Xem xét “trường hợp đặc biệt” đặt ra từ nhu cầu phát triển
“Đây là những vị trí đòi hỏi phải có sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, chu đáo, đảm bảo sự ổn định, yêu cầu phát triển, tính kế thừa, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, nhất là những vị trí then chốt, những lĩnh vực đặc biệt”.
Theo thông lệ, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Trung ương sẽ xem xét một số vấn đề còn lại, trong đó có công tác nhân sự để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng. Cũng như một số nhiệm kỳ trước đây, Hội nghị sẽ xem xét và cho ý kiến về “trường hợp đặc biệt” là các đồng chí tham gia lần đầu, các đồng chí Ủy viên Trung ương quá tuổi theo quy định, tái cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.
Ông Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương (Ảnh: Thi Uyên)
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, đây là công việc bình thường trong hoạt động của Đảng cầm quyền, đảm bảo cho Đảng ta có đủ sức mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cho đến nay, mọi công việc đã được chuẩn bị hết sức công phu, kỹ lưỡng, từ các văn kiện Đảng, cũng như công tác nhân sự của Đảng trong một giai đoạn tiếp theo.
Vì sao cần có “trường hợp đặc biệt”?
Vì sao Đảng lại cần có “trường hợp đặc biệt”, tham gia lần đầu hoặc tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị? Có phải vì chúng ta thiếu cán bộ hay vì lý do nào khác?
Theo ông Phạm Văn Linh, đây là công việc bình thường trong hoạt động của một đảng cầm quyền, dựa trên nhiều quy định đối với công tác nhân sự của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cũng như những quy định về công tác quy hoạch cán bộ chuẩn bị tham gia cấp ủy các cấp. Ông Phạm Văn Linh cũng nêu rõ, công việc này nhằm thực hiện mục tiêu làm sao để Đảng ta có được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhiệm kỳ mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng cả về phẩm chất lẫn năng lực, cũng như đòi hỏi mới của sự phát triển đất nước.
“Việc chúng ta xem xét trường hợp đặc biệt, ở một số vị trí cụ thể, trường hợp cụ thể trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, hoặc mới tham gia lần đầu vào Ban Chấp hành Trung ương trong điều kiện hiện nay, được đặt ra từ yêu cầu phát triển đất nước, từ nhu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Những vị trí, trường hợp đặc biệt này, đã có sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, chu đáo, xem xét trên nhiều khía cạnh, đảm bảo sự ổn định, yêu cầu phát triển, tính kế thừa, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, nhất là những vị trí then chốt, những lĩnh vực đặc biệt”.
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh như vậy, đồng thời cho biết, thực tiễn công tác cán bộ, cũng có những vị trí, những trường hợp cụ thể, không chỉ xem xét, cân nhắc theo những quy định thông thường, đó là trường hợp đặc biệt. Ở đây cũng không đặt vấn đề vì thiếu cán bộ hoặc lý do nào khác, tất cả cũng vì sự lớn mạnh của Đảng, đảm bảo cho Đảng ta thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển trong giai đoạn mới.
Video đang HOT
“Việc xem xét trường hợp đặc biệt không đặt vấn đề vì thiếu cán bộ hoặc lý do nào khác, tất cả cũng vì sự lớn mạnh của Đảng, đảm bảo cho Đảng ta thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển trong giai đoạn mới”.(Ảnh: Thi Uyên)
Những trường hợp được xếp vào diện “đặc biệt”
Theo ông Phạm Văn Linh, đối với công tác cán bộ, chúng ta đã có những quy định rất chặt chẽ trong hệ thống các văn bản của Đảng, từ điều lệ Đảng, cho đến các quy định khác của Đảng về vấn đề này. Những trường hợp đặc biệt có thể là những nhân sự đã tham gia một vài khóa mà tái cử trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, hoặc tham gia Ban Chấp hành Trung ương lần đầu.
Theo quy định của Trung ương đối với các trường hợp đặc biệt, Ủy viên Trung ương tái cử nhìn chung không quá 60, thì “trường hợp đặc biệt” là quá 60 vẫn có thể giới thiệu để bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Tương tự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là không quá 65, còn quá 65 là “trường hợp đặc biệt”.
Kỳ vọng gì ở những “trường hợp đặc biệt”?
Bày tỏ sự kỳ vọng vào những “trường hợp đặc biệt”, ở vị trí của một đảng viên, ông Phạm Văn Linh cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng ở sự sáng suốt, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi cân nhắc những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vấn đề xem xét “trường hợp đặc biệt”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lợi ích của đất nước, yêu cầu phát triển đất nước luôn được đặt lên mục tiêu hàng đầu. Cho nên việc cân nhắc, xem xét các “trường hợp đặc biệt” cũng xuất phát từ yêu cầu đảm bảo cho sự phát triển của đất nước, ổn định liên tục và đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.
“Bởi vậy, khi Trung ương đã bỏ phiếu, tán thành những trường hợp được coi là đặc biệt, cũng có nghĩa thể hiện sự đánh giá có trách nhiệm, sự xem xét kỹ lưỡng của Đảng khi quyết định một vị trí nào đó, một cá nhân nào đó là trường hợp đặc biệt”.
Ông Phạm Văn Linh nhấn mạnh như vậy và cho rằng, nhiệm kỳ tới đây chúng ta thấy, sẽ có những điều kiện mà trước đây chưa có được. Trước hết, thời điểm Đại hội XIII cũng là thời điểm đất nước đã trải qua chặng đường 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 91, rồi chúng ta triển khai hàng loạt chiến lược, trong đó có chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, đặc biệt chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2045 – 100 năm thành lập nước.
Như vậy có thể thấy, yêu cầu mới của đất nước là hết sức to lớn, là một giai đoạn đòi hỏi chúng ta tiếp tục sự phát triển của cả chặng đường trước đây, phấn đấu để đến năm 2030, với mục tiêu nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Quan trọng là làm sao tiếp tục giữ được sự ổn định của đất nước, trong điều kiện cạnh tranh rất khốc liệt, tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ mới, cũng như nhiều yếu tố bất định, khó lường khác. Vì vậy bộ máy lãnh đạo mới, những đồng chí giữ trọng trách phải đáp ứng được những yêu cầu mới, cao hơn, trách nhiệm lớn hơn.
“Với những nhân sự được Trung ương chấp nhận, cũng có nghĩa là đặt lên vai họ những trách nhiệm rất lớn, làm sao phải tiếp tục phát huy được những thành quả của những chặng đường, giai đoạn đã qua, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhất là những mục tiêu đã đặt ra”, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh./.
Nhân sự Đại hội XIII và vấn đề tính đại diện
Bất cứ ai tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất, đủ đức, tài đều được giới thiệu để Đại hội XIII của Đảng bầu chọn.
Khi Hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) đang đến gần để quyết định phương án nhân sự bốn chức danh chủ chốt cho nhiệm kỳ năm năm của Đại hội XIII thì khắp nơi lại râm ran bàn luận chuyện Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được "cơ cấu" mang tính vùng miền, thể hiện tính đại diện như thế nào.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 14 (khóa XII). Ảnh: VGP
Hiểu thế nào về tính đại diện?
Toàn dân "làm nhân sự" thật ra không có gì lạ. Bởi chuyện nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao là mối quan tâm của toàn xã hội. Chỉ có điều, những thảo luận không chính thức chỉ dựa vào tin đồn, khó phản ánh một cách chính xác, đầy đủ bản chất tính đại biểu (ĐB), tính đại diện của Đảng vốn đã được ghi rõ trong Điều lệ của Đảng và cả Hiến pháp của Nhà nước.
Đảng hiện có 5,2 triệu thành viên (số liệu cuối năm 2019), được tổ chức chặt chẽ mà chi bộ là tế bào nhỏ nhất, tới từng thôn, ấp, từng cơ quan, đơn vị, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đô thị tới nông thôn, biên giới, hải đảo. Là lực lượng chính trị duy nhất cầm quyền, đồng hành cùng bước đi của đất nước; gắn bó, gần gũi với hơn 90 triệu đồng bào, đương nhiên Đảng vươn lên tính đại diện cao, hiện thực hóa cam kết "... đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam (VN), ĐB trung thành lợi ích của... nhân dân lao động và của cả dân tộc".
Các chi bộ đảng ấy lại được tổ chức theo hệ thống đảng bộ các cấp. Đến mùa đại hội, đảng bộ từ cơ sở bầu ra cấp ủy khóa mới, đồng thời bầu ĐB dự đại hội cấp trên, mà cao nhất là đại hội của 67 đảng bộ trực thuộc trung ương. Để rồi từ đó, như lần này, 1.381 ĐB đã được bầu ra, cùng 194 ĐB đương nhiên, 15 ĐB do chỉ định, tiến hành Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được ấn định khai mạc vào ngày 25-1 tới.
