Xử lý vi phạm trên TTCK, sẽ tăng chế tài hình sự
Với nhiều nội dung mới tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, việc sử dụng chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán sẽ được mở rộng.
Để phù hợp với tính chất đặc thù của các vi phạm trên TTCK, điểm mới đầu tiên là dự thảo luật sửa đổi hình phạt đối với 3 tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán, theo hướng tăng hình phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền cao nhất được đề xuất lên tới 10 tỷ đồng, áp dụng đối với pháp nhân phạm tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán có tính chất nghiêm trọng.
Việc tăng cường áp dụng chế tài hình sự, không phải theo hướng áp dụng phổ biến hơn hình phạt tù, thay vào đó là tăng hình phạt tiền như dự thảo được nhiều đại biểu Quốc hội, cũng như chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán ủng hộ. Bởi với đặc thù vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, một trong những yếu tố quan trọng nhất khi xử lý vi phạm là buộc đối tượng phạm tội khắc phục hậu quả gây hại cho các đối tượng có liên quan bằng chính các khoản thu lợi bất chính do hành vi phạm tội mà có. Điều này vừa có tính chất răn đe đối tượng vi phạm, vừa giảm thiểu thiệt hại cho các bên bị hại.
Điểm mới khác là dự thảo luật bổ sung tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, đó là tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Theo đó, người nào làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán thu lợi bất chính, hoặc gây thiệt hại vật chất cho NĐT với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy tính chất, mức độ vi phạm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 – 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Thời gian qua, các hành vi vi phạm về phát hành chứng khoán diễn ra khá tinh vi, phức tạp. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong áp dụng các chế tài hành chính để xử lý các đối tượng vi phạm, nhưng mức độ răn đe còn hạn chế. Do đó, nếu chế tài hình sự như trên được Quốc hội thông qua và áp dụng trong thời gian tới, nhà quản lý sẽ có thêm công cụ để đấu tranh có hiệu quả, có tính răn đe cao hơn với các hành vi vi phạm.
Một điểm mới nổi bật trong dự thảo luật là Ban soạn thảo đề xuất quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trong đó có nội dung: pháp nhân nào phạm vào 3 tội danh hiện hành trong lĩnh vực chứng khoán, thì đối mặt với khả năng bị truy trách nhiệm hình sự.
Nếu như trong thời gian ban đầu, còn nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, thì gây đây, các ý kiến ủng hộ gia tăng. Báo cáo 497/BC-CP của Chính phủ trình Quốc hội về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cho thấy, đa số ý kiến các bộ, ngành và địa phương tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Video đang HOT
Cụ thể, có 27/30 bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương và 63/63 HĐND cấp tỉnh tán thành bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Trên thế giới, hiện có 116 quốc gia, trong đó có 6 nước ASEAN quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, vì quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật, mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam…
“Một số luật đã quy định về trách nhiệm pháp nhân”
Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội
Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong lĩnh vực chứng khoán, phải tính đến cơ sở lý luận, thực tế, yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trong các lĩnh vực khác, luật pháp hiện hành của chúng ta đã quy định về trách nhiệm của pháp nhân, như tại Luật Phòng chống khủng bố, Luật Phòng chống rửa tiền. Trong pháp luật hành chính, chúng ta đã quy định lỗi của cá nhân và cả tập thể của cơ quan, tổ chức trong lỗi hành chính. Giữa hành chính và hình sự chỉ khác nhau ở chỗ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật. Nếu nghiêm trọng là xử lý hình sự, còn ít nghiêm trọng thì xử lý hành chính.
“Cần xem xét yếu tố ý chí của pháp nhân”
Ông Lê Đông Phong, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an TP. HCM
Khi xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cần xem xét yếu tố ý chí của pháp nhân, căn cứ vào các quy định của pháp nhân đối với trách nhiệm của các chủ thể khác nhau trong pháp nhân đó. Trong đó, chủ yếu xác định mối quan hệ và trách nhiệm cụ thể của HĐQT hay HĐTV với Ban tổng giám đốc, hoặc đại diện pháp luật của pháp nhân. Vấn đề này cần phải quy định chặt chẽ trong luật để thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật. Đây là một vấn đề sẽ có giá trị thiết thực trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Hữu Hòe
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vẫn buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự
Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là lần sửa đổi toàn diện bộ luật có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật với 425 điều luật.
