Xáo trộn lớn trên “bảng xếp hạng” lợi nhuận ngân hàng 2018
2018 đánh dấu năm đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam không còn sự áp đảo và vượt trội về lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại nhà nước. Khối ngân hàng cổ phần tư nhân đã có những thành viên vượt lên.
Theo con số tuyệt đối, quy mô lợi nhuận hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam năm qua đã có xáo trộn lớn, với sự lấn át chính thức của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân – Ảnh: Quang Phúc.
Trong hệ thống, phân nhóm theo cách hiểu đại chúng cũng như trong thống kê hành chính, các ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối vẫn được xếp ở khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Nhóm này gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank, chưa cổ phần hóa), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương ( VietinBank) và ba thành viên Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Còn nhóm không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối được xếp ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần; thông thường vẫn được gắn thêm yếu tố “tư nhân” để phân biệt rõ hơn.
Với bề dày lịch sử cùng đặc thù quy mô lớn, các thị phần truyền thống chi phối, khối ngân hàng thương mại nhà nước luôn dẫn đầu và áp đảo về quy mô lợi nhuận.
Nhưng, từ 2018, kết quả kinh doanh hầu hết đã cập nhật và tổng hợp thông tin cho thấy, “bảng xếp hạng” lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam đã có xáo trộn lớn.
Lâu nay, trong tiếp cận đại chúng, lợi nhuận các ngân hàng vẫn thường được so sánh theo con số tuyệt đối đơn thuần, dù về phân tích chuyên môn so sánh này không có nhiều ý nghĩa.
Thay vào đó, các chỉ số cơ bản như ROA, ROE phản ánh sát thực hơn thứ hạng về hiệu quả hoạt động; hoặc các chỉ số về mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản và nợ xấu, hiệu quả làm việc theo đầu người… để có so sánh tương đồng hơn.
Video đang HOT
Nhưng, nhiều năm qua, so sánh quy mô lợi nhuận đơn thuần theo con số tuyệt đối trở thành… thói quen. Và từ đây, các vị trí trong “bảng xếp hạng” được xác định theo con số lợi nhuận đạt được, dù con số lớn nhất không hẳn là hiệu quả nhất.
Dù vậy, nhìn theo con số tuyệt đối, quy mô lợi nhuận hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam năm qua đã có xáo trộn lớn, với sự lấn át chính thức của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Dẫn đầu quy mô, Vietcombank với hơn 18.000 tỷ khẳng định vị trí số 1 về lợi nhuận, có cách biệt lớn so với tất cả các thành viên còn lại.
Xáo trộn lớn nhất năm 2018 nằm ở vị trí thứ hai. Lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống ghi nhận BIDV và VietinBank đã không còn áp đảo ở vị trí này, mà phải nhường chỗ cho một thành viên đến từ khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Với số liệu ước tính cập nhật đến thời điểm này, vị trí thứ hai thuộc về Ngân hàng Kỹ thương ( Techcombank). Theo tìm hiểu của VnEconomy, năm qua Techcombank đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có ngân hàng tư nhân vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, do chưa chính thức công bố bằng báo cáo tài chính, nhưng nhiều khả năng BIDV và VietinBank đã lùi xuống xếp các vị trí thấp hơn trên “bảng xếp hạng”.
Điểm đáng chú ý, khối ngân hàng thương mại nhà nước là những thành viên có quy mô tổng tài sản trên mốc 1 triệu tỷ đồng, các thị phần truyền thống áp đảo. Trong khi Techcombank có quy mô tổng tài sản ước tính chưa bằng 1/3 mỗi thành viên nhóm này.
Tương tự, có quy mô tổng tài sản thấp hơn nhiều so với khối quốc doanh, và dù dự kiến thấp hơn kế hoạch đầu năm do một phần “việt vị” về triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm mà Ngân hàng Nhà nước bất ngờ siết lại, ước tính lợi nhuận Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn vượt trên mốc 9.000 tỷ đồng.
Do VietinBank vẫn chưa công bố cụ thể con số lợi nhuận 2018 sau khi điều chỉnh mạnh kế hoạch, nhưng nhiều khả năng VPBank là xáo trộn lớn tiếp theo từ khối tư nhân, vượt trên VietinBank và kế sau BIDV để đứng thứ tư.
