Xét nghiệm đại trà – Giải pháp dập dịch thần tốc của Trung Quốc
Trong bối cảnh biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm siêu nhanh vẫn đang hoành hành dữ dội tại nhiều nơi trên thế giới, Trung Quốc đã nhiều lần dập dịch thành công chỉ trong khoảng từ 4-5 tuần các đợt lây nhiễm mới.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Thực tiễn chống dịch của Trung Quốc trong hơn một năm rưỡi qua cho thấy xét nghiệm đại trà liên tục nhiều lần là một trụ cột trong chiến lược ngăn chặn và kiểm soát “không khoan nhượng”, đã giúp Trung Quốc khống chế sự lây lan dịch bệnh rất hiệu quả.
Cùng với một loạt giải pháp chống dịch khác như đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID cho người dân, đạt tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ ít nhất 80% dân số gần 1,4 tỷ người, phong tỏa nghiêm ngặt trong phạm vi hẹp tại ổ dịch…, gần đây Trung Quốc đã áp dụng rộng rãi biện pháp xét nghiệm đại trà mỗi khi phát hiện ca nhiễm mới tại một địa phương. Giải pháp này đã nhanh chóng chứng tỏ hiệu quả khi việc xét nghiệm đại trà liên tục nhiều lần đã giúp nhanh chóng sàng lọc và bóc tách được hết F0 ra khỏi cộng đồng để khống chế lây nhiễm, qua đó giúp Trung Quốc kiểm soát các ổ dịch một cách thần tốc, nhanh chóng đưa địa phương trở lại cuộc sống bình thường.
Biện pháp xét nghiệm đại trà đã được Trung Quốc áp dụng nhiều lần từ năm ngoái, nhưng mới chỉ ở quy mô nhỏ trong một tỉnh thành. Việc triển khai xét nghiệm đại trà ở quy mô một thành phố được nước này áp dụng lần đầu tiên tại thành phố cảng Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông vào giữa tháng 10 năm ngoái, sau khi thành phố hơn 9 triệu dân này phát hiện 6 ca mắc COVID-19. Kể từ đó, biện pháp này đã được nhân rộng ra nhiều nơi ở Trung Quốc và chuyện một thành phố với hàng chục triệu dân đi xét nghiệm COVID-19 liên tục từ 6-12 lần chỉ trong vòng khoảng 3 tuần diễn ra phổ biến.
Trong đợt bùng phát dịch do biến thể Delta hồi giữa tháng 7 vừa qua, nhiều thành phố có dân số từ 4,5-12 triệu người đã tiến hành xét nghiệm đại trà toàn dân ít nhất 6 lần để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thủ phủ Nam Kinh của tỉnh miền Đông Giang Tô, nơi phát hiện ổ dịch xuất phát điểm của đợt lây nhiễm này, đã xét nghiệm axit nuclieic cho toàn bộ hơn 9,3 triệu dân ít nhất 6 lần. Dương Châu, một thành phố khác cũng ở tỉnh Giang Tô với quy mô dân số lên tới 17,6 triệu người, thậm chí còn tiến hành tới 12 đợt xét nghiệm cho toàn bộ người dân chỉ trong 3 tuần tính từ ngày 28/7. Tất cả những nơi này đều đã ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Đến cuối tháng 8, đợt dịch này đã cơ bản được khống chế tại hầu hết các địa phương.
Làm thế nào để Trung Quốc có thể tiến hành xét nghiệm đại trà rất nhanh và an toàn? Tốc độ và khoa học là hai yếu tố then chốt quyết định việc này.
Ngay từ hồi tháng 2 vừa qua, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã đặt ra một quy trình cụ thể cho việc xét nghiệm đại trà nhằm đối phó tốt hơn với khả năng đại dịch COVID-19 trỗi dậy do biến thể Delta. Theo quy trình này, giả sử việc xét nghiệm axit nucleic hàng loạt cần được thực hiện ở một thành phố với hơn 5 triệu dân thì công việc đó sẽ được hoàn thành trong vòng từ 3-5 ngày. Đối với các thành phố dưới 5 triệu dân, thời hạn hoàn thành xét nghiệm toàn dân là 2 ngày.
Tuy nhiên, mới đây, quy trình này đã được Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cập nhật theo hướng đẩy nhanh tốc độ xét nhiệm. Cụ thể, với một thành phố hơn 5 triệu dân, việc xét nghiệm axit nucleic sẽ được hoàn thành chỉ trong vòng 3 ngày, còn các thành phố dưới 5 triệu dân, thời hạn hoàn thành xét nghiệm toàn dân vẫn là 2 ngày. Cũng theo quy trình mới được cập nhật, khi cần thiết, các thành phố có dân số hơn 5 triệu người có thể đăng ký sự hỗ trợ quốc gia để hoàn thành xét nghiệm trong khung thời gian 3 ngày.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, việc cập nhật trên nhằm mục đích nâng cao hơn nữa khả năng của Trung Quốc trong việc tổ chức và tiến hành xét nghiệm axit nucleic đại trà, đồng thời cho thấy rằng nước này có thể đối phó hiệu quả với bất kỳ đợt tái bùng phát nào xảy ra do biến thể Delta.
