Xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền: Bị cáo Tú Trinh khai gì tại tòa?
Tại phần xét hỏi của luật sư trong vụ án Công ty Alibaba, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh mong HĐXX xem xét lại số tiền chiếm đoạt, xét xử khách quan.
Ngày 10.12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba) lừa đảo, rửa tiền.
Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 10.12. Ảnh SONG MAI
Trong số 23 bị cáo, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (27 tuổi, nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) từng xuất hiện đoạn video vào năm 2019, ghi lại cảnh Trinh chỉ đạo nhân viên Công ty Alibaba đập xe của đoàn cưỡng chế UBND xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu). Trinh đã nói: “Đập luôn chiếc xe cẩu này cho chị. Đập xe nó cho chị !”.
Đến ngày 28.11.2019, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Huỳnh Tú Trinh 4 năm 6 tháng tù về hai tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” và “ gây rối trật tự công cộng”.
Nữ tướng Alibaba “đập xe nó cho chị” khai gì trước tòa?
Mong HĐXX xem xét lại số tiền bị cáo chiếm đoạt
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, bị cáo Trinh bị Viện KSND TP.HCM cáo buộc có vai trò giúp sức cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Trinh được Luyện chỉ đạo làm thủ tục đăng ký thành lập 20/22 pháp nhân trực thuộc Công ty Alibaba để lừa đảo; soạn thảo các biên bản họp, giấy ủy quyền, lập hồ sơ pháp lý…
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh. Ảnh NHẬT THỊNH
Ngày 11.5.2018, Trinh đứng tên nhận chuyển nhượng 4 thửa đất tại xã Long Phước, H.Long Thành (Đồng Nai) và ủy quyền cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, cựu Giám đốc Công ty Alibaba Law Firm) lập dự án “ma” Khu dân cư Alibaba Long Phước 15, chuyển nhượng 154 nền, thu hơn 95,7 tỉ đồng.
Để tránh khách hàng tố giác, Công ty Alibaba đã thu mua lại 153 nền hơn 93,7 tỉ đồng; chiếm đoạt của 1 bị hại 1,9 tỉ đồng. Sau đó, Luyện hợp nhất dự án này với dự án Alibaba Long Phước 4 với 241 nền đất. Đến nay, đã 93 khách hàng tố cáo, chiếm đoạt 64,2 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc có trực tiếp tham gia soạn thảo biên bản họp, văn bản thành lập pháp nhân… Trinh khai không trực tiếp soạn thảo, các văn bản này đều có sẵn mẫu. Trinh không ký thành lập 20 công ty vì đây là thủ tục của các cổ đông.
Trong đó, việc thành lập Công ty Sunny Land (một công ty trực thuộc Công ty Alibaba) không phải do bị cáo thực hiện, lúc đó Trinh đã bị tạm giam trong vụ án tại xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh trao đổi với luật sư tại tòa. Ảnh NHẬT THỊNH
Trinh khai, tại thời điểm nhận chuyển nhượng 4 thửa đất tại xã Long Phước, H.Long Thành (Đồng Nai) là giữa các cá nhân với nhau, không sai theo quy định. Nếu sai thì văn phòng công chứng sẽ không công chứng.
Sau khi nhận chuyển nhượng, bị cáo ủy quyền lại cho Công ty Alibaba Law Firm (công ty trực thuộc Công ty Alibaba) toàn quyền sử dụng và không biết các triển khai tiếp theo; không được hưởng lợi. Đến khi nhận kết luận điều tra, bị cáo mới biết có 93 bị hại với số tiền chiếm đoạt 64 tỉ đồng.
Luật sư hỏi: “Cáo trạng quy kết, sau khi hợp nhất dự án Khu dân cư Alibaba Long Phước 15 do Trinh nhận chuyển nhượng và dự án Alibaba Long Phước 4, số tiền chiếm đoạt 64 tỉ đồng có phù hợp?”.
Bị cáo Trinh khai, thấy mâu thuẫn số tiền chiếm đoạt, vì có dự án Alibaba Long Phước 4 không liên quan đến bị cáo. Mong HĐXX xem xét lại số tiền bị cáo chịu trách nhiệm theo cáo trạng truy tố.
“Bị cáo là nhân viên của Công ty Alibaba nên cố gắng hoàn thành công việc được giao, chưa nhận thấy nhiều vấn đề. Mong HĐXX xem xét, khách quan, công tâm để bị cáo và 22 bị cáo ở đây sớm trở về gia đình, người thân”, bị cáo Trinh trình bày.
Chiều nay (10.12), phiên tòa xét xử tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư.
Vợ Nguyễn Thái Luyện khóc lóc, phủ nhận cáo buộc rửa tiền
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân tín đứng tên, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… Luyện vẽ ra 58 dự án “ma”, lừa đảo chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, CQĐT đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tương đương số tiền hơn 2.100 tỉ đồng bị chiếm đoạt.
