Xin ý kiến Quốc hội để Thủ tướng trả lời chất vấn tuần tới
Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Thủ tướng không trực tiếp trả lời chất vấn mà giao Phó Thủ tướng đăng đàn. Tuy nhiên, danh sách dự kiến người trả lời chất vấn kỳ này được gửi xin ý kiến đại biểu, Thủ tướng là phương án chính được đề xuất.
Danh sách người trả lời chất vấn được Đoàn thư ký kỳ họp gửi xin ý kiến các đại biểu nêu dự kiến, sau hai ngày chất vấn 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành, nửa ngày sẽ được dành cho Thủ tướng, hoặc một Phó Thủ tướng theo ủy quyền của Thủ tướng, đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nếu Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội 2 lần trong năm (ảnh: Việt Hưng).
Bình thường, tại các kỳ họp giữa năm, ngoài các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng thường trực sẽ thay mặt Thủ tướng báo cáo thêm trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Thực tế, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, phiên chất vấn tại kỳ họp giữa các năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đăng đàn.
Ngoài việc xin ý kiến về việc để Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này, UB Thường vụ Quốc hội cũng gợi ý 5 bộ trưởng, trưởng ngành để trình Quốc hội xem xét là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Các nhóm vấn đề đươc xin ý kiến để tổ chức chất vấn các Bộ trưởng cũng được nêu cụ thể.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời về vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia; Tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước; việc kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân; Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.
Các nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều loại hình đào tạo nhưng chất lượng đào tạo thấp, không phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội; Việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục, đổi mới chương trình sách giáo khoa, công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường được gợi ý các vấn đề: Tình hình triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi; Kết quả triển khai nghị quyết của Quốc hội về hướng dẫn thi hành và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh của UB Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và nghị định của Chính phủ trong thời gian qua.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại diễn đàn Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Đối với Tổng thanh tra Chính phủ, dự kiến chất vấn xoay quanh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng lâu ngày; Công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của thanh tra các cấp trong thời gian qua; công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra; Việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, công tác phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng; công tác tổng hợp, đánh giá, dự báo và kiến nghị giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân được dự kiến trả lời về giải pháp áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; Trách nhiệm của Bộ trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện cơ chế, chính sách bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, kiểm định công nghệ nhập khẩu theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; thực trạng, hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Bản báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội nêu rõ, cùng với Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền), UB Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội xem xét chọn ra 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngày trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 trong kế hoạch dự kiến như trên.
Đoàn thư ký kỳ họp cho biết, tính đến chiều ngày 2/6/2014, đã nhận được 95 văn bản chất vấn, với 110 chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng và 20 vị bộ trưởng, trưởng ngành. Trong đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được nhiều chất vấn nhất (11 chất vấn cho mỗi người).
P.Thảo
Theo Dantri
Lương thấp, chỉ tuyển được người yếu ngồi làm chính sách
Bộ trưởng Y tế than, với tình hình lương bổng hiện nay, chỉ tuyển được những người yếu vào làm chính sách. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khai thác thêm đội ngũ chuyên gia vì "lấy cho đủ số người làm cứng thì biên chế không chịu nổi"...
Ngày 20/3, Chính phủ tổ chức phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ Quý I năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Trong Quý này, các Bộ phải trình Chính phủ 10 dự án luật, đồng thời phối hợp chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua 9 dự án và cho ý kiến 15 dự án luật.
Nhiệm vụ trong Quý II, các Bộ có nhiệm vụ trình Chính phủ cho ý kiến 12 dự án luật. Bộ trưởng cũng lưu ý, trong Quý II, với nhiệm vụ quan trọng là triển khai thi hành Hiến pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần thực hiện lập và công bố danh mục các quy định, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành trình cấp có thẩm quyền ban hành có nội dung trái với các quy định của Hiến pháp.
Một bất cập được Bộ trưởng Tư pháp nhắc lại là mặc dù các bộ, cơ quan ngang bộ đã có cố gắng, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhưng tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa có chuyển biến. Đặc biệt, tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản gia tăng, chất lượng một số văn bản chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành số lượng lớn văn bản. Trong khi đó, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ chưa quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc tiến độ xây dựng luật về lập Hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo yêu cầu, quý I/2014, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ ngành cần ban hành 90 văn bản quy định chi tiết (44 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng và Chính phủ, 46 văn bản thuộc thẩm quyền của các Bộ). Trong số đó, có 58 văn bản nợ từ 2013 chuyển sang, 32 văn bản mới phát sinh..