Tùy theo tình hình dịch bệnh mà ngành y tế Trung Quốc tiến hành xét nghiệm theo mẫu gộp 6, gộp 10 hay lấy mẫu đơn nếu dịch diễn biến nghiêm trọng. Đơn cử như trong đợt dịch vừa qua, thành phố Vũ Hán (tâm dịch ở Trung Quốc hồi đầu năm ngoái) với dân số 12 triệu dân, ghi nhân hơn 10 ca nhiễm, thành phố này đã huy động 28.000 nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trong vòng chưa đến 5 ngày, và xét nghiệm toàn bộ dân số ít nhất 6 lần.
Để thực hiện xét nghiệm thần tốc như vậy, điều quan trọng là Trung Quốc đã sáng chế ra phòng xét nghiệm bơm hơi dã chiến Chim Ưng (Falcon), với khả năng cho kết quả tới 200.000 mẫu/ngày. Gần đây, tại các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tô, Hồ Bắc, chính quyền đã triển khai phòng thí nghiệm bơm hơi Chim Ưng, với thời gian xây dựng chỉ trong chưa đầy 3 ngày. Như vậy, nếu với mẫu gộp 6 thì mỗi ngày một phòng xét nghiệm Chim Ưng có thể xét nghiệm được 1,2 triệu người, còn với mẫu gộp 10, thì một phòng xét nghiệm này mỗi ngày có thể xét nghiệm được tới 2 triệu người, và chỉ cần 3 phòng xét nghiệm như vậy là đủ để xét nghiệm cho một thành phố có dân số 6 triệu người chỉ trong 1 ngày.
Việc đăng ký xét nghiệm đại trà cũng được tiến hành hết sức khoa học. Tại hầu hết các đô thị, nơi thường tập trung đông dân cư và chính quyền chỉ cho phép người dân sở hữu căn hộ chung cư, việc triển khai các giải pháp chống dịch được tiến hành khá bài bản và trật tự. Khi mỗi thành phố triển khai xét nghiệm đại trà toàn dân, ban quản lý các khu chung cư thông báo cho người dân đăng ký trên các nhóm nội khu bằng mã quét QR trên điện thoại di động thông minh, đăng ký theo từng khung giờ cho đến khi đạt đủ số lượng theo quy định của khung giờ đó. Các khu chung cư này gửi danh sách đăng ký điện tử lên các tiểu khu, sau đó danh sách xét nghiệm theo ngày giờ cụ thể được gửi trả lại qua điện thoại hoặc thiết bị kết nối mạng Internet để mỗi người tự đến điểm xét nghiệm theo giờ mà mình đã đăng ký. Theo cách làm này, người dân không phải chờ đợi, tập trung đông người. Tiếp đó, tại địa điểm xét nghiệm, trước khi vào khu vực lấy mẫu, mỗi người phải quét mã QR sức khỏe, đi ngang qua máy đo thân nhiệt, để giúp nhân viên y tế sàng lọc những người có lịch sử từng đi tới vùng dịch và những người có thân nhiệt cao bất thường, sớm phát hiện các ca nghi mắc COVID-19, từ đó hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm.
Với các địa bàn nông thôn, chính quyền thường đưa người dân tới tận địa điểm xét nghiệm hoặc đến tận nhà để lấy mẫu, nhưng quy trình kiểm dịch cũng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Dù là ở thành phố hay nông thông, các nhân viên y tế khi lấy mẫu xét nghiệm đều tuân thủ đầy đủ quy định phòng dịch như mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang y tế, kính chống giọt bắn, và đặc biệt là sau mỗi lần lấy mẫu cho một người đều sát khuẩn, khử trùng cả hai bàn tay đang đeo găng tay y tế để tránh làm lây nhiễm từ người này sang người khác trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm.
Nhờ nền tảng số hóa phát triển mạnh, dữ liệu công dân được Trung Quốc lưu trữ trên hệ thống quốc gia, nên hầu như các khâu đều diễn ra trên điện thoại di động thông minh hoặc các thiết bị có kết nối Internet mà không cần người dân phải đến tận nơi xét nghiệm để điền vào các biểu mẫu, giúp hạn chế tiếp xúc và lây lan. Nhìn chung, việc sắp xếp các khung giờ khác nhau giúp người dân tránh được tình trạng tập trung đông người khi đi xét nghiệm và mọi việc diễn ra rất nhanh chóng, 1 người chỉ mất thời gian chưa đầy 30′ cho một lần xét nghiệm. Điều này đã góp phần quan trọng giúp hạn chế lây nhiễm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trường học ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Về giá xét nghiệm, nhờ chủ động được việc sản xuất các bộ kit xét nghiệm mà giá xét nghiệm tại Trung Quốc tương đối rẻ so với nhiều nơi khác trên thế giới. Tại những bệnh viện và trung tâm y tế ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Bắc… giá 1 mẫu xét nghiệm đơn dao động từ khoảng 60-75 Nhân Dân tệ (khoảng 210.000-260.000 VNĐ/người, mẫu gộp 10 là 15 NDT (khoảng 53.000 VNĐ/người).
Với mức giá xét nghiệm rẻ như vậy cùng việc chủ động ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến trong nước, Trung Quốc càng kiên định với phương pháp xét nghiệm đại trà thần tốc. Theo các chuyên gia y tế nước này, việc xét nghiệm đại trà nhiều lần một cách thần tốc là giải pháp tốt nhất để hạn chế phong tỏa diện rộng và bóc tách triệt để các ca bệnh trong cộng đồng, qua đó giúp nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, đánh giá chính xác mức độ dịch bệnh để từ đó đưa ra những giải pháp kiểm soát và dập dịch phù hợp, giúp nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Có thể thấy, hiệu quả dập dịch nhanh chóng và phục hồi kinh tế sớm nhờ biện pháp xét nghiệm đại trà đã được chứng minh trong thực tế tại Trung Quốc qua nhiều đợt tái bùng phát dịch bệnh vừa qua. Biện pháp xét nghiệm đại trà giúp nhanh chóng đánh giá được tình hình dịch tễ, thần tốc kiểm soát dịch bệnh, nhờ đó hệ thống y tế sớm tránh được nguy cơ quá tải và giúp Trung Quốc hạn chế tổn thất kinh tế ở mức thấp nhất.
Bé 4 tuổi một mình đi điều trị Covid-19
Cậu bé 4 tuổi, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trong đợt bùng phát Covid-19 ở Phúc Kiến, một mình kéo vali đến bệnh viện điều trị.
Chu Hà Thanh, y tá bệnh viện trực thuộc Đại học Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến hôm 14/9 đăng trên mạng xã hội video cho thấy bé trai mặc đồ bảo hộ màu trắng kín mít, quá khổ, kéo theo chiếc vali cao gần bằng bé và đến bệnh viện trong đêm. Đây là người nhiễm nhỏ tuổi nhất trong đợt bùng phát hiện nay ở tỉnh Phúc Kiến.
Bé trai 4 tuổi một mình đi điều trị Covid-19 tại bệnh viện thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hôm 14/9. Video: .
Chu cho biết cô rất đau lòng khi thấy cậu bé vào bệnh viện mà không có người lớn đi kèm. "Cháu rất dũng cảm, chúc cháu chóng bình phục!", Chu đăng chú thích trên video.
Video thứ hai cho thấy bé được dẫn đến phòng xét nghiệm và được các y tá dẫn đi chụp CT. Cậu bé ngoan ngoãn và kiên nhẫn duy trì khoảng cách thích hợp.
Theo Chu, nhiều trẻ em đã có kết quả xét nghiệm dương tính và phải thực hiện các xét nghiệm mà không có bố mẹ đi kèm. Để giúp các em giảm tâm lý sợ hãi, khu điều trị trong bệnh viện bài trí các nhân vật hoạt hình và chuẩn bị nhiều sách, truyện.
Đợt bùng phát liên quan biến chủng Delta ở tỉnh Phúc Kiến đã ghi nhận 186 ca nhiễm trong một tuần. Thành phố Phủ Điền ghi nhận 85 ca, gồm 28 học sinh tiểu học và 8 trẻ mầm non với bệnh nhân nhỏ nhất mới 4 tuổi. Các em buộc phải tạm xa cha mẹ và một mình vào khu cách ly, điều trị trong bệnh viện.
Ổ dịch mới gây hoài nghi chiến lược 'không Covid' Trung Quốc Người đàn ông hoàn thành 21 ngày cách ly sau khi trở về Trung Quốc có thể gây đợt bùng phát mới, đặt câu hỏi về chiến lược "không Covid". Đợt bùng phát mới ở tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc đã khiến 64 người nhiễm nCoV, gồm 15 học sinh tiểu học. Ổ dịch mới được ghi nhận vài tuần sau...