Xâm hại tình dục: “Tại sao những kẻ đồi bại vẫn nhởn nhơ?”
Đó là thắc mắc của TS.Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội sau một số vụ xâm hại tình dục trẻ em gây chấn động dư luận nhưng vẫn rơi vào im lặng.
Trong thời gian qua, có rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bị gia đình tố cáo nhưng thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí ngay sau Tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dù gia đình đã báo cáo.
Nghẹt thở, trái tim đau thắt…
Trước sự việc, TS Khuất Thu Hồng bày tỏ: “Khi đọc những tin này, phản xạ đầu tiên của tôi là chối bỏ, vì không chịu nổi. Tôi phải lướt sang một tin khác, nhưng chỉ vài giây sau tôi lẩy bẩy lướt chuột để quay lại. Tôi gần như nghẹt thở, trái tim đau thắt khi đọc câu trăng trối của một bé gái “cũng vì con mà gia đình phải nhục nhã với hàng xóm…”. Tại sao lại tồn tại một nền văn hoá mà khiến một đứa trẻ phải chết để bảo vệ danh dự của mình và gia đình sau khi bị xâm hại? Tại sao những người có trách nhiệm đã không làm gì dù gia đình cháu bé đã yêu cầu được giúp đỡ? Vậy ai mới thực sự là người phải thấy nhục nhã?”.
TS. Khuất Thu Hồng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bà cảm thấy đau đớn và bức xúc như vậy.
TS. Khuất Thu Hồng bức xúc trước hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em rơi vào im lặng
“Có phải vì các cháu có lỗi vì dễ thương quá, xinh xắn quá, ngây thơ quá và bất lực? Tại sao các vụ xâm hại tình dục ngày càng gia tăng, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước? Tại sao những kẻ đồi bại đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thách thức dư luận xã hội?”, TS.Khuất Thu Hồng đặt câu hỏi.
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội phân tích, sở dĩ ngày càng có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em vì trong nền văn hoá Việt Nam, bản thân tình dục vốn bị coi là bản năng thấp kém của con người. Vì thế, nói về tình dục là việc đáng xấu hổ, nhất là chuyện xâm hại tình dục. Do đó, rất nhiều người trong khi thương hại hoặc thông cảm với nạn nhân nhưng đồng thời lại nghi ngờ hoặc chê trách họ vì đã gây sự chú ý hoặc dễ dãi hay dại dột.
Hơn nữa, những giá trị cổ hủ, quan niệm sai lầm về nam tính/nữ tính cùng với định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này đồng thời cũng là những rào cản văn hoá khiến cho bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gia tăng trong thời gian qua.
Video đang HOT
“Tôi đã phẫn nộ khi đọc tin về những bà mẹ biết con gái mình bị chính cha đẻ của chúng xâm hại tình dục trong nhiều năm nhưng vẫn câm nín. Nhưng sau khi bình tĩnh để suy ngẫm tại sao họ lại hành xử như vậy tôi lại thấy thương xót họ bội phần. Đưa vụ việc ra ánh sáng họ sẽ có nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn từ chồng, họ sẽ bị cả gia đình và cộng đồng chê trách, khinh bỉ”, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ.
Đừng đổ lỗi, đừng im lặng
Theo bà Hồng, trái với quan điểm của nhiều người, thực tế cho thấy thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật.
“Mọi người thường nghĩ trẻ em không đứng trước nguy cơ bị xâm hại tình dục nên không có giải pháp để ngăn ngừa những nguy cơ này”, bà Hồng nói.
Chiếc quần dính máu của cháu bé tại Quận Thủ Đức, TP.HCM được gia đình cho là sau khi bị xâm hại tại trường (ảnh: Gia đình cung cấp).
Theo TS. Khuất Thu Hồng, do sự kỳ thị của dư luận với nạn nhân bị bạo lực tình dục vẫn rất nặng nề nên nhiều gia đình lựa chọn im lặng trước hành vi trẻ bị xâm hại.
“Họ chọn im lặng vì nhiều khi bộc lộ không tìm được công lý mà chính họ lại là những người chịu hậu quả của sự kỳ thị. Tương lai của những đứa trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự kỳ thị của xã hội”, bà Hồng bày tỏ.
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cũng cho biết, chính bà là người vận động xoá bỏ án tử hình nhưng khi đọc về những vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến bà không khỏi sục sôi muốn kẻ ác phải đền mạng.
Tuy vậy, khi bình tĩnh lại, theo bà Hồng án tử hình không phải là giải pháp. Điều mấu chốt là thay đổi văn hoá đổ lỗi và im lặng.
“Xin hãy đừng đổ lỗi và đừng im lặng để không có thêm những em bé ở Vũng Tàu hay Hà Nội. Xin đừng im lặng để không có thêm những đứa trẻ phải quyên sinh như em bé ở Cà Mau. Tôi mong rằng cái chết của em sẽ thức tỉnh toàn xã hội để chúng ta chấm dứt sự im lặng trước tội ác”, TS.Khuất Thu Hồng nhắn nhủ.
Là cơ quan bảo vệ quyền của trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, ông đã nắm được thông tin một số vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây. Cục sẽ có văn bản gửi các địa phương yêu cầu vào cuộc. Để giảm tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, ông Nam đề xuất pháp luật và quản lý nhà nước nên quy định hành vi và khung hình phạt đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, phải điều tra, truy tố, xét xử đối với tất cả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Theo Danviet
Nỗi đau sau "sàm sỡ" đền 10 triệu đồng
Một cô giáo dạy tại một trường tiểu học vừa phải đền tiền cho 10 bé gái khi các cháu bị con trai của cô giáo này sàm sỡ. Nhưng đằng sau 10 triệu đồng đền bù cho mỗi cháu bé bị sàm sỡ này là nỗi đau...
Theo thông tin báo chí đã đưa, con trai một cô giáo của một trường tiểu học đã bị tố cáo sàm sỡ 10 bé gái đang học lớp 1 khi các em được bố mẹ gửi ở nhà cô giáo để quản lý sau buổi học. Con trai cô giáo 12 tuổi đã có hành vi sờ mó bộ phận nhạy cảm của các bé gái. Sau khi xác minh sự việc, phòng GD-ĐT đã yêu cầu ban giám hiệu và cô giáo đó đến từng nhà xin lỗi. Cô giáo cũng đã bồi thường mỗi gia đình có bé bị sàm sỡ 10 triệu đồng.
Bà Hoàng Tú Anh trong Hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội tháng 11.2016
Tôi đã từng tham gia can thiệp những trường hợp tương tự, khi người xâm hại và nạn nhân đều chỉ là những đứa trẻ. Những trường hợp này rất khó giải quyết và vô cùng đau xót cho cả gia đình có con bị hại lẫn gia đình có con là người xâm hại. Với các bé gái, những tổn thương này có thể ảnh hưởng lâu dài và với cả bé trai mới 12-13 tuổi, mặc cảm tội lỗi, sự dày vò của gia đình, sự đánh giá của xã hội... Tất cả có thể cũng sẽ theo các bé suốt cuộc đời.
Ở vụ việc này, chúng ta chỉ nhìn "kết quả" bồi thường tiền. Và có thể cho rằng, hành vi chưa gây tổn thương (thể xác) nên bồi thường thế là hợp lý. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân sâu xa đằng sau đó thì sẽ còn nhiều những em trai, em gái khác trở thành nạn nhân của những vụ việc tương tự thế này, với mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Tôi từng tư vấn cho một số bé trai đã từng xâm phạm tình dục em gái nhỏ hơn hoặc bè bạn mình. Có nhiều câu chuyện đau lòng mà nguyên nhân bắt đầu từ sự thay đổi tuổi dậy thì của bé trai đã không được gia đình để ý. Những bức bối tình dục của bé bị ngăn cấm, chối bỏ. Có ai biết rằng bé cô đơn trong chính căn nhà của mình, bối rối, sợ hãi với những đòi hỏi của cơ thể khi dậy thì mà không biết hỏi ai? Tuy nhiên, có hỏi thì một là thày cô, cha mẹ sẽ mắng át đi, sẽ kết tội các con hư thân mất nết khiến trẻ càng lo lắng. Các em sẽ tự hành động, tự tìm hiểu để thỏa sự tò mò của mình.
"Nếu người lớn tiếp tục che đậy, bác bỏ, lên án nhu cầu tình dục của trẻ em thì các em sẽ đứng trước nguy cơ trở thành người xâm hại hoặc bị xâm hại" - bà Hoàng Tú Anh
Thực tế, kể cả người lớn muốn nói chuyện với các em nhiều khi cũng không đủ kiến thức, kỹ năng để nói với các con về xâm hại tình dục và phòng ngừa xâm hại tình dục. Càng không thể "mách" cho các con cách nào để giải tỏa tình dục khi có nhu cầu.
Có người cha kể, thấy con thủ dâm anh đã bắt con không được ngủ phòng riêng mà ra phòng khách ngủ hoặc không được đóng cửa phòng hoặc đe nẹt, dọa dẫm. Đứa trẻ thấy cô đơn, bị chối bỏ, bị cho rằng nhu cầu tình dục của mình là ghê tởm. Cháu tìm cách giải tỏa bằng xem phim sex, học theo phim sex, có hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ gái khác.
Vừa kể, ông bố đó vừa khóc thương tâm, hối hận rằng sự cấm đoán của mình đã đẩy con đến chỗ phạm tội.
Với các bé gái, những tổn thương do bị xâm hại tình dục thể ảnh hưởng lâu dài và với cả bé trai mới 12-13 tuổi phạm tội xâm hại tình dục, mặc cảm tội lỗi, sự dày vò của gia đình, sự đánh giá của xã hội...có thể cũng sẽ theo bé suốt cuộc đời.
10 triệu đồng có thể giải quyết được gì trong câu chuyện này? Những hình thức kỉ luật nữa - sẽ giúp được gì? Liệu có ai dám chắc rằng sau này những chuyện như thế này không xảy ra nữa, ở trường này hay ở trường khác?
Theo tôi, sẽ tốt hơn biết bao nếu tại những nơi xảy ra sự việc, phòng GD-ĐT, chính quyền địa phương, các đoàn thể cần tổ chức ngay lập tức các buổi giáo dục kĩ năng phòng ngừa xâm hại với thầy cô giáo, phụ huynh và với các học sinh. Các cha mẹ được giới thiệu thông tin hay các lớp học về phát triển giới tính của con và nói chuyện với con. Bé trai gây tội và cha mẹ cũng được tư vấn và học các kĩ năng thay đổi hành vi và phòng tránh con mình tái diễn hành vi này, để cháu cũng không bị suy sụp, tổn thương khi đã có hành vi xấu.
Có như vậy chúng ta mới hạn chế được các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Đây là bài học đắt giá trong việc quản lý và giáo dục con cái, đặc biệt là tâm sinh lý của trẻ. .
Theo Danviet
"Đủ cơ sở khởi tố vụ cháu bé 8 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội" Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) gia hạn xác minh nghi vấn cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục. Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cháu bé cho rằng, có đủ cơ sở để cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Gia hạn để... xác minh Vụ việc gia...