Xe cài bom phát nổ, ít nhất 5 người Afghanistan thương vong
Đã có ít nhất 3 nhân viên tình báo thiệt mạng và 2 người khác bị thương khi một chiếc xe cài bom phát nổ bên ngoài một tòa nhà của cơ quan tình báo cấp tỉnh ở thành phố Herat, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền Tây Afghanistan.
Nhân viên an ninh điều tra tại hiện trường một vụ đánh bom ở Kabul. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Giới chức địa phương cho biết vụ nổ xảy ra vào lúc 16h50′ theo giờ địa phương ngày 19/4 khi một đội kỹ thuật thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Afghanistan (NDS) đang cố gắng vô hiệu hóa các thiết bị nổ được cài trên xe.
Trong khi đó, một số nguồn tin không chính thức cho biết chiếc xe này từng là phương tiện quân sự bị phiến quân Taliban chiếm giữ. Sau đó, lực lượng an ninh đã giành lại được phương tiện nói trên và đưa về văn phòng cấp tỉnh của NDS, nhưng không may vụ nổ đã xảy ra, gây thương vong.
Afghanistan rơi vào tình trạng bất ổn do các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng rối ren, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây công bố kế hoạch rút khoảng 7.000 binh sĩ, tức là một nửa số binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan, trong khi hòa đàm giữa chính quyền Kabul và Taliban vẫn không đạt được tiến bộ, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ an ninh tại đất nước này trong thời gian tới.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ tháng 1/2009, hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này.
Phương Oanh (TTXVN)
Theo Tintuc
Người mẹ Afghanistan bán con gái 6 tuổi để cả gia đình có đồ ăn
Chị Mamareen cùng đường và phải bán con gái để cứu cả gia đình. Tuy nhiên, chị không phải người duy nhất quyết định làm vậy khi Afghanistan phải chịu đợt khô hạn khắc nghiệt.
Video đang HOT
Trận hạn hán chưa từng có tại Afghanistan đã đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh phải bán con để có thể nuôi cả nhà.
CNN đã hỏi chuyện nhiều gia đình sinh sống tại thành phố Herat, phía tây Afghanistan. Họ kể rằng buộc phải bỏ nhà đi vì hạn hán kỷ lục. Theo Liên Hợp Quốc, đợt khô hạn năm nay khiến số người phải di dời chỗ ở tăng cao hơn cả số người rời đi vì tình trạng bạo lực nghiêm trọng tại nước này.
Liên Hợp Quốc ước tính trận hạn hán làm hơn 275.000 người phải chuyển đi nơi khác, gồm 84.000 người trong thành phố Herat và 182.000 người tại khu vực Badghis.
4 năm khô hạn tàn phá ngành nông nghiệp của toàn vùng. Thậm chí, năng suất cây thuốc phiện năm nay giảm tới 1/3 dù sản lượng năm 2017 đạt mức kỷ lục.
Ngành trồng anh túc từng tạo ra tới 354.000 việc làm ở vùng nông thôn Afghanistan vào năm 2017. Ảnh: AFP.
Điều kiện thời tiết cực đoan đang gây quan ngại về những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Afghanistan, nơi vốn đã khó khăn vì chiến tranh kéo dài hàng chục năm biến nền kinh tế và xã hội thành tro tàn.
"Không có lựa chọn nào khác"
Trong trại tị nạn ngoại ô Herat, người quay phim của CNN gặp Mamareen. Chị mất chồng vì chiến tranh, mất nhà cửa vì khí hậu và giờ mất cả con gái vì phải nuôi những đứa còn lại.
Akila, 6 tuổi, giờ trở thành tài sản của gia đình khác trong một nền kinh tế méo mó. Chị Mamareen bán Akila với giá 3.000 USD cho Najmuddin. Người này hứa gả cô bé cho con trai 10 tuổi của anh ta, Sher Agha.
