Xuýt xoa lẩu nấm bò trong cái lạnh phố núi
Chiều phố núi Pleiku dường như không lạnh, ấm áp hơn khi được ngồi quây quần bên nồi lẩu nấm bò thơm ngon cùng bạn bè.
Cùng với phở khô, bún cua thì lẩu nấm bò là một trong những đặc sản nổi tiếng của phố núi Pleiku. Trong những buổi chiều lạnh, thật khó để bạn tìm một chỗ ngồi trong các quán lẩu nấm bò ở đây vì quán nào cũng đông ngẹt khách.
Thành phần món ăn không có gì đặc biệt với nấm rơm, nấm bào ngư, thịt bò cùng các loại rau… đơn giản là thế nhưng lại được nhiều người ưa thích, có lẽ chính cái lạnh của phố núi đã làm tăng thêm hương vị cho món ăn.
Lẩu nấm bò là món ăn đặc sản của phố núi Pleiku.
Không có vị chua của lẩu hải sản hay chua cay đặc trưng của lẩu Thái hay một số loại lẩu khác, lẩu nấm bò có vị ngọt tự nhiên từ nước hầm xương rất ngon miệng. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để có nồi nước lẩu trong mà có vị ngọt tự nhiên đòi hỏi không ít thời gian. Xương bò được hầm để lấy nước lẩu, trong suốt quá trình ninh, bạn phải vớt bọt liên tục để nước không bị đục.
Sau khi đã chuẩn bị xong nước lẩu, các nguyên liệu còn lại rất dễ chế biến. Hai thành phần chính của món ăn là thịt bò và nấm. Thịt bò dùng để nấu lẩu là thịt gân hoặc sườn, đuôi… bạn có thể lựa chọn tùy theo ý thích của mình. Nấm dùng để nấu chung với lẩu là nấm rơm, nấm bào ngư. Ngoài hai thành phần đó, trong nồi lẩu còn có tàu hũ non, tiết… Ăn kèm với lẩu là một đĩa rau rất phong phú như: cải cúc, mồng tơi, cải bẹ xanh, rau dền… và bún khô.
Video đang HOT
Rau ăn kèm phong phú, đem lại cho bạn sự ngon miệng và không ngấy.
Đặt nồi nước lẩu lên bếp, cho các nguyên liệu như nấm, tiết, đậu phụ, thịt bò vào nấu chung. Khi nồi lẩu vừa sôi, cho các loại rau vào, bún khô vào chần sơ qua, để vào chén, chan nước lẩu cùng các nguyên liệu vào và thưởng thức. Thịt bò được nấu trong vừa chín mềm, ăn giòn nhưng không dai, hương thơm của các loại rau hòa trong vị ngọt thanh của nước lẩu rất vừa ăn và ngon miệng.
Lẩu nấm bò đơn giản là thế nhưng ai đã thưởng thức một lần thì không thể quên được hương vị thơm ngon rất riêng của nó. Nếu bạn có dịp về chơi phố núi trong thời gian này, đừng bỏ qua cơ hội được thưởng thức món lẩu nấm bò thơm ngon của thành phố cao nguyên này.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Hương quê trong bát canh rau tập tàng
Bằng sự dân dã và mộc mạc, canh rau tập tàng luôn ướp đẫm hương vị miền quê.
Không cao sang như những món ăn khác, nhưng bằng sự dân dã và mộc mạc canh rau tập tàng luôn ướp đẫm hương quê, để khi xa ai đó luôn nhớ về nơi miền quê yêu dấu!
Cuộc sống nơi phố thị với bao bộn bề lo toan, bữa cơm đầy đủ nhưng ướp thẫm gia vị thời công nghiệp, bỗng dưng thèm được ăn bát canh rau tập tàng nhuốm vị quê...
Canh rau tập tàng là món ăn thường có ở các miền quê Việt Nam. Món canh dân dã y như cái tên của nó vậy. Nguyên liệu chủ yếu cũng dễ tìm, dễ kiếm, chỉ là những loại rau trong vườn, một ít được gieo trồng theo chủ ý còn đa số mọc tự nhiên như thể sự ban tặng của trời đất cho những con người miền quê chân chất.
