Xót xa khi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia bị làm yếu đi
“Đau đớn thay, dự thảo Luật được phát triển trong 2 năm qua, tốn không biết bao nhiêu sức người sức của cả nguồn lực trong nước và quốc tế, vậy mà “càng ngày càng xa khoa học và kinh nghiệm quốc tế”, tới độ phiên bản hiện tại thực chất chỉ còn là hình thức cho có luật mà thôi”, TS Trần Tuấn xót xa nói với PV.
Nhiều khoảng trống pháp lý
Ngày mai, 23.5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường những ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Vụ Pháp chế là đơn vị được Bộ Y tế giao chủ trì soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (Dự thảo Luật).
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đánh giá: Nhiều điều trong Dự thảo Luật hiện nay đang tạo khoảng trống pháp lý, không làm rõ được tác hại của rượu bia như mục tiêu ban đầu cơ quan soạn thảo Luật mong muốn. Ví dụ như: Quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị thay thế bằng chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia.
“Trong khi đó, bia cũng là sản phẩm có cồn, gây nghiện. Người dân uống 1 lon/cốc bia tương đương 1 chén nhỏ rượu. Tác hại của rượu, bia là như nhau. Nếu chỉ cấm quảng cáo rượu mà không cấm quảng cáo bia thì mọi người dễ hiểu nhầm “chỉ có rượu có hại, bia thì không”, ông Quang phân tích. Tại Việt Nam, 95% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn hiện nay là bia.
Ông Nguyễn Huy Quang: “Cần phải cấm quảng cáo với cả bia vì rượu và bia đều có tác hại như nhau”. (Ảnh: PV)
Theo bà Trần Xuân Hằng (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế): “Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet đang được các DN nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định cấm”.
Nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức cho thấy, 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu hơn 50mg/100ml máu. Đa số là tai nạn nghiêm trọng và có tới 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn.
“Quảng cáo rượu bia thúc đẩy quyết định sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên và làm tăng mức độ tiêu thụ rượu bia ở những người đang sử dụng rượu bia. Hạn chế quảng cáo rượu bia làm giảm tiêu thụ rượu bia, giảm tai nạn giao thông và gánh nặng bệnh tật do rượu bia. Do đó, Luật phải có các quy định chặt chẽ để kiểm soát quảng cáo rượu bia” – ông Quang nhấn mạnh.
Video đang HOT
Về điều này, ông Quang dẫn chứng, những nước cấm quảng cáo cả bia và rượu trên truyền hình và radio có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% so với những nước chỉ cấm quảng cáo rượu mạnh.
Chưa kể, trong các Dự thảo Luật trước đưa ra rất nhiều quy định nhằm hạn chế việc tiếp cận của người dân quá dễ dàng với rượu, bia như cấm bán rượu, bia tại trạm dừng đỗ xe, cấm bán sau 22 giờ…, nay cũng bị bỏ.
Ngoài ra, Dự thảo Luật hiện nay không quy định việc cấm tài trợ trong một số hoạt động như y tế, giáo dục; không quy định cấm tài trợ của rượu bia với rượu trên 15 độ. Cách thức quy định tại Dự thảo Luật tạo nhiều kẽ hở để các tổ chức, cá nhân kinh doanh bia sử dụng để quảng cáo rượu bia.
Hiện nay, có phương án chuyển Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia thành “Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe con người”.
Với phương án này, ông Quang khẳng định Ban soạn thảo bảo lưu tên gọi ban đầu là “Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia”. “Tên gọi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia” đơn giản, dễ hiểu, phản ánh trực diện tác hại cấp tính của rượu bia đối với sức khỏe con người. Còn tên gọi mới quá rắc rối, cả chuyên gia cũng khó mà nhớ để gọi tên cho đầy đủ, chính xác” – ông Quang chia sẻ.
TS Trần Tuấn: “Phong trào vận động “Đã uống rượu bia thì không lái xe” chỉ là biện pháp “đánh rắn giữa khúc”, không hạn chế được triệt để tác hại của rượu bia, giảm tai nạn giao thông”. (Ảnh: P.V)
Phải có quy định nghiêm khắc
Theo TS Trần Tuấn, Trưởng Ban Điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN), so với dự thảo Luật lần 1 thì các quy định tại “phiên bản” mới nhất của dự luật này (sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa khai mạc) có “độ lùi” lớn nhất trong việc hạn chế tính sẵn có, tràn lan của rượu, bia. Nhiều điều khoản liên quan đến kiểm soát quảng cáo, tiếp thị và tài trợ rượu, bia nhằm kiểm soát việc sử dụng rượu, bia đã bị đưa ra khỏi dự thảo hoặc điều chỉnh làm yếu đi.
