Xin bái biệt huyền thoại John McCain
Sáng bửng tưng 26/8, cái tin Thượng nghị sĩ John McCain trút hơi thở cuối cùng bên vợ và những người thân chiều 25/8 như một làn gió đen đã loang khắp trên mạng cùng các phương tiện truyền thông.
Thượng nghị sĩ John McCain và nhà báo Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh Xuân Ba
Bồi hồi nhớ lại lần đầu được gặp vị Thượng nghị sĩ huyền thoại ấy là chiều tối (chính xác là 19 giờ) ngày 21-6-2005 tại Sảnh lớn Khách sạn May Flower ở Washington DC. Đang chuẩn bị diễn ra cuộc chiêu đãi lớn (Gala Diner) của giới chức và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ chúc mừng chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải.
Trong lúc đợi, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn hỏi tôi rằng đã gặp TNS John McCain khi nào chưa? John McCain? Thấy tôi lắc và nói lại cái lần gặp hụt ở Hà Nội năm 1996. Lần mà TNS qua Hà Nội gặp lại người từng cứu mình ở Hồ Trúc Bạch tháng 10-1967.
Chuyện là thời điểm ấy có hai ông cư dân Hồ Tây, thuở năm 67 là dân quân tự vệ đã tham gia vào việc cứu thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ John McCain trúng đạn phòng không của tự vệ nhà máy điện Yên Phụ bung vội dù rơi tõm xuống hồ Trúc Bạch. Một ông ra trước cứu là Mai Văn Ổn, người McCain xác nhận chính xác. Còn ông nhảy xuống sau thì cuộc cứu đã sắp hoàn tất. Chuyện ngồ ngộ là mấy tờ báo khi ấy đều đăng bài ảnh của cả hai ông và nói là cả hai đều có công cứu ông McCain khỏi chết đuối ở hồ Trúc Bạch.
Cứ như đồng nghiệp Nguyễn Anh Tuấn khi ấy là Tổng biên tập tờ Vietnamnet cho hay tối nay cả hai TNS John McCain và John Kerry là yếu nhân cuộc Gala Diner đều có mặt. Chợt nhớ cả hai cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam và cả hai vị đều là những cột mốc nhân chứng sống động là các cú hích cực kỳ hiệu quả trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ. Riêng John McCain huyền thoại, vâng chỉ có thể gọi đó là huyền thoại trong cuộc chiến tranh Việt Nam bởi khó có từ nào khác?
Huyền thoại không chỉ xuất thân từ một gia tộc danh giá. Cha và ông nội của McCain đều đô đốc của Hải quân Hoa Kỳ là cặp cha con đầu tiên cùng đạt đến cấp bậc đô đốc bốn sao. Ông nội ông, John S. McCain, Sr. là một nhà tiên phong chiến lược hàng không mẫu hạm nắm quyền chỉ huy tất cả các lực lượng hàng không mẫu hạm mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Cha của ông là một tư lệnh tàu ngầm được tặng thưởng Huân chương sao bạc và Huân chương sao đồng.
Năm năm rưỡi phải nằm trong ngục tù Hỏa Lò, được trả tự do đầu năm 1973 sau khi giải nghệ khỏi Hải quân, ông thắng cử hai nhiệm kỳ Hạ viện, từ 1983-1987, và sáu nhiệm kỳ ở Thượng viện Mỹ. Suốt thời gian ấy chả mặc cảm quá khứ, không hề vướng bận hận thù, âm hưởng Việt Nam luôn ám ảnh ông. TNS John McCain từng cùng các cựu binh như cựu thượng nghị sĩ John Kerry, Jim Webb, Chuck Hagel… cầm ngọn cờ đầu trong thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.
