Xem ‘Lấy danh nghĩa người nhà’, rút ra ba bài học chân thực về cuộc sống
Sau 28 ngày phát sóng với 40 tập phim, Lấy danh nghĩa người nhà đã mang tới cho khán giả những giây phút vừa hài hước, vừa ngọt ngào nhưng cũng lắm bi thương qua việc khắc họa một gia đình kỳ lạ.
Gia đình đó bao gồm hai người bố: Lăng Hòa Bình và Lý Hải Triều, cùng ba người con không chung huyết thống: anh cả Lăng Tiêu ( Tống Uy Long), anh bé Hạ Tử Thu ( Trương Tân Thành), em út Lý Tiêm Tiêm (Đàm Tùng Vận).
Không chỉ mang đến những câu chuyện lớn như kết nối người lạ thành gia đình bằng tình thương, mang danh cha mẹ ruột để trói buộc con cái, tác phẩm nổi bật nhất mùa hè năm 2020 còn mang đến ba bài học chân thực về cuộc sống.
Trẻ con cũng biết để bụng
‘ Mẹ không kết hôn với chú Lý nữa ư?’, Hạ Tử Thu đã hỏi Hạ Mai như vậy trước khi bà bỏ cậu lại. Hạ Tử Thu rất thích chú Lý, chẳng những chú hiền hậu, dịu dàng, lại có cô con út Lý Tiêm Tiêm đáng yêu. Nhưng trái với mong chờ của Tử Thu, Hạ Mai không kết hôn với chú Lý, còn lừa cả tiền của người đàn ông nhân từ ấy.
Song, Hạ Tử Thu vẫn lớn lên dưới sự nuôi nấng của chủ quán mỳ Hải Triều. Chú Lý, giờ đã là bố Lý, nhận Tử Thu về nuôi mà chẳng mảy may chút động cơ hay vụ lợi nào, ngoài việc muốn để cậu được sống một cuộc sống tốt hơn.
Việc Hạ Tử Thu chuyển về nhà họ Lý ngay lập tức trở thành tin tức ‘hot’ nhất của các cô, các bà hay chuyện. Chẳng những đến quán ăn mì, hàng xóm – những người với tâm tưởng ‘trẻ con không biết gì’ trêu Tử Thu rằng nếu không làm việc tốt, bố Lý sẽ trả cậu bé về quê.
Không riêng xóm giềng, cả gia đình nhà ngoại Tử Thu cũng cố gắng ‘nhét’ vào đầu cậu những điều tương tự và hơn cả tương tự. Họ luôn luôn nhắc anh bé phải hiếu thảo, nghe lời bố, phải biết làm việc nhà, đừng so bì với Lăng Tiêu vì Lăng Tiêu có bố ruột, còn cậu không có ai cả, bố Lý chẳng có nghĩa vụ phải cho cậu ăn học tới nơi tới chốn.
Từ câu bông đùa, dạy dỗ, dần dần, những ‘bị trả về’, ‘bị bỏ rơi’, ‘không có ai cả’ dần trở thành nỗi sợ ám ảnh Tử Thu suốt nhiều năm, biến một đứa trẻ vô tư thành cậu trai luôn sợ người thân cho mình ‘ra rìa’.
Ban ngày Hạ Tử Thu đi học, buổi tối phụ dọn quán, nửa đêm giặt quần áo. Vì gánh nặng chi phí học tập, anh bé theo bố ruột ra nước ngoài nhưng luôn sợ bố Lý giận. Bị bạn ‘bơm đểu’, Tử Thu muốn làm bạn trai của Tiêm Tiêm bởi một phần cậu cho rằng đàn ông bên ngoài ai cũng xấu xa, phần còn lại là muốn hoàn toàn trở thành thành viên của nhà họ Lý.
Thậm chí, khi biết Lăng Tiêu và Tiêm Tiêm yêu nhau, điều đầu tiên bật ra trong đầu Tử Thu không phải là: ‘Vì sao hai người giấu tôi’, mà là: ‘Vì sao ai cũng muốn bỏ rơi tôi?’. Nỗi sợ hãi ấy như tảng đá đè ‘chết’ cả hận thù trong lòng Hạ Tử Thu, cậu không ghét bỏ những vị thân sinh rời mình mà đi, cậu chỉ thắc mắc tại sao họ lại làm như vậy, tại sao ai cũng muốn ruồng rẫy cậu.
