Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng máu chảy ra từ bất cứ bộ phận nào của đường tiêu hóa do bệnh lý hoặc một tổn thương.
Ảnh minh họa: ITN
Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng máu chảy ra từ bất cứ bộ phận nào của đường tiêu hóa do bệnh lý hoặc một tổn thương. Các bộ phận của đường tiêu hóa bao gồm: Thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn.
Biểu hiện đa dạng
Xuất huyết tiêu hóa có thể “đổ xòa” ra bên ngoài khiến bệnh nhân và người xung quanh lo lắng phải đưa người bệnh đi cấp cứu ngay. Nhưng cũng có những trường hợp xuất huyết tiêu hóa không bộc lộ ra bên ngoài gây bệnh cảnh nặng nề. Người bệnh được đưa đến bệnh viện muộn khiến cho việc khám, chẩn đoán, xử trí khó khăn và phức tạp.
Nếu xuất huyết tiêu hóa xuất phát từ các vị trí thực quản, dạ dày, tá tràng (phần đầu của ruột non) thì gọi là xuất huyết tiêu hóa trên. Nếu xuất phát từ đoạn dưới của ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn thì gọi là xuất huyết tiêu hóa dưới. Nói chung, xuất huyết tiêu hóa cần được xác định một cách cẩn thận vì nó có thể là biểu hiện của một ung thư đường tiêu hóa.
Các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa thường gặp: Viêm thực quản, giãn tĩnh mạch thực quản, hội chứng Mallory-Weiss (xuất huyết do tổn thương thực quản vì nôn ọe nhiều), loét dạ dày tá tràng, viêm ruột, túi thừa, dị dạng mạch máu, khối u (lành hoặc ác tính), viêm niêm mạc trực tràng (proctitis), bệnh trĩ, nứt hậu môn.
Các biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa rất phong phú, từ nhẹ nhàng, thoảng qua đến rầm rộ, nặng nề. Bao gồm: Giấy vệ sinh dính máu, phân sẫm màu, lẫn máu; nôn ra máu, mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi, da xanh xao, đau vùng bụng, mạch nhanh, huyết áp tụt, lơ mơ, hôn mê.
Xuất huyết đường tiêu hóa có thể dẫn đến các biến chứng sau đây:
- Thiếu máu cấp tính: Gặp ở các trường hợp xuất huyết ào ạt, lượng máu mất nhiều gây tụt huyết áp, vã mồ hôi, da lạnh, tụt huyết áp, thở gấp, chân tay bủn rủn, lú lẫn, lơ mơ và hôn mê.
Video đang HOT
- Thiếu máu mạn tính: Lượng máu mất một lần không nhiều, nhưng diễn ra kéo dài, dai dẳng dẫn đến thiếu hồng cầu và huyết sắc tố. Người bệnh thường có các biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, xanh xao, nhức đầu, chóng mặt, kém tập trung, sức học tập và làm việc đều giảm.
- Sốc: Máu mất nhiều làm giảm lưu lượng tuần hoàn đột ngột gây ra bệnh cảnh sốc do giảm thể tích máu. Người bệnh có các biểu hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, hốt hoảng lo lắng, thở nhanh, da lạnh, vã mồ hôi, lú lẫn, lơ mơ, hôn mê và cuối cùng là tử vong nếu như không được cấp cứu truyền máu và bù dịch kịp thời để duy trì lưu lượng tuần hoàn cần thiết cho người bệnh.
Người ta thường đánh giá nhanh tình trạng mức máu qua cách phân loại nhẹ, vừa và nặng. Cụ thể, ở một người trọng lượng trung bình 50kg, có khoảng 3,5 – 4 lít máu:
- Mất máu mức độ nhẹ: Khi thể tích máu toàn thể giảm dưới 15% (khoảng 300ml).
- Mất máu mức độ vừa: Khi thể tích máu toàn thể giảm đến 15% (khoảng 500 ml).
- Mất máu mức độ nặng: Khi thể tích máu toàn thể giảm từ 15 – 30% (khoảng 1.000ml).
- Mất máu trầm trọng và cấp tính khi thể tích máu toàn thể giảm trên 30%, tương ứng với lượng máu mất trên 1.000ml ở người có trọng lượng cơ thể khoảng 50kg.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính lượng máu trung bình của trẻ em là 75ml/kg cân nặng và ở người lớn là 70ml/kg cân nặng.
Ảnh minh họa: ITN
Điều trị và phòng xuất huyết tiêu hóa
Nguyên tắc cấp cứu, điều trị xuất huyết tiêu hóa: Bảo vệ hô hấp và duy trì hô hấp, bù dịch để giữ tuần hoàn, truyền máu cho các trường hợp nặng.
Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, trong các trường hợp mất máu cấp tính, việc khẩn trương phục hồi thể tích tuần hoàn máu quan trọng hơn và ưu tiên hơn phục hồi số lượng hồng cầu do thiếu máu.
Việc điều trị phục hồi thể tích tuần hoàn máu sẽ giúp hạn chế chỉ định truyền máu, nhất là khi tình trạng chảy máu đã được giải quyết. Nhờ vậy, người bệnh tránh được các tai biến do truyền máu ở những trường hợp không quá cần thiết hoặc thiếu máu để truyền.
