Ý tưởng Super League ra đời khi nào?
Ý tưởng và quyết tâm thành lập một giải đấu mới dường như được nhen nhóm từ 4 năm trước, khi lãnh đạo Man Utd, Arsenal và Liverpool cùng hội họp ở New York.
“ Super League” đang là từ khóa được người hâm mộ bóng đá thế giới tìm kiếm nhiều nhất ở thời điểm này. 12 đội bóng mạnh và giàu truyền thống ở châu Âu đã quyết định tách khỏi Champions League để thành lập Super League, với mục đích tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận và thoát khỏi cơ chế điều hành truyền thống của UEFA.
Super League là ý tưởng của nhiều đội bóng lớn, đứng đầu là chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid. Ông trùm ngành xây dựng Tây Ban Nha luôn ấp ủ tham vọng thành lập một giải đấu riêng, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống bóng đá truyền thông để giành lại “miếng bánh” lợi ích, vốn bị chia nhỏ trong nhiều năm qua.
Perez là chủ tịch hội đồng Super League.
Tuy nhiên, đây không phải là ý tưởng được tạo ra trong ngày một, ngày hai. Bức ảnh được chụp từ tháng 10/2017 cho thấy cách đây gần 4 năm, những lãnh đạo cấp cao của Liverpool, Arsenal và Man Utd đã có cuộc gặp ở một nhà hàng Italy mang tên Locanda Verde, nằm ở quận Tribeca, thành phố New York.
Bữa ăn có sự xuất hiện của Phó Chủ tịch Ed Woodward của Manchester Utd, John W.Henry – chủ tịch Fenway Sports, chủ sở hữu Liverpool, Ivan Gazidis – cựu giám đốc điều hành Arsenal (nay chuyển sang AC Milan) cùng với hai anh em Avi và Joel Glazer – chủ sở hữu Man Utd.
Nội dung cuộc họp vẫn là ẩn số, nhưng theo nguồn tin của Daily Mail , lãnh đạo 3 đội bóng lớn ở Anh họp mặt để bàn thảo về bản quyền truyền hình. Tham vọng của Liverpool, Arsenal và Man Utd là muốn được sở hữu phần lớn hơn trên “miếng bánh”, thay vì phải ăn chia công bằng với các đội bóng khác ở Ngoại hạng Anh.
Lãnh đạo các CLB lớn ở Anh gặp mặt trong một nhà hàng vào tháng 10/2017.
Thay vì chia đều thu nhập giữa 20 đội, đại diện 3 CLB giàu truyền thông này muốn có một mô hình tương tự như Tây Ban Nha, nơi Atletico Madrid, Barcelona và Real Madrid, cũng là thành viên sáng lập của Super League, nhận được khoản chi lớn hơn phần còn lại.
Ý tưởng về việc giành thị phần bản quyền cũng là yếu tố chủ chốt để thành lập Super League, bởi các đội bóng lớn như Real, Barca, Chelsea, Man Utd, Liverpool,… không hài lòng với cách phân chia bản quyền của UEFA hiện tại.
Theo thể thức mới của Champions League (thể thức Thụy Sĩ) sẽ áp dụng từ năm 2024, các CLB sẽ phải thi đấu nhiều trận hơn (9 trận vòng bảng), nhưng tiền bản quyền lại ít đi do phải phân chia với thêm 4 đội bóng nữa.
Các đội bóng lớn không hài lòng với thể thức này, do sức hấp dẫn, lôi kéo khán giả của Champions League chủ yếu tập trung ở các trận đấu có sự góp mặt của họ, thay vì những trận đấu của các CLB nhỏ khác. Các đội bóng mạnh muốn được chia nhiều tiền bản quyền hơn. UEFA lắc đầu, nên nhóm 12 CLB này quyết định đứng ra lập giải mới.
Video đang HOT
Ed Woodward cùng gia đình Glazer muốn Man Utd giành lợi nhuận tối đa.