Bề ngoài hay nói, hay cười, lại còn là định nghĩa sống về ‘thẳng nam’ không hiểu tình yêu, nhưng nội tâm Hạ Tử Thu nhạy cảm, hướng về người nhà hơn ai hết. Được Minh Nguyệt tặng quà sinh nhật, cậu chẳng phấn khởi hay vui mừng. Nhưng cũng là người đấy, lại ‘làm nũng’ đòi Lăng Tiêu và Tiêm Tiêm cho mình ăn khoai lang, uống bia lúc gặp tai nạn, ‘tí tửng’ cả ngày khi mẹ đến đón mình trong một đêm mưa. Cậu biết từ nay về sau, mình không còn là kẻ bị vứt đi, đã danh chính ngôn thuận trở thành trưởng nam nhà họ Lý.
Phải mất thật nhiều năm và dùng rất nhiều yêu thương bù đắp, nỗi sợ trong Tử Thu mới dần dần biến mất. Đôi khi, chính sự vô tâm, hoặc quá để tâm của người lớn đã lặng thầm lấy mạng một phần tâm hồn của đứa trẻ, khiến chúng trở thành ‘con tin’ của nỗi cô đơn, sợ hãi.
Hóa ra, trẻ con ngoan quá cũng chẳng phải tốt
‘ Bố Lý yên tâm, con sẽ để ý hai em’, Lăng Tiêu đã ‘cam kết’ như vậy với bố Lý vào ngày Tiêm Tiêm lên cấp ba. Hạ Tử Thu hiểu chuyện, song, bản tính chiều chuộng Lý Tiêm Tiêm hết nấc khiến cậu rơi vào tình trạng biết sai nhưng vẫn làm, trở thành đồng phạm cùng cô út. Còn Lăng Tiêu thì khác, anh hiểu chuyện theo ‘chuẩn’ con nhà người ta: đẹp trai, học giỏi, kiệm lời, kỷ luật, ‘quậy phá’ không xuất hiện trong từ điển của anh.
Tính cách trẻ con tạo nên từ hoàn cảnh, và Lăng Tiêu chính là ví dụ điển hình của khái niệm này. Bố Lăng bận rộn, Trần Đình mắc một vài hội chứng tâm lý sau sinh, Lăng Tiêu ‘quản lý’ và chăm sóc Vân Vân vì anh là ‘người lớn’ duy nhất trong mắt cô bé. Vân Vân qua đời, anh phải tìm cách ‘chống chọi’ với người mẹ ‘ít’ bình thường, thường xuyên bị bạo hành tinh thần, phải chứng kiến những trận cãi vã không hồi kết, thậm chí là ‘động thủ’ đến từ nhị vị thân sinh.
Bố không có nhà, mẹ thường mắng nhiếc hoặc bỏ mặc anh, Lăng Tiêu chỉ yên lặng, gần như không biết làm thế nào để biểu đạt như cầu, suy nghĩ, ngoài cách ‘tự thân vận động’. Nếu đói, anh tự nấu mì gói, hoặc ngồi ở cầu thang chờ ‘ăn chực’. Nếu chán nản vì bố mẹ lại cãi nhau, anh bỏ ra cầu thang đọc sách. Nếu bị mẹ đánh và thấy sợ hãi, anh sẽ giương mắt lên nhìn, không có bất cứ hành động phản kháng nào. Mẹ bỏ đi rồi, anh chỉ đứng trông theo.
Ở các nước phương Đông, trẻ em ‘ngoan ngoãn’ (tạm) được đánh giá theo tiêu chí: lễ phép, không nghịch ngợm, không cãi lời, ít ‘cử động’, biết đỡ đần việc nhà. Vừa hay, Lăng Tiêu đạt đủ những điểm trên, anh trở thành trẻ ngoan như một lẽ đương nhiên. Không ai phát hiện ra phát hiện ra Lăng Tiêu đang cố gắng ‘thích nghi’ với cái mác trẻ ngoan trên bằng cách chịu đựng.
Sự ‘thích’ quản lý và chịu đựng này lớn dần theo Lăng Tiêu, tạo cho anh một vỏ bọc cô độc, lãnh đạm. Anh thường nhắc nhở Hạ Tử Thu – Lý Tiêm Tiêm, thu dọn ‘hậu trường’ nghịch ngợm của hai đứa em, gần như không có bạn bè, âm thầm lên kế hoạch trước khi làm bất cứ việc gì, giống vị ‘Đại Tiên’ chẳng vướng bụi trần. Nhưng sâu trong tâm hồn, Lăng Tiêu luôn bị cái chết của em gái ruột dày vò, anh không thể ngủ được nếu có ai đó nhắc đến mẹ hoặc phải gặp mẹ.
Đỉnh điểm của ‘thói quen’ chịu đựng này là căn bệnh mất ngủ, rối loạn lo âu mà Lăng Tiêu mắc phải. Trong suốt chín năm ở Singapore chăm sóc cho mẹ bị tai nạn và em gái, anh vừa phải nghe những hỉ nộ vô thường của bà, nhìn thấy bà cố gắng tự tử nhiều lần, vừa phải tỏ ra mình vẫn ổn mỗi khi liên lạc về nhà. Lăng Tiêu hoàn toàn không có chỗ nào để giãi bày, không còn sức lực thiết lập một mối quan hệ xã hội mới.
Như Tiêm Tiêm từng nói, khi ở xa nhìn ngắm, Lăng Tiêu như đứng giữa hào quang rực rỡ, nhưng lại gần rồi mới biết, cả người anh chỉ toàn thương tích. Hóa ra, trẻ ngoan như Lăng Tiêu cũng chưa chắc đã phải điều gì đó quá tốt đẹp.
Hãy giành nhiều thời gian cho gia đình nhất có thể
‘ Tuyệt đối đừng cưới người như bố Lăng’ là điều mà Tiêm Tiêm từng khuyên Minh Nguyệt khi hai người còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Lăng Hòa Bình là công an tốt ở đồn, nhưng là người cha khá tệ ở nhà. Trong 40 tập phim, cảnh bố Lăng xuất hiện nhiều nhất là cảnh ăn cơm hoặc nhặt đậu, nói chuyện bố Lý, còn lại gần như chẳng thấy tăm hơi. Hoặc hiểu một cách đơn giản, bố Lăng thuộc tuýp: ‘ Việc nhà thì nhác, việc đằng cô đằng bác thì siêng’.
Hình ảnh bố Lăng là hình ảnh của rất, rất nhiều những người đàn ông trong gia đình: họ tất bật đi làm, hết tháng thì đưa tiền lương cho vợ, rồi lại đi làm tiếp. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, thời gian của ông bị công việc chiếm giữ, từ trực ban, bắt tội phạm, công tác dài ngày, không ‘mâm’ nào không có mặt bố Lăng.
Vì quá nhiệt huyết và tận tâm với công việc, lại ỷ có bố Lý ở nhà, một tay thu vén chuyện cơm nước, con cái, nên bữa cơm tất niên ông chỉ ăn được một nửa, cũng chẳng hay biết việc Lăng Tiêu bị mất ngủ từ ngày còn học cấp ba, mẹ vợ cũ và con riêng của vợ đến nhà thì sẵn bố Lý tiếp giùm. Ông không biết các còn thích gì, muốn gì, nên thường cho tiền vào dịp sinh nhật để ba anh em ‘tự xử’.
Chính bởi sự ‘nhác việc nhà’, có phần cả nể nhà ngoại của Lăng Tiêu đã nhiều lần đẩy anh cả vào thế ấm ức. Trong suy nghĩ của ông, anh cả ‘da thịt mỏng’ và nhạy cảm quá mức với nhà ngoại. Bà ngoại mất, ông để anh về quê quỳ đủ bảy ngày, còn cháu nội chịu tang đến ngày thứ ba đã ‘tót’ đi, chuyện này chỉ được tiết lộ khi ông gọi điện mắng anh trai Trần Đình.
Tất cả những gì bố Lăng làm năm ấy chỉ là trách mắng từ nhà ngoại đến bố Lý, rồi Lăng Tiêu, ông cũng chưa một lần thực sự ngăn cản, hay tỏ thái độ kiên quyết, hoặc nghĩ biện pháp để giải quyết vấn đề giúp Trần Đình, để Lăng Tiêu không phải đi Singapore. Chín năm ròng Lăng Tiêu không thể về nước, ông cũng chẳng sang thăm anh lấy một lần.
Cho đến một ngày, khi đã có tuổi, khối lượng công việc giảm dần, con trai ruột ở nơi xứ người, bố Lăng mới bắt đầu nhận ra khoảng cách giữa mình và Lăng Tiêu. Đó chẳng phải khoảng cách địa lý, mà là cách biệt trong quan hệ. Bố Lăng quên mất từ khi nào, Lăng Tiêu đã không còn là đứa trẻ sống dưới quyền giám hộ của ông, tự tìm công việc, tự gánh vác cuộc sống của bản thân.
Nếu trước đây, bố Lăng cho việc anh cả nói chuyện nhiều với bố Lý hơn là lẽ thường, thì bây giờ sự ‘thường tình’ ấy lại trở thành dấu hỏi lớn. Ông bất lực trước việc thể hiện tình cảm với Lăng Tiêu, buồn vì anh vừa về nước đã dọn ra ngoài ở, lại còn chẳng để ông chuyển giúp đồ. Chuyện anh yêu Lý Tiêm Tiêm, người biết là bố Lý chứ không phải ông. ‘Cay đắng’ hơn hết là khi ông biết con trai mình giấu bệnh suốt nhiều năm, không trò chuyện hay tâm sự cùng ai.
Rốt cuộc, sau 27 năm làm bố, Lăng Hòa Bình chỉ có thể nói được với con trai một câu hối hận: ‘ Bố làm một ông bố vô dụng. Con có chuyện, không nói với bố, trong lòng bố sốt ruột. Nhưng con nói rồi, bố lại chẳng giúp được con’.
Giá như trước đây, nếu ông dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, biết đâu Lăng Tiêu không phải chịu thiệt thòi. Nếu ông chịu khó trò chuyện và để tâm đến con trai hơn, có thể Lăng Tiêu đã không phải tự mình ‘vật lộn’ suốt nhiều năm.
Bố Lăng biết, Lăng Tiêu chưa bao giờ trách ông, nhưng ông không thể không dằn vặt. Sự hối hận muộn màng của bố Lăng chỉ có thể bù đắp bằng cách nhắn tin động viên Lăng Tiêu, đưa anh đi chữa bệnh, tìm Trần Đình nói chuyện, mong bà buông tha cho con trai. Chỉ vậy thôi, nhưng với Lăng Tiêu, đó là món quà hạnh phúc nhất, bởi sau gần ba mươi năm, anh mới được ‘nếm’ vị quan tâm từ bố ruột.
Bố Lăng đưa Lăng Tiêu đi khám bệnh
Lấy danh nghĩa người nhà xoay quanh câu chuyện trưởng thành của ba anh em khác cha, khác mẹ: Lăng Tiêu, Hạ Tử Thu, Lý Tiêm Tiêm. Tuy không chung một họ, nhưng cả ba người ‘ăn chung một nồi cơm’, cùng nhau lớn lên, tình cảm vô cùng khăng khít, cho đến một ngày, biến cố xảy ra khiến cả ba phải xa nhau suốt nhiều năm.
Hiện tại, phim đang phát sóng trọn bộ trên Keeng Movies.
Tống Uy Long và loạt 'thính' thơm trong 'Lấy danh nghĩa người nhà': Nghe câu nào là mềm tim câu đó!
Qua 40 tập phát sóng, người hâm mộ không chỉ được thưởng thức những khoảnh khắc vừa hài hước, vừa bi thương trong Lấy danh nghĩa người nhà, mà còn 'dắt túi' hàng loạt những câu 'thả thính' hết sức điêu luyện tới từ 'vị trí' anh cả Lăng Tiêu.
Về nước được một thời gian, gia đình Lăng - Lý phát hiện ra Lăng Tiêu mắc chứng mất ngủ kéo dài. Để giúp Lăng Tiêu cải thiện bệnh tình, cô rủ anh chạy bộ và giải thích tại sao vận động lại giúp anh ngủ ngon hơn. Và Lăng 'Tranh Thủ' nhân cơ hội này để bày tỏ với Tiêm Tiêm.
'Em là tâm dược của anh'
Không chiều chuộng Tiêm Tiêm 'vô pháp vô thiên' như Hạ Tử Thu (Trương Tân Thành), nhưng cũng có đôi lần, Lăng Tiêu mua bánh ngọt cho nàng út. Anh vô tình gặp cô đang ngồi trong quán ăn bánh xả stress vì bị Đường Xán 'nói xấu'. Hai người cùng trò chuyện về cuộc sống sau này, và ngay lập tức, Lăng Tiêu giăng 'bẫy' Tiêm Tiêm.
'Anh hy vọng người nhà sống hạnh phúc, không bệnh tật. Còn nữa, sau khi kết hôn với ai đó, sinh hai đứa con. Em muốn sinh mấy đứa?'
Tuy từng có nhiều câu 'thả mồi' khó đỡ và cũng khó có thể phản bác, nhưng không thể phủ nhận được tình cảm mà Lăng Tiêu dành cho Tiêm Tiêm. Với anh lớn, Tiêm Tiêm thật sự là 'tâm dược', ở bên cô, chăm sóc và yêu thương cô sớm trở thành thói quen không thể bỏ của anh.
'Em không biết đâu, người như anh đã không còn năng lượng để xây dựng tình cảm với người lạ nữa. Ở bên em là bản năng của anh, là tự cứu mình. Bàn tay này, nếu em không nắm lấy, anh sẽ chìm xuống mất.'
