Yên Minh – ‘dấu chấm xanh’ nơi cực bắc Tổ quốc
Nằm ở khu vực trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), huyện Yên Minh sở hữu nhiều danh thắng quan trọng cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa đa dạng của 16 dân tộc anh em.
Đây chính là tiềm năng để Yên Minh xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với tiêu chí bền vững khi được định hướng trở thành một trung tâm du lịch sinh thái và đô thị “xanh” nơi địa đầu Tổ quốc.
Du khách trong nước và quốc tế chụp ảnh check-in tại điểm dừng chân số 55, nơi bao quát toàn cảnh xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh.
Vùng di sản địa chất độc đáo
Yên Minh cách thành phố Hà Giang gần 100km. Để đến được đây, du khách phải mất khoảng 4 – 5 tiếng di chuyển bằng ô tô do điều kiện địa hình núi đá cao hiểm trở. Trên con đường ngoằn ngoèo ôm theo sườn núi, du khách có thể nhìn thấy thị trấn Yên Minh trù phú nằm giữa những dãy núi trập trùng và hệ thống di sản địa chất nguyên sơ, đa dạng.
Cách thị trấn Yên Minh gần 30km là xã Lũng Hồ nằm ở độ cao 750 – 950m. Đây là nơi hội tụ các dạng địa hình karst độc đáo được hình thành khoảng 360 – 260 triệu năm trước. Cùng với sự đa dạng của các di sản địa chất là nét văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông với trang phục, nhà trình tường, hàng rào đá truyền thống được giữ gìn khiến du khách “lạc lối” khi đến Lũng Hồ.
Kéo dài hàng trăm mét và sâu chừng 400m là hẻm vực Nậm Lang chạy dọc theo con suối cùng tên, đem lại cảm giác mạnh không kém hẻm vực Tu Sản (huyện Mèo Vạc). Hẻm vực Nậm Lang được hình thành do quá trình đứt gãy từ hàng trăm triệu năm trước và là một “bảo tàng thiên nhiên”, minh họa sinh động cấu trúc địa chất, kiểu dạng địa hình đa dạng mà thiên nhiên ban tặng cho Yên Minh.
Video đang HOT
Du khách không nên bỏ qua di tích đồn Đường Thượng và tường thành Lũng Hồ (xã Lũng Hồ). Đây là một trong nhiều công trình quân sự mà quân đội Pháp đã xây dựng từ năm 1935 – 1940. Cách đó gần 2km là tường thành Lũng Hồ được xây dựng dựa theo triền núi hai bên con đường độc đạo nối giữa Lũng Hồ và Yên Minh. Đây là một trong những điểm dừng chân lý thú của Công viên địa chất.
Yên Minh còn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách nhờ các sản phẩm nông nghiệp độc đáo như chè shan tuyết đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP tại xã Ngam La. Hiện toàn xã có 150ha trồng chè, trong đó có 80ha chè cổ thụ 50 – 60 năm tuổi. Cây chè shan tuyết kéo theo sự phát triển du lịch, hình thành nên các khu vực phục vụ khách tham quan, mua sắm và giao lưu cùng các hộ trồng chè. Nhiều hộ dân đã trở thành đối tác của Công viên địa chất toàn cầu trong việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững.
Tạo thương hiệu du lịch “xanh”
Với những tiềm năng sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, di sản địa chất và văn hóa, Yên Minh được xác định đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn theo Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Yên Minh hiện gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển du lịch bởi ở gần với các điểm đến đã có thương hiệu như Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì… Hơn nữa, theo Trưởng phòng VH-TT huyện Yên Minh Nguyễn Văn Hiệp, huyện còn thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Toàn huyện hiện có 61 cơ sở lưu trú, trong đó có 7 khách sạn, 19 nhà nghỉ, 35 homestay; công suất sử dụng phòng chỉ đạt 55 – 60%.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, Yên Minh vẫn có cơ hội nếu dựa vào thế mạnh cảnh quan nguyên sơ, con người thân thiện và bản sắc văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, huyện cần xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững, tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các dân tộc để xây dựng những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng. Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên.
Theo ông Tuyên, Yên Minh cần bảo vệ màu xanh của những cánh rừng thông, rừng nguyên sinh, những cánh đồng hoa màu hay các vườn cây ăn quả… giữa màu xám của những dãy núi đá tai mèo tại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây sẽ là hình ảnh ghi dấu trong du khách về một vùng thảo nguyên xanh bình yên, một điểm đến nghỉ dưỡng thú vị.
Với mong muốn gia tăng sức hút, tạo thương hiệu điểm đến, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Huyện sẽ tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các chương trình, lễ hội, sự kiện. Song song với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các điểm dừng chân ngắm cảnh trên các tuyến du lịch tại xã Lao Và Chải, xã Lũng Hồ và thị trấn Yên Minh.
Đồng thời, huyện cũng sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao nhằm tăng cường thu hút khách du lịch như khai thác Tuyến du lịch số 4 gắn với bay khinh khí cầu tại xã Lũng Hồ; tổ chức giải đua xe đạp địa hình gắn với Lễ hội chợ tình Du Già; tổ chức hội Tết cá người Tày ở Mậu Duệ; Lễ hội Gầu Tào tại xã Đường Thượng gắn với cuộc thi leo núi Ba Tiên… Đây là những điểm nhấn quan trọng nhằm tạo sự đột phá để phát triển du lịch Yên Minh.
Đặc biệt, Yên Minh đã và đang triển khai phong trào trồng cây xanh tại các điểm dừng chân và các cung đường, điểm check-in, tuyến du lịch trên địa bàn, đưa Yên Minh thực sự trở thành một “dấu chấm xanh” trên Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bảo tồn kiến trúc truyền thống trên cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch
Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang nằm trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích tự nhiên trên 2.356,8km2 và nằm ở độ cao trung bình từ 1.100-1.600m so với mực nước biển.
Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO chính thức công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 3/10/2010.
Di tích Nhà Vương huyện Đồng Văn - điểm du lịch và là di tích lịch sử của Hà Giang được lợp bằng ngói âm dương truyền thống. Ảnh: Văn Phú
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của 17 dân tộc thiểu số, chủ yếu là các dân tộc: Mông, La Chí, Dao, Giấy, Lô Lô, Hoa, Sán Dìu... Mỗi dân tộc có một truyền thống và bản sắc văn hóa riêng biệt. Lối kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá nơi đây là nhà trình tường bằng đất có mái lợp bằng ngói âm dương kết hợp với tường rào đá vững chắc bao quanh nhằm bảo vệ ngôi nhà và ngăn chặn thú dữ, nhất là vào ban đêm. Đây là lối kiến trúc có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn nhằm chống lại nhiệt độ lạnh giá của mùa đông và giữ cho không gian nhà ở được mát mẻ vào mùa hè. Nhưng lối kiến trúc truyền thống này hiện đang bị mai một dần do quá trình phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là từ khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và do thay đổi trong quá trình mở rộng, phát triển du lịch.