McCain là nghị sĩ của phe Cộng hòa nhưng trong cả sự nghiệp chính trị của mình đã rất nhiều lần thể hiện những quan điểm trung lập, sẵn sàng đưa ra những quyết định khác với quan điểm của lãnh đạo đảng Cộng hòa khi ông thấy cần. Trong những năm 1990, McCain gánh trên vai trọng trách nặng nề, nỗ lực tìm kiếm thi hài binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, đồng thời bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Thượng nghị sĩ McCain là tiếng nói quan trọng trong nhiều quyết định mang tính bước ngoặt cho quan hệ Mỹ – Việt. Một trong những dấu mốc ấy là cuộc gặp trực tiếp giữa ông và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch tại Đồi Capitol ngày 17/10/1990 ( Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tới thăm Washington)
… Tôi không rõ nhà báo Nguyễn Anh Tuấn gặp và quen biết vị TNS này tự khi nào? Nhưng khi kéo tôi lại bên TNS giới thiệu với động thái cởi mở thân gần cùng cái xiết tay thân ái đã nói lên tất cả.
Các quan khách buổi Gala ràn rạt diễu qua nhưng câu chuyện giữa ba chúng tôi không hề gián đoạn. Ánh đèn mờ của gian sảnh rộng lớn vẫn soi tỏ vết sẹo trận mạc Hồ Trúc Bạch một bên má của vị TNS. Ông đang nói gì một hồi rồi dứ dứ hai cánh tay ra mà nhà báo Tuấn có vẻ thú vị và bật lên cái câu rõ ông này trời đánh không chết! Khi nghe dịch lại mới hay TNS John McCain không phải lần chết hụt ở Hồ Trúc Bạch mà nhiều lần khác nữa. Thương tật không biết nặng cỡ nào mà bao nhiêu năm rồi mà hiện tại ông không thể giơ hai cánh tay lên quá đầu.
Video đang HOT
Cuối năm 1958, máy bay của chàng thiếu úy phi công Hải quân Hoa Kỳ John Mc trục trặc rơi xuống biển nhưng chàng may mắn bung dù thoát được. Rồi ít lâu sau ông chút nữa bị mất mạng khi máy bay ông mạo hiểm lượn quá thấp chạm phải đường dây điện ở Tây ban Nha.
Một cuộc thoát hiểm hy hữu trước lần chết hụt ở hồ Trúc Bạch chỉ hai tháng là tháng 7 năm 1967. Hàng không mẫu hạm Forrestal đậu trên Vinh Bắc Bộ từ đó hàng ngày liên tục xuất phát những cuộc oanh kích vào miền Bắc Việt Nam. Thiếu tá John McCain đã có 20 cuộc oanh kích bay đi vụt lại về như thế.
Thời điểm đó đang ngồi trên chiếc F.4 Con Ma đợi lệnh xuất phát thì khói lửa và những tiếng nổ đinh tai trùm lên Hàng không mẫu hạm. Trận hỏa hoạn giết chết 132 thủy thủ và phi công làm bị thương 62 người khác, 20 máy bay các loại bị phá hủy. Lại một lần nữa John McCain thoát nạn. Nhưng chuyến bay định mệnh ngày 26-10-1967 trong trận oanh tạc nhà máy điện Yên Phụ thiếu tá McCain đã bị bắt với thương tích đầy mình.
… Giờ Gala đã điểm. Nguyễn Anh Tuấn xin lỗi và hẹn ông TNS một cuộc khác.
Vào tiệc được khoảng hơn mười phút khi Thủ tướng Phan Văn Khải đang phát biểu thì một sự cố xảy ra. Thời điểm đó và sau này trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng đã đề cập đến sự cố ấy. Và có không ít những sự thêm thắt này khác trên vài tờ báo.
Tôi với Nguyễn Anh Tuấn và cánh báo chí có mặt không xa vị trí Thủ tướng đang đứng bên cạnh TNS John McCain. Bất đồ có một tiếng hét to và một gã người da màu nhẩy ra từ phía cửa. Nói thì lâu nhưng làm thì chóng kể cả kẻ phá hoại và lực lượng an ninh. Và gì nữa, cả TNS John McCain nữa chứ?
Kẻ lạ mặt da màu ấy cố hắt ly rượu về phía Thủ tướng Phan Văn Khải nhưng bất đồ cả khuôn người của TNS John McCain hình như là theo phản xạ đã nhao ra. Vậy nên trong tích tắc ly rượu tạt ác ý đã tưới lên người TNS John McCain. Rồi cũng ngay lập tức an ninh đã điệu kẻ kia ra ngoài.
