Xây dựng Đề án phát triển ngành kinh tế vận tải Thủ đô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ
Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển ngành kinh tế vận tải Thủ đô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với các ngành liên quan phát triển mô hình kinh tế chia sẻ nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố.
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 106-TB/TU, thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc với Sở GTVT và ngành giao thông vận tải.
Theo đó, ngày 22-12-2020, Thường trực Thành ủy đã làm việc với Sở GTVT và ngành giao thông vận tải về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ năm 2020 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021.
Sau khi nghe Giám đốc Sở GTVT báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã kết luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và về các kiến nghị, đề xuất.
Theo đó, về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Sở GTVT và ngành giao thông vận tải cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, bảo đảm khoa học, hiệu quả, thiết thực.
Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ trên các lĩnh vực.
Video đang HOT
Ảnh minh họa (ảnh: HL)
Thực hiện chủ đề năm 2021 của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, nâng cao trách nhiệm và kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ với mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động giỏi chuyên môn, chắc nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố và nếp sống văn hóa tại công sở, nơi công cộng; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, phấn đấu ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các TTHC thuộc thẩm quyền.
Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển ngành kinh tế vận tải Thủ đô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với các ngành liên quan phát triển mô hình kinh tế chia sẻ nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố. Triển khai thu phí tự động tại các điểm trông giữ phương tiện giao thông công cộng.
Bí thư Thành ủy cũng kết luận giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND Thành phố điều chỉnh (hoặc bổ sung), trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt điều chỉnh (hoặc bổ sung) quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (bao gồm cả kết cấu giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không…), chú trọng phát triển các huyện ở khu vực phía Nam và Tây Nam của thành phố, các tỉnh giáp ranh có tính liên kết vùng, các tuyến đường vành đai…
Tiếp tục xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, kiểm soát tải trọng, quản lý các phương tiện xe điện, xe taxi, xe máy, xe ba bánh.
“Xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”, sử dụng xe khách hợp đồng hoạt động như tuyến cố định, đón khách, bốc dỡ hàng hóa, xe quá khổ, quá tải… gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông”, Thông báo nêu rõ.
Bên cạnh đó, xây dựng các phương án tiếp nhận, quản lý điều hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông và triển khai việc diễn tập, xử lý các tình huống khi kết nối các phương tiện giao thông công cộng khác với tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đang dự kiến đưa vào khai thác, vận hành trong đầu năm 2021 nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người tham gia giao thông.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Sở GTVT, Bí thư Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, lộ trình, tiến độ thực hiện đối với từng nội dung đề xuất, kiến nghị.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày bàn giao: Vẫn bỏ mặc xuống cấp, hư hỏng
Nửa tháng trôi qua kể từ khi Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh về tình trạng hư hỏng, xuống cấp tại khu vực các nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mọi thứ vẫn gần như nguyên trạng, chưa có sự chuyển biến.
Các nhà ga bị "xẻ thịt"
Ngày 16/12, Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh về tình trạng hư hỏng, xuống cấp cũng như bị chiếm dụng trái phép để làm nơi đỗ xe, kinh doanh tại khu vực nhiều nhà ga thuộc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đến nay, đã nửa tháng trôi qua nhưng theo khảo sát của phóng viên, mọi chuyện vẫn gần như không có gì thay đổi. Tình trạng nhà ga bị "xẻ thịt" làm nơi đỗ xe vẫn nhan nhản ở các ga La Khê, Văn Khê, Hà Đông, Thượng Đình, Văn Quán... Đặc biệt, bãi đỗ xe tự phát chiếm dụng gần như toàn bộ khuôn viên phía dưới nhà ga Văn Quán vẫn còn nguyên vẹn.
Khu vực cầu thang lên xuống Ga Yên Nghĩa bị quây kín bởi một bãi đỗ xe tự phát. Ảnh: Nguyễn Quý
Tại ga Yên Nghĩa, một bãi đỗ xe tương tự cũng phủ kín khu vực phía dưới nhà ga, chiếm tràn lên vỉa hè. Tại ga Hà Đông, ô tô cũng đỗ thành hàng dài dưới đường. Khu vực cầu thang lên xuống nhà ga bị cửa hàng "Xe đạp - xe điện - xe cup50 Thanh Loan" chiếm dụng làm nơi trưng bày xe. Thậm chí, cột biển báo "Ga Hà Đông" còn bị trưng dụng để làm chỗ treo tấm biển quảng cáo "Đèn trang trí". Đường lên cầu thang nhà ga thì bị che kín bởi tấm biển "xoa bóp, bấm huyệt...". Tình trạng tương tự diễn ra tại nhiều nhà ga khác.
Điều này cho thấy việc chiếm dụng, "xẻ thịt" khu vực nhà ga diễn ra phổ biến trong một thời gian dài nhưng không được kiểm tra, xử lý.
Khắc phục kiểu chắp vá
Tai ga Láng, nơi từng được phóng viên Kinh tế & Đô thị phát hiện và phản ánh tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng, sau nửa tháng được "chỉ mặt gọi tên" thì hiện trạng của nhà ga này vẫn không có gì thay đổi. Mùi hôi thối vẫn bốc lên vô cùng khó chịu. Trong khu vực nhà ga này chẳng khác gì một nhà vệ sinh tự phát khi tình trạng phóng uế diễn ra khắp nơi. Tình trạng mất vệ sinh cũng xuất hiện tại nhà ga Yên Nghĩa, đặc biệt tại khu vực gầm cầu thang. Trong quá trình tác nghiệp ghi nhận tại đây, phóng viên còn bắt gặp một người đàn ông đi xe máy, mặc áo đồng phục của xe ôm công nghệ Grab thản nhiên phóng uế ngay chỗ cầu thang lên xuống.
Tình trạng rò rỉ, thấm nước vẫn chưa được xử lý.
Trong khi đó, tình trạng bong tróc, rạn nứt lớp sơn, thấm nước tại ngay vị trí đấu nối đường điện, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy xuất hiện ở hầu hết các nhà ga dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông như La Khê, Văn Khê, Phùng Khoang, Văn Quán, Vành đai 3, Thượng Đình... cũng không được khắc phục là bao. Một số nhà ga đã được quét sơn mới nhưng đây chỉ là cách sửa chữa mang tính chất chắp vá, đối phó khi lớp sơn mới chỉ được quét ở khu vực phía dưới thấp, còn trên cao, các vết ố, nứt nẻ, bong tróc vẫn nguyên vẹn. Thậm chí, chính sự "khắc phục nửa vời" này còn khiến công trình trở nên nham nhở, mất mỹ quan hơn. Theo quan sát, việc sơn sửa này do một số tốp thợ sơn phụ trách, mỗi tốp gồm 2 - 3 người với những dụng cụ rất thô sơ.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, một chuyên gia trong lĩnh vực sơn bả cho biết, tình trạng bong tróc lớp sơn ở các nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho thấy chất lượng sơn không đảm bảo. "Để khắc phục triệt để tình trạng này, chỉ có cách duy nhất là cạo bóc toàn bộ lớp sơn cũ để thay bằng lớp sơn mới. Còn khắc phục theo kiểu chắp vá chẳng bao lâu, các lớp bong tróc sẽ xuất hiện trở lại" - chuyên gia này nói.
Các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư, tổng thầu phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tình trạng hư hỏng, xuống cấp tại các nhà ga của đường sắt Cát Linh - Hà Đông; đồng thời đề nghị cần khẩn trương khắc phục và trả lại nguyên trạng với chất lượng, mỹ quan tốt nhất trước khi bàn giao về cho TP Hà Nội.
Ngày cuối cùng vận hành thử, đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đánh giá khả quan Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, trong 20 ngày chạy thử, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành an toàn hệ thống, được đánh giá tương đối tốt. Hôm nay, 31/12, đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiến hành ngày vận hành thử cuối cùng, chuẩn bị cho các công đoạn bàn giao khai thác...