Hiện nay, do thời gian, tiện lợi và nguồn đất làm tường khan hiếm (do đất chủ yếu là đá hoặc đất có lẫn đá) nên các ngôi nhà trình tường bằng đất truyền thống của đồng bào các dân tộc đã được ghép bằng các tấm gỗ sa mộc hoặc được xây bằng gạch được nghiền từ bột đá và xi măng; các mái ngói âm dương truyền thống được thay bằng các tấm lợp prô xi măng hoặc bằng mái tôn. Với lối kiến trúc mới này đem lại sự tiện lợi, nhanh và giá rẻ nhưng nó lại không có khả năng chống lại cái rét khắc nghiệt của mùa đông và không giữ được nhiệt độ mát mẻ vào mùa hè. Bên cạnh đó, với lối kiến trúc mới đang dần làm mất đi hình ảnh của những mái nhà truyền thống được làm bằng đất trình tường, lợp ngói âm dương và được bao quanh bằng những hàng rào đá được xếp vững chắc của đồng bào.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có phát triển du lịch du lịch vùng cao nguyên đá. Nhưng khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thì những giá trị truyền thống của cao nguyên đá cần phải được giữ gìn và bảo tồn như bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, hiện trạng tự nhiên của các vỉa đá, các đồi núi đá, các mạch đá và lối kiến trúc truyền thống nhà ở của đồng bào các dân tộc nơi đây... Những vấn đề này đã được các chuyên gia đề xuất, khuyến nghị và đã được các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đề xuất biện pháp bảo tồn và phát triển.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai công tác bảo tồn các kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào tại 4 huyện cao nguyên đá, nhất là mái nhà được lợp bằng ngói âm dương tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các xã và các thôn, bản tại 4 huyện cao nguyên đá. Điều đó đã giúp công tác bảo tồn lối kiến trúc truyền thống và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại các huyện cao nguyên đá. Công tác bảo tồn đã góp phần thu hút một lượng lớn khách du lịch khi tham quan, khám phá những giá trị văn hóa của lối kiến trúc xưa.
Một gia đình dân tộc Mông ở xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc còn giữ được kiến trúc truyền thống nhà ở có hàng rào đá kết hợp với mái lợp ngói âm dương nhưng tường nhà được ghép bằng tấm gỗ. Ảnh: Văn Phú
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng đã xúc tiến công tác bảo tồn các kiến trúc truyền thống của các di tích lịch sử trên cao nguyên đá Đồng Văn, như: Quần thể kiến trúc Nhà Vương, quần thể phố cổ huyện Đồng Văn... Những di tích này không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, mà còn mang đậm nét về văn hóa kiến trúc truyền thống qua hàng nghìn năm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đó chính là ý nghĩa lịch sử quan trọng mang tính đặc thù chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn và là một trong những điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu và khám phá...
Tuy nhiên, để công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, các danh lam thắng cảnh cũng như lối kiến trúc truyền thống về nhà ở của đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn rất cần có một giải pháp tổng thể của các cấp, các địa phương và của các ngành chức năng để đưa ra một giải pháp mang tính khả thi. Bên cạnh đó, để bảo tồn lối kiến trúc truyền thống nhà ở của đồng bào các dân tộc tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn thì ngoài biện pháp tuyên truyền cũng rất cần một chính sách hỗ trợ phù hợp cho đồng bào khi triển khai xây dựng nhà ở theo lối kiến trúc truyền thống.
Bên cạnh đó, để công tác bảo tồn lối kiến trúc truyền thống về nhà ở được đông đảo đồng bào đón nhận thì cần nâng cao trình độ dân trí đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với đông đảo người dân. Đó chính là hướng đi để Hà Giang đẩy mạnh công tác bảo tồn lối kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
"Để bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, rất cần sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương tại 4 huyện cao nguyên đá. Từ đó, nhằm xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình sử dụng các vật liệu xây dựng truyền thống. Trước mắt, cần tập trung xây dựng lối kiến nhà ở truyền thống tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các điểm du lịch tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn nhằm bảo tồn và tạo điểm nhấn về phát triển du lịch của địa phương" - ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn cho biết.
Hàng rào đá - một điểm nhấn ở cực Bắc Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thực sự là vùng đất vô cùng khắc nghiệt. Song, vùng đất này cũng có không ít thứ đáng yêu, đáng nhớ. Với tôi, những hàng rào đá đơn sơ, tưởng chừng như vô hồn vô cảm, lại là một sự cuốn hút đến kỳ lạ.... Bản làng người Mông. Ở cực Bắc của Tổ quốc,...