Xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ: Hành khách bị hành
Xe buýt chạy tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ (Quảng Nam) thường xuyên chở quá số người quy định, đón trả khách không đúng trạm, thu tiền không đúng như bảng giá niêm yết… Đó là phản ảnh của nhiều bạn đọc đến báo Tuổi Trẻ thời gian gần đây.
Một cảnh chen lấn trên tuyến xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ với số người đi trên xe lên đến 90 người trong khi xe chỉ có 30 chỗ ngồi (ảnh chụp ngày 11-11) – Ảnh: Nhân Tâm
Ông Ngô Thanh Thiện – trưởng phòng quản lý vận tải và phương tiện Sở GTVT TP Đà Nẵng – cho biết đã nhận được nhiều đơn thư, điện thoại phản ảnh của người dân đi tuyến xe buýt này.
Nhồi nhét, chạy bạt mạng
Hiện có bốn đơn vị đăng ký khai thác tuyến xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ với gần 100 đầu xe loại 30 chỗ, bình quân mỗi ngày có tổng cộng 180 chuyến xe từ Đà Nẵng – Tam Kỳ và ngược lại.
Xe buýt 92K… chạy tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ xuất phát tại vòng xoay Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vào sáng 11-11 khi trên xe chỉ có khoảng mười hành khách. Tuy nhiên, khi vừa ra khỏi TP chừng 3km đến khu vực chợ Miếu Bông (huyện Hòa Vang) thì trên xe đã xấp xỉ 90 người.
Mặc dù xe đã hết chỗ nhưng hai cánh cửa xe vẫn mở liên tục suốt chuyến đi gần hai giờ và phụ xế cứ í ới gọi khách suốt chặng. Đã có quy định đón trả khách đúng địa điểm ghi trên hành trình mà xe buýt chạy, tuy nhiên khi xe vừa ra khỏi thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thấy có người đứng vẫy xe, lập tức tài xế đạp phanh cho dừng xe ngay giữa đường để hành khách lên xe. Tuyến đường có nhiều đoạn rất xấu, thế nhưng tài xế vẫn chạy nhanh và khi cần đón hoặc trả khách thì phanh gấp khiến nhiều phụ nữ ngã nhào, túm tụm lẫn nhau. Suốt chặng đường nhân viên soát vé hầu như không xé vé cho khách, mà chỉ hỏi đi chặng nào và từ đó thu tiền theo cách tính của nhà xe.
Video đang HOT
Chiều cùng ngày, xe biển số 43K… từ Tam Kỳ về Đà Nẵng cũng nhồi nhét khoảng 90 người. Theo lời của tài xế thì: “Có những lúc xe chở đến cả 100 người nữa kia, chứ chừng này chưa là gì cả”. Khi xe chuẩn bị vào khu nội thị TP Đà Nẵng thì trên xe chỉ còn sáu người và cô soát vé hỏi các hành khách về đâu để xe trả khách. Ba người đề nghị nhà xe trả khách tại điểm cuối của tuyến xe là đường Nguyễn Tất Thành (quận Hải Châu). Tuy nhiên, khi đến trạm xe buýt vòng xoay Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ thì nhân viên soát vé yêu cầu mọi người xuống xe và nói: “Mọi người chịu khó đi xe ôm hoặc đi bộ về nhà, xe không đi các tuyến đó”.
Chấn chỉnh nhà xe
Ông Ngô Thanh Thiện cho biết thời gian qua đơn vị nhận được rất nhiều đơn thư, điện thoại phản ảnh của người dân về những vi phạm ở tuyến xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là xe bắt khách không đúng trạm, nhân viên thu tiền không xuất vé cho khách, nhiều xe vẫn chưa niêm yết giá… Trước những bức xúc của người dân, ngày 14-11 Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các tuyến xe buýt nội thành và liền kề.
Theo đó, sở yêu cầu giám đốc các đơn vị vận tải xe buýt phải chấn chỉnh các lái xe về việc chạy xe buýt không đúng biểu đồ, lộ trình, bỏ trạm dừng đỗ lâu tại một điểm, chạy xe quá tốc độ. Nhân viên phục vụ không được thu gia cươc cao hơn gia quy đinh, thu tiên phai xuât ve cho khach, đồng thời phải có thái độ phục vụ hành khách lịch sự, tận tình, chu đáo. Đối với tuyến xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ, Phòng quản lý vận tải và phương tiện đã đề xuất các đơn vị quản lý hai đầu tuyến tại hai địa phương kiên quyết từ chối lên phiên đối với những phương tiện không đủ tiêu chuẩn, đình phiên những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, lực lượng thanh tra giao thông cũng phải thường xuyên tăng cường tuần tra xử lý nghiêm những lái xe, phụ xe vi phạm.
Cũng theo ông Thiện, từ đầu năm 2011 hai sở GTVT Đà Nẵng và Quảng Nam đã thống nhất việc quản lý tuyến xe buýt liên tỉnh bằng một quy chế rất cụ thể. Theo đó, mức phạt dành cho đội ngũ tài xế và nhân viên không thực hiện đúng quy định là đình chỉ mười ngày làm việc (lần 1), đình chỉ một tháng làm việc (lần 2), trục xuất khỏi tuyến (lần 3). Còn đối với các đơn vị khai thác là đình chỉ hoạt động khai thác tuyến (vi phạm lần 3) và cảnh cáo, nhắc nhở cho hai lần đầu. Tuy nhiên hằng năm đơn vị này chỉ xử phạt khoảng 30 vụ vi phạm khác nhau vì “việc thanh tra các đội xe để xử lý rất khó” – ông Thiện nói.
