Xe công nghệ sắp ‘bão’ lớn
Khi Uber rút lui khỏi Việt Nam, Grab được cho là độc quyền. Tuy nhiên, thế độc quyền này sẽ không còn khi hàng loạt đơn vị kinh doanh dịch vụ xe công nghệ đã và đang nhảy vào cạnh tranh quyết liệt
Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, hàng loạt ứng dụng gọi xe trong và ngoài nước như Aber, FastGo, T.Net, Xelo… tham gia thị trường kinh doanh vận tải tại Việt Nam – vốn được xem là màu mỡ và cạnh tranh với “ông lớn” Grab.
Theo giới chuyên môn, thị trường gọi xe công nghệ hiện nay có thể xem là khá lộn xộn, không chỉ đơn thuần là xe công nghệ mà có cả chục ngàn taxi truyền thống cũng tham gia vào chạy xe công nghệ. Do đó, việc thống kê thị trường này có bao xe công nghệ là không dễ, số liệu một số hãng đưa ra có bao nhiêu xe cũng chưa có ai kiểm chứng. Ngay cả cơ quan chức năng cũng không biết chính xác từng hãng có bao nhiêu xe. Thậm chí việc Grab vừa công bố họ có 135.000 tài xế thì theo giới chuyên môn, con số này chưa thể tin tưởng được.
Giám đốc một hãng xe công nghệ cho biết trước khi tham gia thị trường này họ đã thành lập nhiều tổ nghiên cứu điều tra khá kỹ về các hãng đang hoạt động cũng như sắp triển khai. Theo đó, có khoảng 20 doanh nghiệp có ứng dụng gọi xe công nghệ đang hoạt động chính thức. Trong năm 2017 có khoảng hơn 50.000 ôtô, năm 2018 có khoảng 80.000 ôtô. Đối với xe ôm công nghệ, năm 2017 có 85.000 xe và 2018 tăng lên khoảng 100.000 xe.
Cạnh tranh bằng ưu đãi
Thị trường xe công nghệ sắp tới sẽ còn sôi động hơn khi có thêm nhiều đơn vị trong và ngoài nước đã và sẽ triển khai dịch vụ này tại Việt Nam.
Đơn cử là sự xuất hiện của Go-Viet dưới sự hậu thuẫn từ Go-Jek – ứng dụng gọi xe hàng đầu Indonesia, đang hoạt động rầm rộ tại TP HCM hơn 1 tháng nay với nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn. Go-Viet cũng thu hút tài xế tham gia với các chính sách hấp dẫn như miễn phí trang bị, chiết khấu và có thưởng theo ngày; việc đăng ký cũng đơn giản và không khắt khe trong quản lý.
Đặc biệt, Go-Viet không buộc tài xế chỉ chạy theo ứng dụng đã đăng ký của đơn vị mà còn có thể chạy thêm ở nhiều hãng xe khác. Với những chính sách như trên, theo nhiều tài xế là rất hấp dẫn bởi họ có thể đăng ký cùng lúc nhiều ứng dụng. Khi vắng khách của hãng này thì tắt ứng dụng và chuyển qua hãng khác có lượng người đặt xe cao hơn, chạy được nhiều chuyến và thu nhập cũng tăng lên.
Một đơn vị khác là Aber cũng đã nhảy vào thị trường và chính sách ưu đãi cũng không kém phần hấp dẫn.
Theo ông Huỳnh Lê Phú Phong, Tổng Giám đốc Aber Việt Nam, sau 2 tháng hoạt động, đơn vị có gần 10.000 tài xế tại TP HCM và Hà Nội tham gia. Theo ông Phong, là đơn vị trong nước và khi bắt đầu hoạt động đã có nhiều “ông lớn” nên để cạnh tranh, Aber tập trung nhiều vào các chính sách ưu đãi đối với tài xế như không chiết khấu sử dụng ứng dụng mà thu theo doanh thu mỗi tháng.
Còn đối với hành khách, ông Phong cho biết đơn vị cũng có nhiều chương trình khuyến mãi như các hãng khác. Tuy nhiên, theo ông Phong, để tiếp tục nâng cấp ứng dụng với một số tính năng mới, đơn vị đang tạm ngưng các dịch vụ và dự kiến giữa tháng này sẽ hoạt động trở lại.
