Xét xử phúc thẩm vụ “mổ bướu mỡ, liệt hai chân”
Ngày 4/9 vừa qua, Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân Tối cao tại Tp HCM đã mở phiên xét xử vụ kiện “ liệt hai chân sau khi mổ bướu mỡ” với nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Nghệ, bị đơn là bác sĩ (BS) Võ Xuân Sơn.
Trước đó, ngày 26/4, Tòa sơ thẩm đã đã tuyên buộc BS Sơn phải bồi thường cho ông Nghệ 57 triệu đồng nhưng cả ông Sơn và ông Nghệ đều kháng cáo. Đây là vụ kiện có nhiều tình tiết được dư luận quan tâm, nhất là những người làm trong nghề y.
Ông Nghệ (giai đoạn mới bó nẹp, chống nạng).
Tóm tắt vụ việc
Có một khối u nhỏ bẩm sinh ở vùng thắt lưng năm 2005, thấy xuất hiện triệu chứng đau lưng và tê mỏi hai chân, ông Nguyễn Văn Nghệ, 53 tuổi, cư trú ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, Tp HCM đến Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình Tp HCM xin thăm khám. Tại đây, bác sĩ cho biết là u mỡ, cần phải mổ nhưng khá khó khăn và tốn kém vì khối u nằm ngay tủy sống, nơi có nhiều đôi dây thần kinh.
Được người quen chỉ dẫn, ông Nghệ sang BV Vật lý vi sinh nhưng vẫn không chữa được. Ông Nghệ kể: “Họ giới thiệu và cho tôi số điện thoại của BS Sơn, lúc đó đang công tác tại Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi liên lạc, BS Sơn bảo tôi đến phòng mạch của ông ở quận 5″. Tiến hành khám cho ông Nghệ, BS Sơn nói ông rất giỏi mổ loại u này.
Ông Nghệ kể tiếp: “BS Sơn hẹn tôi đến BV Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn ITO để ông ấy trực tiếp mổ. Tôi đã đóng gần 14 triệu đồng. Sau phẫu thuật, tôi vẫn đến khám, uống thuốc đúng chỉ định và tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của BS Sơn”.
Thế nhưng 3 năm sau, hai chân ông Nghệ yếu dần. Khi kiểm tra, BS Sơn yêu cầu mổ lại với lời hứa “sẽ trở lại bình thường”. Lần mổ thứ hai được BS Sơn tiến hành tại BV STO Phương Đông vào cuối tháng 6/2008 với chi phí gần 30 triệu đồng. Mổ xong, BS Sơn giới thiệu ông Nghệ đến BV Điều dưỡng, phục hồi chức năng. Sau 4 tháng luyện tập tại BV này, do kết quả không tiến triển nên BV Điều dưỡng, phục hồi chức năng chỉ định làm thêm hai cái nẹp, nẹp từ bắp đùi tới bàn chân. Để đi đứng được, ông Nghệ phải dùng thêm hai cây nạng.
Ông nói: “Trong năm 2009, tôi đến tái khám ở chỗ BS Sơn thêm 3 lần. Mỗi lần khám mất hơn 1 triệu đồng, là tiền xét nghiệm máu, siêu âm nhưng từ năm 2011 tới nay, tôi phải ngồi xe lăn vì cứ chống nạng đi là bị ngã. Trước kia, thu nhập từ cơ sở nước tinh khiết của tôi đủ nuôi gia đình nhưng do bị liệt, tôi phải ngưng kinh doanh từ đầu năm 2009. Tôi đã bán hết tài sản để chữa trị nhưng không những không thuyên giảm, mà còn liệt vĩnh viễn”.
Đến lúc này, BS Sơn… buông tay. Khi thấy BS Sơn không muốn điều trị cho mình nữa, ông Nghệ yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ về tài chính nhưng BS Sơn từ chối, cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm. Tháng 9/2010, ông Nghệ xin giám định tại Hội đồng Giám định y khoa Tp HCM. Kết quả cho thấy ông mất 85% sức lao động. Vì vậy, ông kiện BS Sơn ra tòa.
Khám bệnh tại Phòng khám đa khoa quốc tế Exson (ảnh minh họa).
Video đang HOT
Theo giới chuyên môn, thì khối u mỡ của ông Nghệ là u mỡ ở tủy sống. Nó hình t hành vào những tháng cuối của thai kỳ mà nguyên nhân có thể do rối loạn chuyển hóa mỡ. Theo thời gian, khối u lớn dần, chèn ép vào các đôi dây thần kinh tủy sống, dẫn đến triệu chứng tê, mỏi, và có thể liệt. Hiện tại, y học có nhiều phương pháp điều trị nhưng xác suất thành công của tất cả những phương pháp này đều rất thấp.
Diễn tiến phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm
Vụ ông Nghệ khởi kiện BS Sơn được TAND quận 10 thụ lý, và đưa ra xét xử vào ngày 24/4/2013. Tại phiên tòa, ông Nghệ trình bày: “Lần đầu khi đến phòng mạch của BS Sơn ở quận 5, BS Sơn đã nói với tôi: “Anh tìm đúng chỗ rồi. Tôi là người mổ bướu mỡ giỏi nhất Đông Nam Á”. Tuy nhiên, kết quả là tôi không đi lại được, không thể tự tiểu tiện, không thể làm chồng, mọi sinh hoạt hằng ngày phải có người phục vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình và chất lượng cuộc sống”.
Vẫn theo ông Nghệ, thì trong quá trình mổ, BS Sơn đã dùng một tấm phim (neuropatch) để bao bọc, ngăn chặn sự phát triển của khối u mỡ nhưng khối u này vẫn phát triển. Việc BS Sơn tự ý sử dụng tấm phim nhưng không cho ông biết là cố tình biến ông thành “chuột bạch” để thử tay nghề, thử phát minh mới.
Về phía BS Sơn thì cho rằng việc ông Nghệ bị liệt là việc nằm ngoài ý muốn. Nếu ông Nghệ không mổ thì ông cũng bị liệt vì khi đến khám, các xét nghiệm chẩn đoán cho thấy ông Nghệ đã liệt 1/2 chân. Việc phẫu thuật chỉ bóc tách được một phần bướu mỡ, sau đó nó tiếp tục phát triển, phình to, chèn ép, gây liệt. Đây không phải là lỗi của bác sĩ vì y học vẫn chưa giải quyết được.
Bên cạnh đó, BS Sơn còn nói: “Đã nhiều lần giải thích là cái u này không thể nào bóc hết được, chỉ được 50/50 thôi, không dám hy vọng nhiều. Hơn nữa, ông Nghệ còn ký cam đoan đồng ý xin phẫu thuật, thậm chí vợ ông cũng ký. Nếu ông Nghệ khó khăn thì tôi sẽ hỗ trợ 15, 20 triệu đồng chứ không bồi thường vì tôi không sai”.
Riêng chuyện sử dụng tấm phim, BS Sơn thừa nhận đã dùng nó để bao bọc khối u mỡ vì được phép của các cơ quan y tế, đúng quy trình điều trị của ngành y nhưng không thành công do khối u này phát triển quá nhanh. Hai BV nơi ông Nghệ mổ thì xác định là chỉ cung cấp dịch vụ, còn chuyên môn do BS Sơn chịu trách nhiệm.
Phản bác lại, ông Nghệ cho rằng BS Sơn đã tư vấn không đúng bản chất bệnh vì không bệnh nhân nào chấp nhận tốn tiền trong trường hợp “năm ăn năm thua”. Hồ sơ bệnh án phần tiên lượng bỏ trống. Việc hội chẩn không phải do bác sĩ chuyên khoa cột sống thực hiện mà chỉ là BS của các khâu khác nhau chuẩn bị cho ê kíp mổ.