Để ý chỉ vài giọt vang bắn trên người Thủ tướng. Ngay lập tức Thủ tướng Phan Văn Khải cười rồi bất ngờ bật lên câu thành ngữ bằng tiếng Pháp C’est la Vie – Đời là vậy đấy! Khi nghe câu nói ấy tất cả mọi người phá lên cười vui vẻ. Sự cố ấy dường như không hề hấn gì đến cuộc vui. Tôi để ý thấy TNS John McCain cũng cười và đưa tay phủi nhẹ mấy giọt rượu ác ý bám trên áo Thủ tướng.
Cựu binh John McCain, chiến binh John McCain trên lộ trình hòa hợp hòa giải bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ trước đó và sau này đã từng hứng biết bao nhiêu sự chỉ trích này khác. Nhưng ông đã bình thản chịu trận như ly rượu bất ngờ ác ý tối nay?
Ông đã giành nhiều thịnh tình trong chuyến thăm lần đầu của TT Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ. Ngay tối sau ngày 22-6-2005, có cuộc gặp mặt Chào mừng TT Phan Văn Khải của TNS J.McCain và TNS Jonh Kerry đồng tổ chức.
Nhớ 24-6- 2008 trong lần thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có một cuộc điện đàm hơn 30 phút với TNS John McCain khi ấy là ứng cử viên Tổng thống của Đảng cộng hòa.
Mấy năm trước, trong chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị Bí thư thành ủy Hà Nội đến Mỹ có cuộc thăm thân TNS John McCain tại Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Món quà mà ông Phạm Quang Nghị tặng TNS John McCain là mấy tấm hình trong đó có tấm ảnh ghi lại vị trí chiếc may bay bị bắn hạ và cảnh thiếu tá John McCain bị bắt ở hồ Trúc Bạch. Cũng cần nói thêm có một vài ý kiến cho rằng ông Phạm Quang Nghị cũng chả nên gợi thêm cho vị TNS một kỷ niệm trận bạc buồn ấy trong khung cảnh một cuộc thăm vui (!?)
Nhưng sau đó qua cuộc gặp với ông Phạm Quang Nghị, người viết bài này được biết, TNS John McCain thời điểm nhận quà ấy ông TNS đã bất ngờ xúc động và thú vị nữa. TNS còn cẩn thận góp ý với ông Nghị là nên sửa cho chính xác dòng chữ ghi ở cái bia dựng bên hồ Trúc Bạch là phi cơ ông thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ chứ không phải là Không quân Hoa Kỳ!
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ, TNS John McCain như ông nói là xin làm hướng dẫn viên tình nguyện cho Tổng Bí thư thăm Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Có cái cảnh, chủ và khách TNS John McCain và TBT Nguyễn Phú Trọng vui vẻ cùng thưởng lãm mấy tấm ảnh, tặng vật của ông Phạm Quang Nghị ngày ấy đang được treo ở Trụ sở QH!
Thầm nghĩ phải là tầm cao thủ, cỡ đấng bậc thì mới dám bình thản cho hiện diện những hình ảnh bại trận và chứng cớ thất bại trong đời trận mạc của mình ngay tại một nơi vốn coi là trung tâm chính trị quan trên trông xuống người ta trông vào như vậy?
TNS John McCain đã có nhiều chuyến đến với Việt Nam. Có lẽ chuyến thăm ngày 1-6-2017 là chuyến cuối cùng. Ông đã thành thực bộc bạch trước các nhà báo một vấn đề thời sự vấn đề cá da trơn (catfish), tôi đã đấu tranh quyết liệt tại Thượng viện. Tôi thậm chí viết các bài báo lên án. Và tôi thấy đây là vấn đề đáng xấu hổ.
Ít ai biết thời điểm đó ông đang mang trong đầu một khối u ác hiểm và giới y học cho là rất hiếm gặp!
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
Tấm lòng TNS John McCain. Xin được bái biệt ông!
XUÂN BA
Thượng nghị sĩ John McCain và định mệnh mang tên Việt Nam
John McCain, một chính khách nổi tiếng - mà như một định mệnh - Việt Nam đã để lại trong cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông những dấu ấn rất đặc biệt.
