Yêu cầu về chính sách nhất quán khi xây dựng Trung tâm tài chính
Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, một số chuyên gia nhấn mạnh tính cẩn trọng trong lựa chọn mô hình cũng như hình thành cơ chế đặc thù phù hợp và sẵn sàng cập nhật cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Bài học từ chính sách thiếu nhất quán của Hàn Quốc
Từ 2003, Hàn Quốc đã triển khai chính sách xây dựng các Trung tâm tài chính và đạt được một số thành công bước đầu, xét cả về định tính lẫn định lượng.
Sau giai đoạn thí điểm, bên cạnh những mục tiêu đã đạt, ông Chin Dong Soo, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hàn Quốc nhận ra nhiều bài học quý giá mà TP.HCM có thể tham khảo khi xây dựng trung tâm tài chính.
Thứ nhất, là thiếu sự nhất quán trong triển khai chính sách làm giảm đà quá trình thực hiện. Bắt đầu là một nhiệm vụ quốc gia bao gồm tất cả bộ ngành nhưng sau đó mất động lực và giảm bớt ưu tiên chính sách.
Thứ hai, là tính hiệu quả của một số cụm khu tài chính dù đã nỗ lực biến Busan thành trung tâm tài chính biển, di chuyển 1 số định chế tài về đây nhưng đã không đạt được kỳ vọng.
Thứ ba, bài học về tầm quan trọng của việc bãi bỏ quy định. Ban đầu, các thị trường quản lý tài sản ở Hàn Quốc gần như đạt quy mô ở Singapore và HongKong nhưng sau đó không có độ mở trong chính sách nên giảm đà phát triển trong giai đoạn sau này.
Thứ tư là bài học về thu hút tài năng trong và ngoài nước cũng như cần ưu đãi trong đào tạo lao động đặc biệt trong ngành tài chính.
Các Diễn giả chia sẻ bài học kinh nghiệm trong xây dựng, hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2019 (Ảnh: Lê Toàn).
Kinh nghiệm trong hơn 10 năm xây dựng trung tâm tài chính ở Hàn Quốc, ông Chin Dong Soo cho rằng, sự suy yếu trong ngành tài chính phương tây và sự trỗi dậy của châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là cơ hội tốt để thúc đẩy các trung tâm tài chính. Theo đó, cần có chính sách nhất quán, liên tục cho trung và dài hạn.
Ngoài ra, TP.HCM cần có phân tích SWOT, kế hoạch chuyên môn hoá khác nhau cho từng trung tâm tài chính, đào tạo chuyên gia tài chính cho trung và dài hạn.
“Thể chế, chính sách của Trung ương là quan trọng nhưng mấu chốt vẫn nằm ở sự tham gia tích cực từ chính quyền TP.HCM”, ông Chin Dong Soo chia sẻ.
Video đang HOT
4 yếu tố dẫn dắt sự thành công của trung tâm tài chính HongKong
Chia sẻ về mô hình xây dựng trung tâm tài chính mà HongKong đã thực hiện, ông Chan Ho Lim Joseph, Phó Cục trưởng phụ trách Dịch vụ tài chính và Kho bạc của Cục Tài chính Hongkong đưa 4 yếu tố. Bao gồm, thượng tôn pháp luật, hệ thống tư pháp độc lập, vốn trung chuyển tự do, đội ngũ chuyên gia tài năng quốc gia đầu quân.
Ông Chan Ho Lim Joseph nói, đây là 4 yếu tố dẫn dắt sự thành công của trung tâm tài chính HongKong, thị trường chứng khoán có 2.340 công ty giao dịch trên thị trường nhưng vẫn không ngừng tiếp tục nâng cấp thị trường.
“Chúng tôi xây dựng đầy đủ quy định pháp lý, có uỷ ban chứng khoán, cơ quan quản lý ngân hàng có quyền quản lý thị trường cũng có cơ quan thực thi. Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán HongKong cũng là giám đốc tài chính Tập đoàn tài chính Fortune Fountain Capital (Tập đoàn tài chính FFC) có nghĩa là phải làm hệ thống ngân hàng càng trở nên minh bạch. Thanh khoản hệ thống ngân hàng HongKong là hơn 150%,… Như vậy sẽ dần có được lòng tin của nhà đầu tư”, ông Chan Ho Lim Joseph chia sẻ và cũng cho biết, luật pháp của HongKong không ngừng “tiến hoá” cho phù hợp với thị trường cũng như nhu cầu nhà đầu tư.