Trước khi mổ ông Nghệ vẫn lao động, sinh hoạt bình thường nhưng sau khi mổ thì bị liệt, cơ sở sản xuất nước tinh khiết của ông phải đóng cửa thì không thể nói là BS không có lỗi. Vì vậy, ông Nghệ đòi BS Sơn phải bồi thường các thiệt hại đã gây ra tổng cộng 2,6 tỉ đồng bao gồm tiền mổ, tiền mất thu nhập, cấp dưỡng nuôi con, tổn thất tinh thần…
Ngày 26/4, TAND quận 10 đã tuyên buộc BS Sơn phải bồi thường cho ông Nghệ hơn 57 triệu đồng, gồm tiền mất thu nhập, tiền công thuê người chăm sóc và chi phí do mất khả năng lao động – mỗi tháng 430.700 đồng. Theo nhận định của tòa, đến nay chưa có một kết luận nào của cơ quan chuyên môn xác nhận bệnh lý của ông Nghệ “nếu không mổ cũng bị liệt và mổ rồi cũng bị liệt”. Là người trực tiếp thăm khám, điều trị, BS Sơn phải hiểu rõ cơ chế bệnh và biết tiên lượng bệnh sau phẫu thuật.
Tại tòa, BS Sơn chưa đưa ra được chứng cứ, chứng minh là mình đã giải thích rõ cho ông Nghệ biết, rằng có thể có hai khả năng xảy ra đối với bệnh lý của ông để ông tự quyết định trong lúc trước khi mổ lần thứ hai, ông Nghệ chưa bị liệt hoàn toàn.
Vẫn theo Hội đồng xét xử, việc BS Sơn giải thích cho ông Nghệ: “Tiên lượng phẫu thuật là 50-50, cái u này không thể nào bóc hết được…, hy vọng nó đỡ hơn…, không dám hy vọng nhiều” là cách tư vấn một chiều, khiến ông Nghệ tin tưởng, đồng ý mổ lần thứ hai. Việc ông Nghệ làm giấy cam kết chỉ là thủ tục chung, không có cam kết nào của ông Nghệ là sẽ “không khiếu nại nếu ông bị liệt sau mổ”.
Tuy nhiên, xét thấy BS Sơn khi mổ cũng mong muốn làm giảm căn bệnh. Việc ông Nghệ bị liệt là nằm ngoài ý muốn. Hơn nữa, cơ quan chuyên môn cũng đã kết luận bệnh không khỏi là do không thể cắt bỏ toàn bộ bướu mỡ và do khả năng tái sinh của bướu. Vì vậy, tòa buộc BS Sơn phải chịu 1/2 trách nhiệm đối với hậu quả do mình gây ra.
Ngay sau đó, cả ông Nghệ lẫn BS Sơn đều kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Sáng ngày 4/9, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Tp HCM đã mở phiên xét xử theo đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Nghệ và BS Võ Xuân Sơn. Tuy nhiên, sau khi nghe các bên tranh luận, tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại vì theo Hội đồng xét xử, cùng 1 vụ án mà có 2 bản án – bản giao cho BS Sơn và bản án lưu trong hồ sơ vụ án – khác nhau là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Những sai sót này cấp sơ thẩm không thể khắc phục được nên hủy toàn bộ bản án, giao cho TAND quận 10 xét xử lại từ đầu.
Như vậy, vụ kiện này phải mất khá lâu nữa mới có hồi kết
Theo Vũ Cao
Bệnh nhân bị liệt đòi bác sĩ bồi thường 2,6 tỷ đồng
Cho rằng sau khi bác sĩ phẫu thuật khiến mình bị liệt hai chân không còn khả năng lao động, ông Nghệ kiện đòi bồi thường 2,6 tỷ đồng. Không muốn kéo dài vụ án ông này chấp nhận mức hỗ trợ chỉ 150 triệu nhưng không được bác sĩ chấp thuận.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Nghệ (53 tuổi) là giám đốc một cơ sở sản xuất nước khoáng với cơ ngơi khang trang ở mặt tiền đường tại quận Thủ Đức, TP HCM. Nhưng cuộc sống gia đình ông rơi vào cảnh khốn khó kể từ khi ông bị liệt nửa người sau phẫu thuật cắt khối u mỡ.
