WHO và các tổ chức tài chính lớn hối thúc ưu tiên vaccine cho các nước nghèo
Bốn trong số những tổ chức y tế, thương mại và tài chính lớn nhất thế giới đã đề nghị các hãng bào chế vaccine ngừa COVID-19 ưu tiên cung cấp cho các nước nghèo hơn để có nguồn lực đối phó với “tình trạng thiếu (vaccine) nghiêm trọng và đáng báo động” hiện nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 21/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuyên bố chung ra ngày 31/7, lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới ( WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh hiện là thời điểm các nước đã tiến xa trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của mình chia sẻ nguồn vaccine cho các nước nghèo hơn.
Tuyên bố tái khẳng định tính cấp bách của việc cung cấp khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, các xét nghiệm và các phương pháp điều trị cho mọi người dân trên khắp thế giới. Trong vấn đề vaccine phòng bệnh, hạn chế lớn nhất hiện nay chính là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cho các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là trong những tháng còn lại của năm 2021.
Các tổ chức trên kêu gọi các quốc gia đã triển khai thành công chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng chia sẻ nguồn vaccine của mình cho các nước thu nhập thấp hoặc trung bình cũng như thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX hay AVAT (Tổ chức tín thác châu Phi mua lại vaccine).
Tuyên bố cũng nhấn mạnh các hợp đồng giao vaccine phòng COVID-19 cho các nước nghèo hơn đang bị trì hoãn và hiện mới chỉ có khoảng 5% số lượng vaccine theo hợp đồng được chuyển tới các nước. Trước thực tế này, WHO, WTO, IMF và WB đã hối thúc các nhà sản xuất vaccine tăng công suất dành cho các nước nghèo và đảm bảo ưu tiên cung cấp vaccine thông qua cơ chế COVAX và các nước thu nhập thấp, trung bình, thay vì chú trọng quảng bá cho các liều vaccine tăng cường (mũi tiêm thứ ba) và các hoạt động khác.
Ngoài ra, chính phủ các nước cũng cần giảm bớt hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đối với xuất khẩu vaccine và các thành phần bào chế vaccine cũng như nhấn mạnh tới sự cần thiết tháo gỡ nút thắt của chuỗi cung ứng.
Video đang HOT
Theo hãng tin AFP của Pháp, các nước trên toàn thế giới hiện đã tiêm hơn 4 tỷ liều vaccine phòng COVID-19. Ở các nước được WB xếp vào nhóm thu nhập cao, tỷ lệ tiêm chủng là 98,2 liều/100 người. Tỷ lệ này giảm xuống còn 1,6 liều/100 người ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.
Từ bài toán công bằng đến chủ động sử dụng hiệu quả vaccine
Hơn 1 tháng trở lại đây, tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại hầu hết các nước trên thế giới đều được đẩy nhanh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Sao Paulo, Brazil, ngày 25/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ nhiều nước, điển hình như Việt Nam, đã tích cực triển khai "ngoại giao vaccine" để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vaccine từ bên ngoài, trong khi việc phân phối vaccine từ các hãng dược, hoạt động của cơ chế đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine COVAX và nguồn tài trợ từ các nước phát triển cho các nước thu nhập thấp đã ổn định hơn.
Mới đây nhất, COVAX và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề ra cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. Theo kế hoạch này, các quốc gia trong điều kiện phù hợp có thể thông qua COVAX được mua trước vaccine với giá cạnh tranh từ các nhà sản xuất và WB sẽ giúp thanh toán chi phí thông qua các dự án tài chính hiện có.
Nguồn cung tăng lên, nhưng việc phụ thuộc chủ yếu vào cơ chế tài trợ hay hoạt động sản xuất vaccine chỉ tập trung ở một số nước và khu vực khiến các nước thu nhập thấp luôn ở thế bị động trong nỗ lực đảm bảo vaccine tiêm chủng đại trà. Một minh chứng điển hình là việc tháng 5 vừa qua, cơ chế COVAX không có đủ 140 triệu liều vaccine dự định phân phối cho các nước thu nhập thấp khi Ấn Độ ngừng cung cấp vaccine để tập trung tiêm chủng cho người dân trong nước đang chống chọi với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng. Từ đó, câu chuyện công bằng vaccine vẫn là vấn đề nổi cộm.
Theo thống kê mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gần 40% dân số các nền kinh tế phát triển đã được tiêm đủ liều vaccine, trong khi tỷ lệ này ở các nền kinh tế đang nổi là 11%, chưa nói tới các nước thu nhập thấp. Số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy trong số 3,93 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên khắp thế giới, chỉ 0,3% trong số đó được tiêm cho những người ở 29 quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới, vốn chiếm 9% dân số thế giới. Theo dự kiến, chương trình COVAX sẽ phân phối 2 tỷ liều vaccine toàn cầu trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nước nghèo hơn vào đầu năm 2022. Tuy nhiên tính tới thời điểm này, COVAX mới phân phối được khoảng 136 triệu liều vaccine COVID-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định rằng chính việc vaccine ngừa COVID-19 chưa được phân phối một cách công bằng và hợp lý đã khiến thế giới phải chứng kiến làn sóng lây nhiễm và tử vong mới do biến thế Delta. WHO cũng chỉ ra rằng để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine và các hãng dược thực hiện đầy đủ những cam kết về phân phối vaccine, thì việc mở rộng sản xuất là yếu tố quyết định, trong đó quan trọng là chia sẻ bí quyết và công nghệ với các công ty khác có khả năng sản xuất hoặc miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với một số sản phẩm nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, sau 9 tháng tranh luận, thế giới vẫn chưa có câu trả lời đối với vấn đề miễn trừ bản quyền vaccine ngừa COVID-19, theo đề xuất được Ấn Độ và Nam Phi đưa ra từ tháng 10/2020. Trong cuộc họp của WTO tại trụ sở chính ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 27/7, các bên đều nhất trí cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine, nhưng liệu dỡ bỏ bản quyền vaccine có phải cách tốt nhất hay không thì vẫn là câu chuyện còn để ngỏ. Các hãng dược phẩm cùng quốc gia đặt trụ sở các hãng này phản đối ý tưởng trên, với lý do bản quyền không phải rào cản lớn nhất đối với việc mở rộng sản xuất trong khi dỡ bỏ bản quyền có thể cản trở đổi mới sáng tạo.
Ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã trấn an các hãng dược rằng việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine chỉ cần được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn từ một đến hai năm chứ không phải vĩnh viễn. Ông Ghebreyesus khẳng định việc miễn trừ chỉ là biện pháp tạm thời để kiểm soát dịch bệnh khi mà COVID-19 đã khiến hơn 4 triệu người tử vong trên toàn thế giới và có thể sẽ tiếp tục tăng, trong bối cảnh nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn đã được các chuyên gia đề cập đến. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, việc tạm thời từ bỏ bản quyền vaccine sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu có được 11 tỷ liều vaccine để tiêm cho khoảng 70% người dân toàn thế giới vào giữa năm 2022.
So với 9 tháng trước, hiện các nước có nhu cầu và năng lực sản xuất vaccine đã tăng lên đáng kể. Theo người phát ngôn WTO Keith Rockwell, hiện các quốc gia Senegal, Bangladesh, Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Maroc và Ai Cập đang "dư thừa năng lực sản xuất" nhưng lại thiếu công nghệ, kỹ thuật, bí quyết sản xuất vaccine, bởi vậy chỉ có dỡ bỏ bản quyền vaccine mới khắc phục được những hạn chế này. Ông Rockwell nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp để khai thác "năng lực chưa được sử dụng" này.
Tuy nhiên, việc các nước thành viên WTO vẫn chưa đạt được đồng thuận về dỡ bỏ bản quyền vaccine phòng COVID-19 đang tạo lực cản đối với các nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng toàn cầu do nguồn cung vaccine dành cho các nước thu nhập thấp vẫn có nguy cơ bị gián đoạn, chậm trễ.
Trong bối cảnh đó, ngoài việc phát huy nội lực nghiên cứu để tự sản xuất vaccine, các nước thu nhập thấp đang tập trung nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn vaccine hiện có để có thể chủ động kiểm soát dịch bệnh. Một trong những biện pháp chủ chốt là ưu tiên sử dụng vaccine cho những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm, đặc biệt như các nhân viên làm việc ở tuyến đầu chống dịch, hoặc những người có nguy cơ cao tử vong nếu mắc bệnh.
Philippines hiện ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng nhân viên y tế, người cao tuổi và người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Người trên 60 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên tuyến đầu là những nhóm được ưu tiên ở Lào, sau đó mở rộng ra các nhóm đối tượng khác. Ngay đối với các nước có nguồn cung dồi dào, như Israel, trong giai đoạn đầu cũng ưu tiên nhân viên y tế, người trên 65 tuổi và người mắc bệnh mãn tính.
Vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm mọi nguồn cung vaccine, đặc biệt thông qua "ngoại giao vaccine" được triển khai bài bản, quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, nhằm bảo đảm mọi người dân đều được bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 11 triệu liều vaccine hỗ trợ từ các nước và các đối tác, trong đó có cơ chế COVAX. Trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt và sử dụng hiệu quả nguồn vaccine, Chính phủ Việt Nam đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19, trong đó tập trung ưu tiên cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, những địa phương có diễn biến dịch phức tạp.
Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Còn ở thời điểm hiện tại, trong số vaccine đã về Việt Nam và sắp về trong thời gian trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương là điểm nóng nhất của dịch bệnh được phân bổ nhiều nhất. Đây cũng là địa phương tới nay đã tiêm nhiều nhất cho người dân, cả về số lượng mũi tiêm cũng như tỷ lệ người được tiêm so với tổng số dân.
Ngày 10/7, Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022. Tính đến hết ngày 29/7, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.529.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 liều, tiêm mũi 2 là 546.402 liều.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ trương đẩy mạnh việc nghiên cứu, bào chế vaccine ở trong nước nhanh nhất có thể nhằm tự lực về vaccine. Bộ Y tế cũng đã ký kết 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine phòng COVID-19 với các đối tác ở Nga, Mỹ, Nhật Bản... Tất cả những biện pháp trên có thể giúp Việt Nam chủ động hơn nữa nguồn vaccine.
Tiến sĩ Takeshi Kasa, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã đánh giá cao cách tiếp cận đúng đắn và hiệu quả của Việt Nam đối với vaccine. Cụ thể, Việt Nam có cách tiếp cận "5K vaccine", coi vaccine là công cụ quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh, nhưng không dựa hoàn toàn vào vaccine mà cần kết hợp chặt chẽ với các biện pháp phòng, chống dịch khác. Bên cạnh đó, Việt Nam có sự đầu tư đều đặn cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong việc tìm kiếm, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.
Sau nhiều đợt tấn công của COVID-19 trong gần 2 năm qua, viễn cảnh phải sống chung với đại dịch ngày càng được nhiều người chấp nhận. Thế giới cũng khẳng định tiêm vaccine là giải pháp chống dịch bền vững, căn cơ và chủ động, bên cạnh việc thực hiện những biện pháp như đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách. Tuy nhiên, trước mắt, khi nguồn cung vẫn bấp bênh và vấn đề phân phối công bằng vaccine vẫn là thách thức, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, chủ động sử dụng thật hiệu quả và an toàn lượng vaccine hiện có là lựa chọn tối ưu.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới ngày 29/7 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 29/7 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 196.908.515 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.207.661 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 178.275.949 ca. Khu vực Đông Nam Á hiện đang là tâm dịch của thế giới khi số ca mắc mới và tử vong trong ngày luôn ở...