Xóm ôsin ngoại ở Sài Gòn
Họ không một lời than vãn về công việc, luôn nhắc đến chủ nhà với tình cảm quý mến. Những phụ nữ Philippines này cũng rất tần tảo, chịu khó, luôn tìm cách chăm lo tốt nhất cho gia đình như những phụ nữ Việt Nam.
Chiều cuối tuần, khu phòng trọ nhỏ, xinh xắn nằm trong khuôn viên một căn nhà ở khu phố 3, phường Thảo Điền, quận 2 – TPHCM rộn rã tiếng nói cười của nhiều phụ nữ dáng cao to, nước da ngăm đen. Xóm ôsin ngoại này có khoảng 30 người Philippines sinh sống, chuyên làm nghề giúp việc nhà, giữ trẻ tại các gia đình nước ngoài ở TP.
Gần gũi, thân thiện
Mới 16 giờ nhưng bữa tối đã được các phụ nữ ở phòng số 4 chuẩn bị sẵn sàng. Họ tranh thủ thời gian để còn tụ tập tại khoảng sân nằm cuối dãy phòng trọ để trò chuyện sau một tuần làm việc vất vả.
Ara (35 tuổi) và Lot-Lot (34 tuổi) vào bếp với 2 món đơn giản là salad và bánh pancake (giống bánh xèo nhưng không nhân). Ara vui vẻ giới thiệu với tôi 5 phụ nữ sống chung phòng: “Chúng tôi đều giúp việc nhà hoặc giữ trẻ cho các gia đình người nước ngoài”. Trong 6 người, Ara chỉ mới tới TPHCM được 1 tháng, còn người ở TP lâu nhất là bà Eva (45 tuổi).
Ara cho biết chị làm ôsin cho một gia đình người Anh ngụ tại một biệt thự ở cùng phường Thảo Điền. Chủ nhà có 2 con, con trai 7 tuổi và con gái 4 tuổi. Ara không tiết lộ tiền lương hằng tháng vì “đó là chuyện cá nhân” nhưng cho hay số tiền dành dụm gửi về Philippines cho chồng đủ nuôi 2 con. “Với số tiền ấy, bên Philippines, vợ chồng tôi vất vả lắm mới kiếm được” – chị nói.
Chị Ara mới đến TPHCM làm nghề giúp việc nhà, trông trẻ được 1 tháng
Vừa làm bếp, Ara vừa hát theo lời ca khúc của một ca sĩ nổi tiếng Philippines phát ra từ chiếc radio. Bỗng nhiên, chị bồi hồi: “Mỗi khi nghe bài hát này, nước mắt tôi cứ tuôn rơi vì nhớ nhà. Sang đây, nhờ có Lot-Lot là em dâu ở chung nên chị em tôi cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ gia đình”.
Tương tự chị em dâu Ara và Lot-Lot, 3 chị em ruột Eva, Elena, Ellen cũng rủ nhau sang TPHCM làm nghề giữ trẻ và giúp việc nhà. Cả 3 chị em đều cao to, khỏe mạnh. Người chị cả Elena trông khá trẻ so với tuổi 57, luôn cởi mở, thân thiện. “Đến TPHCM làm ôsin được 2 năm, thấy mức lương khá cao so với Philippines nên Eva rủ 2 chị sang làm ôsin. Tôi có 3 con, đứa lớn đã 23 tuổi, đứa út 17 tuổi đang học đại học ở Manila. Chồng tôi đã nghỉ hưu nên ở nhà chăm lo cho các con” – bà Elena cho biết.
Chịu thương, chịu khó
Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết dù điều kiện gia đình khá ổn định nhưng bà Elena vẫn chấp nhận tha hương để làm việc kiếm tiền. Bà Elena chân tình: “Khi nào 2 đứa con lớn của tôi có gia đình, đứa út học xong đại học thì tôi mới tính đến chuyện nghỉ ngơi”. Trước khi sang Việt Nam, bà Elena làm công nhân ở một nhà máy chuyên sản xuất dây đàn guitar ở ngoại ô Manila. Sau đó, nhà máy giảm biên chế nên bà phải nghỉ việc.
Đến TPHCM làm việc được 2 năm và là người lớn tuổi nhất ở xóm ôsin ngoại nhưng bà Elena lại là người chịu “cày” nhất với thời gian làm việc 15-16 giờ/ngày. “Tôi giúp việc cho một ông chủ người Ấn Độ ngụ tại cao ốc Thảo Điền Pearl. Tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 phút, 1 giờ sau đã có mặt ở nhà chủ để bắt đầu công việc hằng ngày. Vừa chăm trẻ vừa làm mọi việc trong nhà, đến khoảng 20 giờ, tôi mới có thể trở về phòng trọ ăn uống, tắm rửa” – bà kể. Bà Elena cũng từ chối cho biết mức lương của mình, chỉ tỏ ra mãn nguyện khi nghe tôi hỏi đến. “Dù cực khổ cỡ nào nhưng kiếm được tiền gửi về chăm lo chu đáo cho gia đình, tôi đã thấy hạnh phúc không gì bằng” – bà tâm sự.
Một trong những phụ nữ ở xóm ôsin có thâm niên giữ trẻ, giúp việc nhà lâu nhất là bà Nene (43 tuổi), với 13 năm trong nghề. Em gái bà Nene có chồng người Anh làm việc ở Lãnh sự quán Anh tại TPHCM. Theo bà Nene, cách đây 15 năm, bà kết hôn và có 2 con gái sinh đôi nhưng đã chia tay chồng 7 năm nay. Gửi con cho mẹ mình chăm sóc, bà theo em gái sang TPHCM phụ việc, sau đó chuyển qua làm nghề giữ trẻ ở các gia đình người nước ngoài. “13 năm nay, tôi đã giữ trẻ cho 3 chủ nhà là người nước ngoài. Hiện tôi đang làm cho một gia đình người Hà Lan có 2 con nhỏ, lương tháng 500 USD. Với tôi, nghề giữ trẻ giờ đây không chỉ để kiếm tiền mà còn vì mê tiếng ríu rít của con nít” – bà thổ lộ.
Nene khoe bà đã được đi du lịch đến Nha Trang, Quy Nhơn, Hà Nội… và “nơi nào cũng đều để lại ấn tượng vì tôi thấy người Việt Nam gần gũi, có cách sống không khác người Philippines là bao”. Theo bà Nene, một trong những nguyên nhân giúp ôsin người Philippines luôn được các gia đình người nước ngoài ở TPHCM ưu tiên lựa chọn là vì họ nói tiếng Anh tốt, lại chịu khó.
Video đang HOT
Không một lời than vãn về công việc của mình và luôn nhắc đến chủ nhà với một tình cảm quý mến là những gì tôi cảm nhận được ở những ôsin ngoại này. Họ cũng rất tần tảo, chịu khó, luôn tìm mọi cách để chăm lo tốt nhất cho gia đình như những người phụ nữ Việt Nam.
Chỗ dựa tinh thần
Ở khu nhà trọ này, 2 người đàn ông Philippines – ông July (47 tuổi) và anh Crisanto Sicat (28 tuổi) – được xem là chỗ dựa tinh thần cho nhiều ôsin đồng hương. Ở cuối dãy phòng trọ, July, người được xem là “thủ lĩnh” của xóm ôsin ngoại, có vẻ khá kín đáo và dè dặt khi gặp tôi. Tuy nhiên, khi biết công việc và mục đích của khách, ông dần dần tỏ vẻ thân thiện.
July cho biết ông có 2 con trai đều học ngành máy tính ở một trường đại học tại Manila. Cả 2 phải tá túc nhà người bác khi cha mẹ sang TPHCM làm việc. Vợ July nhỏ nhắn nhưng lớn hơn ông đến 5 tuổi. “Vợ tôi đến TPHCM cách đây 4 năm làm nghề giữ trẻ, sau đó tôi cũng sang theo. Ở xóm này, tôi là người hạnh phúc nhất vì vợ chồng có đôi” – ông July hóm hỉnh.
Sang TPHCM làm rất nhiều nghề nhưng “không thích công việc nào cả”, cuối cùng, July vào chăm sóc vườn tược cho một gia đình người Pháp với mức lương 100.000 đồng/giờ. Mỗi ngày, ông chỉ làm 3 giờ vào buổi chiều. “Tôi biết làm nhiều công việc, từng sang Qatar, Hàn Quốc, Nam Phi… kiếm sống. Tôi biết lái xe và có bằng lái của Việt Nam nhưng khi xin lái xe buýt, không hiểu sao công ty lắc đầu, hỏi làm tài xế cho một công ty tư nhân cũng bị từ chối” – July nói.
Trong khi đó, với dáng người thấp đậm, gương mặt tươi vui, Crisanto không nói rành tiếng Việt nhưng đều hiểu và trả lời được những câu hỏi của tôi. “Người Sài Gòn thân thiện. Điều kiện làm việc và môi trường sống ở đây cũng thích hợp” – Crisanto nhận xét.
Crisanto chỉ học hết cấp 3 nhưng có kinh nghiệm thiết kế nên ở Philippines cũng như khi sang TPHCM, anh đều làm giám sát các công trình xây dựng. Sau khi làm việc tại một cao ốc ở Hà Nội được 1 năm, qua lời giới thiệu của bạn bè, Crisanto chuyển vào TPHCM với công việc giám sát công trình từ 2 năm nay. “Mỗi tháng, trung bình tôi kiếm được 700-750 USD. Trừ tiền nhà 2,5 triệu đồng, ăn tiêu 3 triệu đồng và 6 triệu đồng gửi về nhà, số còn lại tôi dành dụm để phòng thân” – anh thật thà.
Crisanto còn vợ và 2 con nhỏ ở Philippines. “Vợ tôi đang thất nghiệp nên tôi càng nặng gánh. Gần 1 tháng nay, tôi lại không đi làm vì chủ công trình chỉ trả lương tháng 650 USD” – Crisanto lo lắng. Thế nhưng, chỉ thoáng sau, anh đã vồn vã giải thích vì sao mình nói được tiếng Việt và rất thích ở lại TPHCM: “Tôi vừa quen một cô bạn người Việt. Cô ta rất hiền và dễ thương…”.
Gặp nhau cuối tuần
Hầu hết những ôsin người Philippines ở TPHCM này đều theo đạo Thiên chúa. Ngày cuối tuần, họ thường tập trung tại một phòng trọ để cầu nguyện. Thỉnh thoảng, họ đến nhà thờ Đức Bà nếu rảnh rỗi. Dù còn lâu mới đến Giáng sinh nhưng từ giữa tháng 10-2012, không khí Noel đã tràn ngập xóm ôsin này. Vài căn phòng đã được chủ nhân trang hoàng cẩn thận với những đồ vật đầy màu sắc. Ông July cho biết khu nhà trọ này không chỉ là điểm hẹn gặp gỡ dịp cuối tuần của những người Philippines sống trên địa bàn quận 2 mà còn là nơi để những đồng hương của họ làm việc tại TPHCM tụ tập vui chơi, thăm hỏi nhằm vơi đi nỗi nhớ gia đình.
“Thú vui của những người Philippines này là tụ tập ăn uống, nghe nhạc và khiêu vũ vào những ngày cuối tuần. Mới đây, chúng tôi đã tổ chức cho họ đi dã ngoại ở thác Giang Điền – Đồng Nai. Chúng tôi muốn giúp họ thư giãn, vừa tạo cơ hội cho họ biết đến TPHCM nhiều hơn” – chị Hà, một người thuê phòng trọ ở xóm ôsin ngoại, cho biết. Sống ở đây đã lâu và có nhiều tình cảm với các hàng xóm nước ngoài, chị Hà cảm nhận: “Tôi thấy họ rất cởi mở, gần gũi, chi tiêu cũng rất tiết kiệm. Đây là đức tính mình cần học tập”.
Những phụ nữ ở xóm ôsin ngoại tại quận 2 – TPHCM tụ tập nấu ăn, trò chuyện dịp cuối tuần
Theo Dantri
Thâm nhập một điểm giữ trẻ chui
Đã nghe rất nhiều về các cơ sở giữ trẻ chui, nhưng khi được thấy tận mắt chúng tôi lại càng xót xa hơn cho thân phận những em bé và thêm thương cảm cuộc đời của bố mẹ chúng, những người công nhân ngụ cư.
