Xăm nốt ruồi son mong ‘đổi vận’
Chuyện tình cảm gần đây gặp nhiều trắc trở, Hoàng Lan 19 tuổi, rủ bạn trai cùng xăm nốt ruồi màu đỏ ở tay để “đánh dấu tình yêu”.
Cô gái tìm hiểu, thấy trào lưu xăm nốt ruồi đỏ rất được ưa chuộng ở Trung Quốc nhằm kỷ niệm “tình yêu độc nhất”, tìm vận may, mang đến nhiều tài lộc. Rất nhanh, tại Hà Nội, Lan tìm được hàng chục cơ sở xăm nốt ruồi, chi phí chỉ khoảng 100.000 đồng một nốt ruồi đen, 200.000 đồng một nốt ruồi son (màu đỏ), xăm nhiều nốt ruồi còn được giảm giá. Các cơ sở này kèm những cam kết hấp dẫn như không đau, không sưng, không độc hại. Quy trình xăm nhanh gọn, bắt đầu từ chấm thuốc tê, xoa lên vùng da cần xăm rồi “vẽ” nốt ruồi, chỉ 10 phút là xong. Khách hàng có thể chọn nốt ruồi thường hoặc nốt ruồi lồi tùy sở thích.
“Xăm nốt ruồi nhỏ xíu thì cũng là xăm hình lên cơ thể, mình sợ tai biến, chưa kể về sau muốn xóa xăm sẽ rất đắt và dễ để lại sẹo”, Lan chia sẻ. Cô đã phải cân nhắc rất kỹ mới quyết định xăm nốt ruồi đỏ.
Theo Global Times, xăm nốt ruồi đỏ (chu sa) được nhiều cặp đôi Trung Quốc ưa chuộng, đặc biệt những người sinh sau năm 2000, tức lứa tuổi teen đến đôi mươi, để đánh dấu “tình yêu độc nhất” của họ. Nhiều người quan niệm, xăm nốt ruồi để đổi vận, mang lại nhiều tài lộc, may mắn.
Trào lưu này cũng phổ biến tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Răng Hàm mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cho biết xăm nốt ruồi là thủ thuật đơn giản, nhẹ nhàng, không tác động đến nhiều vùng da và dễ dàng thực hiện, chi phí rẻ hơn hình xăm lớn nên được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.
“Tuy nhiên, quan niệm xăm nốt ruồi để đón vận may chỉ là lời nói truyền miệng, chưa được khoa học kiểm chứng”, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết.
Video đang HOT
Một cặp đôi xăm nốt ruồi đỏ trên tay để đánh dấu tình yêu độc nhất và mang lại may mắn. Ảnh: Weibo
Theo các chuyên gia, xăm nốt ruồi cũng giống như xăm mình, đều đưa các chất màu lạ vào da, được xếp vào nhóm xâm lấn có sử dụng yếu tố ngoại lai tiêm vào cơ thể. Do đó, mực xăm phải có nguồn gốc rõ ràng, không gây dị ứng cho da, nếu không có thể dẫn đến ung thư da, viêm da, nổi mẩn ngứa… Kim xăm nếu không đảm bảo cũng có thể làm lây nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C, HIV…
“Một số người muốn đến bệnh viện để xăm nốt ruồi, tuy nhiên kỹ thuật này chưa có trong danh mục điều trị thẩm mỹ của bệnh viện nên chúng tôi không thực hiện”, bác sĩ Hưng cho biết.
Bệnh viện từng tiếp nhận nhiều người sau xăm nốt ruồi bị sưng tấy, đau nhức do kim xăm đâm quá sâu vào phần thịt dưới da. Người bệnh khi về nhà không biết cách chăm sóc khiến vết thương từ một vùng nhỏ đã lan rộng, lở loét nặng. Một số trường hợp khác sau khi thực hiện thủ thuật xăm lại cho rằng không may mắn như kỳ vọng, hoặc chia tay người yêu nên muốn xóa hình xăm. Nếu xóa hình xăm không đúng cách, thực hiện ở cơ sở không đảm bảo an toàn, vùng da xóa xăm sẽ bị sẹo, nhiễm trùng.
Theo bác sĩ, xăm hình thì dễ nhưng xóa xăm rất khó. Xóa hình xăm bằng laser sẽ phá vỡ tế bào sắc tố dưới da, gây những tổn thương, nhiễm trùng hoặc để lại sẹo, đặc biệt là những hình xăm lớn cần liệu trình dài hơi hơn. Đặc biệt, những kỹ thuật xăm và mực xăm mới lưu lại ở da lâu, sâu hơn, khiến cho việc xóa xăm càng trở nên khó khăn và tốn kém.
Do đó các bác sĩ khuyến cáo nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định xăm, dù chỉ một nốt ruồi nhỏ. Nên thực hiện thủ thuật xăm ở một cơ sở thẩm mỹ được cấp phép. Chăm sóc sau xăm cũng rất quan trọng. Nên rửa sạch tay với xà phòng và nước trước khi chăm sóc các vết xăm. Bôi thuốc mỡ chống nhiễm trùng và dán băng y tế sạch vào ban ngày, để trần vào ban đêm. Bỏ mảnh giấy bóng phủ hình xăm khi bạn về tới nhà để vết xăm được thông thoáng, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Nếu vết xăm xuất hiện một vệt màu đỏ dài, hẹp lan ra từ vùng xăm hình hoặc vùng da xung quanh tấy đỏ, sưng, nóng, kéo dài từ năm đến bảy ngày sau; có dịch, mủ tiết ra từ vùng xăm kèm sốt, nhiễm khuẩn, cần đến bệnh viện khám để xử lý kịp thời.
“Nếu muốn có được công việc thuận lợi, tiền tài và tình duyên như ý, bạn nên cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống hằng ngày chứ đừng chờ đợi vận may được đem về từ nốt ruồi”, bác sĩ Hưng khuyên.
Không cần bồi dưỡng nhiều đạm, thịt bò trước khi đi hiến máu
Đây là thông tin được ông Lê Lâm, PGĐ Viện Huyết học và Truyền máu TW tại lễ phát động Chung dòng máu Việt 2020 do Viện Huyết học Truyền máu TW phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức vào sáng 3/12.
Không cần bồi dưỡng nhiều đạm, thịt bò trước khi đi hiến máu
Lễ phát động chương trình Hiến máu tình nguyện "Chung dòng máu Việt năm 2020", đánh dấu năm thứ 11 liên tiếp Samsung chung tay khắc phục tình trạng thiếu hụt máu tại Việt Nam. Bắt đầu được thực hiện từ năm 2010, tính đến thời điểm hiện tại, Samsung Việt Nam đã hiến tặng tổng cộng hơn 87.000 đơn vị máu. Dự kiến, chương trình năm nay sẽ đóng góp thêm hơn 10.000 đơn vị máu.
Trao đổi với phóng viên bên lề sự kiện, giải thích vì sao việc xây dựng và duy trì người hiến máu tình nguyện lại là giải pháp quyết định để giảm thiểu những rủi ro cho người bệnh lây nhiễm HIV, viêm gan C, viêm gan B thậm chí giang mai..., ông Lê Lâm cho biết đó là câu chuyện của "cả quá trình lịch sử không chỉ riêng Việt Nam mà cả các nước trên thế giới".
Theo đó, cách đây vài chục năm nguồn máu chủ yếu từ những người bán máu, không kiểm tra được sức khoẻ, không theo dõi được quá trình lịch sử sức khoẻ của họ chính vì thế nguồn máu họ bán chất lượng không bằng như hiện nay.
"Chính vì vậy, cho đến thời điểm bây giờ có thể nói 100% nguồn máu được tiếp nhận từ những người hiến máu tình nguyện - nguồn máu có chất lượng thì đảm bảo hoàn toàn chất lượng.
Mặc dù đã yên tâm nhưng trong quy trình hiến máu, chúng tôi vẫn có quá trình sàng lọc để loại trừ, ví dụ như HIV, viêm gan B, viêm gan, giang mai, sốt rét để đảm bảo được chất lượng một đơn vị máu truyền cho người bệnh đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối giống như tiêu chuẩn quốc tế', ông Lâm bày tỏ.
Phó Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương cũng nhấn mạnh, nhều người thường có quan niệm sai lầm phải bồi bổ, ăn nhiều thịt bò để "lấy sức" trước khi đi hiến máu.
"Điều này là không cần thiết", ông Lâm nói và cho biết " người trước khi đi hiến máu, quan trọng hàng đầu là hiến máu thường xuyên và đều đặn theo định kỳ một năm một người tối đa có thể hiến máu 4 lần".
"Trước những hôm hiến chúng ta sinh hoạt đều đặn, bình thường. Trước khi hiến máu đội ngũ nhân viên y tế một lần nữa kiểm tra sức khoẻ, nếu đảm bảo tiêu chuẩn thì mới được hiến máu.
Không nên bồi dưỡng, ăn nhiều thịt bò trước khi đi hiến máu. Bởi nếu chúng ta ăn chế độ giàu dinh dưỡng, bồi bổ nhiều quá vào hôm trước đi hiến máu thì huyết tương sẽ bị đục. Cho nên không cần thiết phải ăn một khẩu phần thức ăn nhiều protit", ông Lâm cho biết.
Sau khi hiến máu, theo ông Lâm chúng ta vẫn ăn uống bình thường và bổ sung những loại rau quả có nhiều chất sắt (màu đỏ, cà rốt) ngoài ra có lúc này có thể ăn thêm thịt bò và các loại thức ăn bình thường.
"Người hiến máu không cần phải suy nghĩ rằng do hiến máu mất nhiều máu nên cần phải bổ sung cái gì mà coi như bình thường, cơ thể tự tái tạo. Đặc biệt việc hiến máu này còn giúp cơ quan tái tạo máu của cơ thể được rèn luyện giống như chúng ta tập thể dục", ông Lâm nhấn mạnh.
5 xét nghiệm sức khỏe cần làm trước khi kết hôn Kiểm tra sức khỏe trước khi cưới sẽ giúp các cặp đôi yên tâm và được điều trị sớm nếu phát hiện vấn đề bất thường. Để đảm bảo bạn và đối phương không mắc bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, cả hai nên kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn. Đó cũng là sự tôn trọng lẫn nhau...