TS Tuấn cho rằng, rượu bia là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, tội phạm tình dục, bạo hành gia đình, bạo lực xã hội. Hơn 70% các vụ mâu thuẫn đâm chém nhau ở nơi công cộng, có liên quan trực tiếp với rượu bia… Hậu quả của bia rượu đa dạng như vậy chắc chắn không thể chỉ bằng câu nhắc nhờ: “Uống ít”, “Uống rượu bia nhưng đừng lái xe”, “Uống rượu đừng xâm hại phụ nữ, đừng gây gổ được”. Rượu là chất gây nghiện, đã nghiện sẽ uống nhiều, uống nhiều thì còn đâu đủ tỉnh táo để làm suy xét, kiểm soát hành vi.
“Sự thật khoa học là không có ngưỡng an toàn cho rượu bia. Gần đây có phong trào vận động “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, nhưng đây chỉ là biện pháp “đánh rắn giữa khúc”, không triệt được hậu quả như tôi đã phân tích. Muốn “đánh rắn dập đầu” thì cần phải giải quyết căn nguyên thực sự gây tai nạn giao thông kinh hoàng và các tác hại cấp tính, lâu dài do rượu bia gây ra. Để làm được điều đó cần có một dự luật tuân thủ theo đúng cơ sở khoa học quản lý chất gây nghiện, gây ung thư như tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo” – TS Tuấn phân tích.
“Đau đớn thay, dự Luật được phát triển trong 2 năm qua, tốn không biết bao nhiêu sức người sức của cả nguồn lực trong nước và quốc tế, vậy mà “càng ngày càng xa khoa học và kinh nghiệm quốc tế”, tới độ phiên bản hiện tại thực chất chỉ còn hình thức có luật mà thôi. Theo Dự thảo Luật PCTHCRB hiện nay thì không thấy điều khoản cụ thể nào khắc chế hữu hiệu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra như kinh nghiệm quốc tế đã làm: Cấm và phạt tù thật nặng” – TS Tuấn ngậm ngùi.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), rượu, bia góp mặt trong 70% vụ phạm pháp hình sự ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi. Ngoài ra, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 – 49 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 – 12% GDP.
Theo Danviet
'Thần chết' sau vô lăng
Tôi ủng hộ việc luật hóa giống như các nước khác, chỉ cần đo thấy hàm lượng cồn trong máu là thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn...
"Tôi ủng hộ việc luật hóa giống như các nước khác, chỉ cần đo thấy hàm lượng cồn trong máu là thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn. Chứ còn hôm nay kiểm tra nồng độ cồn vượt quy định phạt tiền rồi mai họ lại tiếp tục uống". Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế) sau những vụ tai nạn thảm khốc có nguồn cơn từ rượu, bia và chất gây nghiện.
TS Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế)
Trong năm qua, liên tiếp ghi nhận những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đó là vụ tai nạn vào cuối tháng 7 trên quốc lộ 1A qua địa phân xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), khi ôtô chở 17 người đi rước dâu đấu đầu với xe container khiến 13 người chết. Hay mới đây nhất vụ tai nạn xảy ra vào chiều 2/1, xe container đã tông hàng loạt xe máy ở ngã tư gần cầu Bến Lức (Long An) khiến 4 người chết, gần 20 người bị thương... Với tư cách người đứng đầu Vụ pháp chế (Bộ Y tế) ông cảm nhận điều gì sau những vụ tai nạn thảm khốc trên?
Rùng mình. Tôi không thể tin nổi lại xảy ra một vụ tai nạn khủng khiếp đến mức độ như thế. Xe máy, người chết, người bị thương nằm la liệt thậm chí có cả những mảnh thịt văng vãi ra đường... Phải nói thật với bạn, tôi xem clip đúng bữa cơm tối và tôi đã không thể tiếp tục nổi. Đây quả là một vụ tai nạn thảm khốc và thương tâm khi bao người đang hối hả trở về với mái ấm của mình bỗng tai nạn từ trên trời rơi xuống. Tôi rất buồn, nhưng cái buồn không gọi được tên vì tình trạng này cứ lặp đi lặp lại.
