Xét nghiệm kháng thể là gì, có ý nghĩa thế nào trong đại dịch Covid-19
Xét nghiệm kháng thể được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng giúp chấm dứt biện pháp giãn cách xã hội hiện nay do đại dịch Covid-19.
Khi đại dịch Covid-19 vẫn đang càn quét thế giới, cướp đi sinh mạng của gần 120.000 người, làm gần 2 triệu người bị mắc bệnh, khiến hơn một nửa dân số thế giới phải ở nhà thì nhiều người đã và đang đặt câu hỏi khi nào thì các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội mới chấm dứt. Các xét nghiệm kháng thể được cho có thể là câu trả lời.
Xét nghiệm kháng thể được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng giúp chấm dứt biện pháp giãn cách xã hội hiện nay do đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Xét nghiệm kháng thể hay còn được gọi là xét nghiệm huyết thanh học – khác với các xét nghiệm lấy sinh phẩm trong họng-mũi (thường gọi là xét nghiệm PCR), hay xét nghiệm kháng nguyên nhằm tìm kiếm sự hiện diện của virus gây bệnh trong cơ thể người, xét nghiệm kháng thể có mục tiêu xác nhận sự có mặt của các kháng thể, do hệ miễn dịch sản sinh ra để chống lại và loại trừ virus ra khỏi cơ thể.
Sự hiện diện của các kháng thể đồng nghĩa với việc một người mang virus và cơ thể đã sản sinh các kháng thể chống lại virus. Như vậy có nghĩa là người đó có ít khả năng miễn dịch – mặc dù các chuyên gia không chắc chắn khả năng miễn dịch có thể kéo dài bao lâu.
Các xét nghiệm kháng thể đối với SARS-CoV-2 đã sẵn sàng?
“Trong khoảng thời gian một tuần hoặc lâu hơn, chúng ta sẽ có số lượng lớn xét nghiệm kháng thể khả dụng”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng & Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia nói với CNN hồi cuối tuần trước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi thứ đã sẵn sàng
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) không phê duyệt bất kỳ xét nghiệm kháng thể nào đối với virus SARS-CoV-2, nhưng một xét nghiệm của Cellex Inc. đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Một số công ty khác cũng đã tạo ra phiên bản xét nghiệm riêng của họ theo chính sách mới của FDA được triển khai vào tháng trước, giúp các công ty dễ dàng sản xuất và phân phối các xét nghiệm kháng thể hơn.
Kể từ khi FDA ban hành chính sách này, hơn 70 nhà phát triển đã cho ra mắt các xét nghiệm kháng thể, cơ quan này cho biết hôm 7/4. Theo chính sách mới, các xét nghiệm có thể được sử dụng và phân phối một khi nhà sản xuất thông báo cho FDA rằng xét nghiệm đã được xác thực. Tuy nhiên, các công ty này lại không thể đưa ra tuyên bố rằng FDA đã xác nhận các xét nghiệm của họ.
Bản thân FDA cũng cảnh báo các xét nghiệm huyết thanh này “không nên được sử dụng làm cơ sở duy nhất để chẩn đoán hay loại trừ khả năng nhiễm SARS-CoV-2 hoặc để thông báo tình trạng nhiễm trùng”, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất báo cáo về những lo ngại có thể xảy ra đối với xét nghiệm.
Xét nghiệm kháng thể có chính xác không?
Scott Becker, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các phòng thí nghiệm y tế công cộng, đã mô tả nhiều xét nghiệm là “dở”. Hiệp hội của ông Becker đại diện cho 125 phòng thí nghiệm y tế công cộng của tiểu bang, hạt và thành phố tại Mỹ. Những phòng thí nghiệm đó, cùng với các phòng thí nghiệm tư nhân, sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các xét nghiệm.
Tuy nhiên, Becker cho biết các phòng thí nghiệm của ông sẽ không sử dụng các xét nghiệm trên thị trường vì họ lo ngại về kết quả không chính xác có thể khiến mọi người lầm tưởng rằng họ miễn dịch với SARS-CoV-2 rồi quay lại làm việc, ngừng giãn cách xã hội.
