WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm
Ngày 21/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới có thể sớm chứng kiến sự gia tăng của các biến thể virus SAR-CoV-2 dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với biến thể Delta hiện nay.
Cư dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách tại Hong Kong, Trung Quốc khi dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại phiên họp thứ 138 của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng càng lây nhiễm nhiều thì càng có nhiều biến thể mới xuất hiện, có thể còn nguy hiểm hơn cả biến thể Delta hiện nay. Cũng theo ông Ghebreyesus, càng nhiều biến thể thì càng có nhiều khả năng một trong số chúng có thể kháng các loại vaccine đang có, khiến công cuộc nghiên cứu phải “bắt đầu lại từ đầu”.
Người đứng đầu WHO nhận định thế giới đang đứng trước một làn sóng dịch COVID-19 khác và một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc tiếp cận vaccine bất bình đẳng. Thống kê cho thấy hiện chỉ có 1% dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, so với hơn 50% dân số ở các quốc gia phát triển. Ông khẳng định sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine, cùng các bộ xét nghiệm và phương pháp điều trị không chỉ góp phần gây ra “tình trạng hỗn loạn kinh tế xã hội” mà còn làm gia tăng lây lan.
Chính vì vậy, điều quan trọng là phải đạt được một số mục tiêu, vốn đã được WHO đưa ra trước đây cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có việc tiêm cho ít nhất 10% dân số ở mỗi quốc gia vào tháng 9 tới, ít nhất 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.
Video đang HOT
Cùng ngày, Indonesia thông báo đã ghi nhận 1.383 ca tử vong do mắc COVID-19, mức trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 33.772 ca nhiễm mới. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng gần 3 triệu ca nhiễm, trong đó có 77.000 người không qua khỏi.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, số lượng xét nghiệm COVID-19 tại quốc gia này đã sụt giảm mạnh từ ngày 18-20/7, với mức giảm lên tới 68,73% so với 3 ngày trước đó. Indonesia đã xét nghiệm cho 185.321 người trong ngày 15/7, 179.216 người trong ngày 16/7 và 188.551 người trong ngày 18/7. Trong khoảng thời gian đó, số ca mắc COVID-19 mới cũng tăng vọt, đạt mức kỷ lục 56.757 ca trong ngày 15/7.
Tuy nhiên, số người được xét nghiệm COVID-19 chỉ đạt 138.046 người vào ngày 18/7, 127.461 người vào ngày 19/7 và 114.674 người vào ngày 20/7. Điều này đã kéo tụt số ca dương tính được phát hiện trong ngày. Cụ thể, Indonesia chỉ xác nhận 44.721 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 18/7, 34.257 ca trong ngày 19/7. Số ca mắc mới tăng không đáng kể trong ngày 20/7 với 38.325 ca.
Người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Wiku Adisasmito cho biết một trong những nguyên nhân khiến số lượng xét nghiệm giảm mạnh trong những ngày qua là do chậm trễ trong việc nhập số liệu từ các cơ sở xét nghiệm.
Cũng trong ngày 21/7, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) thông báo ghi nhận thêm 1.832 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 16/1 vừa qua. Giới chuyên gia cảnh báo Nhật Bản có thể sẽ hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 5 dịch COVID-19, với số ca nhiễm mới tăng mạnh trước thềm lễ khai mạc Olympic Tokyo, dự kiến vào ngày 23/7 tới. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo tình huống “nghiêm trọng” ở Tokyo, khi số ca nhiễm mới có thể tăng cao hơn vào đầu tháng 8 tới.
WHO: Biến thể Delta đã được ghi nhận tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ
Trong bản tin dịch tễ học hằng tuần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/7, tính từ ngày 13-20/7, biến thể Delta đã được phát hiện thêm ở 13 quốc gia, đưa tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm biến thể này lên con số 124.
WHO nhấn mạnh khu vực ghi nhận các ca nhiễm biến thể cần quan tâm (VOC) gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta tiếp tục được mở rộng, trong đó Delta có thể nhanh chóng vượt qua các biến thể khác trở thành biến thể "thống trị" trên toàn cầu trong những tháng tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, WHO cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây lan trên toàn cầu của cả 4 loại VOC, trong đó Alpha đã được phát hiện ở 180 quốc gia, Beta được ghi nhận ở 130 quốc gia, Gamma được phát hiện tại 78 quốc gia.
Theo số liệu của WHO, trong tuần từ 13-20/7, thế giới đã có hơn 3,4 triệu ca mắc mới COVID-19 và hơn 56.000 ca tử vong, tăng lần lượt so với tuần trước đó 12% và 1%, qua đó đưa tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát lên 190.671.330 ca, trong đó có 4.098.758 người không qua khỏi.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) xác nhận đã có 647 trường hợp mắc COVID-19 ngay cả sau khi được tiêm vaccine đủ liều. Trong số này, 364 người đã được tiêm vaccine của Johnson & Johnson, 145 người tiêm vaccine của Pfizer và 138 người tiêm vaccine của AstraZeneca.
KDCA cho biết các trường hợp tương tự có thể tăng lên khi nước này tăng tốc chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, mặc dù tỷ lệ các trường hợp này là rất thấp.
Theo nhà chức trách Hàn Quốc, ngay cả sau khi tiêm phòng đầy đủ, một người vẫn có thể mắc COVID-19, song những ca bệnh này thường có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Trong khi đó, cùng ngày, 17 nhân viên làm việc tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Do đó, hơn 65% chuyến bay tại sân bay này đã bị hủy chuyến. Nhà chức trách sân bay đã tiến hành khử khuẩn tại nhà ga số 2, nơi có nhiều chuyến bay quốc tế.
Hơn 4 triệu dân mạng Trung Quốc đòi điều tra nguồn gốc COVID-19 ở Mỹ Theo báo Global Times ngày 21-7, tính tới sáng 21-7, hơn 4 triệu cư dân mạng Trung Quốc đã ký vào đơn kiến nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra phòng thí nghiệm Fort Detrick của Mỹ về nguồn gốc COVID-19. Phòng thí nghiệm Fort Detrick, Mỹ - Ảnh: AFP Global Times cho biết số chữ ký vẫn đang tiếp...