Y tá Anh: ‘Tôi đã hồi sinh những trái tim nhưng chẳng mua nổi vé tàu’
Hàng nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình nhằm thể hiện sự bất mãn vì cách chính phủ Anh đối phó với vấn đề kinh tế.
Ngày 18/6, những người biểu tình tập trung tại trung tâm thủ đô London để kêu gọi chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và lạm phát tồi tệ nhất trong hơn 40 năm.
Một số người kêu gọi tăng lương, trong khi những người khác lo ngại về sự thiếu hụt các dịch vụ công cộng, theo Guardian.
Đoàn người biểu tình tiến về Quảng trường Nghị viện và cầm theo các biểu ngữ kêu gọi hành động từ chính quyền. Đại hội công đoàn Anh (TUC) tuyên bố người lao động nước này đang phải chịu thiệt hại giảm thu nhập dài nhất và khắc nghiệt nhất trong lịch sử.
Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, lạm phát ở nước này vào tháng 4 chạm mốc 9%, cao nhất kể từ tháng 3/1982. Các gia đình cũng phải đối mặt với tình trạng giá điện và khí đốt tăng đến 54%.
Một người phụ nữ mang theo con nhỏ đi biểu tình tại London. Ảnh: Reuters.
Đám đông giận dữ
“Còn tiền thưởng của nhân viên ngân hàng thì sao? Còn lợi nhuận doanh nghiệp thì sao? Đã đến lúc tăng thuế đối với người giàu chứ không phải người lao động”, bà Frances O’Grady, Tổng thư ký TUC, phát biểu trước đám đông.
Những người biểu tình huýt sáo, hò hét và vỗ tay, trong khi những người khác hô vang “những người nhập cư được chào đón ở đây”. Những bài hát như 9 To 5, I Need A Dollar và Money, Money, Money được phát liên tục với nhiều người hát và nhảy theo, theo Mirror.
Liên minh Cứu hoả thậm chí đã gửi một ban nhạc kèn túi để tham gia cuộc diễu hành. Một nhóm biểu tình từ Liên minh Công nhân Đường sắt, Hàng hải và Vận tải Quốc gia (RMT) mang theo biểu ngữ “bảo vệ đường sắt”.
Cơ quan này đã tuyên bố 40.000 thành viên sẽ nghỉ việc vào tuần tới, mở ra cuộc đình công ngành đường sắt lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Anh Grant Shapps đã đe doạ các công nhân đường sắt rằng họ sẽ mất việc.
“Hãy để tôi nói với ông Boris Johnson, ông không được đổi lỗi cho người lao động vì tình trạng lạm phát”, bà O’Grady nói. Tổng thư ký RMT Mick Lynch cũng tuyên bố với đám đông rằng người Anh “đang ở trong một cuộc đấu tranh giai cấp”.
ông Mick Lynch phát biểu trước đám đông biểu tình. Ảnh: Reuters.
“Nếu điều kiện sống của bạn bị ảnh hưởng, nếu tiền lương của bạn bị ảnh hưởng, nếu bạn mất việc, bạn đang ở trong một cuộc đấu tranh giai cấp. Những người ở trong Quốc hội, những người đáng lẽ phải ở bên cạnh chúng ta, phải trả lời câu hỏi: Các anh ở phe nào? Các anh có đồng hành cùng chúng tôi hay không?”, ông Lynch phát biểu.
Nhiều bậc cha mẹ thậm chí còn đem theo con nhỏ để biểu tình. Đám đông thổi còi và hô vang khẩu hiệu “hệ thống chính quyền vô dụng, đã đến lúc chiến đấu, công nhân thế giới đoàn kết”.
Video đang HOT
Báo động giá thực phẩm
Sonia Adesara, một bác sĩ làm việc tại Tottenham, cho biết những bệnh nhân cô gặp đang phải vật lộn với chi phí tăng vọt.
Sonia Adesara. Ảnh: Guardian.
“Tôi làm việc tại một khu vực khó khăn ở London. Rất nhiều bệnh nhân của tôi đang phải vật lộn với hóa đơn. Tôi có thể thấy mọi người đang trở nên mệt mỏi vì thường xuyên đối mặt với căng thẳng”, cô nói.
TUC cho biết người lao động đã mất gần 20.000 bảng kể từ năm 2008 vì tiền lương không theo kịp lạm phát.
Nhiều phụ huynh chia sẻ với Adesara rằng họ không đủ khả năng mua sắm thực phẩm. Lạm phát giá thực phẩm tại Anh đã tăng trung bình 3,14% trong tháng 5, nhưng một số thực phẩm phổ biến đã phải chứng kiến mức tăng hơn 20%.
Viện nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh dự báo rằng hơn 250.000 hộ gia đình có thể rơi vào tình cảnh túng quẫn vào năm sau. Khoảng 1,5 triệu hộ gia đình sẽ gặp khó khăn với việc chi trả giá thực phẩm và năng lượng.
Người biểu tình tại Quảng trường Nghị viện. Ảnh: Reuters.
