Y tá Hong Kong bị đình chỉ công tác vì tiêm cùng lúc hai mũi vaccine
Một y tá ở Hong Kong bị đình chỉ công tác sau khi tiêm nhầm hai liều vaccine Covid-19 cùng lúc cho một người đàn ông.
Cơ quan y tế Hong Kong hôm 12/8 cho biết họ nhận được thông báo một ngày trước đó rằng người đàn ông 66 tuổi đã được tiêm một lúc hai liều vaccine Pfizer tại trung tâm tiêm chủng ở Tuen Mun. Người này sau đó nhập viện để theo dõi.
“Chúng tôi đang tìm hiểu thêm thông tin về sự cố và sẽ tiến hành điều tra. Tổ chức y tế điều hành trung tâm tiêm chủng đó cũng sẽ được yêu cầu nộp báo cáo”, phát ngôn viên chính quyền Hong Kong cho hay.
Người dân được tiêm vaccine Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Hong Kong hôm 23/2. Ảnh: Reuters .
Hiệp hội Sức khỏe Con người, tổ chức điều hành trung tâm xảy ra sự cố, cho biết điều tra ban đầu của họ xác nhận có sai sót trong quá trình tiêm chủng, dẫn đến quyết định đình chỉ công tác đối với y tá tiến hành tiêm. Nhà sản xuất Pfizer khuyến cáo khoảng cách tối thiểu giữa hai mũi tiêm là 21 ngày.
Hiệp hội cho biết thêm rằng một bác sĩ tại trung tâm tiêm chủng đã ngay lập tức báo cáo sự cố cho cơ quan y tế và kiểm tra sức khỏe người đàn ông được tiêm hai liều vaccine cùng lúc. Truyền thông Hong Kong cho biết tác dụng phụ rõ ràng duy nhất đối với người này là tăng huyết áp và sức khỏe của ông vẫn ổn định sau khi nhập viện kiểm tra.
Tiến sĩ Ho Pak-leung, nhà vi sinh vật học tại Đại học Hong Kong, cho biết cách bào chế các vaccine Covid-19 giúp đảm bảo việc tiêm hai liều cùng lúc không gây phản ứng bất lợi quá nghiêm trọng, nhưng lưu ý điều này sẽ không làm tăng đáng kể hiệu quả bảo vệ của vaccine.
“Nếu một người được tiêm hai liều vaccine Covid-19 cùng lúc, họ có thể gặp phải nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng hơn trong thời gian ngắn ở gần vị trí tiêm, nhưng không bị đe dọa về sức khỏe”, Ho cho hay.
Hong Kong hôm 12/8 ghi nhận thêm 5 ca nhiễm nCoV nhập cảnh, nâng tổng số ca nCoV tại thành phố lên 12.025, trong đó 212 trường hợp đã tử vong.
Video đang HOT
Vaccine hiệu quả với chủng Delta thế nào?
Dù dữ liệu còn hạn chế, nhiều nghiên cứu chỉ ra một số loại vaccine mang lại lớp bảo vệ tốt trước biến chủng Delta dễ lây lan.
Giống nhiều quốc gia khác, Mỹ đang đối phó với biến chủng Delta lây lan mạnh. Hơn 130 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới này, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mỹ lần đầu thông báo trường hợp nhiễm Delta vào tháng 3 năm nay. Hiện biến chủng chiếm tới 82% số ca nhiễm mới ở Mỹ.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky nói dữ liệu sơ bộ cho thấy 99,5% người chết vì Covid-19 từ tháng 1 ở Mỹ chưa được tiêm chủng.
"Chúng tôi biết rằng biến chủng Delta đang tăng vọt ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp", bà bói.
Tại bang Missouri, nơi khoảng 51% dân số được tiêm chủng, số ca nhiễm trung bình hàng ngày là hơn 2.600. Trong khi đó, bang Vermont chỉ ghi nhận 45 ca nhiễm trung bình 7 ngày qua và hiện có tới gần 80% dân số tiêm chủng đầy đủ.
"Tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine hiện tại rất rõ ràng. Ba loại vaccine có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh và chúng an toàn như bất kỳ loại vaccine nào khác. Dù có một số tác dụng phụ được báo cáo, những vấn đề này rất hiếm gặp và có thể điều trị được", tiến sĩ Theodore Strange tại Bệnh viện Đại học Staten Island ở New York, nói về ba loại vaccine Covid-19 sử dụng ở Mỹ gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Các lọ vaccine Pfizer tại điểm tiêm chủng bệnh viện Đại học Iowa, Mỹ hồi tháng 12/2020. Ảnh: NYTimes.
Do nghiên cứu còn hạn chế, việc xác định hiệu quả chính xác của ba loại vaccine đối với biến chủng Delta vẫn là thách thức với giới khoa học. Tuy nhiên, những nghiên cứu sơ bộ mang tới kết quả đầy lạc quan.
Nghiên cứu đầu tiên do Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) công bố tháng 6 cho thấy hai liều vaccine Pfizer có thể ngăn ngừa 88% triệu chứng bệnh và 96% nguy cơ nhập viện ở người nhiễm biến chủng Delta. Nghiên cứu cũng chỉ ra Pfizer có thể ngăn nguy cơ nhiễm biến thể này tới 80%. Kết luận được các nhà khoa học đưa ra sau khi phân tích 14.019 trường hợp nhiễm virus ở Anh, trong đó chỉ 166 người phải nhập viện.
Một phân tích khác được PHE công bố hồi tháng 5 cho thấy tầm quan trọng của tiêm đủ liều vaccine, khi chỉ ra một liều Pfizer chỉ có hiệu quả 33% trong ngăn ngừa triệu chứng bệnh. Nhưng hiệu quả với biến thể Delta đã tăng lên 88% sau hai tuần tiêm mũi thứ hai.
Báo cáo của Trusted Source công bố trên tạp chí Nature hôm 8/7 cho hay người tiêm một liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca có lớp bảo vệ yếu trước Delta. Nhưng tiêm đủ hai liều có thể tăng mức độ bảo vệ lên tới 95%. Các nhà khoa học thêm rằng khả năng miễn dịch tự nhiên có thể không giúp con người tránh được nguy cơ nhiễm biến chủng Delta.
Trong khi đó, một nghiên cứu ở Canada phát hiện hai liều vaccine Covid-19 có thể hiệu quả với biến thể Delta như với Alpha, trong đó hiệu quả của Pfizer khoảng 87%. Nghiên cứu hiện chưa được bình duyệt.
Một nghiên cứu ở Scotland đăng trên tạp chí The Lancet hồi tháng 6 cũng đưa ra kết quả tương tự. Các nhà khoa học kết luận vaccine Pfizer cung cấp bảo vệ rất tốt trước biến chủng Delta và cho hiệu quả 79% sau 14 ngày tiêm mũi thứ hai.
Pfizer cho biết đang trong quá trình nghiên cứu về liều vaccine thứ ba nhằm tăng cường hiệu quả với biến chủng Delta. Công ty này chia sẻ dữ liệu mới từ Bộ Y tế Israel, nơi cho thấy hiệu quả của vaccine giảm sau 6 tháng, đã thúc đẩy nghiên cứu.
Trong dữ liệu công bố hôm 28/7, Pfizer nói liều vaccine thứ ba giúp người tiêm có lớp bảo vệ mạnh mẽ hơn trước biến thể Delta, khi giúp tăng kháng thể gấp năm lần so với tiêm hai liều. Nghiên cứu đang chờ được bình duyệt.
Giống như Pfizer, Moderna cũng là một loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mới mRNA và được đánh giá có hiệu quả cao với nCoV, cũng như biến chủng Delta.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đăng trên trang tin khoa học Biorxiv cuối tháng 6 cho thấy vaccine Moderna có khả năng chống lại Delta và các biến thể nCoV khác, dù hiệu quả giảm hơn so với biến thể Alpha.
Trong cùng nghiên cứu ở Canada cho thấy Pfizer hiệu quả 87%, vaccine Moderna cũng được đánh giá có hiệu quả 72% với biến thể Delta sau một liều tiêm. Hiện chưa có đủ dữ liệu về hiệu quả của loại vaccine này sau hai liều.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ trong phòng thí nghiệm của các nhà nghiên cứu New Yok chỉ ra vaccine mRNA như Pfizer và Moderna đều có hiệu quả 94-95% để ngăn ngừa người nhiễm nCoV phát triển triệu chứng Covid-19.
So với hai loại vaccine trên, Johnson & Johnson có ít dữ liệu về mức độ hiệu quả đối với biến thể Delta. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng cho kết quả khá tích cực.
Một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tạp chí Y học New England đầu tháng 6 cho thấy vaccine Johnson & Johnson (J&J) có thể ngăn nguy cơ bệnh nặng tới 85%, đồng thời tạo ra lớp bảo vệ "mạnh mẽ, lâu dài" trước nguy cơ nhập viện và tử vong.
Nghiên cứu cũng chỉ ra vaccine J&J thúc đẩy "phản ứng kháng thể trung hòa", ngăn chặn virus lây nhiễm cho tế bào khỏe mạnh, chống lại biến thể Delta tốt hơn biến thể Beta.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ với 20 người tham gia, được công bố trên Tạp chí Y học New England tháng trước, vaccine J&J đã trung hòa biến thể Delta trong vòng 29 ngày sau mũi tiêm đầu tiên.
"Dữ liệu trong 8 tháng nghiên cứu tới nay cho thấy vaccine một liều Johnson & Johnson tạo ra phản ứng kháng thể trung hòa mạnh mẽ không bị suy yếu mà cải thiện theo thời gian. Chúng tôi quan sát thấy một phản ứng miễn dịch tế bào kéo dài và mạnh mẽ", tiến sĩ Mathai Mammen, người phụ trách Nghiên cứu và Phát triển của công ty Johnson & Johnson, nói trong họp báo tháng trước.
Một điểm tiêm chủng lưu động ở New York, Mỹ tháng trước. Ảnh: NYTimes.
Một nghiên cứu khác được công bố trên BioRxiv vào giữa tháng 7 cho thấy J&J hiệu quả 67% với biến thể Delta. Nghiên cứu chỉ ra vaccine tạo ra ít kháng thể chống Delta hơn Alpha. Tuy nghiên, nghiên cứu mới thực hiện trên 27 người và có thể chưa phản ánh chính xác hiệu quả thực tế.
Dữ liệu làm dấy lên nhiều tranh luận về tiêm liều tăng cường cho loại vaccine một mũi tiêm này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các loại vaccine Covid-19 có thể bị giảm hiệu quả chống lại nguy cơ xuất hiện triệu chứng nhẹ mà Delta gây ra, nhưng người tiêm chủng đầy đủ vẫn "giữ được sự bảo vệ đáng kể" với biến chủng nguy hiểm này.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo các nước không nên lơ là cảnh giác trong cuộc chiến với Covid-19, ngay cả khi tỷ lệ dân số tiêm chủng ngày càng tăng.
"Nguy cơ có thể là 1/8 sau khi tiêm vaccine, nhưng vẫn còn một số lượng đáng kể người bị nhiễm", giáo sư Tim Spector, nhà dịch tễ học tại Đại học King London, nói và thêm rằng các biện pháp như giữ khoảng cách và đeo khẩu trang vẫn rất quan trọng.
Chiến lược 'ngăn chặn mềm' chống COVID-19 ở Israel Israel ngày 30/7 đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine nhắc lại mũi thứ ba cho những người trên 60 tuổi nhằm tăng khả năng đề kháng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao bệnh trở nặng và tử vong nếu mắc COVID-19. Đây là một trong những biện pháp được Chính phủ Israel đưa ra nhằm đối phó với làn...