Theo thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra, tài xế container trước đó đã uống rượu, kiểm tra dương tính với ma túy. Với những thông tin ban đầu có được, ông nhận định như thế nào về việc chúng ta kiểm soát chất kích thích cũng như nồng độ cồn trong máu của các lái xe nói chung và lái xe tải đường dài nói riêng?
Đây là bằng chứng nữa cho thấy chúng ta chưa kiểm soát được. Đặc biệt, nếu như do sử dụng rượu bia gây ra tai nạn thì cùng với vụ Hàng Xanh, cùng với vụ đạp chân ga gây tai nạn liên hoàn ở Võng Thị Hà Nội cộng với vụ Long An hôm 2/1 nữa là minh chứng sống động cho việc sử dụng rượu bia gây ra tác hại ngay - đó là tai nạn giao thông mà không cần phải nêu ra tác hại rượu bia là thủ phạm gây ra 200 loại bệnh tật... Đây là những bài học sống động, đòi hỏi chúng ta phải có ứng xử văn minh mà điều tiên quyết đó là đối với dự thảo phòng chống tác hại bia rượu, hay ở các điều luật mạnh hơn. Có như vậy chúng ta mới phòng ngừa được tai nạn trong tương lai có thể xảy ra.
Là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, ông từng nhiều lần lấy dẫn chứng về ảnh hưởng rượu bia gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại vô cùng lớn cả về tinh thần lẫn kinh tế cho nhiều gia đình và xã hội. Ông có đồng tình với những ý kiến "đã uống rượu thì không lái xe" và cần luật hóa việc này. Trong trường hợp phát hiện người lái xe sử dụng chất kích thích, uống rượu bia cần tịch thu bằng ngay chứ không phải chờ đến khi gây tai nạn?
Như tôi đã nói nhiều lần không có ngưỡng an toàn đối với lạm dụng rượu bia. Cho nên đã sử dụng rượu bia ít nhiều có tác hại đối với sức khỏe. Chỉ cần quá chén đi đường anh có thể húc vào cột điện tự chết hay đâm chết người, có thể gây rối trật tự giao thông, đâm chém nhau, về nhà đánh vợ con, hiếp dâm vợ trên giường ngủ là bình thường... Những cái đấy không cần phải chờ đến lạm dụng mà chỉ cần quá chén là đã gây ra rồi.
Vụ tai nạn ở Long An gây rúng động xã hội
Do đó, cần phải có biện pháp kiên quyết, cứng rắn hơn về vấn đề xử lý người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông... Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm đã sử dụng rượu bia thì không lái xe. Và tôi rất ủng hộ việc luật hóa giống như các nước khác, chỉ cần đo thấy hàm lượng cồn trong máu là xử lý rồi. Theo đó, họ xử lý bằng cách thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn, thu đàng hoàng, thu công khai, thu minh bạch thì lập tức sẽ có thay đổi ngay. Chứ còn hôm nay kiểm tra nồng độ cồn vượt quy định phạt tiền rồi mai họ lại tiếp tục uống. Và nay mới chỉ loạng choạng còn mai thì đâm chết mấy người... hậu họa sẽ như thế nào chắc bạn đã nhìn thấy.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 3/1, tại hội nghị Công an toàn quốc, lãnh đạo Bộ Công an cho biết trong năm 2018, tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương; tuy nhiên thiệt hại vẫn rất lớn. Cụ thể, toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ (giảm trên 1.300 vụ so với năm 2017) làm hơn 8.200 người chết (giảm 35 người) và khoảng 14.800 người bị thương (giảm hơn 2.200 người). Trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông và khiến 23 người tử vong. 80% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ, còn lại là đường sắt và đường thủy. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông là lỗi của tài xế, với các vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai làn...
NGÔ HUYỀN
Theo nongnghiep
Bia rượu và nỗi ám ảnh lái xe Có chồng đã từng bị tai nạn gãy 6 xương sườn, vỡ xương gò má sau một cuộc nhậu tới 1 giờ sáng cách đây vài năm, chị N. chưa hết ám ảnh mỗi khi nghe tiếng chuông điện thoại vào đêm muộn. Sau vụ đó chị tha thiết dặn chồng, đã nhậu thì bắt taxi, xe ôm chứ không tự lái xe...