Do không còn khả năng lao động, lại nằm một chỗ, việc kinh doanh bị phá sản, ông Nghệ phải bán toàn bộ cơ ngơi chuyển vào hẻm nhỏ ở, để có tiền lo trang trải cuộc sống và điều trị bệnh. Vợ ông trước đó chỉ ở nhà lo chăm sóc gia đình, giờ lại trở thành trụ cột vật lộn với việc buôn bán để lo cho chồng con.
Sau khi phẫu thuật ông Nghệ bị liệt hẳn 2 chân không còn khả năng đi lại. Ảnh: PLTP HCM.
Theo đơn khởi kiện của ông Nghệ, ông bị một khối u nhỏ bẩm sinh ở cột sống, được một bệnh viện ở Sài Gòn chẩn đoán là khối u mỡ. Qua giới thiệu, ông tìm đến bác sĩ Sơn để được điều trị. Lúc gặp bác sĩ Sơn, ông Nghệ có cảm giác tê chân phải nhưng vẫn đi lại, làm việc bình thường.
Được bác sĩ Sơn giới thiệu, ông là một trong những "bác sĩ giỏi trong khu vực Đông Nam Á" về điều trị khối u. Đồng thời, ông cũng tư vấn nếu mổ, bệnh của ông Nghệ sẽ thuyên giảm còn không sẽ bị liệt. Tin tưởng vào khả năng chuyên môn của bác sĩ Sơn, ông Nghệ đồng ý để ông phẫu thuật cho mình.
Tháng 6/2005, ca phẫu thuật được tiến hành với chi phí là 14 triệu đồng. Sau mổ, ông Nghệ có triệu chứng suy yếu, có cảm giác tê liệt. Đến năm 2008, bác sĩ Sơn tư vấn và mổ cho ông lần 2 với chi phí 30 triệu đồng.
Sau lần mổ này, ông Nghệ tiếp tục điều trị theo chỉ định của bác sĩ Sơn nhưng tình hình sức khỏe ngày càng xấu đi. Đến cuối năm đó, ông bị liệt hẳn hai chân và phải ngồi xe lăn, tiêu tiểu không chủ động được. Sau thời gian dài kiên trì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ Sơn, đến cuối năm 2009, ông Nghệ mới dừng lại.
Sau khi tìm hiểu về bệnh trạng của mình, ông Nghệ cho rằng, bệnh của ông chỉ là một khối u lành tính, nhưng bác sĩ Sơn đã tư vấn không đúng với đánh giá của các nhà khoa học nên đã phẫu thuật, dẫn đến sức khỏe của ông suy giảm. Năm 2011, ông Nghệ kiện vị bác sĩ ra TAND quận 10, yêu cầu bồi thường các khoản chi phí phẫu thuật, thuốc men, tiền ăn, tiền thuê người chăm sóc, tổn thất tinh thần... tổng cộng là 2,6 tỷ đồng.
"Thực tế, chi phí cho việc mổ chỉ hết khoảng vài chục triệu đồng, nhưng chi phí điều trị thì vô cùng tốn kém. Anh ấy đã hơn 40 năm chung sống với khối u đó và làm việc bình thường. Nhưng không ngờ sau khi mổ anh Nghệ trở thành phế nhân sống phụ thuộc vào người khác", người anh họ của ông Nghệ giãi bày.
Hồi tháng 4, TAND quận 10 xử sơ thẩm buộc bác sĩ Sơn phải bồi thường cho ông Nghệ 57,3 triệu đồng; có trách nhiệm bồi thường chi phí hợp lệ do mất khả năng lao động (cần người chăm sóc) là hơn 430.000 đồng/tháng. Không đồng ý với phán quyết này, cả nguyên đơn và bị đơn sau đó đã kháng cáo.
