Xin đừng dùng thuốc tùy tiện!
Những ngày qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch do biến chứng của việc tùy tiện sử dụng thuốc.
Đặc biệt, việc tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh còn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc và mất dần đi “vũ khí” để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (quận Ba Đình) tư vấn thuốc và cách sử dụng thuốc cho người bệnh. Ảnh: Quang Thái
Hậu quả nặng nề…
Khoảng 10 năm trở lại đây, do bị đau khớp gối, nên bà D.T.K. (61 tuổi ở tỉnh Bắc Ninh) thường xuyên phải dùng thuốc tiêm giảm đau và thuốc nam không rõ nguồn gốc do người quen giới thiệu. Trong 1 tháng trở lại đây, thấy cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, sụt giảm 7kg, nên bà K. đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bác sĩ phát hiện bà K. có biểu hiện mắc hội chứng Cushing: Teo cơ tứ chi, béo bụng, dễ xuất huyết, suy vỏ thượng thận…, do lạm dụng thuốc có chứa corticoid để điều trị đau khớp trong thời gian dài.
Bác sĩ Phạm Thị Lưu, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhóm thuốc corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Corticoid sẽ có lợi, nếu dùng đúng cách, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thuốc sẽ phản tác dụng, nếu dùng quá liều và gây ra các biến chứng. Ở nước ta hiện nay, người bệnh có thể dễ dàng mua được nhóm thuốc này, ngay cả khi không có đơn của bác sĩ. “Trung bình một ngày, khoảng 1/3 số bệnh nhân nhập viện tại khoa có tình trạng lạm dụng corticoid. Đây thực sự là một hồi chuông đáng báo động”, bác sĩ Phạm Thị Lưu cảnh báo.
Không chỉ lạm dụng thuốc corticoid, việc tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh cũng diễn ra phổ biến. Theo Bộ Y tế, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp hai lần. Có tới 88% số thuốc kháng sinh được bán tại các thành phố mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%. Hậu quả, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, tại bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân N.Đ.T. (62 tuổi, ở thành phố Hải Phòng) bị rối loạn tắc nghẽn thông khí phổi và nhiễm trùng vì vi khuẩn đa kháng thuốc. Việc điều trị cho bệnh nhân này vô cùng khó khăn, vì các loại thuốc kháng sinh gần như không có tác dụng… Tương tự, bệnh nhân N.V.A. (71 tuổi, ở tỉnh Ninh Bình) được chuyển từ tuyến dưới đến Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nguy kịch do kháng thuốc kháng sinh.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện, những năm trước, bệnh viện chỉ tiếp nhận một vài bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh từ tuyến dưới chuyển đến. Thế nhưng, hiện nay, tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình có khoảng 40%-60% ca chuyển tuyến đều đối mặt với tình trạng kháng thuốc.
Người dân nên đến những cửa hàng thuốc có uy tín để được tư vấn và mua thuốc bảo đảm chất lượng.
Siết chặt việc mua, bán thuốc tự do
Đối với nhóm thuốc corticoid, nhiều nước trên thế giới đã đưa vào danh mục thuốc kê đơn, nhằm kiểm soát tác dụng phụ. Còn ở nước ta, theo bác sĩ Phạm Thị Lưu, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai), người bệnh có thể dễ dàng mua được nhóm thuốc này, kể cả khi không có đơn của bác sĩ.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc theo đơn cũ, không đi khám lại hoặc tự ý ra các hiệu thuốc mua thuốc về dùng theo kinh nghiệm truyền miệng, thấy hiệu quả giảm đau, chống viêm tức thì ngay sau khi sử dụng, thì cho rằng đó là thuốc tốt, nên đã dùng thường xuyên.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân còn tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam vì nghĩ nó “lành” hơn thuốc tây, dù không biết nguồn gốc, xuất xứ. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để siết chặt quản lý việc quảng cáo thuốc trên mạng cũng như việc mua bán thuốc không có đơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, mỗi người dân phải sử dụng thuốc đúng cách, đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu chỉ hơi ho, sốt, đau…, thì không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà.