Theo Daily Mail, chủ sở hữu của 12 CLB có chung lý tưởng và mong muốn tối đa doanh thu từ bóng đá, do đó, mối hợp tác đã được xây dựng và củng cố suốt 4 năm. Dịch COVID-19 đẩy nhiều CLB đến bờ vực nợ nần, phá sản với khoản nợ lên đến hàng tỷ euro.
“UEFA cải tổ Champions League đến năm 2024, nhưng đến lúc ấy, các đội bóng đã phá sản hết”, Perez tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình El Chiringuito.
“Không ai quan tâm Champions League đến trước vòng tứ kết. Vậy điều gì khiến người ta quan tâm nhất? Hãy để những trận cầu chất lượng nhất diễn ra. Chúng tôi đang nỗ lực vì điều tốt nhất cho thể thao. Champions League đã đánh mất sức hút của nó, chúng tôi lập ra Super League để cứu vãn bóng đá.
Ông chủ John W.Henry cũng đặt lợi ích tiền bạc lên trên hết.
Bản quyền truyền hình giúp chúng tôi có tiền. Tiền là dành cho tất cả vì bóng đá là kim tự tháp. Nếu những CLB đứng đầu có tiền, tiền sẽ được phân chia cho tất cả vì chúng tôi mua những cầu thủ của những CLB khác và chúng tôi phụ thuộc lẫn nhau”.
Super League không thể “thành hình” nếu thiếu nguồn vốn lớn, chảy từ túi các ngân hàng và quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Ngoài ra, mô hình của Super League gần giống NBA, MLS, những đế chế giải trí – thể thao thu lợi nhuận khổng lồ ở Mỹ.
Do đó, những ông chủ Mỹ của Liverpool, Man Utd và Arsenal có thể là nhân tố quyết định dẫn đến việc hình thành Super League, bên cạnh khát vọng của Perez và mong muốn được hưởng nhiều tiền hơn từ các CLB lớn.
Super League học theo mô hình NBA?
Ngay sau khi Super League được thành lập, giới chuyên môn đã nghĩ đến mô hình hiện tại của giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA).
Trên ESPN , một độc giả đặt câu hỏi: "Super League là gì, hoạt động bằng cách nào?". Trang báo Mỹ giải đáp: "Hãy lấy NBA là một ví dụ của Super League. Sân chơi đó có 30 đội bóng, chia thành 2 miền Đông - Tây và không chịu sự quản lý của Liên đoàn Bóng rổ thế giới (FIBA)".
Giữa NBA và Super League có điểm tương đồng dễ thấy về cách thức tổ chức. NBA có lịch sử phát triển hơn 70 năm, và giờ đây là giải bóng rổ số một hành tinh. Giải đấu tách biệt hoàn toàn FIBA khi tạo ra luật chơi riêng, thay đổi kích thước sân so với tiêu chuẩn chung cho phần còn lại.
Trong khi đó, Super League thành lập với 15 CLB giữ vai trò sáng lập và 5 đội bóng khách mời theo từng mùa. Giải đấu này sinh ra để chống Champions League, do đó không thuộc hệ thống của UEFA.
Marca cho rằng các ông chủ Super League muốn đi theo con đường thành công của những môn thể thao nhà nghề Mỹ, trong đó có NBA. Ở đó, kiếm tiền từ bóng đá là tiêu chí đặt lên hàng đầu.
NBA thành công như thế nào?
Ngay sau khi Super League thành lập, các trang báo lớn như ESPN , Marca , New York Times đã nói về điểm chung của sân chơi này với NBA.
NBA và Super League được đặt trong 2 bối cảnh khác nhau. NBA tự đứng trên đôi chân của mình khi "trái bóng cam" chưa phổ biến trên toàn thế giới. Trong khi đó, Super League làm phá vỡ cấu trúc hàng chục năm của bóng đá. Nhưng về bản chất, NBA hay Super League được khai sinh với mục tiêu không bị phụ thuộc.
Tại NBA, 30 đội bóng tạo thành vòng tròn khép kín theo mô hình Franchise (nhượng quyền), không có đội bóng xuống và lên hạng. Còn Super League bao gồm 15 đội bóng cố định và 5 suất linh hoạt thay đổi qua mỗi mùa giải. Đây là thể thức chưa từng có trong các giải đấu cúp ở bóng đá.
