Xác định thủ phạm đang gây “biến dạng” Đồng bằng Sông Cửu Long
Việc khai thác cát trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là làm xói mòn các nhánh sông, sạt lở bờ gia tăng đã làm vùng đồng bằng này thay đổi hình dạng.
Ngày 3/3, tại TP Cần Thơ, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Tổng cục Phòng, Chống Thiên tai (TCPCTT) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo Khởi động gói tư vấn xây dựng ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thực trạng khai thác cát sông ở ĐBSCL thế nào?
Khu vực ĐBSCL ở phần cuối của con sông Mekong, chủ yếu cát sông được khai thác. Hiện nay có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.
Ngân hàng cát của ĐBSCL bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng trong các năm tới.
Có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm (Ảnh: CTV).
Việc khai thác cát trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là làm xói mòn các nhánh sông, sạt lở bờ gia tăng (khoảng 500 ha/năm) đã làm vùng đồng bằng này thay đổi hình dạng.
Video đang HOT
Tại hội thảo, ông Lê Minh Chương – đại diện Bộ NN&PTNT – cho biết, hiện tại toàn khu vực ĐBSCL có đến 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở khoảng 610 km, trong đó có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127 km; nguy hiểm 137 điểm, dài 193 km.
Theo ông Chương, nguyên nhân chính gây nên sạt lở sông và kênh là do dòng chảy đồng bằng, địa chất ven biển mềm yếu, hồ chứa thượng lưu, khai thác cát, xây dựng hạ tầng ven sông và ảnh hưởng của giao thông thủy phát triển.
Khai thác cát sông thiếu quản lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông thời gian qua (Ảnh: Nguyễn Hành).
Hiện nay, cát sông vẫn được phân loại là vật liệu xây dựng thông thường trong Luật Khoáng sản năm 2010 nên việc khai thác cát trên địa bàn do UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, sử dụng và khai thác cát lòng sông. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được phân công là đơn vị quản lý và cấp phép khai thác cát sông. Chỉ những mỏ cát liên quan đến hai tỉnh thì Bộ TN&MT cấp phép.
Tuy nhiên, ở không ít địa phương vẫn diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép do nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn, trong khi việc cấp phép khai thác cát bị hạn chế. Các đối tượng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên sông sử dụng nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng (khai thác vào ban đêm, gần sáng, tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra) gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.
Chính phủ đã có động thái hạn chế và xác định hạn ngạch khai thác, tuy nhiên việc xác định chi tiết trữ lượng khai thác cát bền vững chưa có cơ sở tin cậy do thiếu dữ liệu khoa học về định lượng cát.
Khai thác cát bừa bãi sẽ gây ra hậu quả lớn
Theo các diễn giả, khai thác cát sông không bền vững sẽ gây ra hậu quả lớn cho khu vực ĐBSCL và ảnh hưởng đến sinh kế cho người dân. Vì thực tế, năng suất sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ sinh thái của vùng đồng bằng này phụ thuộc nhiều vào sự lắng đọng trầm tích. Không có dòng trầm tích (cát, bùn, sét) từ thượng nguồn và các phụ lưu của sông Mekong thì đất phù sa của đồng bằng – đã được bồi lắng qua hàng ngàn năm – sẽ biến mất vào biển. Từ năm 1994 đến 2014, lượng trầm tích đến đồng bằng đã giảm 50%.
Tình trạng sạt lở tuyến quốc lộ 91 – đoạn đi qua địa bàn huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, diễn ra vào tháng 5/2020 (Ảnh: CTV).
Nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả thì tình trạng sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải sẽ ngày càng trầm trọng, khiến hơn hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven sông Tiền và sông Hậu đứng trước nguy cơ mất nhà.
Khai thác cát không bền vững cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông.
Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững ở đây, làm gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao ở mức chưa từng có trước đây. Những áp lực môi trường này có thể phá hủy khả năng chống chịu, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học của vùng đồng bằng này.
Đứng trước những nguy cơ đó, nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng cần cấp thiết xây dựng ngân hàng cát cho khu vực ĐBSCL. Để có cơ sở cho việc xây dựng ngân hàng cát ở ĐBSCL thì công tác nghiên cứu quan trọng nhất là xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực ĐBSCL, đây được xem là những nghiên cứu đầu tiên về đề tài này ở quy mô 13 tỉnh đồng bằng.
Người dân sống tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lo lắng tình trạng sạt lở bờ sông sẽ ảnh hưởng đến nhà, vườn cây ăn trái của họ khi hay tin có đơn vị bỏ ra 3.000 tỷ đồng để trúng quyền khai thác cát (Ảnh: Nguyễn Hành).
Bên cạnh hai nghiên cứu chính nêu trên, dự án cũng thực hiện các nghiên cứu khác về tình hình khai thác, sử dụng cát ở ĐBSCL và các vùng lân cận, và sử dụng các kết quả đầu ra làm cơ sở để thúc đẩy các chủ thể chính trong ngành xây dựng Việt Nam tìm kiếm các nguồn cung ứng bền vững để thay thế cát sông.
TP Hồ Chí Minh có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn Thành phố có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Cụ thể, tại Thành phố Thủ Đức, huyện Nhà Bè cùng có 8 vị trí; huyện Cần Giờ có 6 vị trí; huyện Bình Chánh, Quận Bình Thạnh cùng có 4 vị trí...
UBND TP Hồ Chí Minh đã giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ bao, đê bao, bờ kè đảm bảo an toàn hệ thống công trình phục vụ ngăn triều, phòng, chống sạt lở.
Đối với 7/32 vị trí sạt lở trong danh mục đã được công bố nhưng chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở gồm vị trí số 4, số 8 (thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức), vị trí số 16 (thuộc địa bàn huyện Nhà Bè), vị trí số 20 (thuộc địa bàn huyện Bình Chánh), vị trí số 24, số 25, số 26 (thuộc địa bàn huyện Cần Giờ); UBND thành phố Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và huyện Bình Chánh thông báo, cảnh báo cho nhân dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở biết để chủ động phòng tránh; tổ chức vận động, bố trí lực lượng xung kích hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; khảo sát đề xuất giải pháp xử lý sạt lở cho 7 vị trí này báo cáo UBND Thành phố.
UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở thuộc thẩm quyền của địa phương, đơn vị làm chủ đầu tư, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước trong các khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư trong thời gian ngắn nhất để sớm có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự kè trên địa bàn Thành phố nhằm phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở, ngăn triều bảo vệ an toàn khu dân cư; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn (khu vực huyện Củ Chi), sông Đồng Nai (khu vực thành phố Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven biển huyện Cần Giờ.
Trên cơ sở danh mục các vị trí sạt lở đã được công bố, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở để biết và chủ động phòng tránh, ứng phó. Với các vị trí đã xảy ra sạt lở, tiến hành rào chắn, khoanh vùng ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn; bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi tạm cư an toàn; xây dựng và triển khai phương án ứng phó và xử lý cấp bách khu vực sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong số 22 loại hình thiên tai trên thế giới thì chỉ trừ sóng thần, còn Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai, khiến cho bình quân 30 năm trở lại đây, nước ta...