông của mình nhưng họ không thể chấm dứt được mối quan hệ đó. Những trường hợp đó đều được liệt vào tình yêu mù quáng và nó có nguyên nhân từ phía gia đình.
Lê lết với cuộc hôn nhân thừa áp lực, thiếu hạnh phúc
Hạnh, 40 tuổi, từng là khách hàng của Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (TW Đoàn TNCS HCM), cô tìm đến chuyên gia vì những mối bất hòa không thể hóa giải với chồng mình. Hạnh yêu chồng Hạnh bây giờ 2 năm mới tiến tới đám cưới. Điều khiến Hạnh cảm thấy muốn gắn kết ngay với chồng mình ngay từ đầu là cái tính kiệm lời nhưng nói câu nào thì thâm thúy câu đó. Đây là cũng là nét tính cách ở bố Hạnh.
Hạnh rất yêu bố mình. Ngược lại Hạnh cũng là con cưng của bố cô. Theo Hạnh kể thì bố Hạnh là người bố yêu con, sống có trách nhiệm với con cái nhưng rất nghiêm khắc và có phần nóng tính. Điều đặc biệt Hạnh không thích ở bố đó là ông không yêu vợ. Bố mẹ Hạnh không hạnh phúc. Bố Hạnh hay chê trách mẹ cô. Mẹ Hạnh là người tảo tần sớm hôm nhưng dường như không được bố cô ghi nhận.
Hồi nhỏ Hạnh từng chứng kiến bố mẹ xích mích to tiếng với nhau, cô cũng từng nghe mẹ mình đòi ly hôn mấy lần...Tuy nhiên những mâu thuẫn đó sau này Hạnh không thấy lặp lại nữa. Chỉ duy nhất một điều cho đến tận bây giờ bố mẹ Hạnh đã già, bố Hạnh vẫn thường chỉ trích và hay chê trách vợ.
Ngày lập gia đình, càng sống bên chồng, Hạnh càng phát hiện thấy chồng mình có nhiều nét giống bố, đặc biệt là cái cách coi thường vợ ra mặt. Chồng Hạnh hay chê vợ. Tiền không chịu đưa cho vợ nhưng lúc nào cũng chê Hạnh là hoang toàng. Không bao giờ mó tay vào việc nhà nhưng suốt ngày chê cô vụng thối thây. Khi gặp trục trặc công việc gì đó mà về hỏi chồng thể nào Hạnh cũng bị chồng chửi là ngu, thậm chí dùng những câu làm Hạnh bẽ bàng như "ngu như lợn", "ngu như chó", "mày ngu hết phần thiên hạ"...
Ảnh minh họa
Theo lời Hạnh kể, cách ứng xử của chồng Hạnh với Hạnh cũng khá giống với cách mà bố Hạnh đã đối xử với mẹ Hạnh ngày xưa. Chỉ khác là bố Hạnh có trách nhiệm với gia đình bao nhiêu, biết kiếm tiền và chuẩn mực về tiền bạc bao nhiêu thì chồng Hạnh tệ bấy nhiêu. Suốt bao nhiêu năm chung sống đời sống vợ chồng, dường như Hạnh phải một mình lo chi tiêu gia đình và nuôi con.
Điều khiến Hạnh nhiều lúc muốn bỏ chồng là bởi cô cảm thấy quá mệt mỏi và không còn chút hứng thú gì cuộc sống vợ chồng. Cô thấy hôn nhân sao mà nặng nề đến vậy. Nhưng rồi sự chán nản cứ như cơn sóng trồi lên rồi lại sụt xuống, niềm vui chưa kịp lóe lên thì nỗi buồn lại ập xuống đời mình. Đến bấy giờ, khi Hạnh đã bước sang tuổi 40, hai con đã lớn nhưng cô vẫn cứ vẫn lê lết với đời sống hôn nhân thừa áp lực, thiếu hạnh phúc đó của mình.
Tái hiện nỗi đau tuổi thơ bằng cách trải trải nghiệm lại những mối quan hệ bất hạnh
Trong cuốn sách Phụ nữ yêu như thế nào, tác giả Robin Norwood viết: "Trong tâm lý học có một quan điểm quen thuộc đến mức cũ kỹ mà hầu như ai cũng biết, đó là khi trưởng thành, con người thường có xu hướng kết hôn với người giống với hình ảnh cha, mẹ mình khi còn bé. Thật ra, khái niệm này cũng không hoàn toàn chính xác. Không hẳn là chúng ta sẽ chọn người bạn đời y hệt như cha hay mẹ mình, mà ta sẽ chọn người nào mang đến cho ta cảm giác tương tự như những gì ta đã từng trải nghiệm thời niên thiếu. Điều đó thường tạo nên cảm giác mà ta vẫn gọi là tình yêu. Khi đó, ta sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu như ở nhà, "hòa hợp và hoàn toàn ăn ý" với người có thể tái tạo cho ta những cảm xúc và vũ điệu thân quen thời bé.
