Xi măng Hoàng Mai không thể vô ý đóng nhầm vỏ Long Sơn?
Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cho biết, sau khi phát hiện sự việc, công ty đã tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ có liên quan.
Lô xi măng do Nhà máy Xi măng Vicem Hoàng Mai sản xuất được đóng gói gắn mác xi măng Long Sơn
Sau khi Báo Giao thông đăng bài viết “Bắt quả tang xi măng Hoàng Mai giả danh Long Sơn xuất khẩu”, lãnh đạo TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã chỉ đạo và giao Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cung cấp thông tin chi tiết cho báo.
Ngày 14/3, làm việc với Báo Giao thông, ông Lê Quý Thạch, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cho biết, sau khi phát hiện sự việc, công ty đã tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ có liên quan để phục vụ điều tra, trong đó có Trưởng bộ phận Giao nhận hàng, cán bộ trực tiếp làm công tác giao nhận hàng, cán bộ phụ trách đơn hàng. Qua báo cáo của các cá nhân liên quan, bước đầu công ty nhận định lỗi nằm ở khâu giao nhận sản phẩm, đóng bao và là lỗi vô ý.
Về quá trình cung ứng xi măng cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ Viết Nam (Công ty Viết Nam), ông Thạch cho biết, hơn 1 năm qua, Xi măng Hoàng Mai đã bán nhiều lô hàng cho Công ty Viết Nam thực hiện xuất khẩu. Các lô hàng khi xuất khỏi nhà máy đều có kèm theo phiếu xuất kho, hóa đơn VAT, chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Trong hợp đồng cũng có điều khoản ghi rõ: Công ty Viết Nam chịu trách nhiệm về mẫu mã, thiết kế vỏ bao, logo, tiến độ cung cấp vỏ bao cho Xi măng Hoàng Mai và các thông tin trên vỏ bao. Hoàng Mai chỉ bán xi măng rời và thực hiện đóng bao theo 5 nhãn hiệu đã đăng ký là:
EMPRESS, HERCULES, CORONA, BARKO và ALPHA. Đồng thời, lãnh đạo công ty ủy quyền cho xí nghiệp tiêu thụ thực hiện hợp đồng theo các đơn đặt hàng của Viết Nam.
Để làm sáng tỏ nội dung này, nhiều lần PV liên hệ với Công ty Viết Nam qua các số điện thoại Hải quan, Công an cung cấp, tuy nhiên lãnh đạo đơn vị này thẳng thừng từ chối làm việc.
Về lý do xi măng Hoàng Mai “đóng nhầm” vỏ bao xi măng Long Sơn, ông Thạch giải thích: Lô 21.000 tấn xi măng vừa rồi cũng chỉ là một trong số các đơn hàng công ty thực hiện theo hợp đồng, vỏ bao do Công ty Viết Nam cung cấp. Khi giải trình về vụ việc, các phòng ban chuyên môn thừa nhận có sai sót trong việc kiểm tra, kiểm soát vỏ bao, nhưng đây là “hành vi vô ý”. “Vì áp lực đơn hàng dịp cuối năm, cộng với hợp đồng có điều khoản về vỏ bao nên anh em đóng bao, bốc xếp không kiểm soát. Thời điểm đó, lãnh đạo nhà máy cũng đang đi công tác cả nên không kịp thời phát hiện”, ông Thạch nói.
Ông Thạch cũng khẳng định: “Xi măng Hoàng Mai không được lợi gì từ việc này. Giá bán lô xi măng 21.000 tấn là đồng giá với 5 nhãn hiệu Xi măng Hoàng Mai đang bán, cung ứng cho Công ty Viết Nam. Giá này cao hơn giá bán trên thị trường của xi măng Long Sơn khoảng 200.000 đồng/tấn. Sự việc xảy ra đã khiến thương hiệu của Vicem Hoàng Mai bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xi măng Hoàng Mai cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc. Nếu là vô ý thì công ty sẽ xem xét xử lý các cá nhân liên quan. Nếu là cố ý thì mong xử lý nghiêm minh vì rất có thể đây là hành vi cố tình triệt hạ đối thủ của ai đó”.