Như vậy, chỉ đơn thuần về con số lợi nhuận tuyệt đối, top 5 “bảng xếp hạng” năm 2018 đã thay đổi hẳn so với lịch sử, với trường hợp Techcombank và VPBank.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, các vị trí lợi nhuận 2018 cũng tiếp tục cho thấy cách biệt ngày càng lớn dần giữa các thành viên sát kề trước đây.
Những năm 2011 – 2015, giai đoạn khó khăn chung của hệ thống, Ngân hàng Quân đội (MB) liên tiếp duy trì quy mô lợi nhuận ổn định để giữ vị trí dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Nhưng những năm gần đây và cho đến 2018, “thứ hạng” đã thay đổi lớn.
Dù vượt kế hoạch năm qua, nhưng với cách biệt lớn, MB đã không còn là thành viên cạnh tranh trực tiếp quy mô lợi nhuận so với Techcombank và VPBank. Và đây cũng là một xáo trộn trên “bảng xếp hạng” 2018.
Nhìn xa hơn nhiều năm trước, các vị trí lợi nhuận trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đến 2018 cũng đã thay đổi rất lớn, khi những thành viên hàng đầu trước đây như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) vẫn chưa thể trở lại.
Sau những xáo trộn, năm 2019 mới chỉ khởi đầu nhưng có thể dự tính “bảng xếp hạng” lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục có thay đổi.
Ngay trong năm 2018, Agribank nổi lên với kỷ lục lợi nhuận trên 7.500 tỷ sẽ là trường hợp được chú ý nối tiếp. Trong khi đó, nếu BIDV sớm hoàn thành kế hoạch bán vốn cho nước ngoài, triển vọng bứt phá sau đó cũng có thể tạo hiện tượng năm 2019.
Còn điểm đã định hình, từ kết quả 2018, lần đầu tiên “bảng xếp hạng” lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam đã không còn tách nhóm như trước, mà có sự so sánh trực tiếp, vượt qua và đan xen thứ hạng với sự vươn lên của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Nguyên Hồng
Theo vneconomy.vn
Ngân hàng và "cơn lốc số"
Theo phân tích của giới chuyên gia, công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng nhưng từ đây ngân hàng cũng phải đối diện với thách thức.
Nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực quản lý (Ảnh TL)
Theo phân tích, sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn. Công nghệ số cũng là cơ hội để các quốc gia thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng tới việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức. Đặc biệt đối với người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương thì công nghệ số sẽ giúp họ tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, việc số hóa ngân hàng chính là việc định hướng lại chính sách, tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Công nghệ số giúp nâng cao năng lực tiếp cận, thúc đẩy việc kết nối liên thông và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thanh toán. Từ đó xây dựng các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất cho một số phương tiện và hệ thống thanh toán như dữ liệu thẻ PCI/DSS, công nghệ mã hóa số thẻ.
Nắm bắt được cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ, ứng dụng một số công nghệ, giải pháp mới như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học... Từ đó đã tạo ra một số dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số; đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro. Nhiều ngân hàng bước đầu đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa.
Công nghệ số giúp ngân hàng nâng cao năng lực tiếp cận và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thanh toán (Ảnh TL)
Chẳng hạn như Ngân hàng Tiên Phong với ngân hàng tự động LiveBank; LienVietPostBank với sản phẩm "ví Việt", Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng với ứng dụng ngân hàng số Timo... Với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn, công nghệ số đang dần khiến các ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò của công nghệ trong thời đại mới. Từ đó gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, giảm dần sự tập trung vào nguồn thu nhập truyền thống từ hoạt động tín dụng, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, khi sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày trở nên số hóa sẽ tạo ra kết nối trực tuyến, liên tục với khách hàng qua nhiều thiết bị số cá nhân, trên nhiều kênh khác nhau. Đây chính là môi trường thuận lợi để tội phạm công nghệ cao, tin tặc khai thác các yếu điểm hòng gian lận, trục lợi từ người dùng và thâm nhập vào hệ thống, đòi hỏi các ngân hàng không được chủ quan, xem thường mà phải có sự quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn cho đảm bảo an toàn bảo mật và bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Hồ Hằng
Theo congluan.vn
Doanh nghiệp tưng bừng báo lãi "khủng", về đích sớm Nhiều doanh nghiệp công bố lãi khủng và vượt kế hoạch dù còn gần một tháng nữa mới hết năm 2018. Trong đó, đáng chú ý nhất là "họ" dầu khí có nơi vượt tới hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nhiều doanh nghiệp "họ" dầu khí công bố doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch đặt ra (Ảnh minh họa)...