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "thúc" tiến độ làm luật về lập Hội. "Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do lập hội theo quy định của pháp luật, do đó cần ban hành luật để thi hành Hiến pháp. Nhưng trên thực tế, chưa có luật mà hội đã ra quá trời, Bộ Nội vụ cần xem lại các nghị định hiện hành về quản lý hội" - Thủ tướng nói.
"Quí I như vậy, chúng ta làm quá chậm, Thủ tướng và Chính phủ mới làm được 13/44 văn bản, các Bộ cũng mới xong được 7/46 văn bản. Lý do nêu ra thì nhiều, trong đó có cả nguyên nhân nghỉ Tết kéo dài. Nói như vậy có phải chúng ta làm chưa kiên quyết?" - Thủ tướng đặt câu hỏi.
Góp giải pháp để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, luật và pháp lệnh đều là theo chương trình của QH nên khó giảm, nhưng nghị định, thông tư thì có thể. Nếu trong xây dựng luật, QH chia sẻ trách nhiệm, làm luật chất lượng sẽ hạn chế được những quy định giao Chính phủ soạn thảo.
Chiến lược, quy hoạch của các bộ cũng chỉ nên trình Chính phủ những cái chung, tổng thể chứ không nên cái gì cụ thể cũng phải trình. "Tôi yêu cầu như vậy thì người ta bảo là nếu bộ tự làm không trình Chính phủ phê duyệt thì không có tiền đâu" - Bộ trưởng Y tế chia sẻ và đề nghị Chính phủ cho phép bộ tự quyết các chiến lược, quy hoạch cụ thể đồng thời thừa nhận tính pháp lý và cấp kinh phí.
Thông tư, cụ thể hóa nghị định và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cũng là việc nặng, theo bà Tiến, vì vậy giảm đầu vào là giải pháp đầu tiên.
Những khó khăn với công tác làm luật có cả vấn đề kinh phí và nhân lực. Nữ Bộ trưởng Y tế "than", bộ phận pháp chế biên chế quá thấp. Các bộ ngành, đơn vị đầu não, một người lo một kho người làm nhưng đụng đến việc gì cũng không xin thêm biên chế được. Trong khi biên chế ở các đơn vị sự nghiệp thừa mà không ai muốn lấy vì đã khoán tự chủ tài chính.
"Biên chế của những người làm chính sách ở bộ cũng phải là người giỏi, chứ với tình hình lương và hợp đồng hiện nay, chỉ tuyển được những người yếu" - bà Tiến thẳng thắn nói.
Theo Bộ trưởng Y tế, biên chế cần giảm cho đúng chỗ, không nên giảm ở những bộ phận hoạch định chính sách cho đất nước.
Chia sẻ ý kiến của Bộ trưởng Y tế về gánh nặng trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, khó có những luật không cần hướng dẫn, vì cuộc sống còn vận động, mỗi nơi lại có điều kiện hoàn cảnh khác nhau.
Còn vấn đề kinh phí, theo Thủ tướng, Bộ Tài chính tính toán cấp đủ theo nhiệm vụ, căn cứ số lượng văn bản các bộ phải làm. Thủ tướng khẳng định: "Đất nước còn nghèo thật, nhưng không thể nói thiếu kinh phí không làm được luật, nghị định, thông tư".
Vấn đề nhân lực, Thủ tướng cho rằng, "nói không đủ thì vô cùng" vì "một năm mỗi bộ làm một luật, vài nghị định, thì nòng cốt là bộ phận pháp chế, bên cạnh đó mời thêm chuyên gia có thù lao, tổ chức hội thảo thực chất... chứ lấy cho đủ người làm cứng thì biên chế không chịu nổi đâu".
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 của Chính phủ kế hoạch sửa toàn diện luật Phòng chống tham nhũng (vừa sửa đổi bổ sung một số điều năm 2012) và luật Thanh tra (ban hành năm 2010). Đồng tình với đánh giá về tầm quan trọng của các luật này, đặc biệt là luật Phòng chống tham nhũng nhưng Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường e rằng khó đưa hai luật này vào chương trình 2015. Ông Cường cho biết, chương trình năm 2015 đã rất nặng với 38 luật, pháp lệnh cần xây dựng. Nếu Chính phủ đề nghị được Quốc hội họp thêm một kỳ bất thường nữa thì mới có thể đưa thêm 2 luật này vào chương trình.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Tư pháp nhận nhiều tâm thư của người đồng tính Trước những ý kiến "can gián" đề xuất bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ rất nhiều tâm thư của người đồng tính gửi đến ông mong muốn thừa nhận hôn nhân. Bộ trưởng Tư pháp có phiên họp tại UB Các vấn đề xã hội hôm nay, 24/9,...