Cần tập trung vào xây dựng khung pháp lý
Góc nhìn cụ thể hơn, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, lợi ích của thị trường tài chính không chỉ giúp thu hút vốn, gồm vốn nước ngoài, cải thiện phân bổ vốn, phân bổ rủi ro,…mà phát triển còn nhằm tạo sự đa dạng về người sử dụng, công cụ tài chính.
Vốn hoá thị trường Việt Nam từ 10-12 năm qua gia tăng đáng kể, nhưng đa phần là doanh nghiệp nhà nước cũng như vẫn còn sự hạn chế trong sự gia tăng doanh nghiệp tư nhân và FDI. Hơn 50% vốn hoá thị trường thuộc về 10 công ty hàng đầu.
Cùng với đó, giới hạn tỷ lệ sở hữu dù đã được gỡ bỏ trong một số ngành nhưng theo ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, “chỉ một vài công ty hưởng lợi quy chế này và điều này ảnh hưởng vốn hoá, thanh khoản toàn thị trường”.
Về thị trường trái phiếu, dù đã có sự gia tăng đáng kể nhưng 91% là trái phiếu chính phủ niêm yết, thông thường có kỳ hạn 5-50 năm với khoảng 170 các khoản vay loại hình giấy ghi nợ đã được phát hành dưới hình thức trái phiếu và khả năng thanh khoản được dự đoán có thể được cải thiện hơn nếu gia tăng đơn vị phát hành.
Trái phiếu của các doanh nghiệp còn thể hiện nhiều hạn chế như thông tin không được công bố đầy đủ, cập nhật thường thường xuyên. Thông tin không đảm bảo tính minh bạch được đánh giá là nguyên nhân khó có thể thu hút thêm vốn nước ngoài.
“Thay vì thảo luận về vấn đề kỹ thuật, nên tập trung vào xây dựng khung pháp lý với nền tảng cơ bản nhất là khả năng thực thi các hợp đồng, khế ước, luật phá sản doanh nghiệp cũng như chất lượng hệ thống tư pháp”, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam chia sẻ.
Ông Francois Painchaud còn liên tục nhấn mạnh vào cụm từ minh bạch, niềm tin nhà đầu tư sẽ gia tăng nếu có thể tăng cường quyền sở hữu, cải thiện khung về mất khả năng thanh toán, và đặc biệt là khả năng quản trị trong từng doanh nghiệp,…
Cùng với đó, một hệ thống ngân hàng được đánh giá là “khoẻ mạnh” sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường vốn. Do đó, hiện đại hoá khung chính sách tiền tệ như đưa ra mức lãi suất ngắn hạn có ý nghĩa và giúp ngân hàng làm trung gian, ổn định lãi suất liên ngân hàng,…cũng là điểm cần tiến hành theo quan điểm của IMF tại Việt Nam.
Những điều kiện đưa đến thành công của các trung tâm tài chính trên thế giới hoàn toàn khác với thực tế hiện tại diễn ra tại Việt Nam cũng như TP.HCM.
Thậm chí, một số thị trường đang thể hiện sự rủi ro khi “sống trong thời kỳ mà công nghệ phát triển mạnh mẽ”.
Một số quan điểm chia sẻ về Đề án xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế:
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM:
Công nghệ ngày càng tác động đến nhiều ngành, mà muốn mường tượng nhu cầu tương lai thì phải hiểu rõ sản phẩm đã làm trong quá khứ và biết cách hợp.
TP.HCM sẽ cùng đại học Fulbright Việt Nam hoàn chỉnh đề án xây dựng Trung tâm tài chính và trình Chính phủ vào quý II/2020.
Như TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã nói, nếu không đi thì không bao giờ đến đích còn các vấn đề đang tồn tại như mực nước tăng, biến đổi khí hậu,…thì đất nước nào cũng phải đối diện. Chưa kể, còn giải quyết chuyện nhà ở, khi dân số Thành phố tăng 1 triệu người/năm.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ:
Thứ nhất, mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên. Trước tiên phải mưu sự là nghĩ, bàn về xây dựng trung tâm tài chính. Thứ hai, muốn đến thì phải đi.
Và dĩ nhiên, dù chúng ta đi sau các thị trường khác trong mọi lĩnh vực, không riêng thị trường tài chính nhưng phải nhìn vào xu hướng thời đại để tính toán bước đi của mình. Nếu TP.HCM không đi đầu chuyện này thì cả nước không có nơi nào để đi cả.
Ông Chin Dong Soo, Cựu Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính, Hàn Quốc:
Năm 2003 khi Hàn Quốc thảo luận vấn đề xây dựng Trung tâm tài chính gọi đó là giấc mơ lớn. Nhưng với TP.HCM, đó không còn là giấc mơ mà phải xây dựng thành tầm nhìn, dựa trên chính sách nhất quán, được thực hiện liên tục trong trung và dài hạn.
