‘Xóm hiếm muộn’ ở Sài Gòn
Chuyện 4 cặp vợ chồng chia nhau căn phòng 15 m2 đã trở nên quen thuộc ở khu vực quanh Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Tuy cực khổ, khó khăn, nhưng nỗi khao khát có con vẫn ngời lên trong mắt họ.
Nằm rải rác trong những con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh, trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, các khu nhà trọ ở đây được người dân quen gọi là xóm hiếm muộn. Những người đến ở trọ đều có chung hoàn cảnh là không có khả năng sinh con hoặc khó sinh. Việc điều trị thường trải qua nhiều bước, tùy vào tình trạng bệnh khó sinh hay vô sinh của mỗi người nên thời gian điều trị thường kéo dài. Đa phần bệnh nhân, do không có người thân tại thành phố nên phải thuê chỗ ở gần bệnh viện.
Nhiều bệnh nhân trọ trong xóm hiếm muộn cả năm để điều trị, nuôi thai, sinh con cho đến khi cứng cáp mới về. Ảnh: Hải Duyên
Một căn phòng thấp, tối mập mờ ở hẻm A1, đường Cống Quỳnh rộng khoảng 15 mét vuông nhưng có tới 4 chiếc giường kê sát nhau. Để tiết kiệm diện tích và cho nhiều người thuê, chủ nhà chỉ ngăn các giường với nhau bằng tấm ri đô mỏng. Thế nhưng, mỗi chỗ nằm như vậy có giá tương đương với một căn phòng đàng hoàng ở khu vực khác, từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Còn với bệnh nhân đến chích thuốc, thuê ngắn hạn thì 60.000 đồng mỗi ngày.
Video đang HOT
Hầu hết những cặp vợ chồng hiếm muộn, hoàn cảnh khác nhau, chấp nhận thuê chỗ ở chật, giá cao với mong ước có thể đậu thai và sinh con khỏe mạnh. Có người đã bán tài sản ở quê, gom góp hết tiền để chữa bệnh.
Gần chục năm sống chung vẫn chưa có mụn con nào, gia đình nội ngoại đều thúc giục, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết ở Nghệ An vào Sài Gòn chữa trị.
“Thật không biết nói sao. Làm phụ nữ, ai cũng mong một lần được làm mẹ. Nhìn thấy người ta, vợ chồng con cái quấn quýt bên nhau hạnh phúc mà tôi thèm lắm. Nhiều khi… chỉ biết khóc thầm. Người hiểu thì không nói, chứ có người độc mồm miệng bảo là do ăn ở”, chị Tuyết tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, lấy nhau được 8 năm, nhưng hai vợ chồng chị Hiền quê ở Bến Tre vẫn không “có tin vui”. Mong mỏi được nghe tiếng trẻ con trong nhà cho cuộc sống đỡ nhàm chán, hai người dành dụm tiền lên Sài Gòn chữa bệnh. Không biết trước ngày về, vợ chồng chị Hiền thuê một chiếc giường trong căn phòng cùng 4 người khác để ở. Do giường quá nhỏ nên mỗi người phải thuê một chỗ nằm riêng, mất gần 3 triệu một tháng.
“Tưởng đâu chỉ lên chích thuốc rồi về nhà điều trị chứ tôi đâu biết là phải nằm lâu dài thế này. Cả hai vợ chồng chẳng làm ăn được gì, việc nhà bỏ bê hết, sốt ruột lắm. Chị mới đặt phôi chưa biết thế nào. Từ nay đến lúc sinh được đứa con còn gian nan lắm”, chị Hiền thở dài, nói.
Cách cổng Bệnh viện Từ Dũ không xa, khu bệnh xá Quân y 264 trên đường Cống Quỳnh dành riêng một tầng cho các gia đình điều trị bệnh lâu dài. Tuy nằm ngay bên cạnh một siêu thị lớn nhưng cuộc sống của những gia đình ở đây khá yên tĩnh. Gần chục người phụ nữ nằm ấp con nhỏ trên ngực. Còn những người khác thì đang thầm lặng “ươm những mầm sống khó khăn” trong bụng.