Khoảng 20h ngày 25/11, sau khi lân la hỏi han, thăm dò, chúng tôi quyết định trong vai nữ công nhân đi tìm chỗ gửi con để đột nhập vào một vài hộ trông trẻ gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM.
Tan ca tối, hối hả về đón con
Con đường Huỳnh Tấn Phát bị triều cường dâng cao, ngập lênh láng. Như bao người công nhân khác hối hả giờ tan ca, chiếc xe máy của tôi "bảy nổi ba chìm" trong...nước cống. Một nữ công nhân thiếu kiên nhẫn vì sợ trễ giờ đón con (trên xe máy có gắn ghế ngồi cho con nít), rồ ga chạy nhanh làm nước sình bắn tung tóe.
Tôi bám theo xe chị, chạy vào hẻm số 502 đối diện siêu thị điện máy Thiên Hòa. Chạy được một quãng, người phụ nữ ấy rẽ vào một con ngách tối om, không đèn đóm. Chị dừng lại, đập cửa căn nhà có cổng rào kín mít.
Một người đàn bà trung niên bồng đứa bé chừng 3 tuổi chạy ra, hai mẹ con nữ công nhân ôm nhau chóng vánh rồi như vội vã công chuyện, chị hấp tấp đặt con lên xe, rồ ga chạy.
Nơi mà 10 em bé được trông giữ chỉ rộng chưa đầy 15 mét vuông
Tôi quay trở ra đầu hẻm, hỏi thăm bà bán hàng tạp hóa chỗ gửi trẻ.
Người đàn bà dáng đậm đà nhiệt tình, hồ hởi: "Công nhân gửi con để tăng ca hả? Chỗ gửi thì thiếu gì, tuy nhiên giá cả quyết định chất lượng đấy nhé".
Nói rồi người phụ nữ quay sang hỏi luôn chị bán chuối chiên bên cạnh: "Sao Thúy, mày có nhận không? Nhận một đứa về mà trông cũng...được!".
Nhìn tôi mắt tròn mắt dẹt, người phụ nữ cười ha hả: "Thôi, để cô chỉ cho mày nhà bà Hường, cái nhà có cổng xanh xanh trong ngách kia kìa. Nếu bà ấy không nhận thì mày đem ra đây, cô trông giúp cho. Cô tên là Liễu, nhớ nhé!".
Tôi đến trước chiếc cửa màu xanh theo chỉ dẫn của bà Liễu gọi cửa thì một người phụ nữ gầy gò, cỡ ngoài 40 tuổi đánh tiếng, chạy ra, hất hàm: "Có gì không?".
Sau khi tôi nói chị Liễu giới thiệu vào gửi trẻ thì các nếp nhăn trên mặt người phụ nữ ấy giãn ra, thay vào đó là một nụ cười thân thiện: "Thế hả, vào đi rồi nói chuyện".
15m nuôi 10 đứa trẻ
Vào được chỗ giữ trẻ của gia đình bà Hường vô cùng khó khăn, phải để xe ở ngoài vì lối đi chỉ rộng chừng hơn nửa mét.
Căn nhà áng chừng chưa được tới 15 mét vuông, khắp nơi giăng đầy quần áo. Bày giữa nhà là một cái võng, một cái xe tập đi của em bé. Mấy chiếc bình sữa của bé được treo trên tường nứt nẻ, nổi mốc đen.
Nhà vệ sinh xuống cấp được bố trí luôn trong khoảng không gian rộng chưa tới 15 mét vuông ấy, chỉ ngăn cách với nơi giữ trẻ bằng một chiếc cửa nhựa kéo nửa kín, nửa hở. Thành viên trong nhà bà Hường cả thảy gồm 5 người. Tất cả sinh sống ở đây thôi đã thấy...tức thở, huống hồ còn nhận nuôi thêm trẻ con.
Như để quảng cáo sự bề thế cho "trường mầm non" của mình, bà Hường thao thao bất tuyệt: "Vì em được người quen giới thiệu nên chị mới tiếp đấy nhé, chỗ của chị đông lắm, mà phải... nhìn mặt mới nhận. Cơ sở của chị uy tín nên người ta gửi đông. Chị nhận trông đến hơn 10 đứa cơ đấy".