Thượng nghị sĩ John McCain được đón chào lên thăm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John S. McCain tại Cảng Quốc tế Cam Ranh ngày 2.6.2017. Ảnh: ĐSQ Mỹ
Không thể phủ nhận, trong chính giới Mỹ, một trong những người có đóng góp tích cực nhất vào quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt - Mỹ là John McCain.
Thượng nghị sĩ John McCain, ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2008 và từng bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam, qua đời ở tuổi 81, một ngày sau khi gia đình ông loan báo ông đã quyết định dừng điều trị ung thư não ác tính.
Thông cáo từ văn phòng của ông viết: "Thượng nghị sĩ John Sidney McCain III qua đời vào 4 giờ 28 phút chiều ngày 25.8. 2018. Bên cạnh Thượng nghị sĩ khi ông ra đi có vợ Cindy và gia đình ông. Vào lúc qua đời, ông đã trung thành phục vụ đất nước Mỹ suốt 60 năm qua".
Phản ứng về tin này, Tổng thống Donald Trump chia sẻ trên Twitter: "Tôi xin gửi lời chia buồn và sự kính trọng sâu sắc nhất tới gia đình của Thượng nghị sĩ John McCain. Chúng tôi xin dành tình cảm và những lời nguyện cầu cho quí vị".
John McCain sinh ngày 29.8.1936 tại một căn cứ hải quân Mỹ ở Panama. Xuất thân từ một gia đình ba đời phục vụ binh chủng hải quân của quân đội Mỹ, cha và ông nội đều mang hàm Đô đốc, McCain trở thành phi công lái máy bay chiến đấu sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ.
Ngày 26.10.1967, giữa lúc chiến cuộc Việt Nam leo thang, máy bay của ông bị bắn rơi trong một phi vụ đánh bom trên không phận miền Bắc. Ông bị gãy tay và chân khi máy bay rơi xuống hồ Trúc Bạch ở Hà Nội.
John McCain được trả tự do cùng các tù binh chiến tranh khác vào ngày 14.3.1973 sau thỏa thuận ngừng bắn.
20 năm sau, John McCain trở thành nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ và đã cùng với cựu Thượng nghị sĩ John Kerry của Đảng Dân chủ tích cực vận động để đặt nền móng cho việc bình thường hóa quan hệ bang giao với Việt Nam.
Trở thành chính trị gia sau khi rời quân ngũ, cả John McCain và John Kerry đều luôn tìm cách thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của Kerry và McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Sau này, năm 2009, trong chuyến thăm Hà Nội, John McCain đã có bài diễn văn gây chú ý, trong đó ông kêu gọi có bước tiến mới trong quan hê Mỹ-Viêt.
"Đã đến lúc chúng ta chuyển từ việc bình thường hóa sang hiện đại hóa quan hê giữa hai nước cho tương xứng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới" - ông McCain nói.
Thăm lại di tích lịch sử Hỏa Lò trong cùng chuyến thăm này, John McCain kêu gọi có sự quan hệ quân sự thân thiết hơn giữa 2 nước.
John McCain đã nhiều lần trở lại Việt Nam kể từ đó. Ông cùng thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse co chuyên thăm Viêt Nam vào tháng 8.2014 nhằm thuc đây quan hê giưa hai bên. John McCain cũng là người ủng hô bo câm vân vu khi sat thương cho Viêt Nam.
Lần cuối cùng John McCain đến Việt Nam là ngày 2.6.2017, khi ông cùng các thượng nghị sĩ Christopher Coons và John Barrasso đên thăm thủy thủ viên dương trên tàu khu trục mang tên lửa dân đường USS John S.McCain (DDG 56) lớp Arleigh Burke trong chặng dừng kỹ thuật thường lệ tại Cảng Quốc tế Cam Ranh, Việt Nam.
VÂN ANH
Theo Laodong
John McCain trong ký ức của cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Vào lúc 16h28 ngày 25.8.2018, John McCain đã từ trần giữa vòng tay của người vợ Cindy và gia đình. Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một người bạn, một chiếc cầu nối vững chắc của quan hệ Việt Nam- Mỹ Vừa được tin Thượng nghị sĩ John McCain- người bạn lớn của Việt Nam vừa qua đời, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường- nguyên...