Xét xử Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm: Các bị cáo trần tình…
Ngày đầu xét xử vụ án FLC Trịnh Văn Quyết, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã dành phần lớn thời gian để Viện kiểm sát công bố cáo trạng.
Là những bị cáo được xét hỏi trước, em gái và ‘đồng hương’ của cựu Chủ tịch FLC thành khẩn nhận tội và nói cũng là một trong những nạn nhân…
Theo đó, tại phiên tòa, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan bị truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Là người cuối cùng trả lời thẩm vấn trong ngày đầu xét xử vụ án, ngay khi được gọi lên bục khai báo, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga nghẹn ngào khóc và trình bày mối quan hệ “là em gái anh Quyết, chị gái em Huế”. Em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết bị truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Các bị cáo trong vụ án FLC Trịnh Văn Quyết
Tại phiên tòa, bị cáo Nga thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận đã ký các hợp đồng ủy thác đầu tư. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng “việc này là do Trịnh Thị Minh Huế bảo, bị cáo không nhớ ký khi nào, Huế cũng không nói ký để làm gì”. Theo lời khai của bị cáo Nga, đến khi làm việc với CQĐT mới biết các hợp đồng này.
Ngoài ra, bị cáo Nga cũng thừa nhận có nhờ nhân viên cấp dưới cho mượn thông tin để đưa Huế mở tài khoản chứng khoán, lập hợp đồng ủy thác. Nội dung hợp đồng, bị cáo không nắm rõ vì lúc đó Huế mang hồ sơ đến phòng làm việc của Nga, rồi nhờ nhân viên qua phòng ký.
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS từ năm 2018. Với vai trò này, Nga đã cấp sức mua cho những tài khoản thao túng chứng khoán để thu lợi bất chính.
Cụ thể, đầu ngày Huế báo danh sách tài khoản cần cấp, số tiền, rồi Nga báo lại nhân viên để can thiệp phần mềm cấp sức mua cho các tài khoản chứng khoán. “Số tiền ảo nhưng khách hàng vẫn có thể đặt lệnh mua chứng khoán rồi sau đó nộp tiền. Bị cáo chỉ biết phần cấp tiền cho tài khoản. Cụ thể mua cổ phiếu nào thì bị cáo biết” – bị cáo Nga khai.
Hàng ngày, Nga sẽ trao đổi công việc trên nhóm tài khoản Viber, trong đó có nhiều thành viên là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn FLC và các công ty liên quan. Theo bị cáo Nga, các thành viên của nhóm này đều biết việc các tài khoản chứng khoán thực chất không có tiền vì tin nhắn trao đổi làm việc hàng ngày đều có nói về việc này.
Em gái cựu Chủ tịch FLC nói rằng bản thân không được bàn bạc, không được hưởng lợi gì, chỉ là người làm công ăn lương và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ.
Theo cáo buộc, bị cáo Nga đã giúp Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để hợp thức hóa việc nâng khống vốn góp của Công ty Faros, giúp Quyết niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên sàn HOSE, rồi bán chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Bị cáo Nga còn chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng để thao túng giá đối với 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART, FLC.
Về phần mình, bị cáo nhiều tuối nhất trong vụ án là Lê Văn Sắc (75 tuổi) trình bày rằng, bị cáo này là người cùng quê với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Vợ bị cáo Sắc còn là chị em họ xa với Quyết. Bản thân bị cáo Sắc không vay tiền, không góp vốn, không là cổ đông Công ty Faros.
Tuy nhiên, bị cáo được Trịnh Thị Minh Huế, bị cáo Trịnh Văn Quyết nhờ đứng tên cổ phần. “Khi tôi ký giấy tờ không ghi số cổ phần, không ghi số tiền, thực chất là ký giấy tờ khống. Tôi không nhớ được thời gian đó mình làm như thế nào” – bị cáo Sắc khai.
Người cùng quê với Trịnh Văn Quyết khai, sau khi nghỉ hưu, bị cáo Sắc không nắm bắt được pháp luật chứng khoán. Sau khi được Bộ Công an, Viện kiểm sát chỉ ra, bị cáo đã biết việc làm của bản thân là sai.
Bị cáo Sắc trần tình thêm rằng: “Tôi rất tin tưởng anh Quyết. Ai cũng nghĩ anh Quyết có tiền thật vì Tập đoàn FLC lúc đó rất phát triển. Tôi nhận thấy mình sai, xin xem xét mức độ hành vi cho tôi, tôi cũng là nạn nhân của anh Quyết như nhiều người ở đây”.
Theo cáo buộc, bị cáo Lê Văn Sắc đã giúp bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế đứng tên là cổ đông góp vốn để hợp thức việc tăng vốn góp khống, ký hợp đồng ủy thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng vốn khống. Từ đó, giúp cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, rồi bán cổ phiếu chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Hình ảnh dẫn giải cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị cáo tới tòa
Bị cáo buộc cùng các đồng phạm chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ của các nhà đầu tư chứng khoán, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đúng 7h sáng 22/7, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị cáo được dẫn giải đến TAND TP Hà Nội để xét xử về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Trong số những người bị đưa ra xét xử có ông Lê Hải Trà (cựu Ủy viên HĐQT, Phó TGĐ thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở giao dịch chứng khoán TPHCM). Ông Lê Hải Trà bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh tòa Tòa án hình sự, TAND TP Hà Nội ngồi ghế chủ tọa. Phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 50 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư tham gia bào chữa.
TAND TP Hà Nội xác định 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros và những người có quyền lợi, nghĩa vụ quyền lợi liên quan khác cũng được tòa án triệu tập.
Để chiếm đoạt được tiền, ông Quyết giao Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) và bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.
Cáo buộc cho rằng, các bị can thuộc Công ty Faros, một số công ty kiểm toán, người thân quen của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế... đã thực hiện chỉ đạo của ông Phương và bà Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán...
Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, để xảy ra hậu quả trên có sự tham gia, giúp sức tích cực của các bị cáo trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống.
Ông Trịnh Văn Quyết bị xác định là chủ mưu, người quyết định chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch FLC cũng là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do bị can Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Danh sách chi tiết 50 bị cáo vụ Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán Bị cáo Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã nâng khống vốn điều lệ rồi niêm yết cổ phiếu ROS bán qua sàn HOSE, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư... Ngày 22-7, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ Trịnh Văn Quyết lừa đảo và thao túng chứng khoán. Bị cáo Trịnh Văn Quyết và 49 đồng...