Video đang HOT
Theo tìm hiểu của PV, việc sản xuất, đóng bao, cung ứng sản phẩm tại các nhà máy xi măng được thực hiện rất nghiêm ngặt, qua nhiều khâu, nhiều bước. Vì vậy, khả năng để một cá nhân hoặc đơn vị ngoài cố tình “chơi bẩn” là rất khó. “Khách hàng khi có nhu cầu sẽ liên hệ đặt đơn hàng. Với loại vỏ bao do khách hàng cung cấp, khách hàng phải gửi mẫu maket cho phía nhà máy. Maket này được thể hiện rõ trong hợp đồng. Quá trình thực hiện, Phòng Vật tư sẽ tiếp nhận vỏ bao và chịu trách nhiệm đối chiếu với maket mẫu mã vỏ bao trong hợp đồng, sau đó giao cho bộ phận đóng hàng, rồi mới xuất hàng”, một lãnh đạo Nhà máy Xi măng Vicem thông tin.
Có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Theo luật sư Trần Đại Xuân (Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa), căn cứ nội dung Báo Giao thông phản ánh, hành vi của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Viết Nam có thể bị khép vào tội buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự. Nhưng khi khép vào tội phạm này cần phải xác định thế nào là hàng giả. Việc này, phải căn cứ vào Nghị định 185/2015; Nghị định 124/2015 và Luật Sở hữu trí tuệ, hàng giả”.
Theo đó, hàng giả là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số lưu hành đã đăng ký, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác…
Trước đó, lực lượng chức năng đã phát giác hành vi giả mạo nhãn mác hàng hóa đối với lô 21.000 tấn xi măng do Công ty Viết Nam mua, cung ứng theo dạng hàng xuất khẩu đi Philippines. Số xi măng này do Nhà máy Xi măng Hoàng Mai sản xuất nhưng lại đóng gói, in nhãn hiệu ZEBRA của xi măng Long Sơn.
Theo Baogiaothong
Xi măng Hoàng Mai tiếp tay, xe quá tải tái xuất
Thời gian qua, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai vẫn cấp hàng quá tải cho các phương tiện có tải trọng lớn.
Đoàn xe chở xi măng Hoàng Mai quá tải về kho hàng ở cảng Đại Dương chờ tàu tới bốc hàng
Thời gian qua, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (Nghệ An) vẫn cấp hàng quá tải cho các phương tiện có tải trọng lớn. Điều này không chỉ xem thường pháp luật mà còn là hành vi tiếp tay phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông.
Nghênh ngang trên đường, CSGT không xử lý
Sáng 14/9, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực đường vào Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, thuộc Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (P. Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Lưu lượng xe ra vào nhà máy tuy không nhiều nhưng đa số là xe tải trọng lớn, có dấu hiệu quá tải.
Đáng chú ý, có rất nhiều xe đầu kéo chở xi măng rời đóng kiện. Khối lượng ghi trên kiện lần lượt là 1.000kg/bao tròn và 2.000kg/bao vuông. Điển hình, lúc 7h22, xe đầu kéo BKS 35C-017.68, kéo theo rơ-moóc BKS 35R-004.22 chở 22 kiện xi măng bao vuông. Tiếp đến, 7h34, xe đầu kéo BKS 36C-235.72, kéo theo rơ-moóc BKS 36R-012.46 cũng chở 50 kiện xi măng bao tròn. Đến 10h sáng, bất ngờ đoàn xe khủng khoảng 10 chiếc, đồng loạt tấp vào lề đường án binh bất động. Trên các rơ-moóc là hàng loạt các kiện xi măng xếp thẳng hàng và cao vút.