Nghe đến đây, tôi cố lắp bắp hỏi: "Mà con em còn bé lắm, mới hơn 10 tháng, em lại hay về trễ, chị nhận được không?".
Đây là nơi để bình và sữa gia đình gửi cho các bé
Người đàn bà cười khà khà: "Em gửi con lần đầu hả, hèn chi! Con thế mà bé à, bé...gì, ở đây chị trông có đứa mới 3 tháng. Đứa nào thích nằm võng chị cho nằm võng, chán võng thì xuống đất nằm chiếu. Gửi trễ cũng chẳng sao, sau "giờ hành chính" chị tính thêm tiền, 11 đêm giờ đón cũng được".
Tôi tiếp lời: "Đông thế chúng nó đánh nhau làm sao hả chị?" thì chồng bà Hường cười khanh khách trả lời: "Đánh thế nào được, đánh để chết à? Tôi nói cho cô biết nhé, nhà tôi không gắn biển hiệu nhận giữ trẻ mà đã đông đến thế, vậy là đủ hiểu chất lượng ở đây ra sao rồi đấy!!".
Tôi làm bộ bằng lòng, bàn tiếp sang chuyện giá cả. Bà Hường đề nghị một tháng học phí là 650.000 đồng, tiền ăn một ngày 20.000 đồng, sữa tự túc. Nếu sau 17h30 chưa đón con thì một tiếng tính 5.000 đồng. Giá trên chưa có phí cho ngày chủ nhật. Chủ nhật công nhân đem con đến gửi sẽ tính như phí tăng ca, tương đương 5.000 đồng/tiếng.
Tôi cúi gằm mặt than thở: "Ôi cô ơi, cô tính phí ngoài giờ thế thì chết con, con làm công nhân lương cứng có một triệu hơn, khi nào tăng ca thì may ra được 3 hoặc 4 triệu. Tiền gửi con cao thế thì con xoay xở làm sao?".
Nắn gân thấy "gà" này "không béo", bà Hường cười, làm bộ thông cảm: "Ờ, nói thì nói thế thôi, chứ cô thương người lắm, con khó khăn cô chỉ tính tiền tiếng đầu, còn mấy tiếng sau cô khuyến mại".
Tôi lủi thủi ra về, hẹn chiều thứ 7 sẽ mang con đến.
Vừa dắt xe ra khỏi cổng, một chị vẫy tôi lại ra chiều thấu hiểu: "Gái ơi, chị bảo, em đừng gửi con ở đó. Rẻ hơn chỗ khác thật mà bà ý xếp lớp em bé như cá mòi, tội lắm! Con em ăn thì ăn, không ăn thì đói luôn, đông thế sao bà ý trông hết được. Trẻ gửi trong đấy đứa nào về cũng bị muỗi đốt tùm lum sưng cả mặt. Em đem bé vào trường mầm non tư thục bên hẻm trên mà gửi, người ta cũng nhận trông buổi tối đấy".
Sau khi ghé vào trường mầm non người phụ nữ mách, tôi thấy điều kiện vật chất tuy có tốt hơn thật nhưng giá thành cũng "tốt" tới tận 1,5 triệu/tháng, tiền phụ phí ngoài giờ cũng cao gấp 3, một tiếng hết 15.000 đồng.
Tôi quay về bỗng cảm thấy nghẹn ngào, thương cảm cho người công nhân và con cái của họ. Bởi nếu là họ, vì cuộc sống mưu sinh tôi cũng đành cắn răng mà đem con đến gửi ở những khu nhà ổ chuột như của bà Hường mà thôi!
Theo Vietnamnet
Người phụ nữ hơn 30 năm vất vả làm nghề... của đàn ông Hơn 30 năm gắn bó với nghề cơ khí, tay nghề của người phụ nữ ấy đã đạt bậc 7/7 khiến cánh nam giới cũng phải nể phục. Cũng trong khoảng thời gian ấy, chị tần tảo một mình, thay chồng nuôi mẹ già, chăm hai con ăn học thành người. Đó là chị Nguyễn Thị Hạnh, biệt danh Hạnh gò hàn (SN...