Đang mang trong mình bệnh tâm lý, Lăng Tiêu nhạy cảm và dễ tổn thương hơn người khác. Dù luôn là chàng trai hoàn hảo trong mắt người khác, nhưng ít ai biết rằng Lăng Tiêu bất an với tình yêu hơn ai hết. Sau một phút xúc động, anh từng nói với Tiêm Tiêm rằng cả hai nên quay về vạch xuất phát, chỉ cần được ở bên cạnh cô, anh không để tâm đến danh phận của mình.
'Chúng ta có tình cảm mười mấy năm, sớm đã thành người nhà của nhau rồi. Tình cảm còn chắc chắn hơn tình yêu đơn thuần. Chỉ cần em ở bên cạnh anh là được rồi, còn lại anh không để tâm.'
Nhờ khoảnh khắc xúc động của Lăng Tiêu, Tiêm Tiêm phát hiện ra tâm lý của anh không ổn. Cô dò hỏi về cuộc sống của anh ở nước ngoài, muốn biết vào thời gian rảnh, anh lớn thường làm gì và nhận được câu trả lời vừa thật lòng, vừa xót xa.
'Nhớ em, nhớ nhà, nằm mơ giữa ban ngày. Tưởng tượng cuộc sống của mình có em ở bên, tưởng tượng lúc về nhà gặp em, kết hôn với em, sinh một đứa con. Cả nhà sống vui vẻ bên nhau. Anh còn nghĩ xong tên của con luôn rồi.'
Không phải ngẫu nhiên mà khán giả lại đặt cho Lăng Tiêu cái tên Lăng 'Tranh Thủ' hay Lăng 'Cơ Hội', vì anh có thể tận dụng được tất cả những khoảnh khắc để 'làm nên chuyện'. Chẳng hạn như khi cả ba anh em cùng ngồi ở quán mỳ nói chuyện về cuộc sống của bộ Lăng và bố Lý trong tương lai, Lăng Tiêu nhanh miệng 'xin dâu' ngay tại chỗ, khiến bố Lý không kịp phản ứng.
'Bố Lý, con khác bố con. Nếu không thể cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, con sẽ ưu tiên chăm sóc gia đình. Cho nên, bố Lý, bố cứ yên tâm giao Tiêm Tiêm cho con.'
Cứ ngỡ những ngày hạnh phúc của Lăng Tiêu sẽ còn kéo dài, nhưng không, sự trở về của Trần Đình khiến cuộc sống anh đảo lộn. Biết mẹ không thích Tiêm Tiêm, Lăng Tiêu càng thêm lo lắng cho mối tình này. Khi cả hai đang cùng nhau xem ti vi trong phòng khách, Lăng Tiêu chợt cầu hôn Tiêm Tiêm. Không hoa mỹ hay cầu kì, lời cầu hôn của Lăng Tiêu mộc mạc và chân thành, như chính tình yêu của anh dành cho cô.
'Chúng ta kết hôn đi. Kết hôn.'
Bị mẹ dày vò, chì chiết suốt bao nhiêu năm, Lăng Tiêu vẫn có thể chịu đựng được, nhưng Tiêm Tiêm là giới hạn của Lăng Tiêu. Anh không để Trần Đình làm người mình yêu tiếp tục tổn thương và cũng không cần sự chấp thuận của bà cho tình yêu này.
'Mẹ muốn đối xử với con, với bé Cam ra sao, muốn hành kiểu gì cũng được hết, vì mẹ là mẹ chúng con. Nhưng với Tiêm Tiêm thì không được, một câu thôi cũng không được.'
Trailer Lấy danh nghĩa người nhà
Lấy danh nghĩa người nhà xoay quanh câu chuyện trưởng thành của ba anh em khác cha, khác mẹ: Lăng Tiêu, Hạ Tử Thu, Lý Tiêm Tiêm. Tuy không chung một họ, nhưng cả ba người 'ăn chung một nồi cơm', cùng nhau lớn lên, tình cảm vô cùng khăng khít, cho đến một ngày, biến cố xảy ra khiến cả ba phải xa nhau suốt nhiều năm.
Hiện tại, phim đang phát sóng trọn bộ trên Keeng Movies.
'Lấy danh nghĩa người nhà': Rốt cuộc ai lấy danh nghĩa ai và vì điều gì? Lấy danh nghĩa người nhà đã chính thức khép lại sau 40 tập phim với một cái kết viên mãn, để lại nhiều dư âm trong lòng người xem. Bộ phim đem đến một cái định nghĩa khác về 'người nhà', thông qua việc kể câu chuyện về một gia đình được chắp vá từ những mảnh vỡ của những gia đình khiếm...