Xét xử vụ án nghìn tỷ tại Agribank Chi nhánh 6
Tòa án nhân dân TP. HCM đang mở phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Agribank Chi nhánh 6 (TP. HCM) gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.
Ảnh Internet
11 bị cáo đã bị truy tố ở 3 nhóm hành vi với nhiều tội danh như Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Vụ án bắt nguồn từ Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà chung cư số 10, Âu Cơ (quận Tân Phú, TP. HCM). Vào năm 2006, Công ty Dệt kim Đông Phương được UBND TP. HCM chấp thuận chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000m2 đất tại địa chỉ nói trên để lập dự án trung tâm thương mại và nhà ở. Để triển khai thực hiện dự án này, Công ty Đông Phương đã hợp tác với Công ty Phương Nam, Công ty Bình Phát.
Theo tài liệu truy tố, trong quá trình thực hiện, các công ty sân sau của Dương Thanh Cường, Tổng giám đốc của Công ty Bình Phát đã vay hàng trăm tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6 để đầu tư dự án nhưng sau đó không trả được nợ, gây thiệt hại cho Agribank.
Nhóm cán bộ Agribank đã thực hiện các thủ tục cho vay đối với 2 công ty nói trên khi hồ sơ vay vốn không đáp ứng đủ các quy định của pháp luật và của Agribank. Theo đó, vốn vay cho Dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tài sản bảo đảm cho khoản vay không được thế chấp, không đáp ứng đủ các yêu cầu về tài sản bảo đảm, không có công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm. Sau khi cho vay, Agribank Chi nhánh 6 đã cho mượn tài sản thế chấp mà không kiểm tra, kiểm soát dẫn đến mất tài sản.
Bùi Trang
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Video đang HOT
Đại án tham nhũng ngàn tỷ: Kẻ lừa đảo thân thiết với lãnh đạo NH?
Toàn bộ hồ sơ đã được giám đốc ký duyệt trước khi đưa xuống phòng tín dụng, thay vì hồ sơ phải được đề xuất từ phòng tín dụng rồi mới trình lên giám đốc xem xét.
Sáng ngày 26/10, phiên tòa xét xử Đại án tham nhũng ngàn tỷ xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triền Nông thôn - Chi nhánh 6 (gọi tắt là Agribank Chi nhánh 6) tiếp tục với phần xét hỏi liên quan đến khoản vay 628 tỷ đồng.
Theo nội dung liên quan đến khoản vay này, tháng 10/2007, Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh nên chỉ đạo Lê Văn Tuấn (Giám đốc công ty Thanh Phát do Cường thuê) lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6.
Bị cáo Dương Thanh Cường tại tòa.
Tài sản thế chấp để vay vốn là 3 bất động sản tại quận 12, quận Bình Tân và quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Trong phi vụ này, bị cáo Hồ Đăng Trung (Nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6) dù biết dự án Khu biệt thự nhà vườn mà Thanh Cường sắp triển khai chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho Công ty Thanh Phát nhưng Trung vẫn phê duyệt cho vay.
Khi Agribank Chi nhánh 6 đang giải ngân cho công ty Thanh Phát, Thanh Cường chỉ đạo cho thuộc cấp mượn 23 tài sản thế chấp nói trên từ ngân hàng để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó Cường không đem trả lại các giấy tờ này cho Agribank Chi nhánh 6 mà tiếp tục đem đến thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay tiền.
Đến hạn trả nợ cho Ngân hàng Phương Nam, Cường và đồng phạm không có khả năng chi trả nên gán luôn các quyền sử dụng đất trên cho ngân hàng này dẫn đến Agribank Chi nhánh 6 bị thiệt hại.
Trả lời HĐXX, kẻ cầm đầu vụ lừa đảo Agribank Chi nhánh 6 Dương Thanh Cường khai rằng, để vay vốn của Agribank Chi nhánh 6, Thanh Cường chỉ đạo Giám đốc Công ty Thanh Phát (do Cường lập ra và thuê Lê Văn Tuấn làm giám đốc) ký hợp đồng vay vốn.
Toàn bộ số tiền vay được của Agribank Chi nhánh 6 Cường dùng mua khách sạn và nhiều bất động sản, góp vốn với nhiều cá nhân, tổ chức để mua lại các bất động sản.