Từ ngày 4/9/2018, Công an tỉnh Nghệ An đã thành lập 3 tổ công tác đặc biệt chuyên xử lý vi phạm giao thông do trực tiếp Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo. Ngoài ra, còn có một tổ do phó giám đốc công an tỉnh làm tổ trưởng, đi kiểm tra công tác thực thi công vụ của các lực lượng. Việc làm này được kỳ vọng sẽ lập lại TTATGT trên toàn tỉnh Nghệ An, xử lý triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải, vi phạm tốc độ... trên các tuyến đường QL1, TL538B, N5, D4.
Đếm ngẫu nhiên trên một số xe đầu kéo, PV không khỏi bàng hoàng khi số kiện xi măng loại bao tròn lên đến hơn 50 bao. Cá biệt có các xe gắn thương hiệu Đức Toàn BKS 36C-082.35, 36C-226.87, 36C-129.48 chở lần lượt 56, 57 và 59 bao tròn. Theo thông số ghi trên bao, mỗi bao loại này có trọng lượng là 1.000kg. Như vậy, những chiếc đầu kéo này đang cõng từ 56-59 tấn hàng (tải trọng hàng hóa cho phép chở của xe đầu kéo theo quy định tối đa không quá 30 tấn).
Đi sâu vào gần cổng nhà máy, PV tiếp tục phát hiện thêm 2 xe đầu kéo khác trong tình trạng tương tự. Ngoài ra, còn có xe đầu kéo BKS 37C-048.70 gắn logo Thúy Danh cũng nằm "án binh" với số lượng xi măng trên thùng theo lời lái xe là 50 tấn. Cũng theo lái xe này, lý do các xe phải nằm ở đây vì: "Phía ngoài đang có CSGT và TTGT làm việc. Điện về thấy bảo chưa được chạy. Đành chờ đến tối vậy".
Đúng như lời của lái xe, quá trình PV theo dõi hoạt động của xe quá tải ở khu vực tiếp giáp QL1, không ít lần nhìn thấy xe CSGT BKS 37A-003.99 đi qua, đi lại ở đây, nhưng tuyệt nhiên không kiểm tra, xử lý bất cứ trường hợp nào. Đến 19h tối, đoàn xe quá tải đồng loạt nổ máy chạy ùa ra QL1A rồi đi về phía Nam, sau đó rẽ về QL48D ra cảng Đại Dương (thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa). Quá trình đoàn xe chạy, không có bất cứ lực lượng nào tuần tra kiểm soát trên đường.
Sự việc tương tự cũng xảy ra trong ngày 17/9, từng đoàn xe chở xi măng Hoàng Mai có dấu hiệu quá tải tiếp tục chạy rầm rầm, qua nhiều tuyến đường mà không ai kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, trong sáng 17/9, PV còn ghi nhận hàng loạt các xe đầu kéo tự đổ chở than đắp ngọn, không hề che phủ bạt đi từ Khối 1, P. Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai về nhà máy xi măng Hoàng Mai. Quá trình xe di chuyển than rơi vãi làm đen kịt cả đoạn đường.
Phiếu cân chứng minh xi măng Hoàng Mai chủ động cấp hàng cho xe chở quá tải
Kẻ kêu thiếu quyền, người đổ thiếu cân
Ghi nhận của PV, ngoài lý do không có lực lượng TTKS trên đường khiến xe chở xi măng quá tải lộng hành, còn có sự tiếp tay trực tiếp từ chính nhà máy xi măng và bến cảng. Tại cảng Đại Dương, dù khẳng định: "Lâu nay, cảng thực hiện rất nghiêm công tác kiểm soát tải trọng xe ra vào cảng. Đối với xe vào cảng, nếu qua cân phát hiện quá tải thì đơn vị sẽ yêu cầu xe dừng lại, đồng thời báo cảng vụ đến xử lý. Với hàng hóa đã rõ tải trọng như xi măng bao, dù không cân nhưng nhân viên vẫn kiểm đếm số lượng bao, trường hợp quá tải sẽ yêu cầu xe quay lại". Thế nhưng, khi PV cho xem loạt hình ảnh xe chở xi măng Hoàng Mai quá tải, rồng rắn đi vào cảng, ông Lê Văn Thắng, phụ trách tổ kiểm soát tải trọng cảng Đại Dương thừa nhận: "Nhìn như này đúng là đoàn xe đang chở quá tải. Tôi sẽ kiểm tra lại, nếu có sai phạm sẽ xử lý theo nội quy công ty".
