Xét xử vụ cựu Bí thư thị xã Bến Cát: Có hay không việc thanh trừng nội bộ?
Ông Nguyễn Hồng Khanh – cựu Bí thư TX. Bến Cát, tỉnh Bình Dương cùng 6 đồng phạm bị khởi tố và nay đưa ra xét xử về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Trước phiên xét xử, bị cáo Khanh và vợ bất ngờ kêu oan vì cho rằng bị ép tội bởi một cuộc thanh trừng nội bộ.
Cựu Bí thư Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh tại tòa
Cựu Bí thư bị khởi tố vì sai phạm đất đai
Sáng ngày 4/11, TAND tỉnh Bình Dương đã đưa ra xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí đối với cựu Bí thư TX Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh cùng 6 đồng phạm gồm: Nguyễn Huy Hùng (cựu giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (thuộc cấp ông Hùng) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Các bị cáo còn lại gồm: Lê Hoài Linh (cựu giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (thuộc cấp ông Linh), Nguyễn Minh Tâm (cựu phó chủ tịch UBND xã An Tây) và Đặng Văn Thọ (cán bộ địa chính xã An Tây) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo trạng, từ năm 2005-2008, bà Hồ Thị Hiệp (giám đốc Cty TNHH Xuất khẩu thương mại An Tây – gọi tắt là Cty An Tây) vay của BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỷ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm hơn 20 ha đất, nhà xưởng và máy móc định giá tài sản gần 81 tỷ đồng.
Đến năm 2008, Cty An Tây không có khả năng trả nợ nên BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Phương thức xử lý tài sản thế chấp được Ngân hàng BIDV giao cho bà Hiệp tự bán, dưới sự giám sát và đồng ý của phía ngân hàng.
Thông qua môi giới, bị cáo Khanh móc nối với Hùng, Lộc và Hiệp mua toàn bộ tài sản thế chấp với giá gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, thiệt hại gần 36 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Hùng, Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689 m2 đất trị giá hơn 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho bị cáo Khanh quản lý, sử dụng.
Cựu Bí thư và vợ kêu oan
Video đang HOT
Trước phiên tòa xét xử diễn ra, ông Nguyễn Hồng Khanh và vợ là bà Huỳnh Thị Phương Anh đã gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương. Bà Anh cho rằng, ông Khanh bị đồng nghiệp thanh trừng để “bịt miệng”. Cụ thể, vợ cựu Bí thư Bến Cát nói, sau khi ông Khanh bị bắt giam, trong quá trình dọn dẹp nhà cửa bà đã vô tình phát hiện một tập hồ sơ liên quan đến việc kỷ luật và đơn cầu cứu gửi cơ quan Trung ương của ông Khanh.
Theo bà Anh, Nhiệm kỳ 2016 – 2020, ông T.T.D. không đủ phiếu tín nhiệm tiếp tục chức danh Chủ tịch UBND. Từ đây, nhiều cuộc thanh tra nhắm vào đầu tư công của Bến Cát, cho rằng lãnh đạo Bến Cát có một số sai sót.
Sau khi có kết luận một số cuộc thanh tra và ông D. không trúng cử (không đủ phiếu tín nhiệm) là Chủ tịch UBND Bến Cát nhiệm kỳ 2016 – 2020, điều này bị cho là trái với Nghị quyết số 211-NQ/TU đã phê duyệt nên cả ông D. và ông Khanh đều bị kỷ luật khiển trách.
Ngày 1/12/2016 ông Khanh được điều động về Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhưng không được phân công việc cụ thể. Ông D. dù bị kỷ luật như ông Khanh nhưng được giữ lại làm Phó Bí thư Bến Cát sau đó được luân chuyển về làm Trưởng phòng tại Công an tỉnh Bình Dương. Sau đó, bất ngờ xuất hiện ông Hòa (con bà Hiệp) có đơn tố cáo ông Khanh. Theo bà Anh thì điều này bất thường, bởi ông Hòa, bà Hiệp từ rất lâu không còn cư ngụ ở địa phương.
Mặt khác, trong các đơn cầu cứu gửi đến cơ quan Trung ương trước khi bị bắt, ông Khanh cho rằng mình bị “trù dập” và “sự việc có dấu hiệu bè phái”. Trước đó, khi ông Khanh bị kỷ luật và không phân công nhiệm vụ nên đã bất bình, làm đơn tố giác những vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Bình Dương như sai phạm về quản lý, sử dụng đất tại nhiều địa phương khác, trong đó nhiều nhất là thị xã Tân Uyên. Sau đó, ông Khanh bị điều tra và khởi tố bắt tạm giam.
Luật sư Lê Thị Minh Nhân (Đoàn Luật sư TP HCM) sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc cho biết, quan hệ giữa bà Hiệp và ông Khanh là quan hệ mua bán dân sự; quan hệ giữa bà Hiệp và ngân hàng là một quan hệ khác. Chỉ có thể nói ông Khanh là đồng phạm giúp sức khi chứng minh được ông Khanh, bà Hiệp và ngân hàng bàn bạc bày mưu với nhau từ đầu đến cuối. Mặt khác, bà Hiệp khi còn sống và các con chưa từng tố cáo, phản ánh gì. Vậy tại sao khi bà Hiệp chết, con bà lại đi tố cáo và chỉ tố cáo đích danh ông Khanh, trong khi khối tài sản của bà Hiệp trước đó còn bán cho những người khác?
HƯƠNG CHI
Theo tienphong
Hoãn phiên toà xét xử cựu tỉnh ủy viên cùng nhiều cán bộ sai phạm về đất đai
Trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu ủy thác tư pháp từ Mỹ, nhưng chưa được dịch sang tiếng Việt cũng như hợp thức hóa lãnh sự, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Chiều 4/11, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên xét xử buổi chiều đối với bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Cùng bị xét xử về tội danh trên còn có bị cáo Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, nguyên cán bộ cấp dưới của bị cáo Hùng).
Trong phiên tòa buổi sáng, HĐXX tập trung làm xong phần thủ tục. Buổi chiều, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương công bố cáo trạng vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2005-2008, bà Hồ Thị Hiệp - Giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Thương mại An Tây (công ty An Tây) vay của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn 72 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp khi vay gồm 20ha đất, nhà xưởng, định giá tài sản vào khoảng 80 tỷ đồng. Đến năm 2008, công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh trao đổi với bị cáo Nguyễn Hồng Khanh trong giờ giải lao. Ảnh: V.D
Thời điểm này, bị cáo Hùng và bị cáo Lộc đã giao tài sản thế chấp lại cho bà Hồ Thị Hiệp tự bán, người mua là ông Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) và thành viên gia đình. Khi giao tài sản đảm bảo cho bà Hiệp để bán thì Hùng và Lộc không có văn bản thỏa thuận với bà Hiệp về việc bán tài sản.
Bên cạnh đó, Hùng và Lộc thống nhất để bà Hiệp nhận một khoản tiền mặt từ bán tài sản đảm bảo không đưa vào trả nợ cho ngân hàng theo quy định. Hành vi ông Nguyễn Hồng Khanh với Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cụ thể, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương kết luận định giá toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỷ đồng. Ngân hàng thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, Khanh thanh toán cho bà Hiệp số tiền 4,3 tỷ đồng và giá trị thiệt hại ngân hàng trong thu hồi nợ là gần 36 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hùng, Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689m2 đất trị giá 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái bà Hiệp) thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho Khanh quản lý, sử dụng.
Trước khi diễn ra phiên toà, gia đình bị cáo Nguyễn Hồng Khanh đã gửi đơn cầu cứu. Ảnh: V.D
Hiện nay, bà Hảo đang định cư tại Mỹ. Khi xử lý tài sản thế chấp do bà Hảo đứng tên thì bà Hảo đã làm thủ tục ủy quyền toàn bộ cho bà Hồ Thị Hiệp thực hiện. Việc ủy quyền này được hợp thức hóa lãnh sự theo đúng quy định.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành ủy thác tư pháp thông qua Viện KSND tối cao. Hiện nay, đã có kết quả ủy thác tư pháp nhưng bằng tiếng Anh và chưa được dịch sang tiếng Việt.
Mở đầu phần xét hỏi, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư Hà Nội) là người bào chữa cho bị cáo Khanh cho rằng các văn bản ủy thác tư pháp này chưa được dịch sang tiếng Việt nên đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để dịch tất cả các tài liệu trên nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng các tài liệu này sẽ được làm rõ trong quá trình xét hỏi của vụ án. Ngay lập tức, luật sư Quynh phản bác ngay và cho rằng với tài liệu đang dưới dạng tiếng Anh, HĐXX không thể làm rõ trong quá trình xét hỏi của vụ án.
Luật sư Quynh cho rằng, đây là chứng cứ quan trọng của vụ án, bà Hảo là người có tài sản trong vụ án, đồng thời hồ sơ cũng thể hiện bà Hảo là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, nếu HĐXX tiếp tục phiên tòa thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các bên liên quan.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho bị cáo Khanh. Ảnh: V.D
Sau đó, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Dương đã tiến hành hội ý và nhận thấy đề nghị của luật sư là có căn cứ, để đảm bảo quyền lợi của các bên, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để có thời gian dịch và hợp thức hóa lãnh sự các tài liệu ủy thác tư pháp lãnh sự.
Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được ấn định vào ngày 18-21/11.
Theo danviet.vn
Bình Dương: Xét xử cựu tỉnh uỷ viên và nhiều cán bộ vì sai phạm trong đất đai Ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu tỉnh ủy viên, cựu bí thư thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) cùng 6 bị cáo khác bị TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử ngày 4/11 do cáo buộc liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Sáng 4/11, TAND tỉnh Bình Dương đã đưa ra xét xử vụ án Vi phạm...