Xét xử cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và đồng phạm: ‘Chơi bạc online là thực nghiệm, để công ty báo cáo C50′
Trong phần trả lời xét hỏi, bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn – phó giám đốc kỹ thuật Trung tâm thanh toán, Công ty CNC cho biết ngoài mục đích “ăn thua” còn để phục vụ công ty báo cáo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao về game bạc online.
Cuối chiều nay (13/11), phiên tòa xét xử vụ án 2 cựu tướng công an “bảo kê” đường dây đánh bạc nghìn tỉ bước vào phần thẩm vấn sau khi đại diện Viện kiểm sát tỉnh Phú Thọ công bố xong 235 trang cáo trạng.
Chơi game cờ bạc để nghiên cứu sản phẩm?
Là người đầu tiên đứng lên bục khai báo, bị cáo Lê Văn Huy (sinh năm 1997, quê Quảng Trị) thành khẩn khai báo về hành vi chiếm đoạt số tiền 55 triệu đồng của chị Võ Thị Minh Phương.
Theo lời khai của bị cáo Huy, sau khi được chị Phương chuyển cho mình 110 thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng của 3 nhà mạng với tổng giá trị 55 triệu đồng, Huy đã cho bạn hai thẻ cào, số còn lại đổi sang Rik (tiền ảo trong game Rikvip), bán lại cho chủ quán nét lấy tiền mặt.
Bị cáo Lê Văn Huy. (Ảnh: Nam Trần)
Sau đó, Huy lại dùng tiền này mua Rik để nạp vào các tài khoản trong game bài Tip.Club đánh bạc trực tuyến bằng game Tài – Xỉu. Toàn bộ số tiền này Huy bị thua hết.
Trong vụ án này, bị cáo Huy là người duy nhất bị xét xử về tội sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Sau bị cáo Huy, HĐXX thẩm vấn bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn – phó giám đốc kỹ thuật Trung tâm thanh toán, Công ty CNC – về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Theo lời khai của bị cáo Tuấn, bản thân có tham gia chơi game đánh bạc Tài – Xỉu. Việc chơi game này, bị cáo khai để “trải nghiệm sản phẩm” nên không nhớ mình thắng hay thua.
Tài liệu điều tra thể hiện, là một trong những người xây dựng cổng thanh toán cho game bài Rikvip/Tip.Club, đối soát doanh thu tổ chức đánh bạc với các công ty trung gian thanh toán, Tuấn thu lợi bất chính hơn 20 tỉ đồng.
Ngoài ra, Tuấn còn tham gia đánh bạc trực tuyến bằng game bài Rikvip/Tip.Club. Trong ngày 8 và 9/8/2016, Nguyễn Quốc Tuấn đã tham gia 58 phiên đánh bạc trực tuyến bằng hình thức Tài – Xỉu, trong đó có lần đặt cược 300 triệu Rik (tương đương 249 triệu đồng), được hệ thống trả thắng cược là hơn 386 Rik (tương đương 320 triệu đồng).
Cũng theo lời bị cáo Tuấn, khi đổi Rik ra ra tiền thì sẽ bán cho đại lý. Theo Tuấn, người chơi sẽ phải mua Rik với giá 84 đồng nhưng khi bán lại Rik cho đại lý thì chỉ được trả với giá 82 đồng. Bên cạnh đó, khi người đặt cược thắng thì sẽ nhận được số tương ứng song bị trừ đi 2%. Đây là tiền “thuế” của hệ thống, “nhà cái” giữ lại. Để thực hiện hành vi đánh bạc, Tuấn dùng tài khoản ngân hàng để trao đổi mua bán Rik.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn tại tòa chiều 13/11. (Ảnh: Nam Trần)
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương), Tuấn cho biết mục đích khi tham gia trò chơi Tài – Xỉu là để nghiên cứu sản phẩm cho công ty.
“Bị cáo báo cáo cho Nguyễn Văn Dương trực tiếp 1 tháng 1 lần. Toàn bộ nội dung bị cáo xây dựng sau đó gửi một người nữa để báo cáo C50 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – PV)”, Tuấn khai.
Nguyễn Quốc Tuấn và một bị cáo nữa khai khi thắng Rik sẽ bán cho đại lý của Lê Anh Dũng để lấy tiền.