Ngay cả nhân viên y tế cũng phải trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết, khi nào thì sử dụng thuốc kháng sinh và dùng thuốc kháng sinh thuộc loại nào. Trên thực tế, không ít bác sĩ muốn sử dụng thuốc kháng sinh mạnh, đắt tiền để trị bệnh nhanh khỏi. Song, bác sĩ không để bệnh nhân phải dùng thuốc kháng sinh mà khỏi bệnh, thì mới là bác sĩ giỏi.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Hưng Thái cho biết, Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra Sở Y tế các địa phương được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, xử lý các nhà thuốc vi phạm bán thuốc kháng sinh không theo đơn.
Qua kiểm tra cho thấy, những vi phạm thường xảy ra ở các thành phố lớn, như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh – nơi có nhiều cơ sở kinh doanh thuốc và cung ứng thuốc kháng sinh lớn. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm tra, xử lý các nhà thuốc vi phạm bán thuốc không có đơn của bác sĩ, đồng thời xử lý cả việc lạm dụng kháng sinh trong kê đơn thuốc…
Kháng kháng sinh - Nhiều bệnh nhiễm khuẩn hiện không thể chữa được
Tổ chức Y tế thế giới cho biết rằng, do kháng kháng sinh (AMR), nhiều bệnh nhiễm khuẩn trước đây có thể được điều trị bằng kháng sinh hiện không thể chữa được nữa.
Theo WHO, những người bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống kháng kháng sinh bằng cách giúp bệnh nhân hiểu rằng tiêm vắc xin đầy đủ, rửa tay đúng cách và quan hệ tình dục an toàn có thể giúp họ tránh mắc cách bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc.
Tất cả mọi người đều đóng vai trò trong cuộc chiến chống kháng kháng sinh. Bạn có thể hành động. Hãy hành động.
Thuốc kháng sinh chỉ cần thiết để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm phổi hay các bệnh có tình trạng nhiễm trùng nặng hơn như nhiễm trùng huyết. Vì vậy, việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý sẽ giúp cho quá trình điều trị bệnh có tín hiệu tốt và tránh được tình trạng kháng kháng sinh.
Thuốc kháng sinh không tiêu diệt được virus cảm cúm! Đừng tự ý mua và dùng Thuốc Kháng Sinh khi chỉ bị cảm!
Từ ngày 18-24/11/2020, Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh trên thế giới (WAAW) được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tình trạng kháng kháng sinh (AMR) trên toàn cầu và khuyến khích cộng đồng, nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách xây dựng các thói quen tốt để tránh sự xuất hiện và lây lan thêm của các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc.
Khẩu hiệu cho năm 2020 là "Thuốc kháng sinh: Hãy cẩn thận khi sử dụng", áp dụng cho tất cả các lĩnh vực. Chủ đề cho lĩnh vực sức khỏe con người của WAAW 2020 là "Đoàn kết để gìn giữ các chất kháng sinh".
Kháng thuốc xảy ra khi các loại vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng trở nên miễn dịch với các loại thuốc điều trị bệnh do chúng gây ra hiện nay, như thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, thuốc chống nấm - các bệnh gây ra những vết thương nhỏ và nhiễm trùng thông thường nhưng lại có nguy cơ gây tử vong. Tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây do sử dụng quá nhiều các loại thuốc trên ở người hoặc trong chăn nuôi.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng và cũng nguy hiểm không kém dịch COVID-19. Kháng thuốc kháng sinh là "một trong những mối đe dọa y học lớn nhất trong thời đại của chúng ta".
Kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa an ninh lương thực, phát triển kinh tế và khả năng chống chọi với bệnh tật của thế giới. Theo WHO, kháng thuốc dẫn đến tăng chi phí điều trị, điều trị thất bại, bệnh nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Nguy cơ kháng kháng sinh từ thực phẩm Theo GS Nguyễn Gia Bình không chỉ có tình trạng kháng kháng sinh do sử dụng thuốc bữa bãi khi ốm đau mà tình trạng hiện nay thì kháng kháng sinh còn len lỏi trong cả bữa cơm. Bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai. Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX ngày 26 -...