So với luật hiện hành, Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật cũng như thảo luận tại Quốc hội, vấn đề này vẫn có 2 luồng ý kiến. Nhìn chung, nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, cần có bước đi phù hợp. Trước mắt, chỉ nên tập trung vào 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng, cần mở rộng nhóm tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cho rằng việc quy định này đã được cân nhắc kỹ trên tình trạng pháp nhân vi phạm phổ biến và mức độ vi phạm nghiêm trọng, do đó, cần chọn lựa những hành vi vi phạm cần phải bị xử lý về hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, trên cơ sở ý kiến của đa số nhân dân và đại biểu, qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến quy định phạm vi trách nhiệm của pháp nhân gồm 40 tội danh như quy định tại Điều 76, trong đó có tội buôn lậu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 3 tội danh trên thị trường chứng khoán, gồm tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng thị trường chứng khoán.
Ủng hộ việc quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, đại biểu Thân Đức Nam (TP. Đà Nẵng) nhấn mạnh sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc áp dụng chế tài.
"Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ là công cụ hữu hiệu để pháp nhân không ngừng giữ gìn uy tín của pháp nhân hoạt động hợp pháp, tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó, cũng để những người đại diện pháp nhân, người quản lý điều hành pháp nhân, nhân viên của pháp nhân nêu cao trách nhiệm đối với pháp nhân nhằm đảo bảo sự tồn tại và phát triển của pháp nhân", đại biểu Thân Đức Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng, theo Điều 76 của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, các tội mà pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là các tội thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường, phần lớn do các pháp nhân kinh tế thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, tính cụ thể, tránh bỏ lọt tội phạm, đề nghị quy định rõ những pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cũng tán thành việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhưng còn băn khoăn về quyền lợi người lao động khi pháp nhân phải giải thể, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, do đó, cần có quy định để bảo vệ người lao động. Cũng có đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như điều kiện phạm vi các tội phạm mà pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và đề nghị chú trọng hình phạt tài sản đối với pháp nhân.
Dù vậy, tại phiên thảo luận hội trường ngày 30/10, một số đại biểu vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định buộc pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự. Đại biểu Nguyễn Minh Khai (Cần Thơ) đề nghị xem xét lại vấn đề này, từ trước đến nay, việc xử lý vi phạm của pháp nhân bằng các biện pháp hành chính dân sự cơ bản đảm bảo phòng chống tội phạm như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Theo đại biểu công tác phòng chống tội phạm pháp nhân thời gian qua chưa cao là do thi hành pháp luật chưa nghiêm, vì vậy, cần khắc phục ở chỗ tăng cường hiệu quả công tác thi hành án. Cùng một vụ án, có thể cả pháp nhân và cá nhân đều phải chịu trách nhiệm hình sự, vậy phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm như thế nào, tòa án phán quyết ra sao, trong dự thảo chưa giải quyết thỏa đáng. Nếu tố tụng phức tạp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều vần đề hoạt động của pháp nhân doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thì cho rằng, đúng là cần quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, không loại trừ trách nhiệm hình sự cá nhân, nhưng lo ngại trong xử lý tội phạm cụ thể vẫn có thể có vướng mắc. Dự thảo quy định khi có đủ 3 điều kiện: hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân được thực hiện vì lợi ích pháp nhân có sự chỉ đạo điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Như vậy, nếu đã thỏa mãn 3 điều kiện này thì truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, còn cá nhân có thẩm quyền trong pháp nhân phạm tội sẽ được truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Dự kiến ngày 25/11 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.
Bùi Trang
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thời hạn sử dụng chứng minh nhân dân là bao lâu? Theo quy định của luật, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân. Theo quy định tại mục 4, phần I của Thông tư số 04/1999/TT-BCA ngày 29/4/1999 của Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ -...