Xe sang cũng được độ logo: Maybach 62 “fake” Zeppelin, nguồn gốc ly kỳ tái xuất hiện tại Hà Nội
Từng có lịch sử thăng trầm, chiếc xe siêu sang Maybach 62 đã được chủ nhân làm mới, “độ logo” lên phiên bản Zeppelin và vừa bị bắt gặp tại một sự kiện ở Hà Nội.
“Độ logo” là từ thường được người yêu xe ở Việt Nam sử dụng để chỉ những chiếc ô tô thay logo hay tem model khác với nguyên bản. Việc độ logo thường nhằm “nâng đời” phiên bản của chiếc xe lên – hoặc trong một số trường hợp là “fake” hoàn toàn xe của một thương hiệu cao cấp hơn. Hiện tại đa số những chiếc xe được độ logo ở Việt Nam là các dòng ô tô thông dụng nhưng hiện tại ở Hà Nội, đang có một chiếc xe siêu sang Maybach 62 cũng được “nâng đời” bằng cách này.
Nhìn vào ngoại thất, những người không quá rành về xe sẽ có thể nhầm lẫn nó với phiên bản 62S Zeppelin đặc biệt ra mắt vào năm 2019. So với những chiếc Maybach thường, các phiên bản Zeppelin sở hữu bộ mâm 20 inch mạ chrome, lưới tản nhiệt nan thưa với chữ Zeppelin dưới logo Maybach và cạnh số 62S ở phía sau. Những đặc điểm nhận dạng này đều được chủ xe độ vào chiếc 62 thường, khiến nó trông y hệt như Maybach 62S Zeppelin “xịn” nếu bỏ qua một số tiểu tiết nhỏ như viền màu xung quanh choá pha.
Ngoài ngoại hình “copy” từ phiên bản Zeppelin đẳng cấp, chiếc Maybach 62 này còn nổi bật bởi lịch sử rất thăng trầm. Rời nhà máy từ năm 2004, sau đó nó đã được nhập lậu vào Việt Nam cùng với một loạt các siêu xe, xe siêu sang “khủng” khác bởi đường dây của Dũng “mặt sắt”. Sau khi lô xe này bị tạm giữ tại Móng Cái, Quảng Ninh năm 2013, nó bị bỏ rơi và bao phủ bởi một lớp bụi dày trước khi được bán thanh lý và về tay đại gia ở Hà Nội.
Sau khi “ra biển trắng” tại Hà Nội, chiếc Maybach 62 đã được chủ nhân mới phục chế toàn diện từ trong ra ngoài, cũng như độ các chi tiết nêu trên để có ngoại hình như 62 Zeppelin. Tổng chi phí mà chủ xe đã phải bỏ ra để chi trả cho các công việc này ước tính lên tới hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên hệ động lực của chiếc xe vẫn được giữ nguyên. Ở phiên bản “đời đầu” này, Maybach 62 được trang bị động cơ V12 tăng áp kép 5.5l cho công suất tối đa 543 mã lực và mô-men xoắn cực đại 900Nm.
Kết hợp cùng hộp số tự động và hệ dẫn động cầu sau, chiếc xe siêu sang dài 6,16m và nặng hơn 2,8 tấn vẫn có thể tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong 4,8 giây. Trong khi đó, chiếc Maybach 62S Zeppelin thật có động cơ nâng dung tích lên 6.0l, cho công suất 640 mã lực và mô-men xoắn 1.001Nm. Ngoài ra phiên bản này còn có nội thất bọc da California đặc biệt, các chi tiết trang trí sơn mài đen bóng và ly champagne Zeppelin bằng bạc.
Chỉ có số lượng sản xuất 100 chiếc trên toàn Thế giới, tại Việt Nam hiện tại đang có 2 chiếc Maybach 62S Zeppelin “xịn”. Một chiếc có sơn 2 tông màu đen/vàng cát tương tự như phiên bản 62 “độ logo” tại Hà Nội, trong khi chiếc còn lại có màu xám.
Video đang HOT
Theo Nghe nhìn Việt Nam
Bugatti EB110 và Chiron Sự tương quan giữa quá khứ và tương lai
Dù ra đời cách hậu duệ Bugatti Chiron tới 1/4 Thế kỷ, nhưng chiếc EB110 "yểu mệnh" lại sở hữu những điểm tương đồng: động cơ 4 tăng áp, dẫn động 4 bánh và khung carbon.
Bugatti bắt đầu hành trình của sự trở lại khi được doanh nhân người Ý Romano Artioli mua lại vào năm 1987. Và chỉ 4 năm sau, model đầu tiên của thương hiệu này chính thức ra đời. Đó là EB110 - siêu xe đi trước thời đại và là kẻ độc hành trong phân khúc của mình. Dự án bắt đầu từ con số 0 và EB110 không phải là người kế nhiệm của bất kỳ model nào.
Bugatti EB10
Khối động cơ V12 3,5 lít là một trong những cái mới với 5 van trên mỗi xi-lanh nhằm tăng tốc chu kỳ nạp. Kết hợp với 4 bộ tăng áp, cỗ máy này sản sinh công suất 560 mã lực trên phiên bản GT và 611 mã lực trên bản Super Sport. Ngoài ra, EB110 cũng đánh dấu lần đầu tiên hệ thống dẫn động 4 bánh xuất hiện trên một siêu xe thể thao. Theo công bố, EB110 có thể tăng tốc từ 0-100km/h chỉ sau 3,3 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 351km/h. Nhờ đó, Bugatti đã thiết lập kỷ lục tốc độ cho một chiếc xe sản xuất hàng loạt. Cho đến nay, không nhiều chiếc xe có thể đạt tới cột mốc này.
Động cơ V12 3.5l 4 tăng áp của EB110
Cho đến năm 1995, những chiếc EB110 vẫn được sản xuất tại Ý thay vì ở Pháp. Lý do được đưa ra khá đơn giản. Vào thời điểm đó, những thương hiệu siêu xe hàng đầu thế giới như Ferrari, Lamborghini, Maserati hay DeTomaso đều hội tụ ở đất nước hình chiếc ủng. Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng luôn sẵn có để Bugatti có thể chiêu mộ.
Nhưng nhìn chung, dự án đầy tham vọng này đã không thành công như mong đợi vì nhiều lý do, một trong số đó là cuộc suy thoái kinh tế. Trong vòng 4 năm, có tổng cộng 128 chiếc EB110 đã được tạo ra. Với giá bán 450 triệu Lire dành cho bản GT và 550 triệu Lire dành cho bản Super Sport, chỉ có một lượng nhỏ khách hàng có may mắn sở hữu siêu xe này. Theo tỷ giá trước năm 1999, EB110 giá khoảng 6 và 7,3 tỷ đồng tương ứng với từng model.
Sự tiếp nối sau 10 năm
Bugatti Veyron
Mãi đến năm 2005, Bugatti mới cho ra mắt tuyệt phẩm tiếp theo của mình. Đó không gì khác ngoài ông hoàng tốc độ Veyron - siêu xe hypercar đầu tiên trong lịch sử. Veyron vẫn dựa trên công thức của EB110: động cơ quad-turbo, AWD và kết cấu monocoque bằng các-bon. Tuy nhiên, mọi thứ đã được nâng lên một tầm cao mới - hyper thay vì super. Bên cạnh đó là những vật liệu tốt nhất và trình độ chế tác đỉnh cao. Trái tim của Veyron là khối động cơ W16 8,0 lít mạnh tới 1000PS (987 mã lực).
Động cơ W16 8.0l 4 tăng áp của Bugatti
Như mọi khi, tất cả những chiếc xe vẫn được chế tạo thủ công nhưng địa điểm đã được di dời về Molsheim, Pháp. Đây cũng chính là nơi mà Ettore Bugatti đã sáng lập nên thương hiệu này cách đây tròn 110 năm. Stephan Winkelmann - người đứng đầu của Bugatti ở thời điểm hiện tại cho biết Veyron đã đưa hãng này lên một tầm cao mới vào đầu thập niên 2000. Với tư cách là siêu xe hypercar hạng sang đầu tiên trên thế giới, Veyron đã thiết lập nên các tiêu chuẩn không chỉ ở thời điểm đó mà cả ở ngày nay.
Hộp số ly hợp kép được nối liền với động cơ
Tương tự như EB110, siêu xe này đã phá vỡ không ít kỷ lục về tăng tốc cũng như tốc độ tối đa. Cho đến nay, Veyron là một trong những chiếc xe hiếm hoi có thể chạm tới ngưỡng 400km/h. Đến năm 2015, có tổng cộng 450 chiếc Veyron đã ra lò, bao gồm 4 phiến bản 16.4, Grand Sport, Super Sport và Grand Sport Vitesse.
Sự kế thừa ở hiện tại
Bugatti Chiron
Ngay khi Veyron ngừng sản xuất, Bugatti đã giới thiệu tuyệt phẩm tiếp theo vào năm 2016. Đó chính là Chiron. Tất nhiên, ba điểm mấu chốt làm nên EB110 và Veyron vẫn được duy trì, cùng với đó là trình độ chế tác ở đẳng cấp cao nhất cũng như hiệu năng vô song. Lần này, khối động cơ 16 xi-lanh biểu tượng đã đem đến một nguồn năng lượng còn lớn hơn, lên tới 1500 mã lực. Với hàng loạt sự cải tiến so với người tiền nhiệm của mình, không ngạc nhiên khi hiệu năng vận hành của Chiron là hoàn toàn vượt trội.
Bugatti Chiron Divo
Cụ thể, siêu xe này chỉ cần 2,4 giây để đạt vận tốc 100km/h từ vị trí xuất phát và thêm khoảng 4 giây nữa để chạm ngưỡng 200km/h. Trong chưa đầy 13,6 giây là chiếc xe đã chạm 300km/h. Tốc độ tối đa đạt 420km/h. Dù đều là những siêu xe hypercar nhưng sự khác biệt giữa Veyron và Chiron là rất lớn. Từ động cơ, hệ thống treo, hệ thống dẫn động, hiệu năng khí động học, sự cân bằng, tốc độ phản hồi hay độ chính xác, tất cả đều đã vươn lên một tầm cao mới trên Chiron. Còn nếu so sánh với EB110, cách biệt là quá lớn.
Bugatti La Voiture Noire
Cả ba chiếc xe huyền thoại kể trên đều là những của hiếm trong thế giới hiện đại. Cách đây không lâu, chiếc Chiron thứ 200 vừa mới rời khỏi nhà máy. Như vậy, chỉ còn 300 chiếc Chiron nữa chưa có chủ. Ngoài ra, cả ba đều được đặt theo tên của những nhân vật có nhiều ảnh hưởng tới Bugatti. Nếu như EB là viết tắt của Ettore Bugatti thì Veyron được đặt theo tên của tay đua Pierre Veyron, người từng làm việc cho hãng này với vai trò tay lái thử nghiệm kiêm kỹ sư phát triển. Còn Chiron bắt nguồn từ Louis Chiron, một tay đua của công quốc Monaco với nhiều đóng góp cho Bugatti.
Không hề ngủ quên trên chiến thắng, Bugatti luôn không ngừng tiến về phía trước bằng các sản phẩm tiếp theo. Mới đây nhất, hãng này đã ra mắt model Centodieci, một chiếc xe mang âm hưởng của EB110 và đánh dấu 110 năm của Bugatti. Rồi tiếp sau đây có thể là chiếc SUV đầu tiên trong lịch sử của thương hiệu siêu xe nước Pháp. Nhưng dù là gì thì chiếc đó chắc chắn sẽ là một siêu phẩm "hàng độc". Bởi lẽ, Ettore Bugatti đã từng nói rằng: "Nếu có thể so sánh, đó không phải là một chiếc Bugatti."
Theo Nghe nhìn Việt Nam
Lamborghini Huracan lại được Liberty Walk độ widebody, không còn vẻ ngoài "chắp vá" Khác với các gói độ LB Works truyền thống, bộ widebody Silhouette Works GT mới của Liberty Walk dành cho Lamborghini Huracan có vẻ ngoài liền mạch và dữ dằn hơn. Năm 2012, hãng nâng cấp siêu xe Liberty Walk tung ra gói độ widebody đầu tiên cho Lamborghini Murcielago, khởi đầu phong cách "LB Works" gắn liền với hình ảnh của họ...