Chuyển tiền thắng bạc qua tài khoản ngân hàng
Trả lời xét hỏi, bị cáo Lê Anh Dũng cho biết đã kinh doanh quán internet được 10 năm nay. Từ tháng 8/2015 Dũng xin tham gia làm đại lý cho game cờ bạc Rikvip. Dũng liên lạc với Hoàng Thành Trung (người cùng Phan Sào Nam “khởi xướng” hệ thống game cờ bạc, hiện Trung đang bỏ trốn) để xin làm đại lý cấp 1.
“Nhà bị cáo kinh doanh quán net, vật phẩm gmae ảo có uy tín trên thị trường nên xin làm đại lý cho Rikvip và được Trung đồng ý. Làm đại lý không cần phải hợp đồng gì”, bị cáo Dũng nói.
Theo lời khai của Dũng, các con bạc chơi Rik thắng sẽ lên danh sách đại lý tìm thấy tên và số điện thoại của bị cáo, gọi đến thông báo bán Rik. Sau đó Dũng hướng dẫn các con bạc chuyển Rik và điền danh mục số tài khoản ngân hàng, căn cứ vào đó Dũng để chuyển tiền cho con bạc. Dũng cũng bán thẻ cào của các nhà mạng cho người chơi. “Mục đích người mua để nạp điện thoại hay nạp chơi game cờ bạc thì bị cáo không biết”, Dũng khai.
Dũng đã mở hơn 30 tài khoản ngân hàng để phục vụ việc mua Rik và chuyển tiền cho các con bạc. Trả lời HĐXX, Dũng cho biết tổng số tiền hưởng lợi từ việc làm đại lý cho 3 game cờ bạc là hơn 3,3 tỉ.
Bị cáo Lê Anh Dũng. (Ảnh: Nam Trần)
Trả lời nhận thức về hành vi của mình, bị cáo Dũng nói: “Ban đầu bị cáo chỉ nhận thức mua bán và đổi thẻ cào kiếm thêm thu nhập. Sau khi bị cơ quan điều tra bắt mới biết việc mua bán thẻ này là tiếp tay cho cờ bạc nên rất ân hận về hành vi của mình”.
Bị cáo Dũng cũng cho biết không biết bị cáo Nguyễn Văn Dương là ai và không có giao dịch với Công ty CNC trong quá trình làm đại lý cấp 1. Bị cáo chủ yếu liên lạc với tài khoản Faceboo có tên “Long Lê” qua sự giới thiệu của Hoàng Thành Trung, Dũng cho biết thêm các con bạc sử dụng tài khoản ngân hàng để mua Rik là tiền ảo chơi cờ bạc online rồi khi thắng được trả bằng Rik. Các con bạc sẽ bán rik cho đại lý và Dũng chuyển tiền mặt qua tài khoản ngân hàng.
Luật sư Trần Hồng Phúc đặt câu hỏi: Nếu không có tài khoản ngân hàng thì bị cáo có thể trả thưởng cho các con bạc? “Nếu không có tài khoản ngân hàng thì không chuyển khoản thành công cho các khách hàng đánh bạc online”, Dũng nói.
17h15, phiên tòa kết thúc ngày làm việc thứ hai, dự kiến ngay mai tiếp tục xét hỏi.
3 nhà mạng và nhiều ngân hàng hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng
Theo cáo trạng, các nhà mạng đã hưởng tổng cộng hơn 1.232 tỉ đồng, trong đó Viettel hưởng hơn 913 tỉ, VinaPhone gần 150 tỉ, MobiFone hơn 171 tỉ.
Ngoài 3 công ty viễn thông trên, có 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM được hưởng lợi từ dịch vụ đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.club là 965 triệu đồng.
Các công ty phát hành thẻ game hưởng lợi từ hoạt động phạm tội tổ chức đánh bạc bằng game bài Rikvip với số tiền 14 tỉ đồng Đây là khoản tiền thu lời không có căn cứ pháp lý nên cần phải truy nộp ngân sách nhà nước.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Những 'bóng hồng' trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng được cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh bảo kê
Trong số 16 nữ bị cáo vướng vòng lao lý, Lưu Thị Hồng được chú ý hơn cả vì có nhan sắc mặn mà và là người nắm "tay hòm chìa khóa" cho ông trùm đường dây đánh bạc Nguyễn Văn Dương.
TAND tỉnh Phú Thọ vừa mở phiên tòa xét xử cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh cùng 91 bị can liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng.
Đây là vụ án Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số 92 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này có tới 16 nữ bị cáo vướng vòng lao lý. Nhiều người theo dõi phiên tòa đặc biệt chú ý tới bị cáo Lưu Thị Hồng (SN 1976, quê huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) bởi nhan sắc mặn mà.
