Yêu, dâng hiến, rồi… chia tay
22 tuổi, tôi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ và nhanh chóng xin được việc tại một khách sạn lớn ở Hà Nội. Trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, tôi là cô gái xinh đẹp, tự tin, hiện đại và cởi mở. Bản thân tôi cũng hoàn toàn tự tin vào mình.
Ngày ấy, tôi có cuộc sống rất thoải mái, kinh tế ổn định. Tôi luôn nghĩ rằng, mình thuộc túyp phụ nữ hiện đại, độc lập, tự chủ, không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân và luôn sẵn sàng làm “kẻ đi chinh phục” trong tình yêu.
Tôi không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu mối tình cho tới khi kết hôn với Adnan vào năm 38 tuổi. Chỉ biết rằng, ngày xưa đó, tôi cứ thích là yêu, dâng hiến, rồi chia tay, và lại đi tìm tình yêu mới. Tôi từng có nhiều mối quan hệ kéo dài không quá một tháng và chỉ có một mối tình “dài hơi” duy nhất – 3 năm với một đồng nghiệp làm cùng khách sạn. Anh ấy tên là Duy, yêu tôi say đắm nhưng cuối cùng cũng phải ngậm ngùi nói lời chia tay bởi anh ấy muốn kết hôn còn tôi thì không. Ngày chia tay Duy, tôi 30 tuổi và vẫn không hề có ý niệm gì về “ngôi nhà và những đứa trẻ”.
Cuộc sống của tôi cứ trôi qua như vậy. Đám bạn thân lần lượt lên xe hoa, làm vợ, làm mẹ. Chúng tôi thi thoảng tâm sự với nhau qua điện thoại và khi nghe bạn bè “kể khổ” về cuộc sống sau khi kết hôn, tôi lại càng “củng cố” quyết tâm không cưới chồng. Bố mẹ thi thoảng cũng giục tôi “tìm một người tử tế nào đó để làm đám cưới” nhưng tôi thờ ơ bỏ ngoài tai những lời khuyên đó và dần dần, các cụ cũng chán, không nhắc chuyện cưới xin nữa.
35 tuổi, lần đầu tiên tôi đón sinh nhật một mình, tại nhà, ngoài trời mưa gió. Tối hôm đó, tôi thấy lòng tràn ngập nỗi buồn. Bạn bè thân có gọi điện chúc mừng và cáo lỗi không đến được, khi ấy tôi cũng vừa chia tay một anh chàng kiến trúc sư mới ly dị vợ và vì thế, lần đầu tiên tôi có cảm giác cô đơn, trống trải trong chính ngôi nhà của mình. Đó có lẽ cũng là lần đầu tiên tôi có cảm giác cần một người đàn ông ở bên và thậm chí, muốn được lắng nghe một tiếng trẻ con nô đùa bên cạnh…
Đã lâu lắm rồi tôi mới lại yêu một người đàn ông cuồng nhiệt đến thế.
Tôi quen Adnan sau sinh nhật lần thứ 35 khoảng 2 tháng. Anh là thương gia người Malaysia sang Việt Nam công tác, ở tại khách sạn của tôi. Adnan hơn tôi 7 tuổi, cũng đã có một đời vợ và không có con. Chúng tôi làm quen với nhau khi tôi giúp Adnan tìm một vài nhà hàng truyền thống của Việt Nam tại Hà Nội. Adnan là người cởi mở, vui vẻ và nồng nhiệt. 5 ngày sau khi quen biết, chúng tôi đã có một đêm vui vẻ bên nhau và trong thời gian hơn 1 tháng Adnan ở Việt Nam công tác, chúng tôi hầu như không rời nhau trong bất cứ buổi tối nào.
Video đang HOT
Chia tay tôi và trở về nước sau chuyến công tác, Adnan liên lạc lại ngay sau khi về tới nhà. Anh hẹn sẽ sang thăm tôi vào dịp năm mới, khi được nghỉ lễ dài ngày. Quãng thời gian xa nhau chừng 4 tháng, tôi và Adnan giữ liên lạc bằng email, chat, điện thoại và khi đó, tôi có cảm giác đã lâu lắm rồi tôi mới lại yêu một người đàn ông cuồng nhiệt đến thế.
