Xây dựng thành phố thông minh cần lấy người dân làm trung tâm
Tại Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh 2019 tổ chức ngày 23/10 tại TP. Đà Nẵng, nhiều địa phương, chuyên gia đều cho rằng để xây dựng thành phố thông minh thành công cần đặt người dân làm yếu tố trung tâm.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, chuyên gia chia sẻ về xây dựng thành phố thông minh
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết: Khi thế giới đi vào kỷ nguyên số, thành phố thông minh là phương thức cơ bản để phát triển kinh tế, để thực hiện mục tiêu một Việt Nam hùng cường, vững mạnh, bởi vì 80% nền kinh tế quốc gia là nền kinh tế các thành phố, do đó thế giới ngày nay nói chuyện kinh tế thành phố thay vì kinh tế một quốc gia.
Để phát triển một thành phố vào kỷ nguyên này chỉ có một cách, đó là thành phố thông minh. Cho nên có thể nói thành phố thông minh là phương thức để phát triển nhanh nhất, bền vững mang lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu của thành phố thông minh là làm cho đất nước thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm. “Thành phố thông minh phục vụ người dân như thế nào? Là người dân được hưởng nước sạch; được đi lại không bị tắc nghẽn giao thông; ốm đau thì đến bệnh viện không chờ đợi nhiều; nghĩa là người dân được an toàn, an ninh. Đấy là cái đầu tiên mà thành phố thông minh phải đáp ứng. Cao hơn nữa là thành phố phải xanh, không khí trong lành… là những điều mà thành phố thông minh cần hướng tới”. Ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh tại TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2014, TP. Đà Nẵng đã chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố. Việc triển khai thành công Chính quyền điện tử tạo niềm tin, là nền tảng để thành phố triển khai xây dựng thành phố thông minh.
Năm 2014, Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn” và bắt đầu việc triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giám sát giao thông thông minh, môi trường, kiểm soát nguồn cấp nước, an toàn thực phẩm, giám sát an ninh trật tự, giáo dục, y tế; chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở…
Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng thành phố thông minh qua việc ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh và phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Video đang HOT
“Mục tiêu mà thành phố thông minh hướng đến rất là rất cao, do đó các địa phương khi xây dựng cần rà soát lại mục tiêu xem thành phố mình đang ở mức độ nào, xây dựng cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật CNTT, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt tạo sự đồng thuận trong nhân dân…”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Đô thị thông minh là một hệ sinh thái giữa chính quyền thông minh và người dân thông minh, công nghệ là công cụ. Cho nên khi triển khai, tỉnh không đặt yếu tố công nghệ lên hàng đầu mà vấn đề làm sao nắm bắt được yêu cầu của người dân, để người dân biết được đô thị chúng ta cần phát triển đến đâu, từ đó đồng hành cùng chính quyền.
Huế là địa phương chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, bên cạnh phát triển kinh tế, người dân mong muốn giữ lại những nét xưa. Thế nên chúng tôi phải luôn phải suy nghĩ bài toán giữa bảo tồn và phải phát triển; và người dân cũng thế, một mặt muốn phát triển kinh tế, một mặt giữ lại giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương; làm sao để người dân thấy được bước đi, người dân thực sự làm chủ bước đi đó thì tôi thấy là quan trọng.
“Cuối năm 2018 Thừa Thiên Huế thông qua đề án trung tâm dịch vụ điều hành đô thị thông minh, trong đó hướng tới các dịch vụ, sau 6 tháng triển khai đã nhận được giải thưởng Giải pháp đô thị thông minh sáng tạo châu Á. Có được kết quả ngay từ đầu xác định lấy nhu cầu, ý kiến của người dân làm gốc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết.
Còn ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh, công nghệ thì phát triển, yêu cầu người dân ngày càng lớn. Do đó, tùy vào mỗi địa phương để xem xét phải bắt đầu từ đâu, làm sao đưa công nghệ vào một cách hiệu quả nhất trong giai đoạn mà yêu cầu của xã hội, công nghệ luôn thay đổi.
Thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục hoàn thiện xây dựng thành phố thông minh, chú trọng thu hút đầu tư, trong đó lấy yếu tố người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hướng tới.
Cùng chung nhận định trên, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại Dương ( ASOCIO) cho biết: Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh cần đặt người dân lên hàng đầu chứ không phải là công nghệ, dù công nghệ tối ưu những người dân không tham gia thì không thể coi là thành công.
Theo Chính Phủ
TP Hồ Chí Minh: Tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo
Các doanh nghiệp Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm giúp Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh.
Sáng 18/10, Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (WHISE 2019) do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức đã khai mạc.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết thành phố xác định mô hình phát triển bền vững theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo.
Trong năm qua, với định hướng xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh và đô thị sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động, với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã góp phần tăng cường năng lực và sự liên kết-hợp tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố; tạo sức lan tỏa mạnh mẽ từ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đến toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, các chính sách hỗ trợ đã tác động đầy đủ vào các giai đoạn của quá trình khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, giúp xác định mô hình hỗ trợ khởi nghiệp có hiệu quả và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thành phố vươn tầm khu vực và thế giới.
WHISE 2019 thể hiện cam kết của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp, sớm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố của đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong cả nước và khu vực.
Khách tham quan nơi trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp tại WHISE 2019.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto cho biết hoạt động đổi mới sáng tạo khá phổ biến tại Phần Lan.
Đổi mới sáng tạo và công nghệ luôn xuất hiện trong nền giáo dục của Phần Lan, đồng thời luôn hướng tới đổi mới để học sinh thấy mình là một phần trong chương trình học.
Các doanh nghiệp Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm giúp Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh.
Sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau giữa Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với phía Phần Lan sẽ giúp hai bên đạt được nhiều thành công trong tương lai.
Tuần lễ đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 15-9/10, với hơn 30 sự kiện; trong đó tập trung nhiều nhất là từ ngày 18-19/10.
Các sự kiện nổi bật như: Diễn đàn giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm thảo luận, thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp, quan điểm của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp (Đề án 1665); ký kết và công bố Liên minh giáo dục 4.0 để chia sẻ ứng dụng công nghệ, tư duy đổi mới sáng tạo và công tác đào tạo, giáo dục và kinh doanh giáo dục.
Ngoài ra, tại WHISE 2019 cũng diễn ra các hội thảo chuyên sâu: "Mô hình hoạt động và vận hành câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên tại các trường đại học," "Các giải pháp sáng tạo từ Phần Lan hướng tới Thành phố Hồ Chí Minh," giới thiệu công nghệ in 3D và ứng dụng công nghệ in 3D trong nghiên cứu, giáo dục, thiết kế, phát triển sản phẩm...
Cùng với đó là các hoạt động kết nối các startup trong và ngoài nước; chung kết các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo.
Theo VietnamPlus
Khai mạc Tuần lễ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2019 Sáng 18-10, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức khai mạc 'Tuần lễ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2019' (WHISE 2019). Đây là sự kiện lớn nhất trong năm về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của TP Hồ Chí Minh. WHISE 2019 sẽ diễn ra...