Ông Mohit Mehrotra, Tổng Điều hành Dịch vụ Tư vấn Chiến lược Deloitte vùng Châu Á Thái Bình Dương:
Suy nghĩ lớn nhưng hãy hành động cụ thể, thực tiễn khi xây dựng Trung tâm tài chính.
Hồng Phúc
Theo Baodautu.vn
Bao giờ TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế?
Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2019 vừa được tổ chức vào ngày 18/10. Chủ đề của sự kiện lần này là phát triển thành phố trở thành Trung tâm Tài chính Khu vực và Quốc tế.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới, tại NewYork dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London (Anh) là 42%, tại Thượng Hải (Trung Quốc) là 27% và tại Singapore là 29%.
"Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trãi qua khi trở thành thành phố toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Đối với TP. HCM, ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, thành phố đã có khát vọng trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại thành phố.
TP. HCM hiện là địa bàn hoạt động của 48 hội sở chính các TCTD, 29 chi nhánh của ngân hàng nước ngoài, 413 chi nhánh của các TCTD, 1.616 phòng giao dịch và 25 văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài. Tính đến ngày 30/9/2019, trên địa bàn Tp HCM, huy động vốn ước đạt gần 2 triệu 400 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,91 % tỷ trọng vốn huy động cả nước), dư nợ tín dụng đạt 2 triệu 200 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,96 % tỷ trọng dư nợ của cả nước).
Thành phố còn là đầu mối để dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam với lượng kiều hối gửi về hàng năm ổn định ở mức 5 tỷ USD. Đến ngày 30/9/2019, kiều hối chuyển về TP. HCM ước đạt 3,3 tỷ USD. Lượng góp vốn, mua cổ phần của gần 3.300 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Tp HCM năm 2018 cũng đạt khoảng 6 tỷ USD.
Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Kim Anh cho rằng, việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế có ý nghĩa đặc biệt to lớn, là vấn đề mang tầm vóc chiến lược của quốc gia, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Ông khuyến nghị một số điểm đối với "Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế".
Thứ nhất, TP.HCM cần kiên định thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mà địa phương đã và đang thực hiện gần 2 năm qua.
Thứ hai, TP.HCM ưu tiên tập trung vào 4 đột phá chiến lược gồm: Thể chế, cơ sở hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông, logistics, ICT, hạ tầng thanh toán...), nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học - công nghệ.
Thứ ba, theo Phó Thống đốc, TP. HCM cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 về chiến lược phát triển ngành ngân hàng và Quyết định 242/ QĐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 202"; cũng như Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện (mà Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới).
Thứ tư, thu hút các tổ chức tài chính quốc tế tới đặt trụ sở giao dịch và mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế - xã hội, đặc biệt là môi trường kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ để góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng tính minh bạch, và nâng cao hiệu quả hoạt động chu chuyển vốn cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính.
Thứ năm, tạo điều kiện thu hút lực lượng chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao (nhất là trong các lĩnh vực then chốt như tài chính - ngân hàng, ICT, giáo dục, y tế, quản lý hành chính công, giao thông, môi trường, KH-CN....) đến sinh sống, làm việc lâu dài tại TP HCM. Phấn đấu đưa Thành phố trở thành một trong những thành phố đáng sống và làm việc trong khu vực và quốc tế.
Từ góc nhìn của chuyên gia, TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mặc dù mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đã được xác định từ lâu, tuy nhiên đến hiện nay mọi ý tưởng vẫn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước.
Theo ông Lịch, dường như ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính TP.HCM theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2020 ít được nhắc đến trong những năm gần đây.
Ông Lịch cho rằng, Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cần được làm rõ về mặt chủ trương. Xác định lại xem Đề án là sự nối tiếp công việc trước đây bị gián đoạn hay tập trung chủ yếu vào nâng vị trí vai trò của TP.HCM với một tầm nhìn mới.
Vị chuyên gia này cho rằng TP.HCM cần đặt ra lộ trình mục tiêu từng giai đoạn để xây dựng khung trung tâm tài chính quy mô lớn. Theo đó, trong giai đoạn đầu Chính phủ cần thống nhất, xác định chủ trương Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 để triển khai các chính sách và cơ chế cụ thể.
Ngọc Bích
Theo Trí thức trẻ/ SBV
Phải vượt qua khuôn khổ pháp lý Dịch vụ tài chính ngày càng dựa vào công nghệ, do vậy bản chất của các trung tâm tài chính (TTTC) sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ và/hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời....