Xôi đỗ đen gói trong lá sen già
Tôi vẫn bâng khuâng nhớ về món xôi đỗ đen gói trong lá sen già như một kỷ niệm thân thương của mối tình đầu.
Món xôi đỗ đen ủ trong lá sen THANH HẢI
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên anh dẫn tôi về thăm nhà anh. Biết chúng tôi về, mẹ anh ngâm gạo nếp từ đêm trước. Lúc tôi tới chơi thì thấy bà đang lựa đỗ. Vừa lựa hạt, bà vừa rủ rỉ chuyện trò. Bà bảo vừa được người em gái gửi từ quê ra cho mớ đỗ đen xanh lòng và một ít vừng lạc. Nhìn dáng vẻ cặm cụi tỉ mẩn và nghe chất giọng trầm ấm ấy, tôi bỗng thấy thân thương gần gũi biết bao.
Gạo đã ngâm đủ thời gian, đỗ đen được luộc sơ và ngâm đến khi nguội nước rồi để ráo, trộn đều với nhau đổ vào chõ. Bà bảo khi chõ xôi thoảng hương thơm là lúc phải đảo xôi cho chín đều. Nhìn cái cách mẹ anh dùng chiếc đũa dài thật khẽ khàng cẩn trọng để hạt đỗ không bị vỡ nát mới cảm nhận được sự khéo léo của bà. Một chiếc lá sen già xanh sẫm được bà để dành từ hôm mua chục hoa sen cúng tuần. Xôi đã chín, bà xới ra mâm rồi đùm xôi vào lá sen khi xôi vẫn còn ấm, gói ghém cẩn thận như chúng tôi vẫn gói quà tặng nhau gửi trao niềm thương mến.
Từ những nguyên liệu quê mùa, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà thành đã trở thành món quà thơm ngon. Và tôi thấy ấm áp biết bao bởi tình cảm chân thành thuần hậu ấy. Hương thơm của nếp, vị bùi của đỗ quấn quyện trong lá sen cuối mùa ngào ngạt, như cố dành dụm chút tinh hoa cuối cùng của mình dâng đời. Mở gói xôi ra mà như thấy cả dư vị ấm áp của đất trời nhân gian. Hạt nếp mọng căng như nhộng ong non, dẻo và thơm. Những hạt đỗ nhỏ xíu bở tơi he hé như mỉm cười. Vị dẻo của nếp, vị bùi của đỗ trở nên hoàn hảo hơn khi ăn cùng với chút muối vừng lạc thơm ngậy. Và cái lá sen già bao bọc sum vầy, gói ghém hàng ngàn nụ cười bí ẩn. Nhẩn nha hít hà, thấy mùa thu dồn tụ cả trong gói xôi ấm nồng ấy. Ấm áp như cái nắm tay trong buổi chiều thu. Vấn vít thơm nồng như dư vị của mối tình đầu trong trẻo nhớ thương.
Dòng đời miên mải trôi. Chúng tôi không nên duyên. Món xôi đỗ đen bọc lá sen già ấy trở thành kỷ niệm thân thương. Mẹ anh đã cưỡi hạc xe mây về nơi tiên cảnh. Anh lập nghiệp ở nước Nga xa xôi, thi thoảng nhắn tin cho tôi: “Anh thèm xôi đỗ đen bọc lá sen chấm muối vừng lạc quá…”. Tôi biết rằng đâu phải anh thèm món ăn giản đơn ấy, mà anh nhớ về những điều thẳm sâu hơn. Là mẹ. Là quê hương. Chỉ vậy thôi mà bỗng thấy rưng rưng…
Cách làm bánh tét lá dứa truyền thống thơm ngon, đơn giản đón Tết
Bánh chưng cùng với bánh tét là hai món bánh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Hôm nay, hướng dẫn cho bạn làm bánh tét thơm ngon, đẹp mắt để dùng ăn trong ngày Tết hoặc dọn lên mâm cỗ thờ cúng ông bà nhé. Cùng vào bếp ngay nào.
Nguyên liệu làm Bánh tét
Nếp 1 ký
Đậu xanh 300 gr
Thịt ba chỉ 500 gr
Lá dứa 100 gr
Hành tím 3 củ
Gia vị thông dụng 1 ít (muối/ đường/ tiêu)
Cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon
Cách chọn mua gạo nếp ngon
Video đang HOT
Bạn nên chọn mua nếp có hạt to, tròn, màu trắng đục, không bị gãy nát.Nên mua nếp mới được xay, khi ngửi có mùi thơm nhẹ, dễ chịu tự nhiên của gạo nếp.Không nên mua không nên mua loại gạo nếp được xay xát kỹ vì gạo đã bị mất rất nhiều dưỡng chất.Tránh mua nếp có màu sắc lạ hoặc có mùi ẩm mốc do để lâu.
Cách chọn mua thịt ba rọi ngon
Bạn chọn miếng thịt có tỷ lệ mỡ và thịt không quá chênh lệch, lớp mỡ dày từ 1.5cm - 2cm, phần thịt nạc dính chặt vào phần thịt mỡ. Để món bánh tét đạt được độ ngon nhất, bạn nên lựa miếng mỡ nhiều hơn nạc một xíu nhé.