“Mỗi ngày tôi phải chứng kiến cảnh lũ trẻ trong lớp về nhà nhưng không có đủ thức ăn”, Frankie Brown, một giáo viên, nói.
“Thật kinh khủng. Là một bác sĩ, tôi cảm thấy bất lực. Chúng tôi phải thuê một người nào đó để giúp mọi người nộp đơn xin trợ cấp và giới thiệu đến các tổ chức từ thiện”, Adesara chia sẻ.
Có những ngân hàng thực phẩm đang được mở ra trong các bệnh viện. Adesara nhìn thấy rất nhiều thanh niên đến với các triệu chứng liên quan đến căng thẳng.
“Đó là lý do tại sao mọi người cần có một mức lương xứng đáng. Mọi người phải đủ khả năng mua thực phẩm và thanh toán hóa đơn. Chúng tôi chỉ yêu cầu những điều cơ bản”, cô nói.
Tình cảnh thu nhập ảm đạm
“Kể từ thời Thủ tướng Cameron và chính sách thắt lưng buộc bụng, lương giáo viên đã bị cắt giảm khoảng 10.000 bảng”, Andy Lewis, một giáo viên cao đẳng tham gia cuộc biểu tình cùng 65 giáo viên khác, nói.
Andy Lewis. Ảnh: Guardian.
Các trợ giảng nói với ông rằng họ không đủ tiền để tới trường. Các nhân viên quản lý cũng không đủ khả năng chi trả phí vận chuyển.
“Nó không chỉ liên quan đến lương, mà còn về tác động đối với trẻ em. Những nhân viên này rất quan trọng. Họ đảm bảo rằng giáo viên có thể làm tốt công việc của mình”, ông nói thêm.
Người biểu tình cầm biểu ngữ “Chúng tôi xứng đáng với điều tốt hơn”. Ảnh: Reuters.
Một y tá thậm chí phải lên Twitter để giải thích tại sao cô không thể tham gia cuộc biểu tình.
“Tôi đã làm trong ngành điều dưỡng trong 30 năm. Trong thời gian đó, tôi không nhớ mình đã hồi sinh bao nhiêu trái tim, nắm giữ bao nhiêu bàn tay khi họ nghe bác sĩ chẩn đoán. Nhưng là một người mẹ, tôi không đủ khả năng để trả tiền vé tàu tới London tham gia cuộc diễu hành”, cô nói.
Daniel Kennedy, một nhân viên đường sắt, sẽ đình công vào tuần tới theo kế hoạch của RMT. Ông cho rằng tỷ lệ lạm phát khiến mọi người cảm thấy khó chịu và chọn cách chiến đấu để được trả lương cao hơn.
“Một số công nhân đường sắt không được tăng lương trong ba năm. Rất nhiều người nghĩ rằng người lái tàu có mức lương 60.000 bảng một năm. Nhưng thực sự mức lương trung bình của thành viên RMT là khoảng 31.000 bảng. Nhiều người phải cân nhắc giữa việc trả tiền hóa đơn hay mua thực phẩm”, ông nói.
'Đoàn quân' YouTuber phá vỡ giấc mộng về hưu của ông Moon Jae In
Những cuộc biểu tình trước nhà cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã phá vỡ cuộc sống yên bình mà ông mong muốn lúc về hưu, cũng như quấy rầy người dân tại ngôi làng Pyeongsan.
Khi cựu Tổng thống Moon Jae In nghỉ hưu vào tháng trước để đến ngôi làng Pyeongsan ở miền Nam Hàn Quốc, ông cho biết giờ đây mình có thể sống một cuộc sống ẩn dật, bị phần còn lại của thế giới lãng quên. Ngôi làng nhỏ này, cách Seoul 300 km, là nơi sinh sống của khoảng 100 người.
Đó là ước mơ mà ông đã ấp ủ trong khi vật lộn với các nhiệm vụ đầy khó khăn trong suốt 5 năm nhiệm kỳ tổng thống của mình, theo South China Morning Post.
Vỡ mộng về hưu yên bình
Tuy nhiên, giấc mơ đó đã tan vỡ khi ông Moon và vợ phải đối mặt với nhiều người biểu tình người tụ tập trước nhà, dùng loa phát ra những bản nhạc nói xấu ông suốt ngày đêm. Họ cũng sử dụng các biểu ngữ ghi những lời lẽ và bình luận ác ý.
Tiếng ồn và sự ngột ngạt đã dịu đi phần nào nhưng vẫn còn tiếp diễn. Điều đó cũng khiến những cư dân khác của làng, trong đó có nhiều người cao tuổi, khó chịu. Một số người dân được cho là đã phải nhập viện do căng thẳng và mất ngủ.
Những người biểu tình có mặt trước nhà của cựu Tổng thống Moon Jae In tại Pyeongsan. Ảnh: Weibo.
Đối với nhiều người biểu tình, với số lượng khoảng 20-50, việc ông Moon lui về cuộc sống riêng tư là cơ hội để họ tiếp tục nỗi hiềm khích nhân danh đối thủ của ông Moon, cựu Tổng thống Park Geun Hye, người bị phế truất vào năm 2017. Tuy nhiên, ông Moon vẫn được đội ngũ an ninh bảo vệ.
Tập trung gần nhà của ông Moon trong những tuần gần đây là những người gây rối "chuyên nghiệp". Họ thường tổ chức các cuộc biểu tình chống lại cựu Tổng thống Moon kể từ khi bà Park, người họ quý mến, bị phế truất trước khi ông nhậm chức.
Năm 2012, bà Park đã đánh bại ông để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, song đã bị kết tội lạm dụng quyền lực sau khi bị luận tội vào năm 2017. Bà được ra tù vào tháng 12/2021 sau gần 5 năm bị giam giữ.
Lợi dụng biểu tình để kiếm tiền
Tuy nhiên, những nhóm biểu tình gần nhà ông Moon (chủ yếu là những người trên 60 tuổi) không chỉ đến vì sự khác biệt về quan điểm. Một số người trong đám đông còn kiếm tiền từ việc livestream trên YouTube nên họ cảm thấy cần phải ngày càng cực đoan để kiếm thêm tiền.
"Đối với những YouTuber, những cuộc biểu tình này có liên quan tới thu nhập của họ. Họ nhận quyên góp từ người xem và cũng kiếm tiền từ quảng cáo. Họ thường dàn dựng các cuộc biểu tình ngày càng khiếm nhã vì người xem mỗi lúc một thích những nội dung kích thích hơn", nhà bình luận Oh Byung Sang hồi tháng 5 viết trên tờ JoongAng Daily.
Nhóm người biểu tình đã làm xáo trộn cuộc sống bình yên của người dân làng Pyeongsan. Ảnh: Weibo.
"Hàn Quốc là thiên đường cho những YouTuber về chính trị như vậy. Thật khó để họ từ bỏ sinh kế của mình", ông nói. Ông cho biết thêm rằng "những video như vậy càng làm tăng thêm sự thù hận trong nền chính trị của đất nước".
Những người cánh tả cũng có xu hướng dịch chuyển sang hướng thiên tả hơn nữa, từ đó làm sâu sắc thêm sự phân cực chính trị của đất nước, theo ông Oh.
Vì những lời kêu gọi kiềm chế của ông Moon đã bị bỏ ngoài tai, gia đình ông đã trình báo cảnh sát đối với nhiều người trong 3 nhóm biểu tình, cáo buộc họ phỉ báng, đe dọa giết người và kích động bạo lực tập thể.
Đối với những người biểu tình, những "tội ác" bị cáo buộc của Moon không hoàn toàn liên quan đến bà Park. Họ cũng cáo buộc ông đưa bí mật nhà nước cho Triều Tiên, dùng tiền công quỹ mua quần áo cho vợ và làm suy yếu liên minh với Mỹ.
Các biểu ngữ do những người biểu tình dựng lên gần nhà ông Moon chứa đầy những từ ngữ tiêu cực, mang ý nghĩa phỉ báng và đe dọa giết. Người biểu tình thậm chí còn chửi bới bất cứ ai đi vào nhà ông Moon.
Hôm 15/6, Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Yoon Suk Yeol dường như bảo vệ người biểu tình trên căn cứ quyền tự do ngôn luận và hội họp.
"Các buổi tuần hành còn được phép diễn ra ngay bên ngoài văn phòng tổng thống. Mọi việc sẽ được xử lý đúng pháp luật", ông Yoon nói với báo chí khi được yêu cầu can thiệp.
Theo Korea Herald hồi tháng 5, những người biểu tình không thể bị trừng phạt, vì họ tuân thủ các tiêu chuẩn về tiếng ồn được quy định trong Đạo luật về Hội nghị và Biểu tình. Cảnh sát kêu gọi những người biểu tình hạn chế sử dụng loa phóng thanh vào ban đêm. Người dân yêu cầu họ ngừng chửi thề, nhưng vô ích.
Phát ngôn viên đảng Dân chủ Cho Oh Seop cho biết bình luận của Tổng thống Yoon đã đưa ra tín hiệu sai lệch cho những người biểu tình, vốn đang đi quá xa, và khiến cảnh sát không thể ngăn họ lại.
Vì vậy, khi không có ý chí chính trị rõ ràng để ngăn chặn họ và một số người tham gia để kiếm tiền, các cuộc biểu tình, mặc dù đã vơi bớt đi nhiều, vẫn có khả năng tiếp diễn trong thời gian này.
Xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm bất ổn xã hội ở Tây Ban Nha Chính phủ Tây Ban Nha đang đối mặt với nhiều áp lực từ các cuộc biểu tình, vốn đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên tất cả các lĩnh vực. Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 24/3, cuộc đình công của các tài xế xe tải, cuộc biểu tình hàng loạt của nông dân và ngư dân, sản xuất công nghiệp...