Xe buýt Hà Nội chậm giờ, chạy ẩu
65% người được hỏi phàn nàn về xe buýt Hà Nội chậm giờ, 15% nói thái độ phục vụ kém, 4% kêu ca lái xe chạy ẩu. Tình trạng xe buýt vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng còi hơi… vẫn còn phổ biến.
Sáng nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt 6 tháng đầu năm và kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông xe buýt 6 tháng cuối năm 2011.
Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt để áp dụng từ năm 2012. Ảnh: Hoàng Hà.
Đại diện Sở Giao thông cho hay, giao thông thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, phương tiện giao thông cá nhân gia tăng, ùn tắc thường xuyên xảy ra. Cuối năm 2010, Hà Nội có trên 3,7 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp và hơn 370.000 ôtô. Xe máy chiếm tới 70% tổng số phương tiện và lượng ôtô cá nhân phát triển nhanh (7-10% mỗi năm) gây nhiều áp lực cho hạ tầng giao thông đô thị, công tác tổ chức và điều hành giao thông cũng như gây ra tiếng ồn, bụi và ô nhiễm môi trường.
Với 75 tuyến xe buýt (1.250 đầu xe), mỗi ngày hiện có gần 11.000 lượt xe đi lại trong thành phố để vận chuyển hơn 1,1 triệu lượt hành khách. Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống vận tải công cộng vận chuyển được hơn 200 triệu lượt khách. 6 tuyến xe buýt kế cận cũng giúp việc đi lại giữa Hà Nội với Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam… được thuận tiện hơn.
Trước thực trạng xe buýt bỏ bến, quay đầu tùy tiện bỏ khách dọc đường, Trung tâm Quản lý và điều hành Giao thông đô thị đã lập gần 1.200 biên bản về vi phạm quy định hoạt động xe buýt (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010), thu về gần 90 triệu đồng tiền phạt và giúp cắt giảm ngân sách trợ giá gần 3 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã chỉ đạo giải tỏa hàng quán lấn chiếm nhà chờ, lắp đặt camera giám sát tại 2 điểm trung chuyển trọng yếu là Long Biên và Cầu Giấy, giúp cải thiện tình hình an ninh trật tự, giảm trộm cắp, móc túi.
Video đang HOT
Tình trạng móc túi tại bến xe buýt gây hoang mang cho hành khách. Ảnh: Khánh Chi.
Tuy nhiên, hiện mạng lưới xe buýt vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả điều tra hành khách cho thấy 65% người được hỏi phàn nàn về xe chậm giờ, 15% phàn nàn về thái độ phục vụ kém, 10% phàn nàn về khoảng cách đi bộ xa, 5% kêu ca về tệ nạn trên xe và 4% nói lái xe chạy ẩu. Trong gần 1.200 vụ vi phạm quy định hoạt động xe buýt thì có tới 40% vi phạm doanh thu, 12% chạy sai lộ trình…
Do tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng còi hơi… vẫn còn phổ biến nên chỉ trong nửa năm, tài xế xe buýt đã gây ra 18 vụ tai nạn, 100 vụ vi phạm luật giao thông.
Thêm vào đó, tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè phổ biến gây khó khăn cho việc tiếp cận của xe và hành khách tại điểm dừng đỗ, tiềm tàng nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong 7 tháng qua, tại các quận nội thành luôn có hơn 70 vị trí đón khách thường xuyên bị hàng rong, ôtô, xe máy, xe rác… chiếm dụng.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, sắp tới sẽ rà soát, điều chỉnh hợp lý lộ trình các tuyến và các điểm đỗ đảm bảo thuận lợi, an toàn cho hành khách, lắp đặt trên 100 nhà chờ, kiên quyết xử lý và giải tỏa các điểm dừng, đỗ và nhà chờ bị chiếm dụng, tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động và an toàn cho hành khách.
Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế và giảm thiểu vi phạm về lộ trình, dừng đỗ, bán vé, thái độ phục vụ, chất lượng phương tiện… Đồng thời, phối hợp với cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, công an phường tại các trạm trung chuyển Long Biên, Cầu Giấy để tăng cường xử lý xe buýt vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại bến.
Bên cạnh việc lắp camera giám sát tại nút Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, Sở sẽ xây dựng kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt để áp dụng từ năm 2012; đồng thời xây dựng phương án triển khai công nghệ vé mới bằng thẻ thông minh cho xe buýt tại Hà Nội.
Theo VNExpress
TP.HCM: Nỗi khiếp sợ mang tên "xe buýt"
Việc tài xế xe buýt chạy ẩu, bắt khách không đúng quy định, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Không chỉ bắt khách trái quy định, những chiếc xe buýt chuyên chạy các tuyến đường dài tại TPHCM còn đua nhau chạy ẩu để giành khách, hậu quả sau những màn rượt đuổi kinh hoàng đó là những vụ tai nạn thương tâm...
Xe buýt 53N- 3399 đang bắt khách lộn xộn tại cầu vượt Bình Phước. Ảnh: HN
"Hung thần" xe buýt
Xe buýt là phương tiện vận chuyển công cộng cần thiết và bổ ích cho nhiều người, nhất là những tầng lớp như sinh viên, công nhân, những người buôn bán... Thế nhưng, việc tài xế của những "hung thần" này vì áp lực về tiền bạc hay "phải về trạm sớm nếu không sẽ bị phạt" đã chạy ẩu, bắt khách không đúng quy định, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến đường mà các "hung thần" xe buýt này thường đua nhiều nhất là QL13, xa lộ Hà Nội... Ngày 9/8, chỉ ít ngày sau khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra do ba xe buýt đua nhau giành khách, chiếc xe buýt mang biển số 53N- 4385 (tuyến số 19, hướng từ trung tâm TPHCM) vẫn ngang nhiên chạy với tốc độ cao, lạng lách bất chấp sự la ó của người tham gia giao thông trên đường. Không những thế nhân viên trên xe này còn có những hành động thiếu văn hóa, vẫy tay kêu la ầm ĩ khiến nhiều người dân rất bức xúc.
Một chiếc xe buýt khác mang biển số 53N-4099 (chạy tuyến 601, hướng từ Suối Tiên đi quận 12) bóp còi inh ỏi, chạy vùn vụt để "cướp khách" với các xe khác, làm những người ngồi trên xe thót tim. "Suốt chặng đường dài chúng tôi nhiều lần "mất vía" khi tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, có lúc đầu tôi còn va vào thành ghế xe buýt. Đặc biệt hơn, dù biết trên xe còn có cụ già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai nhưng những chiếc xe buýt như thế này vẫn chạy ầm ầm không màng đến an toàn tính mạng của người trên xe", một hành khách xe buýt tuyến 601 bức xúc.
Chúng tôi quan sát đoạn đường từ khu vực gần Trường Đại học Nông Lâm đến cầu Bình Phước và thấy tài xế xe buýt biển số 53N- 4099 liên tục dừng xe, bắt khách trái quy định. Khi thấy người đứng bên đường là tài xế chiếc xe này cho xe cua vào bên lề đường, lơ xe giơ tay khua khua, mồm la hét, thậm chí nhảy từ trên xe xuống mời chào. Chỉ khi "hộ tống" được hành khách lên xe thì chiếc xe này mới chạy tiếp.
Đến khi phát hiện chiếc xe buýt khác (tuyến 53) chạy cùng chiều vượt lên trước, chiếc xe 601 liền tăng tốc đuổi theo nhằm vượt lên để bắt khách. Cứ thế suốt quãng đường dài, hai chiếc xe này đua nhau hệt như phim hành động, làm cho đoàn người lưu thông trên đường phải dạt vào lề đường lánh nạn, còn hành khách trên xe thì được một phen kinh hồn.
Chúng tôi quay lại khu vực gần Trường Đại học Nông Lâm, nơi được coi là "trường đua" của các quái xế xe buýt thì phát hiện ba chiếc xe buýt khác (tuyến 19, 33 và 601) đang so kè với nhau, tốc độ rất kinh hoàng. Tiếng phanh rít lên liên hồi, tiếng còi kêu inh ỏi, lúc thì xe này vượt lên, lúc thì xe khác lại chạy trước, có khi hai xe dàn hàng ngang rồi chạy luôn vào làn đường dành cho xe hai bánh. Khi đến gần cầu vượt Bình Phước những chiếc xe này vô tư bắt khách, mặc dù ở đây không có trạm xe buýt. Việc bắt khách một cách tùy tiện, không đúng quy định gây nên cảnh hỗn loạn tại khu vực này.