Chú ý quan sát màu sắc của thịt heo, thịt ba rọi ngon có lớp da bên ngoài khô, màu trắng hồng, mềm mại. Thịt sau khi cắt ra có màu hồng tươi, thớ thịt chắc. Lớp mỡ xen giữa thịt có màu trắng sáng, chắc.Bạn dùng tay ấn vào thịt, nếu vết lõm trên thịt trở về trạng thái ban đầu một cách nhanh chóng thì đó chính là thịt heo ngon.Không mua nếu thịt có mùi lạ, màu đỏ thẫm.
Cách chọn mua đậu xanh ngon
Bạn có thể sử dụng cả hai loại đậu xanh cà vỏ và còn nguyên vỏ đều được.Nếu bạn chọn đậu xanh còn nguyên vỏ, cần lưu ý chọn các hạt đậu xanh có lớp vỏ căng bóng, mẩy đều nhau, không bị sâu hay lép.Nếu chọn hạt đậu xanh cà vỏ, bạn chọn loại có màu vàng đẹp, các hạt đậu nửa chắc, không bị sâu mọt, có mùi thơm của đậu xanh.
Dụng cụ thực hiện
Nồi, dao, lá chuối, dây dù (để buộc), dây thun,...
Cách chế biến Bánh tét
1
Ngâm gạo nếp
Xay 100gr lá dứa với 1 lít nước. Sau khi vo gạo nếp thật sạch, cho vào ngâm trong thau nước lá dứa cùng 1 muỗng canh muối. 4 tiếng sau, bạn cho ra rổ để gạo ráo.
2
Chuẩn bị đậu xanh
Rửa sạch đậu xanh rồi cho vào nồi nấu trên lửa vừa. Khi nước sôi, bạn hạ lửa nhỏ, đậy nắp và nấu thêm 20 phút nữa.
Khi đậu chín mềm, bạn tắt bếp. Cho đậu ra tô, thêm 1 muỗng canh đường vào rồi dùng muỗng tán đậu nhuyễn.
3
Chuẩn bị thịt ba rọi
Thịt ba chỉ mua về bạn cạo sạch da, sau đó bóp thịt với ít muối và nước cốt chanh cho thịt không bị hôi và rửa lại cho sạch. Tiếp đến cắt thịt thành các miếng dày 1 lóng tay.
Ướp thịt với 2/3 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cà phê tiêu hạt, 3 củ hành tím cắt lát. Để yên 20 phút để thịt thấm gia vị.
4
Gói nhân đậu và thịt
Trải 1 lớp màng bọc thực phẩm ra mặt bàn.
Chia đậu xanh thành 6 phần bằng nhau (khoảng 130gr/ phần). Dàn đều 1 phần đậu xanh lên mặt bàn, rồi cho 1 miếng thịt ba chỉ vào. Dùng tay cuộn lại sao cho thịt nằm giữa khối đậu xanh. Túm gọn 2 đầu rồi lăn vài vòng để tạo thành khối hình trụ mềm mịn dài khoảng 12cm.
Thực hiện tương tự với các phần còn lại.
5
Gói bánh
Dùng khăn lau lá chuối thật sạch, cắt lá chuối thành các miếng có độ dài 30cm (khoảng 2 gang tay).
Trải 2 tấm lá chuối có mặt lá đậm xuống mặt bàn và 1 tấm lá chuối có mặt lá đậm hướng lên trên.
Xúc nếp vào, dàn thật đều sao cho nếp cách mép lá 1/2 lóng tay, xếp khối đậu xanh - thịt ba chỉ vào giữa. Xúc thêm nếp và rải lên trên khối đậu.
Dùng tay gói 2 đầu mép lá lại, miết cho thật chặt để nếp và nhân dính chắc vào nhau. Bạn nhẹ nhàng bẻ gập phần góc chiếc bánh rồi dựng đứng lên, dùng thun buộc tạm vào thân bánh.
Gấp 2 đầu bánh lại và buộc lại bằng lá chuối, dùng kéo cắt nếu 2 đầu có phần lá dư. Cuối cùng, bạn lấy dây dù buộc các đường ngang và dọc quanh bánh, dùng kéo cắt bỏ dây thun.
6
Luộc bánh
Xếp bánh vào nồi, phủ bên dưới và bên trên bằng 2 - 3 lá chuối rồi luộc bánh ở lửa nhỏ trong 4 tiếng là bánh đạt.
Bạn vớt bánh ra nhúng bánh vào nước lạnh 3 - 5 phút rồi để thật nguội là có thể dùng được nhé.
7
Thành phẩm
Vậy là chúng ta vừa làm xong những đòn bánh tét truyền thống cho ngày Tết rồi. Thành phẩm có phần nếp dẻo thơm, đậu xanh bùi béo, thịt đậm đà kết hợp lại tạo nên một đòn bánh tét thơm ngon hấp dẫn tuyệt vời.
Nem nướng Cái Răng - Đặc Sản Cần Thơ Nem nướng Cái Răng là món được người dân, du khách ưa chuộng nhất khi đến với Cần Thơ. Món Nem này rất nổi tiếng và là niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực Việt. Nem là món ăn quen thuộc và có mặt trên khắp miền đất nước, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì Nem có...