Do diễn biến phiên tòa có thay đổi so với dự kiến, TAND TP.HCM đã ra thông báo sẽ bắt đầu xét hỏi các bị hại trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba từ ngày 12.12.2022, sớm hơn thông báo trước đó 1 ngày.
Vụ lừa đảo tại Công ty Alibaba: Làm theo chỉ đạo của chị dâu
Vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo đồng phạm bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Buổi chiều ngày 9/12, HĐXX vụ án Alibaba tiếp tục phần xét hỏi.
Đại diện VKS hỏi Nguyễn Thái Luyện về tính pháp lý của các dự án, cựu Chủ tịch Alibaba cho rằng bản thân sở hữu đất nông nghiệp có quy hoạch đất ở để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. "Khi chia sẻ với khách hàng, rao bán đất cho khách hàng, tôi cũng nói rõ hiện tại đất được quy hoạch đất ở chưa chuyển mục đích...", Luyện nói và cho rằng hợp đồng đã ký là cơ sở pháp lý để 2 bên cùng thỏa thuận, hợp đồng được lập, khách hàng cũng đồng ý như vậy, nên không có sự gian dối nào ở đây.
HĐXX vụ án Alibaba chiều 9/12.
Khi VKS hỏi đất nông nghiệp bị cáo quảng cáo là đất thổ cư mà không gian dối? Luyện trả lời sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị cáo mới lập dự án và dự án này dựa trên những cơ sở mà Luật Đất đai quy định. Luyện khẳng định tuyệt đối không có chuyện không mua đất mà lập dự án.
Còn về 20 thỏi kim loại màu vàng, quá trình điều tra, cơ quan điều tra tiến hành khám xét thu được, kết quả giám định lại không phải là vàng, Luyện giải thích một cách khó hiểu và không có ý kiến gì về số kim loại trên.
Trong phần xét hỏi của đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh chiều 9/12 về số tiền 13 tỷ đồng, Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, vợ Luyện) khẳng định mình không rửa tiền mà tiền đó để trả cho những người đã góp vốn vào Công ty Alibaba. VKS yêu cầu Mai khai ra người được trả nợ nhưng Mai, kiên quyết chối từ vì ngay từ khi bị khởi tố điều tra đó là không thể khai tên những người nhận tiền bởi đây là chuyện... riêng tư.
Khi đại diện VKS lập luận rằng, đây là tiền thu của khách hàng, nhưng Mai đã sử dụng vào việc riêng là không đúng và đây chính là hành vi rửa tiền, Mai nói khai ra người góp vốn thì gia đình Mai không được an toàn, nên không thể khai ra ai đã được trả nợ!
Về hành vi lừa đảo, Võ Thi Thanh Mai thừa nhận cáo trạng nêu đúng, nhưng kiến nghị xem lại số liệu. Còn về hành vi rửa tiền, bị cáo Võ Thị Thanh Mai cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo tội danh trên là oan sai. Bị cáo Mai khai không chỉ đạo em chồng là Nguyễn Thái Lực (em ruột Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) rút tiền như cáo trạng truy tố. Mai cho rằng thời điểm đó mọi người tự làm việc của mình, không ai chỉ đạo. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai khóc khi nói tới chồng và con (khi đó đang mang thai).
HĐXX hỏi Nguyễn Thái Lực, Lực cho biết cáo trạng nêu đúng hành vi lừa đảo. Lực nói do tuổi trẻ, không hiểu pháp luật tin vào anh trai do vậy không biết đó là sai (lừa đảo). Còn về hành vi rửa tiền, ngược lại với chị dâu, Lực nói rút tiền cho Võ Thi Thanh Mai theo chỉ đạo. Làm theo chỉ đạo, không sử dụng vào mục đích cá nhân, không biết nguồn tiền do phạm tội mà có, nên Lực mong HĐXX xem xét về hành vi này.
Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng cho rằng không biết dòng tiền, nguồn tiền. Thắng khai làm mọi việc theo sự chỉ đạo của Võ Thị Thanh Mai. Thắng cũng cho rằng mình là nhân viên của Công ty Alibaba nên khi Mai chỉ đạo chuyển khoản thì Thắng chuyển, hoàn toàn không biết việc Mai sử dụng tiền ấy vào việc gì. Thắng cũng không được hưởng lợi gì từ việc chuyển tiền cho Mai, do đó, đề nghị HĐXX xem xét tội danh này cho Thắng.
Xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo bán dự án 'ma': Quyền lợi của bị hại được đảm bảo thế nào? Ngày 8.12, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba) đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm. Thời gian xét xử dự kiến...