NBA gặt thành công sau hơn 70 năm xây dựng. Ảnh: Getty.
NBA áp dụng mô hình này từ rất lâu và thành công cả 2 khía cạnh chuyên môn lẫn doanh thu. Về chuyên môn, NBA hiện trở thành trung tâm của bóng rổ thế giới. Những người hâm mộ "trái bóng cam" phải theo dõi NBA để thấy đó là đỉnh cao bóng rổ. Còn với các VĐV đam mê môn thể thao này, NBA là đích đến cuối cùng để thể hiện tài năng.
Những siêu sao tại NBA có mức thu nhập không kém Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Neymar trong bóng đá. Stephen Curry đang nhận lương 45,7 triệu USD cho mùa 2020/21. Hai ngôi sao 36 tuổi LeBron James và Chris Paul lần lượt nhận 44,4 triệu USD và 44,2 triệu USD cho mùa này.
Investopedia đã giải đáp câu hỏi vì sao NBA giàu có như vậy. Khoản thu của giải đấu bao gồm tiền bản quyền truyền hình, bán áo đấu, vật dụng liên quan đến 30 CLB tại NBA, quảng cáo, tài trợ, bán vé. Tính riêng bản quyền truyền hình, NBA thu khoảng 2,6 tỷ USD/mùa, chia theo gói tài trợ 29 tỷ USD trong 9 năm.
Sau mỗi mùa, 30 đội gộp doanh thu. NBA trên đỉnh tháp nắm vai trò phân phối quyền lợi. Trước hết, các đội bóng nhận khoản tiền tương đương với quỹ lương của mùa giải. Mức chênh lệch doanh thu được phân định dựa trên thành tích ở bảng xếp hạng.
ESPN nhấn mạnh quy trình chia sẻ lợi ích của NBA giống với tham vọng của các ông chủ Super League hiện tại. Trước đó, các đội bóng bức xúc vì UEFA chia nguồn lợi của Champions League thành nhiều "miếng bánh".
UEFA giữ một khoản tiền gọi là phí duy trì giải đấu, sau đó chia sẻ cho CLB, liên đoàn thành viên. UEFA còn chi tiền cho những CLB bị loại khỏi play-off Champions League.
Với Super League, "miếng bánh" to nhất sẽ trao tay các CLB. Chủ tịch Florentino Perez tuyên bố Super League hứa hẹn mang lại nguồn lợi gấp nhiều lần Champions League. 400 triệu USD được cho là khoản đầu tư ban đầu của các đội, và số tiền này đã gấp nhiều lần thành tích vô địch Champions League.
Theo lời Sir Alex, Super League sẽ phá bỏ 70 năm truyền thống bóng đá.
Cái khó của Super League
Ivan Juric, HLV đội Hellas Verona, cho rằng cách tổ chức của NBA đáng để học hỏi. Tuy nhiên, Super League không thể bê nguyên công thức thành công của NBA với hy vọng tạo bước ngoặt trong bóng đá. Bởi ở đó, không chỉ là câu chuyện tạo ra doanh thu, mà phải đảm bảo yếu tố chuyên môn.
NBA ra đời từ năm 1946, khi bóng rổ chưa thật sự phổ biến toàn thế giới. Đây là sân chơi tương ứng giải vô địch quốc gia ở Mỹ. 29 trong 30 CLB thuộc các bang ở xứ cờ hoa. Đội còn lại là Toronto Raptors của Canada.
Super League được thành lập khi hệ thống bóng đá đang vận hành ổn định. Đứng đầu là FIFA, bên dưới có UEFA, các liên đoàn cấp châu lục, khu vực và từng quốc gia. Các CLB đang mắc kẹt, bởi Super League là sân chơi cấp châu lục tương đương Champions League, trong khi các đội vẫn còn thi đấu ở giải quốc nội, chịu sự quản lý cao nhất từ UEFA.