Theo Tuổi Trẻ
'Đi xe buýt giờ cao điểm thì phải chấp nhận nhồi nhét'
"Vì chúng ta chưa tăng được tần suất, chưa tăng thêm mật độ xe, hạ tầng chưa đáp ứng được, xe cá nhân rất nhiều", Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh trao đổi với VnExpress sáng 10/10.
- Ông nhìn nhận thế nào về những phàn nàn của người dân rằng xe buýt bỏ bến, quá tải và tài xế thiếu lịch sự?
- Công tác quản lý, vận hành xe buýt được Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị đã có nhiều cố gắng, song người dân vẫn phàn nàn về phương tiện này. Nhiều nhất là ý kiến xe buýt nhồi nhét khách trong giờ cao điểm, chậm giờ và thái độ phục vụ của lái xe thiếu văn minh.
Những phàn nàn này đều do tác động khách quan, như vào giờ cao điểm đông người đi, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng vậy. Vì thế nếu đi vào giờ cao điểm sẽ phải chấp nhận cảnh nhồi nhét vì chúng ta chưa tăng được tần suất, chưa tăng thêm mật độ xe do hạ tầng chưa đáp ứng được, xe cá nhân rất nhiều.
Về việc xe buýt chạy chậm giờ, bức xúc này không chỉ từ phía người dân mà ngay đơn vị quản lý. Hạ tầng không kịp phát triển theo nền kinh tế, nhu cầu đi lại tăng nhanh, người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều nên xe buýt không có đường mà đi, không thể đi nhanh được và bị chậm giờ.
Thứ ba là thái độ của nhân viên trên xe thiếu văn minh. Tôi cho rằng, những người điều khiển xe buýt cũng bức xúc khi phải chen chúc trong đám đông, đường sá ùn tắc. Tuy nhiên là ngành dịch vụ thì phải có thái độ hòa nhã với hành khách. Tôi được biết, Tổng công ty vận tải Hà Nội hàng năm đã xử lý hàng trăm người vi phạm các quy định.
Xe buýt Hà Nội giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Hà.
- Trước đề xuất giảm phương tiện cá nhân, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có kế hoạch tăng xe buýt thế nào để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân?
- Giảm phương tiện cá nhân trên đường phải song song với tăng phương tiện công cộng, chứ không thể giảm xe cá nhân rồi mới tăng phương tiện công cộng. Sở Giao thông Vận tải sẽ có kế hoạch tăng xe, rồi tiến tới giảm xe cá nhân vào từng thời điểm, tuyến đường, chứ không phải là cấm xe cá nhân rồi mới tăng xe buýt.
Hiện Hà Nội có khoảng 1.400 xe buýt. Năm 2010, công suất vận chuyển hơn 400 triệu lượt khách.
- Sắp tới Hà Nội sẽ phân làn trên tất cả tuyến phố, với những tuyến mặt cắt nhỏ, xe buýt sẽ lưu thông thế nào?
- Chúng tôi vừa họp bàn xây dựng phương án xe buýt đi trên các tuyến phân làn, phải đảm bảo cho người dân lên xuống thuận tiện và an toàn, không được gây ùn tắc.
Theo tính toán, xe buýt càng to thì chở được càng nhiều khách. Với những tuyến có mặt cắt đường nhỏ thì phải dùng xe nhỏ. Chúng tôi đã từng bước thay xe buýt nhỏ trên các tuyến đường nhỏ để giảm ùn tắc.
- Ông đã bao nhiêu lần đi xe buýt vào giờ cao điểm?
- Tôi đã đi xe buýt 5-6 lần vào giờ cao điểm. Có lần tôi nghe phản ảnh tuyến 58 và 59 phía Đông Anh vào buổi sáng rất đông, hành khách không lên được xe. Tôi đã dậy sớm và lên xe buýt, quả thật tôi thấy người dân đi lại như vậy rất vất vả, phải đi từ 5h30-6h, song không được vì thiếu xe. Tôi đã đề xuất tăng chuyến của tuyến này.
- Bộ trưởng Giao thông Vận tải vừa có ý định vi hành xe buýt vào giờ cao điểm, ông nghĩ sao về ý định này?
- Tôi cho rằng đây là chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng để nâng cao chất lượng xe buýt. Tôi rất mong muốn Bộ trưởng sẽ có nhiều thực tế, từ đó có các quyết sách phù hợp để chúng tôi thực hiện tốt hơn.
Theo VNExpress
"Nhồi nhét", "chặt chém" vô tội vạ Trưa 10.7, kỳ thi đại học - cao đẳng năm 2011 đã kết thúc, số lượng thí sinh và người nhà trở về quê qua các bến tàu, bến xe rất lớn. Tại nhiều nơi như bến xe Phía Nam, Gia Lâm, Mỹ Đình đã xảy ra tình trạng lộn xộn. Khách lên xe bị "nhồi nhét", thu vé quá giá, nhà xe...