Video đang HOT
Từ đầu năm, hãng MVL (Singapore) cũng chính thức lập văn phòng tại TP HCM và đang xúc tiến thủ tục để tiến hành hoạt động vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Một hãng khác là Didi Chuxing của Trung Quốc cũng có kế hoạch thâm nhập vào Việt Nam để triển khai dịch vụ gọi xe công nghệ với chiến lược hấp dẫn cho khách hàng cũng như tài xế.
Go-Viet tham gia thị trường xe ôm công nghệ với nhiều khuyến mãi hấp dẫn, cạnh tranh với Grab
Tìm hướng đi riêng
Hiện Go-Viet và Grab đang “đấu” nhau trên mảng xe ôm công nghệ với chính sách khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng và cho cả tài xế. Đặt vấn đề này với các hãng gọi xe công nghệ khác thì họ cho biết là không thể tham gia vào cuộc chiến trên vì không hiệu quả mà phải có hướng đi riêng, cụ thể là tập trung vào phát triển loại hình xe car.
Hiện nay hầu hết các hãng đều có dịch vụ xe ôm công nghệ nhưng lĩnh vực ôtô công nghệ thì chỉ có Grab, FastGo, Vato, T.Net, Xelo và Gapviet. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net, công ty đã phát triển lên 12.000 xe car. Tại thị trường Hà Nội, lượng xe của T.Net chỉ đứng sau Grab và đang triển khai mạnh vào TP HCM.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc Công ty FastGo Việt Nam, cho biết dù mới gia nhập thị trường này nhưng đã có 17.000 xe, trong đó có đến 16.000 xe car (tức chỉ có 1.000 xe ôm công nghệ).
Trong khi các tân binh đang hừng hực khí thế giành thị phần vận tải công nghệ thì “ông lớn” là Grab, vốn được cho là độc quyền sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, có phần “kín tiếng”. Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết hiện đơn vị tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ở các loại hình đang hoạt động, đặc biệt là vẫn tuân thủ nghiêm túc việc cung cấp dịch vụ Grab Car thí điểm ở 5 tỉnh, thành theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài vận tải, Grab cũng cho biết đang tập trung vào nhiều loại hình khác như giao nhận hàng hóa, thức ăn; kết nối các tiện ích như thanh toán không dùng tiền mặt, đọc báo giải trí.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Trước sự xuất hiện liên tiếp của các ứng dụng gọi xe, theo một số chuyên gia, người hưởng lợi đầu tiên là khách hàng. Để cạnh tranh, các đơn vị có thể chấp nhận lỗ để tung ra các chính sách khuyến mãi, cải tiến chất lượng nhằm thu hút khách. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra nhiều nguy cơ nếu quản lý lỏng lẻo sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, mất an toàn cho hành khách cũng như tài xế.
Theo ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), tại Việt Nam, các hãng như Grab được gọi là vận tải hợp đồng điện tử nhưng thực tế các chuyến xe được thực hiện mà không có hợp đồng nào. Trong khi đó, yêu cầu kỹ thuật đối với xe hợp đồng điện tử cũng rất đơn giản, chỉ cần phương tiện và chủ xe có sử dụng điện thoại thông minh thì có thể đăng ký phần mềm hoạt động. Khi tắt phần mềm thì lại trở thành các loại ôtô, xe máy thông thường. Hơn nữa, thực tế có tài xế đăng ký cùng lúc nhiều ứng dụng, hoạt động luân phiên để tăng thu nhập khiến thị trường xáo trộn.
Theo TS Trần Du Lịch, vấn đề mấu chốt vẫn là từ phía các cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải. Theo ông, việc xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có vai trò rất quan trọng và là mấu chốt để tạo ra sự hài hòa giữa lợi ích các doanh nghiệp cũng như tài xế và khách hàng.
Nguồn: NLĐ
Các tỷ phú USD ở thung lũng Silicon dùng điện thoại gì
Ông chủ của Tesla, Facebook, Uber chọn iPhone trong khi những người sáng lập Wikipedia, Microsoft và Google thích điện thoại Android.