NBA và FIBA hoạt động song song, nhưng vẫn tìm tiếng nói chung. Mỗi kỳ World Cup bóng rổ, tuyển Mỹ vẫn tham dự. Các cầu thủ thi đấu tại NBA vẫn trở về khoác áo các đội tuyển bóng rổ.
Trong khi đó, Super League đang trở thành "cái gai" trong mắt UEFA và FIFA. UEFA đe dọa xóa sổ các đội bóng ở đấu trường quốc nội và cấm dự EURO. FIFA sẽ cấm các cầu thủ khoác áo đội tuyển dự World Cup.
NBA tạo nền tảng vững chắc để duy trì tính chuyên môn. Mỗi mùa giải, kỳ NBA Draft tổ chức để các đội bóng tuyển chọn tân binh, là những nhân tố tốt nhất ở cấp bóng rổ đại học. NBA không mua bán cầu thủ, mà thực hiện bằng hình thức trao đổi - có thể là cầu thủ, hoặc pick (lượt chọn trong các kỳ Draft).
Với bóng đá, các CLB đang chuyển nhượng theo luật FIFA. Trong trường hợp Super League bị cô lập khỏi hệ thống được điều hành bởi FIFA, các đội bóng bổ sung cầu thủ bằng cách nào? Cựu hậu vệ Gary Neville đã nhắc đến điều này và chỉ trích sự nóng vội của các ông chủ đặt yếu tố tiền bạc lên hàng đầu.
HLV Ivan Juric nhắc tới yếu tố văn hóa của bóng đá, sự cạnh tranh giữa các CLB từ việc lên hạng, xuống hạng. Ngay cả Champions League, những ông lớn ở châu Âu phải cạnh tranh quyết liệt trong cả mùa để có suất tham dự. Đó là niềm vui cho những đội bóng chiến đấu đến vòng cuối để dự Champions League. Và có cả nỗi tủi hổ của những CLB tên tuổi không được dự Champions League.
Mỹ hóa bóng đá châu Âu, cụ thể là đưa mô hình thành công của NBA, NFL (bóng bầu dục Mỹ), MLB (bóng chày Mỹ) có thể là tham vọng của Perez, người cũng đầu tư cho bóng rổ và từng bày tỏ sự ngưỡng mộ NBA.
Một trong những cộng sự của Perez là Joel Glazer, chủ sở hữu đội bóng bầu dục Tampa Bay Buccaneers danh tiếng ở Mỹ. JP Morgan, ngân hàng đặt trụ sở tại Mỹ, giữ vai trò hậu thuẫn tài chính cho Super League.
Tuy nhiên, nhiều CĐV không chấp nhận kế hoạch của Super League. "Được tạo nên từ người nghèo, và bị đánh cắp bởi kẻ giàu", là thông điệp CĐV MU, Liverpool phản đối trước sân Anfield, Old Trafford. Huyền thoại Sir Alex Ferguson đã chỉ trích và cho rằng Super League phá hỏng truyền thống 70 năm bóng đá.
David Beckham, ông chủ của một đội bóng tại Mỹ, nhấn mạnh bóng đá là môn thể thao đặc biệt vì sức ảnh hưởng từ CĐV. Những người muốn tạo ra Super League cần lắng nghe ý kiến từ CĐV, trước khi tạo nên sự thay đổi mang tính bước ngoặt.
Chủ tịch Perez đã tuyên bố Super League sẽ tạo giá trị mới về chuyên môn và kinh tế bóng đá. Tuy nhiên, đa phần CĐV lại muốn duy trì cách làm bóng đá hiện tại để tôn trọng truyền thống môn thể thao vua.
Everton "đánh hội đồng" các ông lớn vì tham dự Super League Nửa xanh vùng Merseyside đã lên án 6 đội bóng ở Premier League bao gồm hàng xóm Liverpool về việc tham gia sáng lập European Super League. 12 đội bóng hàng đầu từ khắp châu Âu đã thống nhất khai sinh ra một giải đấu riêng, không liên quan tới Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Trong đó "Big 6" tại nước...