Mới qua, TAND TP HCM mở phiên phúc thẩm, cả ông Nghệ và bác sĩ Sơn đều không đến tòa mà chỉ có người đại diện. Trình bày với HĐXX, người đại diện cho ông khẳng định, trước khi mổ ông vẫn chạy xe máy chở vợ con và đi làm bình thường. Nhưng sau khi phẫu thuật thì 2 chân bị tê liệt, không còn khả năng đi lại phải ngồi xe lăn và không thể tự chăm sóc được bản thân.
Còn đại diện của bác sĩ Sơn cho rằng, theo bệnh án và phác đồ điều trị, "bác sĩ Sơn đã thực hiện theo đúng quy trình". Việc bệnh nhân Nghệ bị liệt hai chân là do bệnh lý bẩm sinh chứ không phải do lỗi của bác sĩ. Đồng thời nguyên đơn không chứng minh được con số thiệt hại cụ thể nên bác sĩ Sơn chỉ có thể "tự nguyện hỗ trợ" cho ông Nghệ 30 triệu đồng.
Cho rằng, việc ông Nghệ bị liệt đều nằm ngoài mong muốn của cả phía bệnh nhân và bác sĩ, HĐXX đã dành khá nhiều thời gian để các đương sự hòa giải thỏa thuận với nhau về mức bồi thường trên tinh thần thiện chí ngay tại tòa. Sau khi hội ý và cân nhắc, đại diện theo ủy quyền của ông Nghệ cho biết, giờ hoàn cảnh của ông rất khó khăn, gia đình cũng không muốn kéo dài vụ án nên đồng ý hạ yêu cầu bồi thường xuống mức 200 triệu đồng. Song phía bác sĩ Sơn khẳng định "không hề có lỗi" nên chỉ có thể nâng mức hỗ trợ cho bệnh nhân lên 100 triệu đồng.
"Tạm gác lại chuyện bác sĩ có lỗi hay không, nhưng trước hoàn cảnh gia đình bệnh nhân Nghệ như vậy, phía bác sĩ có thể nâng mức hỗ trợ lên một chút nữa để toà ghi nhận sự thoả thuận của hai bên và chấm dứt vụ kiện trong êm đẹp được không?", vị thẩm phán hỏi đại diện của bác sĩ Sơn đồng thời đưa ra mức tham khảo 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, đại diện cho bác sĩ Sơn khẳng định, mức hỗ trợ tối đa chỉ có thể là 130 triệu đồng nhưng kèm theo điều kiện "ông Nghệ phải xin lỗi bác sĩ Sơn và có xác nhận bằng văn bản rằng bác sĩ hoàn toàn không có lỗi" và chấm dứt việc kiện tụng. "Việc phía nguyên đơn khởi kiện đã gây mất uy tín và thiệt hại rất lớn không thể tính hết được đối với bác sĩ Sơn", đại diện của phía bị đơn cho biết và nhất quyết giữ nguyên quan điểm của mình.
Các bên không thể đi đến thống nhất, HĐXX buộc phải tiếp tục xem xét yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường số tiền 2,6 tỷ đồng của phía ông Nghệ. Song, do cấp sơ thẩm có nhiều sai phạm về mặt tố tụng nên HĐXX đã tuyên huỷ bản án, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu.
Với phán quyết của tòa, dự kiến vụ kiện sẽ còn diễn ra trong một thời gian dài nếu các bên vẫn không thể hòa giải.
Hải Duyên
Theo VNE
Vụ án 'mổ bướu, liệt chân' Từng là chủ doanh nghiệp, có nhà mặt tiền, giờ đây sau 8 năm đi 'mổ bướu', ông Nguyễn Văn Nghệ không những đã liệt mất đôi chân mà hành trình chạy chữa cũng ngốn luôn hết gia sản. Ông Nghệ với hoàn cảnh bi đát sau khi phẫu thuật - Ảnh: Lê Nga Sau khi Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm...