WTO xúc tiến đàm phán tăng nguồn cung vaccine cho các nước đang phát triển
Các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 9/6 đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức về một kế hoạch nhằm tăng cường cung ứng vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: THX/TTXVN
Một vấn đề trong kế hoạch này là ý kiến trái chiều xung quanh việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.
Dự kiến, WTO sẽ bắt đầu thảo luận từ ngày 17/6 tới để quyết định thể thức các cuộc đàm phán và lên khung tiến độ cung cấp vaccine vào ngày 21 – 22/7 khi Đại hội đồng WTO nhóm họp.
Trong những tháng qua, nhiều nước đề xuất tạm thời miễn áp dụng những nghĩa vụ phát sinh theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với vaccine ngừa COVID-19 để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Những ý kiến ủng hộ cho rằng điều này giúp tăng sản lượng vaccine tại các nước đang phát triển, nơi cho đến nay nhận được quá ít vaccine. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn cũng như các nước mà các hãng này đặt trụ sở đến nay vẫn phản đối gay gắt đề xuất, khẳng định rằng bản quyền đối với vaccine không phải là rào cản chính ảnh hưởng đến sản lượng và cảnh báo động thái này có thể cản trở sáng tạo.
Mới đây, Ấn Độ và Nam Phi đã trình lên WTO đề xuất sửa đổi, theo đó đề nghị miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine và cả các phương pháp điều trị, chẩn đoán, trang thiết bị y tế và bảo hộ cũng như các nguyên liệu và thành phần cần thiết để sản xuất những sản phẩm phòng ngừa COVID-19 này. Đến nay, đề xuất mới đã được 63 thành viên WTO ủng hộ, trong khi cần phải được tất cả 164 thành viên đồng ý mới được WTO thông qua.
* Cùng ngày, Chính phủ Na Uy thông báo từ giữa tháng 7 tới, nước này sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) cho các tình nguyện viên trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ.
Thông báo nêu rõ những người đã được khám sàng lọc và có nguyện vọng tiêm vaccine J&J kể từ ngày 15/6 sẽ được tiêm khi đáp ứng một số điều kiện nghiêm ngặt. Chỉ một số trường hợp nhất định mới đủ điều kiện tiêm vaccine này, gồm những người cần đi tới các quốc gia đang có dịch COVID-19; những người vì nhiều lý do không thể chờ tới lượt được tiêm các vaccine có sẵn khác hoặc những người có người thân đang bị ung thư nặng.
Tuy nhiên, một số tổ chức lớn tại Na Uy như Tổng cục Y tế Na Uy, Viện Y tế công và Hiệp hội Y khoa Na Uy cho rằng hiện Na Uy đã kiểm soát được dịch COVID-19, chiến dịch tiêm vaccine đang được triển khai nhanh chóng và đầy đủ với các vaccine của hãng Pfizer và Moderna, do vậy không cần phải thử nghiệm các vaccine khác có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.
Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), Na Uy là một trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất châu lục này. Trên 1,85 triệu người trong tổng số 5,4 triệu công dân Na Uy đã tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 và 1,21 triệu người đã tiêm đầy đủ cả 2 mũi.
* Cũng trong ngày 9/6, Bộ Y tế Séc khuyến cáo chỉ những người trên 60 tuổi mới nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca và Johnson & Johnson do nguy cơ đông máu.
Video đang HOT
Bộ Y tế Séc nhấn mạnh cơ quan này đưa ra quyết định trên sau khi cân nhắc các khuyến nghị của cơ quan quản lý dược phẩm SUKL và Hiệp hội Tiêm chủng Séc.
Các nhà khoa học và các cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ cũng như Châu Âu đang nghiên cứu để xác định nguyên nhân gây đông máu và hạ tiểu cầu ở một số trường hợp hiếm gặp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của một số hãng như AstraZeneca và Johnson & Johnson. Cho đến nay, các cơ quan quản lý đều cho rằng lợi ích thu được từ các vaccine của hai hãng này vẫn lớn hơn nhiều so với các nguy cơ tiềm ẩn.
* Trong diễn biến cùng ngày, Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa) đã phê duyệt tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 tiêm vaccine Butanvac cho các tình nguyện viên. Butanvac là vaccine do Viện Butantan – một trong những trung tâm nghiên cứu y sinh hàng đầu Brazil – điều chế và phát triển.
Anvisa cho biết các cuộc tiêm thử nghiệm 2 mũi vaccine Butanvac ban đầu sẽ được tiến hành trên 400 tình nguyện viên, nhưng dự kiến sau đó sẽ mở rộng thử nghiệm trên khoảng 6.000 tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên. Hiện Viện Butantan đã sản xuất được 7 triệu liều Butanvac.
* Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội (MHLW) nước này ngày 9/6 công bố báo cáo cho biết có 17 trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi là do phản ứng phụ sau tiêm vaccine Moderna.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, trong báo cáo tại hội nghị chuyên gia về phòng chống dịch COVID-19, MHLW cho biết trong số 90.241 người đã tiêm vaccine Moderna từ ngày 23 – 30/5, có 17 trường hợp từ 49 đến 96 tuổi xuất hiện phản ứng phụ sau tiêm. Tỷ lệ phản ứng phụ là 1/5.300 liều, với các triệu chứng thường thấy là phát ban, tim đập nhanh và chóng mặt. MHLW chưa ghi nhận trường hợp nào có triệu chứng sốc phản vệ sau tiêm chủng vaccine Moderna.
Đối với vaccine của hãng Pfizer-BioNTech, tính đến ngày 30/5, Nhật Bản đã tiêm 13,06 triệu liều, trong đó có 169 trường hợp sốc phản vệ, tương ứng tỉ lệ 1/77.300 liều. 139 trường hợp trong đội tuổi từ 25 đến 102 tuổi tử vong sau tiêm vaccine Pfizer, song bộ này chưa thể đánh giá mối liên quan giữa tiêm chủng và nguyên nhân tử vong do đang tiến hành nghiên cứu. MHLW cũng khẳng định ở thời điểm hiện tại, những phản ứng phụ ghi nhận của cả hai loại vaccine Pfizer, Moderna không gây ra ảnh hưởng lớn và công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ tiếp tục được thúc đẩy theo kế hoạch.
Nhật Bản đã phê duyệt ba loại vaccine ngừa COVID-19 là Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Tuy nhiên, nước này mới chỉ đưa vào tiêm chủng đại trà hai loại vaccine là Pfizer và Moderna. Đối với vaccine AstraZeneca, cơ quan chức năng của Nhật Bản cho biết sẽ cần thảo luận thêm về độ tuổi, cách thức tiêm chủng và xây dựng bộ hướng dẫn điều trị tình trạng huyết khối, tiểu cầu thấp được ghi nhận là tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine này.
Mỹ xuất khẩu hàng triệu liều vắc xin COVID-19 sắp hết hạn
Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga xác nhận nước này sẽ nhận 3 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson (J&J) từ Mỹ. Brazil chỉ còn hơn 3 tuần để sử dụng vì số vắc xin này sẽ hết hạn ngày 27-6.
Thùng đựng vắc xin J&J được chuyển tới bang Kentucky của Mỹ vào tháng 3-2021 - Ảnh: REUTERS
Trình bày trước Quốc hội Brazil ngày 8-6, ông Queiroga tỏ ra sốt ruột vì Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa cấp phép xuất khẩu 3 triệu liều vắc xin nói trên.
"Nếu FDA trì hoãn cấp phép, số vắc xin này chẳng còn hữu ích gì với chúng ta nữa. Thời gian còn lại quá ngắn", ông Queiroga nêu quan ngại trước các thượng nghị sĩ Brazil.
Lô vắc xin của J&J sẽ hết hạn vào ngày 27-6, do đó Brazil cần phải "tiêm rất nhanh", theo Bộ trưởng Queiroga.
Brazil đã ký hợp đồng mua 38 triệu liều vắc xin J&J với thời gian dự kiến giao trong cuối năm nay nhưng hy vọng có thể nhận sớm hơn để chặn đứng dịch COVID-19.
Theo nhật báo Wall Street Journal (WSJ), không chỉ Brazil mà các bệnh viện và trung tâm y tế ở Mỹ cũng đang chạy đua với thời gian để giải quyết hàng triệu liều vắc xin J&J sắp hết hạn.
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hơn 10 triệu liều vắc xin J&J sắp hết hạn trên khắp nước này.
Đây thực sự là một bài toán đau đầu cho các nhà quản lý Mỹ vì không thể bắt dân trong nước đi tiêm và cũng không thể chuyển ra nước ngoài kịp.
WSJ giải thích hàng triệu liều vắc xin J&J tồn kho là do có một khoảng thời gian ngắn loại vắc xin này bị dừng tiêm vì các lo ngại gây máu đông. Nhiều người đăng ký tiêm vắc xin J&J đã hủy lịch hẹn kể cả khi việc tiêm chủng được nối lại.
Nếu hàng triệu liều vắc xin này bị tiêu hủy, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đối mặt với nhiều chỉ trích từ các nước đang chật vật tìm nguồn cung vắc xin, theo WSJ .
Nhân viên y tế chuẩn bị các mũi tiêm vắc xin J&J ở Houston, bang Texas - Ảnh chụp màn hình NYT
Một số bang đề nghị chính quyền liên bang chuyển số vắc xin sắp tới hạn cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), không phải quốc gia nào cũng sẵn lòng tiếp nhận hoặc không có đủ nguồn lực để tiêm phòng diện rộng trong thời gian ngắn.
Khó khăn còn nằm ở chỗ các quy định của chính quyền liên bang Mỹ. Một quan chức bang Ohio than thở với báo New York Times về việc không thể chuyển vắc xin sắp hết hạn cho các bang hoặc quốc gia đang cần.
Theo vị này, có nhiều quy định của liên bang cấm thu hồi vắc xin được phân phối cho tiểu bang, kể cả khi chúng không thực sự phục vụ nhu cầu địa phương.
Ông Andy Slavitt, một cố vấn của Nhà Trắng về COVID-19, gợi ý thống đốc các bang có vắc xin dư và sắp hết hạn nên tham khảo ý kiến của FDA. Theo ông Slavitt, cơ quan này có thể hỗ trợ cách lưu kho và kéo dài thời hạn sử dụng.
Một phát ngôn viên của FDA từ chối bình luận về vấn đề và đề nghị nên hỏi trực tiếp hãng sản xuất cách tăng thời hạn sử dụng vắc xin.
Trong cuộc họp báo ngày 8-6, ông Slavitt cho rằng việc tiêu hủy vắc xin hết hạn là điều khó tránh khỏi ở Mỹ nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến việc Mỹ giúp các nước khác.
Chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết chia sẻ hơn 80 triệu liều vắc xin cho thế giới trước cuối năm 2021. Khoảng 25 triệu liều sẽ được chuyển cho các nước ở Mỹ Latin, Đông Nam Á, châu Phi và Palestine ngay trong tháng này.
Vắc xin J&J từng được gọi là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" vì chỉ cần tiêm 1 liều thay vì 2 liều như các vắc xin đối thủ khác.
Loại vắc xin này có thể bảo quản 3 tháng trong tủ lạnh thông thường. Theo báo New York Times , nhu cầu với vắc xin J&J đã giảm dần đều trên khắp nước Mỹ do các lo ngại về rủi ro có thể có.
Vắc xin Trung Quốc hiệu quả đến đâu? Dù vắc xin COVID-19 của Trung Quốc có hiệu quả thấp hơn 7 loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới thông qua như Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca... nhưng lại mang đến hy vọng cho nhiều nước nghèo và đang phát triển. Vắc xin Trung Quốc - Dữ liệu: Bảo Anh tổng hợp (Thx, CgTn, CoViD Vaccine Tracker)...