Ngày gặp lại trong dịp năm mới, tôi và Adnan đã có hai tuần bên nhau hạnh phúc tràn đầy. Adnan nói yêu tôi và và khẳng định sẽ sang Việt Nam làm việc để được ở gần tôi hơn. Anh giữ đúng lời hứa và sang Việt Nam làm việc sau đó ít tháng. Ở tuổi 36, tôi đã có suy nghĩ, tôi muốn được làm vợ, làm mẹ và tôi sẽ gật đầu khi Adnan ngỏ lời cầu hôn.
Người đàn ông của tôi không hỏi cưới tôi cho tới khi tôi thông báo với anh rằng mình có thai hơn 1 tháng. Adnan vô cùng hạnh phúc. Đây cũng là lần đầu tiên anh nói với tôi lý do khiến anh và vợ cũ chia tay, đó là bởi cô ấy từ chối sinh cho anh một đứa trẻ.
Chúng tôi kết hôn trong một ngày mùa xuân, mưa phùn lất phất rơi. Khi ấy tôi đã 38 tuổi và có bầu được hơn 2 tháng. Chúng tôi tổ chức một đám cưới ấm áp tại Việt Nam, một đám cưới tương tự tại quê nhà Adnan và hơn một tuần sau đám cưới thứ hai, tôi phải đón nhận một tin khủng khiếp – tôi đã bị sẩy thai.
Ở tuổi 40, tôi đau đớn nhận ra mình không có gì trong tay: Không chồng, không con, không một tổ ấm đúng nghĩa.
Cả tôi và Adnan chết lặng khi nghe bác sỹ thông báo tin này, tuy nhiên Adnan vẫn động viên tôi: “Chúng mình còn nhiều cơ hội, em đừng quá lo lắng”. Lời nói của Adnan không giúp tôi bình tâm hơn khi tôi rùng mình nhớ lại những ngày “hoang dại” của tuổi trẻ. Tôi từng dùng thuốc tránh thai vô tội vạ và phải vào bệnh viện đôi ba lần để “giải quyết”. Tôi lo lắng, hoang mang với suy nghĩ mình đang phải trả giá cho quãng thời gian nông nổi ấy.
Tôi mang thai lần hai sau đó ít tháng song cũng chỉ giữ cái thai được hai tháng. Tôi và Adnan cũng không có nhu cầu tìm hiểu lý do khiến tôi không thể giữ thai. Tôi khóc âm thầm mỗi đêm và luôn cảm thấy đau đớn tột cùng khi nhìn gương mặt thất vọng tràn trề của chồng. Mối quan hệ của chúng tôi trở nên căng thẳng tột bậc. Cuối cùng Adnan xin đi công tác ở Trung Quốc như một cách giải tỏa tâm lý.
Sau khi Adnan đi, tôi tới bệnh viện phụ sản làm một số xét nghiệm và được nghe bác sỹ thông báo, tôi rất khó có thể mang bầu và sinh nở do hậu quả của việc nạo phá thai nhiều lần. Đau đớn và dằn vặt, tôi suy nghĩ một tuần rồi quyết định viết đơn ly dị, gửi cho Adnan qua email. Ngoài ra tôi cũng gửi kèm cho chồng một bức thư nói rõ lý do khiến tôi muốn ly dị, tôi biết tôi không thể mang lại cho anh niềm hạnh phúc làm cha.
Vài ngày sau, tôi nhận được thư của Adnan. Anh viết trong thư rằng anh luôn khát khao được làm cha anh và vì thế, anh thực sự sốc sau khi chứng kiến tôi sẩy thai hai lần liên tiếp. Adnan nói anh muốn đi xa một thời gian để có thể tĩnh tâm lại. Chồng tôi không nói gì cụ thể tới lá đơn xin ly hôn của tôi nhưng khẳng định: “Anh luôn tôn trọng mọi quyết định của em”.