Cần phải mạnh tay
Không chỉ những xe buýt trên mà còn rất nhiều xe buýt khác, chạy trên nhiều tuyến đường trong thành phố (ví dụ đường Kha Vạn Cân, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Bộ Lĩnh...) đều có hiện tượng chạy ẩu, tranh giành nhau "vớt" khách. Dù hiện tượng này diễn ra công khai nhưng CSGT vẫn không có biện pháp xử lý thích đáng. Ông Nguyễn Văn Bảy (một người hành nghề xe ôm) cho biết: "Tôi làm nghề xe ôm, nhiều lần chứng kiến cảnh xe buýt chạy nhanh, vượt ẩu, lấn sang tuyển đường dành cho xe hai bánh, nhân viên xe buýt thì bắt khách lộn xộn nhưng cơ quan chức năng vẫn không xử phạt".
Cũng theo phản ánh của một số người dân làm nghề buôn bán tại khu vực gần cầu vượt Bình Phước, hàng ngày họ chứng kiến rất nhiều xe buýt chạy với tốc độ cao, bắt khách lộn xộn phía dưới cầu. Trong những xe buýt vượt ẩu đó rầm rộ nhất là tuyến xe 601, 53 - đây là những "hung thần" làm người dân hết sức lo lắng. Chị Vũ Thị Mai - một sinh viên thường xuyên đi xe buýt than thở: "Tôi thường bắt xe buýt từ thành phố xuống Thủ Đức và chiều ngược lại nhưng chưa khi nào tôi thấy an tâm với những chuyến đi của mình. Trên đường đi tài xế luôn có những cử chỉ thiếu thân thiện với hành khách, ăn nói thiếu văn hóa. Không những thế người lái xe còn phóng nhanh, vượt ẩu làm chúng tôi ngồi trên xe thấy bất an. Tôi cũng nhiều lần chứng kiến nhiều tai nạn khi ngồi trên xe buýt, những lần đó làm tôi rất hoảng sợ, nhưng biết làm sao được nếu không đi xe buýt thì tôi biết đi xe nào để đến trường đây".
Trong khi đó theo Trung tá Trần Văn Thương - Trưởng đội CSGT Rạch Chiếc (đơn vị quản lý đoạn đường từ Suối Tiên đến cầu vượt Linh Xuân Quốc lộ 1A), tình trạng xe buýt chạy ẩu, lấn tuyến, giành đường của xe hai bánh là phổ biến, nhưng cơ quan chức năng rất khó xử phạt. "Tài xế xe buýt thường "canh" CSGT để chạy, khi phát hiện chúng tôi thì họ chạy rất "hiền". Quan điểm chúng tôi rất rõ ràng, nếu phát hiện chúng tôi sẽ có những biện pháp xử lý thích đáng, nghiêm khắc với những xe buýt vi phạm, không bao che một trường hợp nào", Trung tá Thương cho biết.
Còn một số CSGT làm nhiệm vụ tại đường QL 13 thì trả lời: "Do xe buýt chạy nhanh quá không thổi còi kịp".
Ngày 7/8 trên cầu vượt Thủ Đức, 3 xe buýt từ An Sương đi Suối Tiên chạy tranh giành nhau trên đường đã gây tai nạn. Chiếc xe buýt mang biển số 53N-7178 đã tông vào xe máy làm ông Trần Sơn Hà (SN 1968, ngụ Đồng Nai) chết tại chỗ, ông Trần Nam Hùng (SN 1955) bị thương nặng. Ngày 8/8, trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), sau khi gây tai nạn, tài xế xe buýt mang biển số 53N-3593 đã lái xe bỏ chạy. Bức xúc, một số người dân liền đuổi theo và yêu cầu tài xế dừng xe, nhưng khi đuổi kịp tài xế đã đóng kín cửa xe, chỉ khi CSGT xuất hiện mới kéo được anh ta xuống làm việc. Đến ngày 10/8, trên đường Hòa Bình (quận Tân Phú), chiếc xe buýt mang biển số 53N - 3498 đã chạy lấn vào phần đường dành cho xe gắn máy, gây tai nạn khiến một thanh niên tử vong.
Theo Giadinh.net.vn
Mối nguy từ những chiếc xe 'quá đát' Hiện trên đường phố TP HCM xuất hiện khá nhiều loại xe máy "quá đát" không còi, không đèn, thậm chí là không biển số... Những chiếc xe này đều quá cũ kỹ, có thể hư hỏng bất cứ lúc nào nhưng vẫn được dùng để chở hàng hóa cồng kềnh. Không cần đèn, còi... Xe "quá đát" hiện lưu thông trên đường...