Tiếp xúc với nhóm lái xe, khi PV đề nghị cho xem phiếu xuất hàng từ nhà máy xi măng, lái xe đầu kéo BKS 37H-0107 không ngần ngại đưa ra phiếu cân, hóa đơn bán hàng của Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cấp sáng 17/9. Trên phiếu ghi rõ: Số lượng xi măng ASTMC150 (loại sling 2 tấn) cấp cho xe 37H-0107 là 44 tấn. Trong khi theo đăng kiểm Nghệ An, xe này chỉ được chở 28 tấn hàng. Đối với các tài xế khác, dù họ không đưa ra phiếu cân, nhưng cũng thừa nhận đã chở hàng quá tải.
"Các anh cứ đếm kiện rồi nhân lên theo trọng lượng kiện là rõ (1 tấn kiện tròn, 2 tấn kiện vuông - PV)", một tài xế giấu tên cho biết.
Nhận một phần trách nhiệm về mình, ông Nguyễn Văn Chắn, cán bộ phụ trách công tác kiểm soát tải trọng của Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa nói: "Đúng là cảng vụ có trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe ở các cảng biển. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chỉ quản lý được hàng từ cảng ra, còn hàng từ ngoài vào rất khó... vì không đủ thẩm quyền xử phạt. Khi phát hiện vi phạm, cũng dừng lại ở việc thông báo và đề nghị đơn vị có thẩm quyền ở địa phương đến xử lý".
Bên cạnh đó, ông Chắn cũng cho rằng, các lực lượng khác chưa làm tròn nhiệm vụ. "Để vào cụm cảng Nghi Sơn chỉ có 3 đường. Chúng đều là đường độc đạo và trên tuyến có rất nhiều chốt kiểm soát của CSGT, TTGT, thậm chí có cả trạm cân hoạt động 24/24h. Nhưng thực tế, vẫn có xe quá tải lọt chốt, về đến cảng thì cũng cần phải xem lại (!?)", ông Chắn nói.
Trong khi đó, người đứng đầu đơn vị được phân quyền tuần tra kiểm soát trên tuyến QL48D ra cảng, cũng như đường từ QL1 vào nhà máy là Công an TX Hoàng Mai, lại đưa ra lý do là "thiếu cân". Qua điện thoại, Trung tá Nguyễn Bình Hà, Trưởng Công an TX Hoàng Mai cho biết, đơn vị không được trang bị cân nên quá trình kiểm tra, phát hiện và xử lý xe quá tải gặp rất nhiều khó khăn. Trước giờ, việc kiểm tra tải trọng phần lớn phụ thuộc vào cân nhà máy xi măng nên rất bất tiện. Còn không, muốn kiểm tra tải trọng, đơn vị phải "áp tải" xe vào tận huyện Diễn Châu (Nghệ An) mới có cân.
Văn Thanh - Sỹ Hòa
Theo baogiaothong
"Đại gia" thủy sản Tòng "Thiên Mã" bị tuyên phạt 18 năm tù giam Sau hơn một tuần xét xử, ngày 18/ 9, TAND TP Cần Thơ đã tuyên án vụ đại gia Phan Bá Tòng (Tòng Thiên mã, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã) lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 120 tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Cần Thơ. Các bị cáo...