Trong 67 đoàn ĐB ấy có tới 63 là đại diện cho các tỉnh, thành trên cả nước. Bốn đoàn còn lại thuộc bốn đảng bộ mang tính chất ngành, gồm Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương. Trong đó, đoàn ĐB quân đội vẫn ít nhiều tính địa phương khi gồm ĐB từ các tổ chức đảng trong quân đội, vốn đóng quân, rải khắp mọi miền Tổ quốc.
Với cơ cấu ĐB ấy, hẳn nhiên Đại hội toàn quốc - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng có tính đại diện rất cao về tính địa phương, tất nhiên bao gồm cả tính vùng miền. Và Ban chấp hành Trung ương tới đây được bầu ra để cơ cấu vào các vị trí trọng trách ở 67 đảng bộ ắt kế thừa tính đại diện đó.
Bầu chọn người tiêu biểu, xứng đáng
Trở lại câu chuyện nhân sự đại hội, những đồn đoán, phân tích về cơ cấu vùng miền của công tác nhân sự đã xuất hiện từ rất sớm. Chẳng hạn từ tháng 10-2018, khi Hội nghị Trung ương 8 quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII và một tháng sau, Bộ Chính trị ban hành kế hoạch xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2016.
Các thảo luận, đồn đoán về những "nhân tố" được cho là đại diện Bắc, Trung, Nam trong Bộ Chính trị tương lai, thậm chí trong "tứ trụ" càng trở nên sôi nổi khi Hội nghị Trung ương 14 giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, và tới đây là nhân sự bốn chức danh chủ chốt ở Hội nghị Trung ương 15.
Nhưng cũng tương tự như ĐB Quốc hội "là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước" (Hiến pháp), ĐB ở Đại hội ĐB toàn quốc của Đảng không chỉ đại diện cho đảng bộ nơi bầu ra mình mà còn đại diện cho đảng viên cả nước tại cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Điều lệ Đảng quy định rõ: "Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội ĐB toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội ĐB hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là Ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy)".
Theo cách ấy, Bộ Chính trị ở trung ương hay Ban Thường vụ ở cấp ủy địa phương dù được điều lệ trao quyền "lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết" của đại hội cấp mình thì vẫn không hề được định danh "cơ quan lãnh đạo".
Cũng vì vậy, dùng cơ cấu để đáp ứng yêu cầu đại diện mang tính địa phương chỉ được đặt ra với nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc và nhân sự cấp ủy các cấp cùng Ban chấp hành Trung ương, chứ không phải là một đòi hỏi, yêu cầu nào đó mang tính bắt buộc, cho dù ở Bộ Chính trị, Ban bí thư hay "tứ trụ".
Trên hết, các nhân sự trung ương ấy phải đáp ứng khung tiêu chuẩn chức danh mà Bộ Chính trị đã công khai ở Quy định 214-QĐ/TW và những yêu cầu cụ thể sát tình hình thực tế đã được thống nhất trong Kết luận số 75-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương (Hội nghị Trung ương 12) về Phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cũng như Phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII đã được báo cáo ở Hội nghị Trung ương 14.
VN, dải đất dài và hẹp, trải qua lịch sử phát triển là quốc gia của 53 dân tộc, mà mỗi vùng đất đều có nét văn hóa đặc sắc. Đa dạng vậy nhưng "Nước VN là một, dân tộc VN là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi" (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Đã qua rồi thời thực dân chia để trị. Qua rồi thời đế quốc, thế lực ngoại bang vạch vĩ tuyến phân định Bắc - Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, đi lại, giao lưu văn hóa vùng miền, Internet đã xóa nhòa nhiều khoảng cách địa lý, kể cả làm mềm đi biên giới quốc gia, lãnh thổ.
Giờ đây, bất cứ ai tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất, đủ đức và tài tiếp nối những thành quả mà Đảng, Tổ quốc đã đạt được năm năm qua, dẫn dắt dân tộc đi lên trong khát vọng của giai đoạn phát triển mới của năm, 10 năm tới thì đều xứng đáng được giới thiệu để Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản VN bầu chọn.
Phải thanh tra theo hướng trọng tâm, hiệu quả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không thanh tra chồng chéo để tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành thanh tra vào chiều 12-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã rất quan tâm đến xây dựng thể chế pháp...