Về thuốc dùng: Các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên, thuốc điều trị dùng qua đường tĩnh mạch. Các trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới, thuốc có thể được dùng qua đường uống.
Nhìn chung, phần lớn các trường hợp xuất huyết tiêu hóa (khoảng 80%), cơ thể người bệnh tự giới hạn chảy máu và tự cầm máu. Khoảng 20% còn lại cần được can thiệp kịp thời.
Việc điều trị tùy thuộc vào lượng máu mất, vị trí chảy máu. Đồng thời với việc truyền máu, truyền dịch ổn định tuần hoàn, tiến hành cầm máu tại vị trí thương tổn. Cụ thể một số trường hợp thường gặp như sau:
- Chảy máu do loét dạ dày tá tràng: Nội soi cầm máu tại chỗ bằng hóa chất gây co mạch, tắt mạch, dùng nhiệt điện hoặc kẹp clip cầm máu.
- Chảy máu do vỡ tĩnh mạch: Tiêm xơ mạch máu, thắt vòng hoặc phẫu thuật nối thông 2 hệ tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ.
- Chảy máu tiêu hóa ở các đoạn cuối đường tiêu hóa do túi thừa, polyp hoặc giãn mạch: Nội soi kẹp clip, đốt nhiệt, đốt điện, tiêm hóa chất co mạch hoặc cắt bỏ polyp.
- Chảy máu đại tràng nghiêm trọng: Phẫu thuật cắt bỏ một đoạn đại tràng.
- Chảy máu do trĩ: Nội soi qua hậu môn tiêm xơ cầm máu, thắt hoặc phẫu thuật.
Phòng ngừa chung: Ăn uống khoa học và hợp lý, chế độ ăn nhiều rau xanh, hạn chế bia rượu; không ăn quá cay, chua, mặn, nóng; không ăn các thức ăn khó tiêu, kích ứng dạ dày, không ăn quá no. Thường xuyên thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe. Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, vì một số loại thuốc có khả năng gây kích ứng dạ dày và gây xuất huyết tiêu hóa.
Mù mắt vì thích 'cay' miệng vào bữa sáng
Ông K. vào cấp cứu vì đau đầu và mất thị lực, bác sĩ cho biết nguyên nhân do ngộ độc rượu rởm chứa methanol.
Ông Đ.V.K (59 tuổi, trú tại Quảng Xương, Thanh Hóa) có thói quen nhâm nhi cốc rượu cùng với bát bún hoặc phở vào buổi sáng. Ông K. cho rằng nếu không có chén rượu, món ăn sẽ không ngon.
Trước khi nhập viện 2 ngày, ông K. uống rượu tại quán ăn và về nhà tiếp tục dùng thêm. Sau đó, ông K. có biểu hiện mệt, đau đầu, nôn ói. Gia đình cho rằng ông say rượu. Sáng ngủ dậy, ông K. không nhìn thấy gì.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ cho biết ông K. bị ngộ độc methanol. Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân bảo toàn tính mạng nhưng thị lực không thể phục hồi. Ngoài ra, ông K. còn bị tăng men gan, xơ gan.
Bệnh nhân B.V.T. (quê Tam Dương, Vĩnh Phúc) cũng bị ngộ độc rượu dẫn tới mù mắt. Theo gia đình, ông T. thích uống rượu vào buổi sáng cho có cảm giác "cay cay". Gia đình thường mua rượu từ chỗ người quen để phòng ngộ độc.
Gần đây, ông T. nhờ cháu ngoại đi mua rượu ở cửa hàng tạp hóa về uống. Sau đó, bệnh nhân đau đầu, nôn ói, được vợ dìu đi ngủ. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân không nhìn thấy gì nên được đưa đi cấp cứu.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đây là các trường hợp điển hình đến trung tâm cấp cứu do ngộ độc methanol dẫn tới biến chứng mù mắt. Các bệnh nhân này đều có khả năng phục hồi thị lực rất thấp.
Rượu chứa cồn công nghiệp methanol sẽ chuyển hóa thành axit formic. Lượng axit này tích cụ có thể gây tổn thương võng mạc và thần kinh thị giác dẫn tới mù vĩnh viễn.
Những người nghiện rượu nếu uống phải rượu pha cồn methanol sẽ chuyển hóa chậm hơn nên các biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau 2-3 ngày.
Rượu chứa cồn công nghiệp rất khó phân biệt với rượu thực phẩm. Thậm chí, uống loại rượu này còn có vị ngọt, dễ uống. Khi xuất hiện các dấu hiệu điển hình như hôn mê hoặc mù mắt, bệnh nhân lúc này đã trong tình trạng nặng.
Ho do trào ngược dạ dày thực quản dùng thuốc gì? Mặc dù ho không phải là dấu hiệu điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhưng có đến 25% trường hợp bị ho mạn tính do bệnh lý này. Việc điều trị cần phải phối hợp dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn... 1. Vì sao trào ngược dạ dày thực quản lại gây ho? Ho do trào ngược...