Xây dựng NTM Ninh Thuận: Mãng cầu – cây giảm nghèo bền vững
Tuy chưa nằm trong danh mục cây trồng đặc thù của tỉnh như nho, táo nhưng mãng cầu đã trở thành loài cây giảm nghèo bền vững của nông dân các địa phương. Với phương thức đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác, cây mãng cầu cho thu nhập cao, giúp nhiều nông hộ vươn lên cải thiện cuộc sống.
Vườn mãng cầu của anh Nguyễn Như Minh vào vụ thu hoạch.
Những năm gần đây, nông dân tỉnh ta đầu tư trồng cây mãng cầu theo hình thức phân tán với diện tích khoảng 350 ha tập trung chủ yếu ở hai huyện Thuận Bắc và Thuận Nam. Đây là loài cây dễ trồng thích nghi với điều kiện khô hạn, ít sâu bệnh hại. Nông dân áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng trừ hiệu quả rệp sáp trên cây mãng cầu cho năng suất, chất lượng cao, bảo đảm thu nhập ổn định. Đến với các địa phương thuộc huyện Thuận Nam vào những ngày cuối tháng hai này, chúng tôi gặp nhiều nông hộ đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch mãng cầu trái vụ.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Thành Ngọc (ở thôn Bàu Ngứ, Phước Dinh), chúng tôi được nghe kể chuyện: Chỉ với 120 cây mãng cầu trồng trên diện tích khoảng 500 mét vuông đất gò, đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Ít ai ngờ loài cây tưởng chừng “ăn chơi” đã giúp vợ chồng anh có cuộc sống no ấm, chăm lo nuôi ba con học hành chu đáo. Kỹ thuật được áp dụng cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon được thị trường ưa chuộng, đó là anh cắt cành mãng cầu để cho thu hoạch vào dịp tháng Chạp và tháng Tư âm lịch hàng năm.
Video đang HOT
Hay như anh Nguyễn Như Minh là một trong những nông dân đi đầu trong trồng mãng cầu trái vụ, áp dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước ở xã Nhị Hà. Anh Minh cho biết, gia đình trồng 6 sào mãng cầu từ năm 2002 đến nay, mật độ 120 cây/sào. Sau 3 năm chăm sóc chu đáo, cây mãng cầu bắt đầu cho trái chiến. Anh đầu tư trên 50 triệu đồng lắp đặt mô tơ và hệ thống tưới phun. Anh cũng áp dụng biện pháp cắt cành, lặt lá, cây mãng cầu cho thu hoạch 2 vụ/năm, năng suất trung bình 5- 6 kg/cây. Hiện nay, thương lái thu mua mãng cầu tại vườn với giá 18- 20 ngàn đồng/kg. Trừ hết chi phí, anh Minh có lãi trung bình 150 triệu đồng/năm. Vườn mãng cầu của anh Nguyễn Như Minh là điểm đến của nông dân các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam học tập kinh nghiệm.
Đồng chí Lê Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Hà cho biết, nông dân toàn xã trồng 30 ha cây mãng cầu đang vào vụ thu hoạch. Đây là loại cây ăn trái có diện tích lớn nhất hiện nay ở Nhị Hà được trồng theo biện pháp thâm canh, cắt cành cho thu hoạch 2 vụ/năm. Mãng cầu dễ trồng, ít sâu bệnh hại, cho thu nhập cao đã thực sự trở thành loài cây giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Theo Sơn Ngọc (Báo Ninh Thuận)
Việc gì khó, có ông Mở
Không chỉ là một trong những cán bộ Hội Nông dân (ND) điển hình, ông Não Mở - Chi hội trưởng Hội ND thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) còn là người làm tốt công tác vận động hội viên, ND đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ ND và phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Chi hội trưởng năng động
Đang cấy ruộng lúa của gia đình, quần áo còn lấm lem bùn đất, nhưng khi thấy phóng viên đến hỏi chuyện, ông Mở vui vẻ lên bờ, cởi mở tâm sự. Ông Mở cho biết ông sinh ra và lớn lên ngay tại vùng đất này nên rất thấu hiểu cái khó của người ND. Đến nay, ông làm công tác hội đã hơn 10 năm và được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng hơn 6 năm nay. Ngoài việc chăm lo kinh tế cho gia đình, ông còn sẵn lòng giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn vay vốn để phát triển sản xuất và tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ tham gia sinh hoạt trong Chi hội.
Ông Não Mở đang chia sẻ cách vận động người dân đắp đập dự trữ nước phục vụ sản xuất lúa. Ảnh: C.T
Theo ông Mở, ngày mới vào Hội, việc vận động người dân tham gia sinh hoạt hội gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc vận động hội viên đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ ND còn khó khăn hơn gấp bội. Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu rõ về lợi ích của quỹ nên năm 2015, Chi hội ND thôn Thành Tín đã vận động bà con đóng góp được 3 triệu đồng, năm 2016 là 5 triệu đồng. Ông Mở đặt mục tiêu năm 2017 sẽ vận động được 7 triệu đồng.
Ông Mở cho biết, để thuyết phục bà con nhiệt tình tham gia công tác hội và đóng góp cho Quỹ Hỗ trợ ND, trước hết phải nắm được đặc điểm sản xuất tại địa phương và hoàn cảnh của từng gia đình. Ví dụ, tại thôn Thành Tín, bà con sản xuất 2 vụ lúa. Hết vụ thu hoạch, cứ vào cuối giờ chiều, ông Mở lại đến gõ cửa từng nhà dân để vận động, tuyên truyền về những lợi ích bà con được hưởng khi tham gia vào hội. Nhờ thế, số hội viên tại Chi hội ngày một tăng, việc vận động người dân tự nguyện đóng góp vào quỹ cũng dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Thôn đi đầu NTM
Xác định Chương trình xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa lớn lao của Đảng và Nhà nước nên mấy năm qua, ông Mở luôn là một trong những người gương mẫu, tích cực đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Ông cho biết, muốn xây dựng NTM hiệu quả, cần có các mô hình sản xuất tốt, cho thu nhập cao. Từ năm 2012 đến nay, ông liên tục vận động bà con đóng góp hàng trăm ngày công lao động để làm bờ đê, đắp đập, nạo vét kênh mương, làm đường giao thông nội đồng, giúp việc sản xuất thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí...
Nhớ lại năm 2016, do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều làm tuyến kênh mương T8 bị hư hỏng tới 3 lần. Trước tình hình trên, ông Mở đã đứng ra vận động người dân tích cực tham gia làm mương để dự trữ nước. Sự vận động, kêu gọi của ông đã được người dân nhiệt tình ủng hộ. Với những việc làm có nhiều ý nghĩa của mình, từ năm 2012 đến nay ông Mở đã được Hội ND tỉnh Ninh Thuận trao nhiều giấy khen, bằng khen.
Ông Nguyễn Hữu Lương - Chủ tịch Hội ND xã Phước Hải cho biết, hiện toàn xã có 4 Chi hội ND, trong đó Chi hội Thành Tín là đơn vị có nhiều thành tích nổi bật nhất trong việc đóng góp quỹ và vận động người dân xây dựng NTM.
Theo Danviet