Ở tuổi 40, tôi đau đớn nhận ra mình không có gì trong tay: Không chồng, không con, không một tổ ấm đúng nghĩa. Nhìn sang bạn bè, lòng tôi càng trào lên một nỗi ghen tỵ. Nếu như ngày xưa tôi không quá ham chơi, không quá “thoáng” và tự do thì có lẽ giờ cuộc sống của tôi đã không như thế này.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cứ yêu nhau cho sung sướng thôi
Tôi chỉ muốn là một phụ nữ bình thường. Vậy tại sao lại phải ràng buộc đời mình vào cuộc sống gia đình, nơi biến tôi thành người phụ nữ đáng lẽ phải có ba đầu, sáu tay, 48 tiếng một ngày?
Một cậu bạn nhiều năm không gặp mới đây viết thư hỏi thăm, câu cửa miệng, như muôn người, vẫn là: " Cưới chưa? Lang thang rong ruổi khắp cuộc đời lâu thế?". Trong thư trả lời, tôi viết: " Chưa cưới. Cứ yêu nhau cho sung sướng thôi, chẳng cưới". Bạn cười khì khì: "Tây nhỉ?". Thật ra cũng không phải chỉ ảnh hưởng của việc Tây hóa, mà con người sống trên đời, xét cho cùng, ai chẳng hướng đến sự thoải mái, hạnh phúc, bình lặng của tâm hồn, ai không muốn đi trên con đường tốt nhất cho bản thân. Nên những người phụ nữ trẻ và thức thời bây giờ không vồn vã lao vào hôn nhân, không gấp gáp cưới ngay người đàn ông thứ "n" mình gặp chỉ vì đã đến tuổi phải cưới chồng. Phụ nữ giờ bình thản hơn, nhận ra cuộc sống không chỉ xoay quanh ông chồng và đứa con, mà còn là chính bản thân mình, theo đuổi thứ công việc mình thích, có thời gian làm những gì mình muốn. Chúng tôi cũng yêu đương, muốn yêu đương, vẫn yêu đương. Nhưng chúng tôi chỉ yêu đương, không vội vàng cưới.
Cậu bạn gật gù vẻ hiểu biết: "Phụ nữ sự nghiệp hả? Cũng phải, phụ nữ thời hiện đại". Tôi mới phát hiện ra cậu hiểu lầm nghiêm trọng hình ảnh người phụ nữ hiện đại. Phụ nữ chúng tôi không từ bỏ gia đình để theo đuổi sự nghiệp bởi vốn cuộc sống không chỉ có sự nghiệp. Cuộc sống còn là có thời gian thư thả ngồi đọc cuốn sách mình mới mua, thi thoảng đi du lịch, ngồi cà phê với bạn hay đi bar, theo đuổi sở thích riêng, có những khoảnh khắc tĩnh lặng một mình. Sự nghiệp cũng là một phần của cuộc sống, ai mà chẳng muốn tìm được công việc mình thích, thứ công việc khiến bản thân say mê, hào hứng, chứ không chỉ vì cơm áo gạo tiền. Sự nghiệp quan trọng, vì chúng ta gắn bó nó 8-10 tiếng một ngày, nhưng tôi không chỉ sống vì công việc, vì sự nghiệp. Cuộc sống vốn nhiều hơn thế!
Chúng tôi vẫn chỉ yêu đương, không vội vã làm đám cưới (Ảnh minh họa)
Cậu bạn nhướn mày hỏi: " Thì cứ du lịch, cứ đọc sách, cứ đam mê, có ông chồng nào cấm. Lý do gì không cưới?". Tôi vừa muốn thở dài buồn, vừa muốn cười phá lên. Nghĩ kĩ lại, cũng không phải bởi cậu bạn ngây ngô, chỉ bởi sinh ra là đàn ông và đàn bà ở Việt Nam vốn đã được phân biệt nuôi dạy khác nhau. Tôi nhớ thuở nhỏ, mình bị cấm đủ điều. Đến cười cũng không được cười phá lên vì con gái như thế không đoan trang. Trẻ con chạy nhảy hiếu động là bình thường, nhưng là con gái nên bị mắng mỏ, chê bai đủ điều. Rồi công dung ngôn hạnh. Rồi bếp núc. Rồi lo toan mọi chuyện trong gia đình...