Video đang HOT
“Điều đó có thể khá nguy hiểm”, Becker nói.
Trợ lý Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Brett Giroir cho biết, việc kiểm tra độ chính xác của các xét nghiệm sẽ là ưu tiên, nhưng thừa nhận không phải tất cả các xét nghiệm đều khả dụng và đảm bảo chất lượng.
“Có một nỗ lực chung giữa FDA, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Viện Y tế Quốc gia (NIH) để xác nhận một số xét nghiệm kháng thể hiện có trên thị trường… Và chúng tôi có lý do để tin rằng không phải tất cả chúng đều hoạt động tốt. Chúng tôi sẽ rất cẩn trọng để đảm bảo rằng khi chúng tôi nói với bạn rằng bạn có khả năng miễn dịch với căn bệnh này… xét nghiệm thực sự nói lên điều đó”, ông Giroir nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tuần trước.
Bạn có biết nếu bạn đã tiếp xúc với SARS-CoV-2 không?
Bên cạnh việc chỉ ra mức độ miễn dịch, sự hiện diện của kháng thể Covid-19 có thể giúp xác định những người bị nhiễm bệnh nhưng không nhận ra họ đang mang bệnh. Nghiên cứu ban đầu cho thấy, một số lượng lớn người có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và nhóm này có thể đang lan truyền SARS-CoV-2 nhiều hơn so với suy đoán trước đây.
Viện Y tế quốc gia Mỹ đang tuyển dụng tới hơn 10.000 tình nguyện viên để tham gia vào một nghiên cứu xem liệu có bao nhiêu người Mỹ mắc Covid-19 mà không biết. “Những dữ liệu quan trọng này sẽ giúp chúng tôi đo lường tác động của các nỗ lực y tế công cộng hiện nay và định hướng những phản ứng của chúng tôi với Covid-19 trong thời gian tới”, Tiến sĩ Fauci nói.
Biết chính xác ai có kháng thể cũng có thể giúp ích cho việc điều trị các ca bệnh Covid-19. Thử nghiệm lâm sàng sử dụng huyết tương -lấy kháng thể từ người đã hồi phục khỏi Covid-19 và tiêm chúng vào người bệnh – hiện đang được tiến hành.
Miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 sẽ kéo dài bao lâu?
Những người có kháng thể Covid-19 có thể có khả năng miễn dịch chống lại căn bệnh này – nhưng không rõ phản ứng miễn dịch có thể mạnh đến mức nào hoặc trong bao lâu.
“Nếu chúng ta xem xét virus corona gây bệnh MERS, chúng ta sẽ thấy những người có phản ứng kháng thể trong 10 tháng, có thể một năm”, quan chức Chương trình Các sự kiện khẩn cấp về y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Maria van Kerkhove nói. “Đối với loại virus đặc biệt này [Covid-19], câu trả lời là chúng tôi chưa biết, nhưng những nghiên cứu sẽ được thực hiện.”
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Vanderbilt, cho biết: “Khả năng miễn dịch mà Covid-19 cung cấp có thể được coi là cung cấp sự bảo vệ bắc cầu cho đến khi chúng ta có vaccine hiệu quả. Ngay cả thế thì có được vaccine cũng phải mất hàng năm”.
Câu trả lời cũng có thể phụ thuộc vào đặc điểm của virus mà chúng ta vẫn chưa biết, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago Bala Hota cho biết: “Một số yếu tố là mức độ biến đổi mà chúng ta có thể thấy trong hồ sơ di truyền của các chủng virus corona mới… Vì virus này rất mới, chúng tôi chưa có dữ liệu”.
Làm thế nào xét nghiệm kháng thể giúp chấm dứt giãn cách xã hội?
Xác định ai có khả năng miễn dịch thông qua xét nghiệm kháng thể có thể giúp mọi người cảm thấy an toàn hơn khi trở lại cuộc sống bình thường và làm việc.
Thống đốc New York Andrew Cuomo – tiểu bang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh Covid-19 đang rất mong chờ các xét nghiệm kháng thể để “khởi động lại cuộc sống” ở bang này. New York đã phát triển chế độ xét nghiệm kháng thể của riêng mình — được Bộ y tế của chính phủ liên bang phê duyệt để sử dụng trong tiểu bang — và đang làm việc với FDA để mở rộng quy mô.