Lưu Thị Hồng từng làm việc ở một đài truyền hình lớn. Năm 2014, Lưu Thị Hồng, khi đó là Tổng giám đốc CNC đã gây chú ý khi kiện Youtube vì xâm phạm bản quyền chương trình Gặp nhau cuối năm và Gala hài.
Bị cáo Lưu Thị Hồng. (Ảnh: DT)
Tài liệu truy tố xác định, sau khi Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam thống nhất hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến, Dương đã chỉ đạo Hồng ký hợp đồng với công ty của Phan Sào Nam về việc cung cấp dịch vụ cho hệ thống Rikvip.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng được nữ Tổng giám đốc ký với đối tác, CNC hưởng lợi từ 30-40% tùy mức doanh thu nhiều hay ít.
Trong thời gian CNC được ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện để đánh bạc trên mạng, nữ tổng giám đốc sinh năm 1976 còn nhận chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương đưa 600 triệu đồng tiền Tết cho C50. Số tiền này được ông Võ Tuấn Dũng (lúc đó là Trưởng phòng 1 của Cục C50) nhận 2 lần vào các năm 2015 và 2016.
Quá trình điều tra, Hồng đã chủ động khai báo về nội dung này. Từ đó, cơ quan điều tra đã chứng minh việc Lưu Thị Hồng đưa 600 triệu đồng cho C50 là có thực. VKSND tỉnh Phú Thọ cáo buộc Lưu Thị Hồng phạm tội Tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức.
Bị cáo Hoàng Thị Hà. (Ảnh chụp màn hình)
Cũng là người giúp sức cho bị cáo Phan Sào Nam, bị cáo Đỗ Bích Thủy - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt bị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo buộc, khi Phan Sào Nam hỏi mượn pháp nhân công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến, Thủy đồng ý.
Sau đó, Thủy ký hợp đồng hợp tác và giao cho Hoàng Thanh Trung - Phó Giám đốc chỉ đạo xây dựng phần mềm, vận chuyển hệ thống game bài Rikvip/Tip.Club để tổ chức đánh bạc trực tuyến; giúp Phan Sào Nam quản lý một phần doanh thu từ hành vi tổ chức đánh bạc.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1982, ở quận Long Biên, Hà Nội) bị cáo buộc là người đã bán hóa đơn khống với doanh số hơn 25 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Huyền. (Ảnh chụp màn hình)
Ngoài hành vi bán hóa đơn nêu trên, trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2015, Huyền còn mua 14 tờ hóa đơn giá trị gia tăng khống của Lê Thị Lan Thanh với tổng doanh số hơn 57 tỷ đồng.
Toàn bộ số hóa đơn mua bán nêu trên, Huyền sử dụng làm chứng từ kê khai thuế đầu vào, đầu ra tại công ty AHHA. Hành vi của Nguyễn Thị Thanh Huyền bị VKS nhận định có đủ yếu tố cấu thành tội Mua bán trái phép hóa đơn, quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tiếp đó, bà Hoàng Thị Hà (SN 1980) là người giúp sức cho Phạm Quang Minh và Châu Nguyên Anh (hai bị cáo này giúp sức cho Nguyễn Văn Dương trong việc "Tổ chức đánh bạc" bằng game bài Rikvip) trong việc mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại Công ty VNPT EPAY.
Bị cáo Phan Thu Hương. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Để hợp thức những nguồn tiền khổng lồ, thu lợi bất chính từ việc đánh bạc, Phan Sào Nam đã nhờ dì ruột là Phan Thu Hương (SN 1961, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho chuyển tiền vào tài khoản để cất giữ. Hương đồng ý việc này.
Sau đó, Nam chỉ đạo cấp dưới lần lượt chuyển hơn 216 tỷ đồng vào tài khoản tiết kiệm của Phan Thu Hương. Ngoài ra, Hương còn nhận tiền từ nhiều nguồn khác của Phan Sào Nam chuyển vào tài khoản của mình. Tổng số tiền Hương nhận từ Phan Sào Nam là hơn 236 tỷ đồng.
TÙNG LÂM - PHẠM CHIỂU
Theo VTC
Đồng ý không công bố bản án ông Phan Văn Vĩnh: Chủ tọa phiên tòa giải thích Sáng 13/11, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương giải thích về việc đồng ý không công bố bản án ông Phan Văn Vĩnh trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng. Như báo chí đưa tin, sáng 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng...