Y tế Cuba: Những thành tựu khó tin
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận Cuba là một trong những quốc gia có nền y học tiến bộ với hệ thống y tế tốt nhất thế giới. Đảo quốc này hiện cũng là nước có tuổi thọ trung bình của người dân thuộc loại cao nhất tại Mỹ Latinh (78 tuổi).
Ưu tiên số 1 cho ngành y tế
Dù phải chịu những thiệt hại nặng nề trong suốt hơn 40 năm bị Mỹ bao vây cấm vận, Chính phủ Cuba vẫn dành ưu tiên số một cho ngành y tế. Ngay từ lúc mới lên nắm quyền vào năm 1959, Chủ tịch Fidel đã khẳng định mong muốn tạo ra một quyền lực y tế toàn cầu. Trọng tâm của hệ thống chăm sóc y tế đất nước vùng Caribbe này chính là hệ thống bác sĩ gia đình.
Cuba luôn chú trọng đào tạo đội ngũ y bác sỹ có trình độ cao, đồng thời thiết lập được một hệ thống y tế bài bản ở tất cả các cấp, qua đó tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận ngay cơ sở y tế khi cần thiết. Từ năm 1959 đến nay, Cuba đã đào tạo được hơn 78.000 bác sỹ, trong đó hơn 60.000 bác sỹ có bằng thạc sĩ, và 96.000 y tá. Hệ thống y tế và mạng lưới các trường y, dược không ngừng được mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa với hơn 300 bệnh viện, 12 viện nghiên cứu y tế, nhiều trung tâm dưỡng lão và hơn 20 trường đại học với tỷ lệ bình quân một bác sỹ cho khoảng 150 người.
Cuba đã thực hiện phẫu thuật động mạch vành vào năm 1964, ghép tủy xương và ghép gan vào năm 1985, ghép dây thần kinh trị bệnh Parkinson vào năm 1987… Khi trường y thuộc Đại học Yale (Mỹ) thực hiện ca phẫu thuật ghép tim thứ 5, thì 4 tháng sau đó, Bệnh viện Ameijeiras của Cuba đã thực hiện ca thứ 10. Các trung tâm nghiên cứu của nước này cũng đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, như chế tạo ra các loại thuốc streptokinase, thuốc phá các cục máu đông ở bệnh nhân đau tim. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên phát triển và tung ra thị trường vacine viêm màng não B, sau đó là vacine viêm gan siêu vi B. Hiện vacine viêm gan siêu vi B của Cuba được xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pakistan.
Đặc biệt năm 2012, các nhà khoa học Cuba đã mang đến cho bệnh nhân ung thư một niềm hy vọng lớn đó là việc bào chế thành công sản phẩm điều trị bệnh ung thư từ nọc độc của bọ cạp xanh – một loại bọ cạp đặc chủng của Cuba, mang tên gọi là sản phẩm VidadoxPlus. Với cơ chế hoạt động cô lập tế bào ung thư, cô lập khối u không cho mạch máu đến nuôi dưỡng khối u, làm cho khối u teo đi, đây được xem là một công trình nghiên cứu thực sự làm thay đổi phương pháp chữa trị căn bệnh ung thư quái ác hiện nay.
Nọc bọ cạp xanh Cuba được sử dụng để điều chế thuốc phòng
chống ung thư Vidatox Plus
Sứ mệnh nhân đạo quốc tế
Không chỉ quan tâm sức khỏe người dân trong nước, các bác sĩ Cuba đã đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Cuba là một trong những quốc gia có số lượng cán bộ y tế tham gia các chương trình hợp tác y tế ở nước ngoài nhiều nhất với gần 39.000 người, trong đó có khoảng 15.000 bác sỹ. Các nhân viên y tế Cuba đang làm việc tại 66 nước ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, trong đó 40 nước là theo các chương trình hợp tác miễn phí, giúp đỡ người dân địa phương công tác vệ sinh chữa bệnh, phòng chữa bệnh truyền nhiễm…
Sức khỏe là cơ sở cho con người và xã hội phát triển. Sự giúp đỡ về y tế của Cuba đối với nhiều nước đã mang lại hiệu quả tích cực. Hành động này không chỉ cải thiện rất lớn quan hệ giữa Cuba với các nước, khiến Cuba giành được sự ủng hộ trên nhiều diễn đàn quốc tế, mà còn đem lại cho Cuba sự giúp đỡ song phương hoặc đa phương trong hoạt động mậu dịch, đầu tư… Có thể nói, trong bối cảnh bị bao vây cấm vận hà khắc, Cuba vẫn đạt được những thành tựu đáng tự hào, và những thành tựu về y tế được xem như là một trong những “quả ngọt” của cách mạng trên hòn đảo tự do ở Tây bán cầu.
Theo ANTD