Ngay cả trong trường hợp những vũ điệu đó không đẹp mắt hoặc không thoải mái thì chúng vẫn là điều thân quen nhất với ta. Trước những người đàn ông này, ta thường có một cảm xúc hết sức đặc biệt: cảm giác hoàn toàn thuộc về họ. Và điều tất yếu là ta sẽ quyết định cố gắng hết sức để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người đàn ông như thế. Chẳng có hoạt chất nào hấp dẫn bằng cảm giác thân quen bí ẩn khi một người đàn ông và một người đàn bà đến với nhau mà lại có những suy nghĩ, hành vi, lối sống tương hợp với nhau như các mảnh ghép hoàn hảo.
Nếu người đàn ông còn có khả năng tạo cho người phụ nữ cơ hội để níu kéo và nỗ lực chiến thắng những nỗi đau, cảm giác cô đơn, vô dụng thì sự hấp dẫn đó càng trở nên mãnh liệt. Trong thực tế, nỗi đau tuổi thơ càng lớn, người phụ nữ càng có khuynh hướng tái hiện và chế ngự nỗi đau đó rõ rệt hơn khi trưởng thành".
Cũng theo tác giả này, nếu ngày bé, trẻ phải trải qua một cơn chấn động về tinh thần, tình cảm thì trẻ sẽ có xu hướng tái hiện lại những nỗi đau đó nhằm chế ngự, kiểm soát được chúng. Ví dụ, nếu một đứa trẻ từng bị phẫu thuật thì có thể em sẽ thích chơi trò bác sỹ với các con búp bê hoặc đồ chơi của mình. Trẻ sẽ tưởng tượng mình là bác sỹ hoặc bệnh nhân trong các tình huống tương tự cho đến khi nào không còn sợ cơn phẫu thuật đó nữa. Những người phụ nữ yêu mù quáng cũng hành động tương tự: họ tái hiện và trải nghiệm lại những mối quan hệ bất hạnh nhằm kiểm soát được chúng.
Một mối quan hệ càng chứa đựng và tái hiện nhiều yếu tố khó khăn quen thuộc thời thơ ấu đối với người phụ nữ trong cuộc bao nhiêu thì nó càng khó chấm dứt bấy nhiêu. Sở dĩ họ yêu mù quáng là vì họ cố khắc phục những nỗi sợ hãi, giận dữ, phiền muộn và đau đớn đã trải qua khi còn bé cũng như cố chứng tỏ bản thân mình.
Khi cố dứt khỏi mối quan hệ đó, người phụ nữ cảm thấy như có một luồng điện đau thương đang chạy khắp người mình. Cảm giác trống rỗng ngày xưa trỗi dậy và không ngừng ám ảnh họ.
Cảm xúc hưng phấn, say mê lẫn cảm giác thôi thúc phải tìm đến người đàn ông thuộc tuýp cần được chăm sóc, bảo vệ và ý nghĩ phải thay đổi anh ta, khiến cho mối quan hệ dù có trở nên tốt đẹp cũng không hề giống những mối quan hệ bình thường. Chính ý muốn điều chỉnh, sửa đổi mọi thứ cho đúng hơn, tốt hơn cùng tham vọng giành lại tình yêu đã mất thời thơ ấu cũng như đạt được sự thừa nhận của người khác là những lý do vô thức đã khiến những người phụ nữ yêu quá mức lao vào tình yêu.
Đó cũng là lý do vì sao họ không cảm thấy thú vị trước những người đàn ông tử tế, yêu thương họ. Vì những người đàn ông đầy cảm thông, chia sẻ đó không thể nào mang đến cho họ những tình cảm đầy kịch tính, đau đớn, căng thẳng lẫn những cảm xúc hưng phấn. Đó là vì ở những phụ nữ yêu mù quáng, khái niệm đúng đắn và sai lệch đã hoán chỗ cho nhau. Những điều lẽ ra rất tệ hại lại mang đến cho họ cảm giác tốt đẹp, thân quen, trong khi những điều thật sự tốt đẹp lại khiến họ cảm thấy xa lạ, nghi ngờ và không thoải mái.
Kinh nghiệm sống cùng những trải nghiệm lâu dài trong quá khứ đã khiến họ cảm thấy gần gũi với sự đau khổ. Một người phụ nữ lớn lên trong gia đình bình thường, hạnh phúc sẽ có những phản ứng và mối quan hệ khác hẳn. Vì những người này vốn xa lạ với việc phải chịu đựng, phải nỗ lực và chưa từng trải qua đau khổ lúc còn nhỏ nên họ sẽ cảm thấy khó bề chấp nhận những mối quan hệ tiêu cực đó. Nếu gặp phải người đàn ông khiến họ cảm thấy tổn thương, lo lắng, thất vọng, cáu giận, ghen tuông hoặc phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực khác, họ sẽ lập tức cảm thấy bất bình và do vậy sẽ tránh né mối quan hệ đó thay vì theo đuổi nó.
Theo giadinh.net.vn
Tôi thấy nhẹ nhàng trong mối quan hệ với người đàn ông hơn 25 tuổi Tôi từng dành cả thanh xuân của mình cho người trẻ, sẵn sàng đồng hành cùng họ nhưng nhận lại là những vết thương lòng. Hình ảnh minh họa Tôi 30 tuổi, có học thức, công việc, không phụ thuộc, rất tự lập, tính tình hiền lành, khi yêu thì chung thủy, khuôn mặt dễ thương nhưng người nhỏ bé. Tôi từng có...