Elon Musk, chủ sở hữu của hai công ty công nghệ nổi tiếng Tesla và SpaceX được biết đến là người dùng các loại iPhone. Ông thường nhắc tới "iPhone" hoặc "iPad" trong những cuộc trò chuyện của mình.
Là người có mối quan hệ chặt chẽ với các đời CEO của Apple, Mark Zuckerberg được cho là luôn nhận được iPhone miễn phí từ công ty có logo Quả táo. Mặc dù nếu xét về tài chính, rõ ràng ông chủ của mạng xã hội Facebook có thể tự mua cho mình bất kỳ món đồ công nghệ nào.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tim Cook, CEO của Apple sử dụng iPhone và các sản phẩm do công ty mình làm ra. Các sản phẩm mới sắp ra mắt cũng nhiều lần được phát hiện có trên người của vị giám đốc điều hành này trước khi ra mắt công chúng.
Jimmy Wales là người đã tạo ra trang Wikipedia. Ông cũng đồng thời là người rất tích cực trả lời các câu hỏi trên Quora, một nền tảng mạng xã hội. Trong một lần trả lời, ông đã vô tình nhắc đến chiếc Samsung Galaxy S5 của mình. Hiện tại, có thể người đàn ông nổi tiếng ở thung lũng Silicon này đã nâng cấp thiết bị di động, tuy nhiên nhiều người tin rằng ông vẫn sẽ sử dụng một thiết bị của Samsung, hoặc ít ra nó cũng chạy hệ điều hành Android.
Larry Page và Sergey Brin là hai người đồng sáng lập nên Google. Cả hai sử dụng nhiều loại điện thoại Android khác nhau, nhưng mới đây nhất Sergey Brin đã được phát hiện đang dùng mẫu Nexus mới nhất và hiện có thể cả Google Pixel. Còn trong quá khứ, mẫu điện thoại đầu tiên mà Larry sở hữu thuộc về BlackBerry, có thể là phiên bản Stanford EE 380.
Evan Spiegel, CEO của Snapchat dùng iPhone. Tuy chưa rõ phiên bản ông đang dùng hiện nay là gì, trong quá khứ ông từng nhiều lần nhắc tới chiếc iPhone 5. Thậm chí ông còn cho biết mình không cần sử dụng ốp máy bởi luôn rất cẩn thận trong khi dùng.
Travis Kalanick là người đồng sáng lập ra Uber. Người đàn ông 40 tuổi này sử dụng iPhone để liên lạc. Trong nhiều cuộc họp, người ta thường xuyên thấy ông lôi điện thoại ra để xem giờ.
Bill Gates được cho là từng có thời gian sử dụng iPhone 5S và thậm chí có thể vẫn đang sở hữu thiết bị này. Ông đã chia sẻ về điều này khi được hỏi về điện thoại của mình: "Trong khi tôi tin rằng Windows Phone đã tốt hơn mặc dù chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ bản cập nhật nào kể từ năm 2012, tôi muốn xem chính xác nó tốt hơn bao nhiêu so với iPhone 5S". Bill Gates cũng từng sử dụng Surface Pro 2, trong một lần trả lời trên Reddit. Còn gần đây nhất, vị tỷ phú này cho biết mình đang dùng điện thoại Android.
Chủ sở hữu và người sáng lập Amazon, Jeff Bezos đã sử dụng điện thoại Blackberry vào năm 2012. Còn trước khi Amazon ra mắt Fire Phone, chiếc điện thoại được nhìn thấy lần cuối trong tay ông thuộc về hãng Samsung. Hiện nay, thiết bị mà người đàn ông nổi tiếng này đang sử dụng vẫn là một bí ẩn.
Mai Anh
Theo Cashify
10 kỳ quan công nghệ ra đời trong 10 năm qua Chỉ một thập kỷ trước, những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung cuộc sống của họ sẽ thay đổi ra sao nhờ sự ra đời của những sản phẩm này. Nhiều thiết bị, công nghệ mới ra đời trong một thập kỷ gần đây đã thay đổi cách người dùng tiếp cận với thế giới. iPad...