Cường khai trong số các khoản tiền chi tiêu từ nguồn vay Agribank Chi nhánh 6, Cường dùng một phần để tài trợ cho một số chương trình vì người nghèo của công ty Tri Thức Việt.
Sau khi được Agribank Chi nhánh 6 ký duyệt cho vay 628 tỷ đồng và mới chỉ giải ngân được hơn 600 tỷ đồng thì Thanh Cường làm giấy đề nghị mượn lại 23 bất động sản là tài sản thế chấp để hoàn tất thủ tục chuyển đổi đất nhưng không trả lại cho Agribank Chi nhánh 6 mà đem thế chấp tại ngân hàng khác để tiếp tục vay tiền.
23 bất động sản Cường dùng để thế chấp vay vốn tại Agribank Chi nhánh là tài sản Cường mua lại của người khác để triển khai dự án biệt thự nhà vườn. Hầu hết tiền giải ngân đều từ Agribank Chi nhánh 6 đều chuyển tiền vào tài khoản của người mà Cường mua đất, sau đó Cường chỉ đạo cấp dưới rút ra và chuyển vào tài khoản công ty của Cường.
Hai thuộc cấp của Cường khai việc ký các giấy tờ, hợp đồng vay vốn là theo chỉ đạo của giám đốc Thanh Cường. Ngay cả việc ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Phương Nam đều không biết 23 bất động sản thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam trước đó đã thế chấp cho Agribank Chi nhánh 6.
"Khi ký hợp đồng vay vốn, bị cáo hoàn toàn không biết gì. Bị cáo chỉ là người làm thuê, anh Cường kêu ký thì cứ ký, sau này khi biết đã sợ nên xin nghỉ", bị cáo Lê Sơn Hùng (nguyên phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Thanh Phát) khai.
Được gọi thẩm vấn tại tòa, bị cáo Trung khi rằng, hợp đồng vay vốn giữa Agribank Chi nhánh 6 với công ty Thanh Phát ký một lần 628 tỷ đồng nhưng giải ngân nhiều lần. Mỗi lần giải ngân lại làm một giấy nhận nợ.
Trung không thừa nhận giữa Trung và Thanh Cường có mối quan hệ mật thiết nên mới dễ dàng ký duyệt cho vay và ký cho mượn lại 23 tài sản thế chấp trong hợp đồng vay vốn. Nhưng Trung thừa nhận đã đứng ra bàn bạc việc vay vốn với Dương Thanh Cường chứ không bàn bạc với người đứng tên trên hợp đồng vay vốn là Lê Văn Tuấn.
Trung cũng thừa nhận là người ký cho Thanh Phát mượn lại các tài sản thế chấp và thừa nhận sai sót khi không kiểm tra 23 bất động sản đã được chuyển đổi hay chưa nên mới xảy ra chuyện.
Trong khi đó, bị cáo Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh 6) tiếp tục cho rằng, việc ký duyệt của các công ty của Thanh Cường vay vốn và ký cho công ty Thanh Phát mượn lại 23 bất động sản là tài sản thế chấp đều thực hiện theo quy trình ngược.
Toàn bộ hồ sơ đã được giám đốc ký duyệt trước khi đưa xuống phòng tín dụng, thay vì hồ sơ phải được đề xuất từ phòng tín dụng rồi mới trình lên giám đốc xem xét.
Nhưng Long cũng thừa nhận, theo lệnh Giám đốc thì khi đưa 23 bất động sản là tài sản thế chấp đi làm thủ tục phải có cán bộ tín dụng đi kèm. Khi cán bộ tín dụng định đi thì Long kêu cứ đưa cho khách hàng.
"Vì tin tường khách hàng nên bị cáo mới làm như vậy, niềm tin của bị cáo đã đặt sai chỗ rồi", Long biện minh.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Công Thư
Theo_Người Đưa Tin
Trường quốc tế Việt Úc phản hồi vụ cô giáo chửi học sinh lớp 1 "ngu như bò" Liên quan đến sự việc cô giáo chửi học sinh lớp 1/3 "ngu như bò" ở trường Việt Úc - chi nhánh Phan Xích Long, nhà trường đã quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đối với cô H. Ban Giám Hiệu hệ thống trường quốc tế Việt Úc vừa có thông báo, gửi tới các cơ quan báo chí, truyền thông liên...