Chị Thoa từ Bình Dương xuống đây, chăm sóc người nhà cho biết, phần lớn phụ nữ sống trong khu bệnh xá mang thai được đều nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Quá trình mang thai không giống người thường, nên bệnh nhân phải rất cẩn thận và kiêng cữ nhiều thứ mới giữ được thai. Nhiều người truyền phôi xong cứ nghĩ về quê dưỡng thai là được, nhưng không cẩn thận bị hư thai, lại phải trở lên, tốn thêm nhiều tiền của.
Khoảng một năm nay, chị Thoa ở lại đây chăm sóc cô em dâu hiếm muộn. “Khó khăn lắm em tôi mới đậu thai. Tôi khuyên em nó ở lại đây ăn ở, sinh hoạt để có gì dễ bề xoay sở. Dù biết là rất tốn kém nhưng ai cũng chờ đến ngày em bé chào đời”, chị chia sẻ.
Một bà ở Bình Thuận đang nấu ăn cho đứa cháu mới sinh ở bệnh xá quân y 264. Nhiều gia đình ở lại điều trị bệnh lâu dài ở đây cũng nấu cơm ăn tiết kiệm chi phí. Ảnh: Hải Duyên
Thế nhưng, không phải trường hợp nào chấp nhận tốn kém, khó khăn tiếp tục ở lại cũng suôn sẻ. Nỗi lo vẫn chưa dừng lại. Éo lo như hoàn cảnh của chị Minh Khuyên ở Bình Thuận. Gian khổ lắm mới sinh được cặp song sinh, nhưng khi chào đời, 2 bé rất yếu, nhất là đứa em chỉ hơn 1 kg, bị bệnh hô hấp, khó thở nên phải đưa vào phòng ấp trong bệnh viện. Hơn một tháng, chị Khuyên không được vào thăm con, chẳng biết tình hình con thế nào.
Rơm rớm nước mắt, chị Khuyên kể: “Lúc sinh xong, thấy đứa em nhanh nhẹn nên bác sĩ cho về. Vậy mà được mấy bữa, bỗng dưng nó tím tái làm mọi người nhốn nháo, ẵm chạy vào bệnh viện. Nó nằm trong đó hơn tháng nay rồi. Nghe nói, nó còn bị sụt ký nữa”.
Cảm giác lo lắng, bất an dường như hiện diện thường xuyên trên gương mặt của những gia đình gặp cảnh hiếm muộn. Ai cũng chia sẻ, chỉ mong sao “sự sống mới” thật ổn định cho dù khó khăn đến mấy. Chính hoàn cảnh tương đồng này khiến các gia đình ở khu vực bệnh xá hay nhà trọ tại khu vực bệnh viện coi nhau như gia đình lớn, san sẻ nhau mọi niềm vui, nỗi buồn.
“Mỗi khi có người trở dạ là cả xóm nhốn nháo gọi bác sĩ để kịp đưa vào bệnh viện. Rồi cả khu mất ngủ, chờ đợi kết quả thế nào. Nghe tin mẹ tròn con vuông thì ai nấy đều mừng. Mới đây, chúng tôi tổ chức liên hoan cho một chị ở tận Thái Bình vào đây sinh con và ở luôn cả năm trời, đợi con cứng cáp. Chị ấy cũng đặt phôi thêm đứa nữa và mới về cách đây vài ngày”, bà Tư ở Cần Thơ lên chăm con gái cho hay. Qua vẻ mặt hớn hở của bà đủ thấy, niềm vui nhỏ của gia đình may mắn kia như đã được nhân lên gấp nhiều lần.
Chính vì những niềm vui “không dễ có” đấy mà năm này, tháng khác, người người cứ thay phiên nhau về đây chữa bệnh. Cuộc sống của xóm hiếm muộn cứ thế diễn ra lặng lẽ bên cạnh khu đô thị nhộn nhịp, sầm uất.
Hải Duyên