“Chúng ta không thể bắt đầu lại cuộc sống như chúng ta đã biết mà không cần đến các xét nghiệm”, ông Cuomo tweet.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA đã đưa ra một kế hoạch hành động về mở cửa trở lại đất nước và xét nghiệm kháng thể đóng một vai trò quan trọng trong đó.
Sáng kiến cho thấy các xét nghiệm sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng trở lại làm việc của mọi người, đặc biệt là trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên nó cũng chỉ ra nhiều điều chưa biết về các xét nghiệm kháng thể, chẳng hạn như: mức độ con người được bảo vệ trước virus hay độ chính xác của xét nghiệm đến đâu?./.
Hùng Cường (biên dịch)
Bạn có thể nghe thấy virus SARS-CoV-2: Và đây là bản nhạc du dương chết người của nó
Bản nhạc này cho thấy bản chất "lừa phỉnh" của virus, khi nó âm thầm xâm nhập, làm tổn thương chúng ta và giết chết hàng chục ngàn sinh mạng.
Có thể bạn đã thấy vô số hình ảnh của SARS-CoV-2, chủng virus corona mới đang phải chịu trách nhiệm cho hơn 70.000 ca tử vong và 1,2 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới. Nhưng nhìn thấy virus là một phần, các nhà khoa học bây giờ còn có thể giúp bạn nghe thấy chúng.
Bằng cách mã hóa từng axit amin trên gai protein virus SARS-CoV-2 thành các nốt nhạc có cao độ, trường âm và độ lớn khác nhau, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tạo ra được bản nhạc có tên: " Viral Counterpoint of the Coronavirus Spike Protein (2019-nCoV)".
Bản nhạc dài gần 2 tiếng đồng hồ được đăng tải trên tài khoản Sound Cloud của Markus J. Buehler, nhà khoa học vật liệu tại MIT. Trong khi bạn thưởng thức giai điệu thật du dương và dễ chịu này, Buehler cho biết sự du dương đó chính là một phần bản chất " lừa phỉnh" của virus, khi nó âm thầm xâm nhập, làm tổn thương chúng ta và giết chết hàng chục ngàn sinh mạng:
Trong bản nhạc mà bạn đang nghe có những tiếng chuông rung, tiếng dây đàn, tiếng sáo khi êm đềm, khi dồn dập. Tất cả đều thể hiện các khía cạnh khác nhau trong cấu trúc gai protein trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Gai protein chính là đặc điểm đặc trưng của virus corona. Nó nhô ra bên ngoài vỏ tế bào virus, tạo thành hình vương miện và khiến virus corona có được cái tên của chúng. Ở SARS-CoV-2, gai protein của virus này có những đột biến đặc biệt, khiến nó bám chắc vào tế bào người và lây nhiễm mạnh hơn các chủng virus corona khác bao gồm SARS và MERS.
Các gai của virus SARS-CoV-2 có cấu trúc ăn khớp với một thụ thể có tên là ACE2. Các thụ thể ACE2 tập trung rất nhiều trên bề mặt tế bào phổi. Do vậy, virus này thường xâm nhập phổi và gây ra bệnh viêm phổi cấp.
Ngoài tế bào phổi, thụ thế ACE2 cũng xuất hiện cả ở ruột, thận, tinh hoàn và tim. Mặc dù vậy, điều kỳ lạ là virus SARS-CoV-2 không tấn công tim của người bệnh.
Giống như tất cả các protein khác, gai của SARS-CoV-2 được tạo thành từ sự kết hợp của các axit amin. Sử dụng một tập hợp các thuật toán gọi là kỹ thuật sonization, các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Massachusetts đã gán cho mỗi axit amin này thành một nốt nhạc duy nhất trong thang cao độ, chuyển đổi toàn bộ protein gai của virus thành một bản nhạc.
" Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy các vật thể nhỏ ở kích thước nano như protein, hoặc các phân tử khác tạo thành hầu hết tất cả các vật chất sống bao gồm tế bào, mô, cũng như các mầm bệnh như virus, thuật toán của chúng tôi cho phép chúng ta có thể nghe thấy chúng. Tác phẩm này là một bản nhạc đại diện cho trình tự và cấu trúc axit amin của protein gai trên mầm bệnh COVID-19, 2019-nCoV", Buehler viết.
Trong đời thực, các axit amin tạo thành gai protein cho SARS-CoV-2 có xu hướng cuộn tròn thành một chuỗi xoắn hoặc kéo dài ra thành một dải dài. Các nhà nghiên cứu đã dùng thuật toán mô phỏng các đặc tính này thành trường độ và âm lượng của mỗi nốt nhạc. Các rung động phân tử do nhiệt gây ra cũng được mô phỏng thành một âm thanh riêng.
" Những gì bạn nghe thấy là âm nhạc được tạo ra từ những thuật toán nhiều lớp bao gồm cả phổ rung động của toàn bộ protein (thể hiện ở các yếu tố âm thanh và nhịp điệu), chuỗi và các nếp gấp axit amin cấu thành gai protein của virus, cũng như các giai điệu đan xen - tạo thành các phần đối âm - phản ánh phân cấp hình học phức tạp của protein", Buehler giải thích.
Trong đời thực, các axit amin tạo thành gai protein cho SARS-CoV-2 có xu hướng cuộn tròn thành một chuỗi xoắn hoặc kéo dài ra thành một dải dài.
Nhưng tại sao các nhà khoa học lại muốn biến virus thành âm nhạc? Nó không hẳn là một công việc mang tính giải trí. Các nhà khoa học tại MIT giải thích định dạng mới của virus có thể giúp họ tìm thấy các địa điểm trên gai protein của SARS-CoV-2, nơi mà một kháng thể hoặc thuốc có thể bám vào đó để chặn virus này xâm nhập tế bào.
Bản nhạc là một cách tiếp cận nhanh và trực quan hơn các phương pháp nghiên cứu protein thông thường, chẳng hạn như các mô hình hóa phân tử mà nhiều nhóm nghiên cứu khác đang thực hiện.
Họ nói thêm rằng, bằng cách so sánh trình tự âm nhạc của protein gai SARS-CoV-2 với một cơ sở dữ liệu lớn chứa các bản nhạc mô phỏng protein đã khác, một ngày nào đó, các nhà khoa học có thể tìm thấy một loại protein có thể bám vào gai SARS-CoV-2 để ngăn chặn virus này, đó chính là một vắc-xin cho COVID-19.
Tất nhiên, bản nhạc chính nó cũng mang tính giải trí. Các nhà khoa học cho biết họ đã chọn một bộ nhạc cụ bao gồm đàn, sáo mang âm hưởng Nhật Bản, để tạo ra những âm thanh dễ nghe, du dương và êm đềm.
" Nghệ thuật âm nhạc này dạy chúng ta điều gì đó về ranh giới giữa vẻ đẹp của sự sống và cái chết như những thái cực đối nghịch. Khi bạn nghe protein này, bạn sẽ thấy cấu trúc phức tạp của nó lại dẫn đến những âm thanh cực kỳ thú vị, dễ chịu và thư giãn", Buehler giải thích.
"Nó không thực sự truyền đạt sự chết chóc mà loại protein đặc biệt này đang gieo rắc trên toàn thế giới. Bản nhạc này cho thấy bản chất lừa phỉnh của virus, cách nó xâm nhập cơ thể chúng ta để tái tạo và làm tổn thương chúng ta trên đường đi của chúng. Vì vậy, âm nhạc là một phép ẩn dụ cho bản chất của virus, nó đang đánh lừa vật chủ và khai thác con người để được nhân lên".
ZKNIGHT
Mất bao lâu để tìm ra vaccine hiệu quả nhất chống Covid-19? Nhiều chuyên gia y tế cho rằng phải mất lâu hơn 18 tháng mới có thể tìm được vaccine chống Covid-19 hiệu quả. 18 tháng thoạt nghe có vẻ là quãng thời gian dài, nhưng đối với việc điều chế vaccine đó là 1 cái "chớp mắt", bởi trên thực tế phải mất nhiều năm ròng mới tìm ra loại vaccine hiệu quả...