WHO bổ sung vaccine HPV thứ tư ngừa ung thư cổ tử cung
Trong thông báo mới đây của WHO cho biết, vaccine ngừa virus papilloma ở người ( HPV) thứ tư – Cecolin – đã được WHO tiền thẩm định, có thể sử dụng theo lịch tiêm một liều duy nhất.
Cột mốc quan trọng này sẽ góp phần cải thiện nguồn cung vaccine HPV bền vững, cho phép nhiều bé gái hơn được tiếp cận với vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết, không giống như hầu hết các loại ung thư khác, chúng ta có khả năng loại bỏ ung thư cổ tử cung. Bằng cách thêm một lựa chọn nữa cho lịch tiêm vaccine HPV một liều, chúng ta đã tiến thêm một bước nữa đến việc đưa ung thư cổ tử cung vào lịch sử.
Hơn 95% trong số 660.000 ca ung thư cổ tử cung xảy ra trên toàn cầu mỗi năm là do HPV gây ra. Cứ 2 phút có 1 phụ nữ tử vong do căn bệnh có thể phòng ngừa này trên toàn cầu và 90% số ca tử vong này xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong số 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ung thư cổ tử cung, có 19 quốc gia ở Châu Phi.
Vaccine HPV giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Việc triển khai vaccine HPV đã bị cản trở do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu kể từ năm 2018 và những thách thức về sản xuất mà một trong những nhà sản xuất gặp phải vào đầu năm nay đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thêm, có khả năng ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em gái cần tiêm vaccine HPV ở Châu Phi và Châu Á.
TS. Kate O’Brien, Giám đốc Bộ phận Tiêm chủng, Vaccine và Sinh phẩm của WHO cho biết: “Mục tiêu của trụ cột đầu tiên trong chiến lược toàn cầu của WHO về loại trừ ung thư cổ tử cung là tiêm đủ 90% trẻ em gái trước 15 tuổi. Với những thách thức liên tục về nguồn cung, việc bổ sung sản phẩm vaccine một liều này, các quốc gia sẽ có nhiều lựa chọn vaccine hơn để tiếp cận được nhiều trẻ em gái hơn”.
Video đang HOT
Dữ liệu toàn cầu công bố ngày 15/7/2024 cho thấy, tỷ lệ tiêm vaccine HPV một liều ở trẻ em gái từ 9-14 tuổi đã tăng từ 20% vào năm 2022 lên 27% vào năm 2023.
Năm 2023, 37 quốc gia đã triển khai lịch tiêm một liều. Tính đến ngày 10/9/2024, 57 quốc gia đang triển khai lịch tiêm một liều. WHO ước tính rằng việc áp dụng lịch tiêm một liều đã giúp ít nhất 6 triệu trẻ em gái được tiêm vaccine HPV vào năm 2023.
Đầu năm nay, các quốc gia và đối tác đã cam kết gần 600 triệu USD tài trợ mới cho mục tiêu xóa bỏ ung thư cổ tử cung. Nguồn tài trợ bao gồm 180 triệu đô la Mỹ từ Quỹ Bill & Melinda Gates, 10 triệu đô la Mỹ từ UNICEF và 400 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng Thế giới. Cùng với cam kết liên tục mạnh mẽ của Gavi, các khoản đầu tư này sẽ giúp đẩy nhanh việc triển khai và tăng cường phạm vi bao phủ của vaccine HPV ở trẻ em gái vào năm 2030.
Một virus phổ biến gây bệnh ung thư nguy hiểm cho nữ giới đang bị xem nhẹ
85% phụ nữ có khả năng nhiễm virus Human Papilloma (HPV) một lần trong đời khi họ có ít nhất một bạn tình (1).
Một số týp HPV có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm, đồng thời là nguyên nhân gây nên gần 100% ca ung thư cổ tử cung ở nữ giới (2).
HPV và những căn bệnh nguy hiểm mà virus này có thể gây ra
HPV - Human Papillomavirus, là một loại virus gây u nhú ở người. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định hơn 100 týp HPV, trong đó có ít nhất 40 týp lây lan qua đường tình dục (3) với nguy cơ gây tổn thương tiền ung thư, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo, ung thư ngoài đường sinh dục cũng như ung thư hầu họng.
HPV gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, HPV là nguyên nhân gây ra gần 100% số ca ung thư cổ tử cung. Đây là căn bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở nữ giới, cướp đi mạng sống của 300.000 phụ nữ mỗi năm trên toàn cầu, trong đó 85% đến từ các nước đang phát triển (4). Chỉ riêng tại Việt Nam, cứ mỗi ngày trôi qua, có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung (5).
Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể đào thải HPV trong một hoặc hai năm mà không cần chữa trị (6). Nhưng cho đến khi cơ thể tự đào thải hoàn toàn virus, mỗi người có thể lây nhiễm HPV cho người khác qua đường miệng, âm đạo và hậu môn khi quan hệ tình dục. Phần lớn các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây lan cho người khác.
Khi nữ giới mắc ung thư cổ tử cung do HPV, các triệu chứng như tiết dịch bất thường, chảy máu sau khi quan hệ...(7) thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh phụ khoa. Đến khi người bệnh phát hiện cũng là lúc ung thư cổ tử cung đã ở mức độ nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa những hệ lụy do ung thư cổ tử cung gây nên bằng việc hiểu đúng về HPV
Mỗi năm có hàng trăm nghìn phụ nữ trên thế giới đang chống chọi với cơn đau khi mắc ung thư cổ tử cung. Không chỉ gây nên nỗi đau thể xác, căn bệnh này còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, hạnh phúc gia đình. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ phải cắt đi cổ tử cung và buồng trứng để loại bỏ tế bào ung thư lan rộng, điều này cũng đồng nghĩa họ sẽ phải mất đi thiên chức làm mẹ. Căn bệnh này cũng gây áp lực kinh tế cho người bệnh của như gia đình của họ khi chi phí điều trị bệnh đắt đỏ.
Ung thư cổ tử cung gây nên nhiều đau đớn về thể xác lẫn tinh thần ở phái nữ.
Trước những hệ lụy nặng nề mà ung thư cổ tử cung gây nên cho phụ nữ, gia đình và cả cộng đồng, việc ngăn ngừa căn bệnh này là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO đã khởi xướng chiến dịch toàn cầu cùng tham vọng loại bỏ ung thư cổ tử cung vào năm 2030, kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện phòng ngừa HPV cho 90% trẻ em gái trước 15 tuổi (8).
Nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động dự phòng HPV, khám và sàng lọc ung thư cổ tử cung chính là chìa khóa để phòng ngừa và kiểm soát căn bệnh này. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn tin rằng nếu họ trên 27 tuổi và đã quan hệ tình dục thì không còn phù hợp với các phương pháp dự phòng HPV.
Với sự tiến bộ của y học, phụ nữ ở độ tuổi nào cũng có thể chủ động dự phòng HPV, ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Bắt đầu từ độ tuổi 21, phái nữ nên chú trọng hơn trong việc sàng lọc ung thư cổ tử cung. WHO khuyến khích phụ nữ nên sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu suất cao ở tuổi 35 và một lần nữa vào tuổi 45 (9). Bên cạnh đó, dự phòng HPV ở độ tuổi thiếu niên là cách hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm HPV, ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến loại virus này.
Phụ nữ hiện đại luôn có những phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Tại Việt Nam, ước tính 1 USD đầu tư vào chương trình ngăn ngừa ung thư cổ tử cung có thể mang lại lợi ích kinh tế từ 5 - 11 USD. Số tiền này sẽ tăng lên từ 8 - 20 USD nếu kết hợp lợi ích kinh tế và xã hội (10). Khi ung thư cổ tử cung được loại bỏ, mỗi phụ nữ đều có thể yên tâm vui sống, phát triển sự nghiệp, dành thời gian cho bản thân, vun vén hạnh phúc gia đình.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng phụ nữ. Nhưng bằng việc chủ động dự phòng HPV, sàng lọc ung thư cổ tử cung, mỗi phụ nữ dù độ tuổi nào cũng đều có thể phòng tránh căn bệnh này.
Vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được WHO sơ duyệt Động thái sơ duyệt vaccine của hãng dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic mở đường cho các nước đang phát triển có thể tiếp cận được vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ Jynneos do Hãng dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic phát triển, tại Los Angeles, California (Mỹ). (Ảnh: Getty...