Canh rau tập tàng là món ăn thường có ở các miền quê Việt Nam. (Nguồn ảnh: internet)
Rau tập tàng có nơi gọi là rau lốn nhốn, rau thập cẩm, rau dại... nhưng tôi vẫn thích cái tên tập tàng vì nghe vừa hay lại đầy đủ ý nghĩa, để nấu bát canh rau đúng vị thì cần rất nhiều loại rau. Tôi còn nhớ thuở nhỏ, những ngày sau mưa, đám rau tập tàng trong vườn lại như được tiếp thêm sức sống, non búng và mơn mởn xanh, mẹ thường ra vườn hái rau, chỉ cần bòn chỗ này dăm ngọn mồng tơi, rau đay, rau dền, chỗ kia ít rau sam, rau diệu, bồ ngót lại thêm vài cọng khoai lang, mấy lá ớt non... thế là có nồi canh tập tàng đầy hấp dẫn.
Trên những mảnh vườn quê, rau tập tàng có quanh năm. Mặc cho mùa hè đổ lửa, chỉ sau những trận mưa rào rau lại lên xanh tốt; mùa đông, trời có sa sương rau vẫn thản nhiên xanh. Món canh này cũng chẳng kén người ăn, toàn là thứ rau mát, bổ như vị thuốc, có thể trở thành nước giải khát trong những ngày nắng nóng, hay làm "nhẹ bụng" do ngày tết lỡ ăn nhiều thịt cá, cũng có thể biến thành thứ thuốc giải rượu với những người ham vui quá chén, hoặc làm mát lòng những ai vừa ốm dậy, chán ăn.
Để nấu bát canh rau đúng vị thì cần rất nhiều loại rau. (Nguồn ảnh: internet)
Canh rau tập tàng dễ ăn, dễ nấu nhưng để có bát canh vẫn giữ được màu xanh, không bị nhừ quá hay có mùi nồng thì không phải ai cũng biết. Mỗi lần nấu canh, mẹ tôi thường đợi khi nước thật sôi thì mới cho rau đã được rửa sạch vào và không quên rắc lên mặt rau ít muối biển rồi đảo đều, chính điều này đã giúp rau giữ được màu xanh. Còn muốn nồi canh không bị nồng và không quá nhừ thì khi rau vừa chín tới mẹ thường nêm nếm gia vị rồi tắt bếp, mở vung.
Những ngày trời nóng, chỉ cần trong mâm cơm có bát canh rau tập tàng nấu suông cùng mấy quả cà nén thì nồi cơm cứ gọi là hết nhẵn. Bát cơm gạo trắng chan cùng muôi canh có vị ngọt hơi nhơn nhớt của mồng tơi và rau đay, vị thanh của bồ ngót, rôn rốt của rau sam, vị chát dịu của rau dền, rau lang... thì chưa và đến môi đã trôi tận miệng. Muốn canh tập tàng thêm đậm đà có thể cho mướp hương vào nấu lẫn. Trong xóm, nhà nào có của ăn của để thì ăn canh tập tàng có thêm ít thịt tôm giã nhuyễn, hay ngao, hến nấu cùng, có thể là thịt lợn xay hoặc chí ít cũng có nước cua giã nhỏ và vài chùm hoa thiên lý thêm vào.
Bằng sự dân dã và mộc mạc, canh rau tập tàng luôn ướp đẫm hương vị miền quê. (Nguồn ảnh: internet)
Không cao sang như những món ăn khác, nhưng bằng sự dân dã và mộc mạc canh rau tập tàng luôn ướp đẫm hương quê, để khi xa ai đó luôn nhớ về nơi miền quê yêu dấu!
Theo Minh Hảo (ttvn.vn)
Mát cả tâm can với rau tập tàng Cứ mỗi độ mùa mưa về là người dân quê lại có niềm vui của những bữa cơm rau tập tàng. Trời mưa, đồng đất ngập nước, rau màu chết úng thì rau tập tàng trên các bờ, bụi được nước trời thi nhau sinh sôi, phát triển. Nhìn những ngọn rau non tơ, những lá rau mượt óng mà thấy cái ngọt...