"Tôi cùng 3 đứa con bỏ làng đi vì hạn hán quá khắc nghiệt. Tôi đến đây với suy nghĩ rằng sẽ được trợ giúp, nhưng lại chẳng nhận được gì. Để các con khỏi chết đói, tôi mang con gái của mình cho một người đàn ông để đổi lấy 3.000 USD, nhưng tới giờ mới chỉ lấy được 70 USD. Tôi không có tiền, thức ăn hay trụ cột gia đình - chồng tôi bị giết rồi", chị giãi bày.
Cô bé Akila, 6 tuổi. Ảnh: CNN.
Khi được hỏi rằng liệu Akila có biết về số phận của mình hay không, Mamareen nói rằng cô bé không biết đã bị bán.
"Làm sao mà con bé biết được? Nó chỉ là một đứa trẻ. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Dù buồn hay vui, con bé vẫn sẽ phải đi. Làm gì có ai bán đi một phần trái tim trừ khi họ buộc phải làm thế?", chị nói.
Làm từ thiện?
Số phận của cô bé Akila nằm cách đó chỉ vài mét, trong một căn lều khá giả hơn ở trại tị nạn. Người mua là Najmuddin. Cuộc giao dịch này cũng có phần liên quan đến văn hóa - trong xã hội Afghanistan, con gái thường được trao đổi lấy của hồi môn thay vì được quyền chấp thuận hay phản đối. Tuy nhiên, đối với Najmuddin, đây là việc làm từ thiện.
"Gia đình con bé không có gì để ăn. Họ bị đói. Tôi biết tôi cũng nghèo, nhưng tôi chắc chăn có thể trả tiền dần dần... trong 2-3 năm", người này nói.
"Chẳng phải chúng là trẻ con sao?", người quay phim của CNN hỏi.
"Điều đó không quan trọng. Những chuyện này diễn ra thường xuyên ở đây. Thậm chí có một ông già kết hôn với thiếu nữ. Chuyện đó có thật", Najmuddin trả lời.
Một cô bé mang thùng đi lấy nước tại làng Sakhi, ngoại ô Mazar-i-Sharif, phía bắc Afghanistan vào ngày 19/7. Ảnh: AFP/Getty.
Najmuddin cũng là nạn nhân của trận hạn hán gây thiệt hại khắp miền Tây Afghanistan, nơi từng là nguồn cung lương thực cho quốc gia sâu trong đất liền và chìm trong chiến tranh.
"Mùa lúa mì thất bát, chúng tôi không thể trồng dưa - tất cả các cây trồng khác cũng rơi vào cảnh tương tự vì hạn hán. Chúng tôi mất gia súc. Cừu, bò và dê đều chết đói khi không có rơm cỏ để ăn".
Trường hợp của gia đình Mamareen không phải là duy nhất. Một người giấu tên cho biết đang bàn bạc để bán đứa con gái 4 tuổi.
"Tôi không có lựa chọn nào khác, tôi không có tiền và cũng chẳng có nguồn thu nhập. Người ta đến đây và cho tôi hai phương án: hoặc trả tiền nợ hoặc giao con gái cho anh ta. Tôi chọn cái sau", người đàn ông nói.
Tất cả những câu chuyện đau lòng xuất hiện trong bối cảnh Afghanistan chao đảo với một loạt những "kỷ lục". Theo điều tra của Mỹ, phiến quân Taliban đang kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng 45% lãnh thổ nước này - con số kỷ lục.
Tỷ lệ thương vong đối với dân thường cao nhất từ trước đến nay. Không những thế, dù số liệu chính thức nằm trong tài liệu mật của chính phủ Mỹ và Afghanistan không được công bố, CNN cho rằng rất nhiều người thuộc lực lượng an ninh Afghanistan cũng đã thiệt mạng.
Ngọc Hà
Theo Danviet
New Zealand hạ mức độ cảnh báo nguy cơ khủng bố sau vụ xả súng đẫm máu Ngày 17/4, cảnh sát New Zealand đã ngừng trang bị vũ khí cho lực lượng an ninh tuần tra trên đường phố sau khi hạ mức cảnh báo nguy cơ khủng bố, được ban bố ở cấp độ cao sau vụ xả súng đẫm máu tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch. Cảnh sát gác tại hiện trường vụ xả...