Phụ nữ nếu có chồng thì đều bất đắc dĩ phải trở thành superwoman. Giả sử nếu chồng đi làm, vợ ở nhà cơm nước nuôi con thì tôi thấy việc người vợ ở nhà nội trợ chăm chút cửa nhà cũng là bình thường, ấy gọi là phân chia công việc. Nhưng thực tế hiện nay, chồng và vợ đều đi làm 8 - 10 tiếng một ngày, nhưng vợ tan sở phải vội vã về nhà, nấu cơm, dọn dẹp, chăm con. Còn chồng rời văn phòng, không đi uống bia bàn việc cứu thế giới thì cũng ngồi nhà đọc báo chờ cơm. Cơm xong, chồng nhàn nhã xem Superman cứu thế giới, vợ lặng lẽ ngồi rửa bát. Đấy chỉ một trong việc tất lẽ dĩ ngẫu của cuộc sống gia đình. Với người phụ nữ, còn áp lực nhà chồng, còn hàng xóm láng giềng, trách nhiệm gia đình hai bên, còn đủ thứ có tên và không tên khác nữa. Đáng lẽ sinh ra, phụ nữ phải có ba đầu, sáu tay, 48 tiếng một ngày.
Nhưng tôi chỉ muốn được là một người phụ nữ bình thường thôi. Tôi có học thức, có công việc đủ để tự nuôi mình, tôi có sở thích riêng, đam mê riêng, tôi nấu ăn tàm tạm, thi thoảng không có hứng nấu sẽ ra ngoài ăn hàng, tôi cũng có những tâm hồn đồng điệu với mình, cũng thích đến rạp xem phim buổi tối, vậy tại sao tôi - với tất cả những nhu cầu hết sức bình thường ấy của mình - lại phải ràng buộc đời mình vào cuộc sống gia đình, nơi biến tôi thành người phụ nữ đáng lẽ phải có ba đầu, sáu tay, 48 tiếng một ngày? Nhân danh tình yêu thiêng liêng? Vậy thì chúng ta cứ yêu nhau, nhưng không cưới.
Đấy, những người phụ nữ trẻ thức thời, có ý thức cao về bản thân sẽ nghĩ như vậy. Như một con gấu ngủ đông đã lâu, đến một ngày chúng tôi choàng tỉnh dậy và nhận ra mình phải dần tự làm chủ đời mình! Thời đại thay đổi. Người ta cứ nói mãi phụ nữ phải thay đổi thế này, thay đổi thế kia, phải tiến lên, phải tự tin, phải đủ thứ có tên và không tên, nhưng người ta quên rằng trong mối quan hệ trai gái, không chỉ có một bên thay đổi mà vẫn giữ mọi thứ cân bằng. Chính đàn ông giờ mới phải là người cần nhìn lại chính mình. Họ cũng nên thấy rằng mình được hưởng một cuộc sống rất tiện nghi (Ai chỉ hưởng thụ mà không thấy tiện nghi?) Nhưng như thế là bất công cho bạn đời của mình. Cũng phải san sẻ, cùng gánh vác công việc với bạn đời của mình chứ.
Tôi ngày hôm nay không còn muốn cố gắng 200 phần trăm trong một mối quan hệ, dù là bạn bè, người yêu, đồng nghiệp hay bất kể người nào. Tôi thấy rằng một mối quan hệ vốn gồm có hai người, vậy nên phải cùng nỗ lực, cùng muốn thay đổi, cùng chia sẻ, cùng tiến cùng lùi. Một bàn tay có vỗ mãi cũng chẳng nên được tiếng đấy thôi?
Vâng, phụ nữ thức thời bây giờ nghĩ như thế!
Theo Bưu Điện Việt Nam
Mỗi chuyến đi là một người tình Mỗi lần đi công tác xa nhà, tôi lại có thêm một người tình mới. Không ràng buộc. Tôi đã đau đến tận cùng khi phát hiện ra chồng mình say nắng một em trong chuyến đi công tác của anh. Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi như kẻ chết rồi. Ngoài mặt vẫn hơn hớn nói cười mà lòng thì héo...